Chính sách trợ giúp pháp lý cho người cao tuổi

10/02/2022
Xem cỡ chữ Đọc bài viết In trang Google

Theo báo cáo của Tổng cục Thống kê, đến cuối năm 2018, cả nước có 11.313.200 người cao tuổi, chiếm khoảng 11,95% dân số.

 
1. Khái quát về tình hình người cao tuổi tại Việt Nam
Theo báo cáo của Tổng cục Thống kê, đến cuối năm 2018, cả nước có 11.313.200 người cao tuổi, chiếm khoảng 11,95% dân số. Trong đó có 5.734.900 người cao tuổi nữ (chiếm 50,7%), 7.293.600 người cao tuổi sống ở khu vực nông thông (chiếm 65%); tỷ lệ người cao tuổi là người dân tộc thiểu số chiếm gần 10%, tỷ lệ người cao tuổi thuộc hộ nghèo khoảng 25,2% (2017). Cả nước có 1.990.000 người từ 80 tuổi trở lên (chiếm 17,6% tổng số người cao tuổi), trong đó 972.700 người là nữ. Số người cao tuổi đang hưởng lương hưu và trợ cấp bảo hiểm xã hội là 3,1 triệu người; hơn 1,6 triệu người cao tuổi được nhận trợ cấp hàng tháng; gần 1,4 triệu người cao tuổi nhận trợ cấp người có công với cách mạng.
2. Người cao tuổi thuộc diện được trợ giúp pháp lý
Trong lĩnh vực trợ giúp pháp lý, theo quy định của Luật Trợ giúp pháp lý năm 2006 thì có 06 nhóm đối tượng được trợ giúp pháp lý, trong đó có người già cô đơn không nơi nương tựa. Năm 2017, Quốc hội thông qua Luật Trợ giúp pháp lý năm 2017 (thay thế Luật Trợ giúp pháp lý 2006), trong đó quy định người cao tuổi có khó khăn về tài chính là đối tượng được trợ giúp pháp lý miễn phí. Theo quy định của Nghị định số 144/2017/NĐ-CP ngày 15/12/2017 quy định chi tiết một số điều của Luật Trợ giúp pháp lý. Theo đó, điều kiện khó khăn về tài chính của người được trợ giúp pháp lý là người thuộc hộ cận nghèo hoặc là người đang hưởng trợ cấp xã hội hàng tháng theo quy định của pháp luật. Thông tư số 08/2017/TT-BTP ngày 15/11/2017 của Bộ Tư pháp ban hành quy định chi tiết một số điều của Luật Trợ giúp pháp lý và hướng dẫn giấy tờ trong hoạt động trợ giúp pháp lý quy định rõ những giấy tờ cần có để chứng minh là người cao tuổi có khó khăn về tài chính.
  Ngoài ra, người cao tuổi cũng được hưởng trợ giúp pháp lý khi thuộc một trong các trường hợp sau:
+ Người cao tuổi là người có công với cách mạng,
+ Người cao tuổi là người thuộc hộ nghèo,
+ Người cao tuổi là người dân tộc thiểu số cư trú ở vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn;
+ Người cao tuổi là cha đẻ, mẹ đẻ, vợ, chồng, con của liệt sĩ và người có công nuôi dưỡng khi liệt sĩ còn nhỏ có khó khăn về tài chính;
+ Người cao tuổi là người nhiễm chất độc da cam có khó khăn về tài chính;
+ Người cao tuổi là người khuyết tật có khó khăn về tài chính;
+ Người cao tuổi là nạn nhân trong vụ việc bạo lực gia đình có khó khăn về tài chính;
+ Người cao tuổi là nạn nhân của hành vi mua bán người theo quy định của Luật Phòng, chống mua bán người có khó khăn về tài chính;
+ Người cao tuổi là người nhiễm HIV có khó khăn về tài chính.
3. Quyền và nghĩa vụ của người cao tuổi là người được trợ giúp pháp lý
Quyền của người cao tuổi là người được trợ giúp pháp lý
-  Được trợ giúp pháp lý mà không phải trả tiền, lợi ích vật chất hoặc lợi ích khác.
- Tự mình hoặc thông qua người thân thích, cơ quan, người có thẩm quyền tiến hành tố tụng hoặc cơ quan, tổ chức, cá nhân khác yêu cầu trợ giúp pháp lý.
- Được thông tin về quyền được trợ giúp pháp lý, trình tự, thủ tục trợ giúp pháp lý khi đến tổ chức thực hiện trợ giúp pháp lý và các cơ quan nhà nước có liên quan.
- Yêu cầu giữ bí mật về nội dung vụ việc trợ giúp pháp lý.
- Lựa chọn một tổ chức thực hiện trợ giúp pháp lý và người thực hiện trợ giúp pháp lý tại địa phương trong danh sách được công bố; yêu cầu thay đổi người thực hiện trợ giúp pháp lý khi người đó thuộc một trong các trường hợp quy định tại khoản 1 và khoản 2 Điều 25 của Luật Trợ giúp pháp lý.
- Thay đổi, rút yêu cầu trợ giúp pháp lý.
- Được bồi thường thiệt hại theo quy định của pháp luật.
- Khiếu nại, tố cáo về trợ giúp pháp lý theo quy định của Luật này và quy định khác của pháp luật có liên quan.
Nghĩa vụ của người cao tuổi là người được trợ giúp pháp lý
- Cung cấp giấy tờ chứng minh là người được trợ giúp pháp lý.
- Hợp tác, cung cấp kịp thời, đầy đủ thông tin, tài liệu, chứng cứ có liên quan đến vụ việc trợ giúp pháp lý và chịu trách nhiệm về tính chính xác của thông tin, tài liệu, chứng cứ đó.
- Tôn trọng tổ chức thực hiện trợ giúp pháp lý, người thực hiện trợ giúp pháp lý và cơ quan, tổ chức, cá nhân khác có liên quan đến vụ việc trợ giúp pháp lý.
- Không yêu cầu tổ chức thực hiện trợ giúp pháp lý khác trợ giúp pháp lý cho mình về cùng một vụ việc đang được một tổ chức thực hiện trợ giúp pháp lý thụ lý, giải quyết.
- Chấp hành pháp luật về trợ giúp pháp lý và nội quy nơi thực hiện trợ giúp pháp lý.
4. Lĩnh vực, hình thức trợ giúp pháp lý cho người cao tuổi thuộc người được trợ giúp pháp lý
Trợ giúp pháp lý được thực hiện trong các lĩnh vực pháp luật, trừ lĩnh vực kinh doanh, thương mại.
Các hình thức trợ giúp pháp lý gồm: Tham gia tố tụng, tư vấn pháp luật, đại diện ngoài tố tụng.
5. Tổ chức và người thực hiện trợ giúp pháp lý cho người cao tuổi
Tổ chức và người thực hiện trợ giúp pháp lý từng bước được kiện toàn theo quy định của Luật Trợ giúp pháp lý 2017. Tổ chức thực hiện trợ giúp pháp lý gồm 63 Trung tâm trợ giúp pháp lý nhà nước đặt tại 63 tỉnh/thành phố và tổ chức tham gia trợ giúp pháp lý. Tổ chức tham gia trợ giúp pháp lý gồm: (1)  tổ chức hành nghề luật sư, tổ chức tư vấn pháp luật ký kết hợp đồng thực hiện trợ giúp pháp lý với Sở Tư pháp; (2) tổ chức hành nghề luật sư, tổ chức tư vấn pháp luật đăng ký tham gia trợ giúp pháp lý.
Đội ngũ người thực hiện trợ giúp pháp lý gồm: (1) Trợ giúp viên pháp lý; (2) luật sư (luật sư gồm: (i) luật sư thực hiện trợ giúp pháp lý theo hợp đồng với Trung tâm trợ giúp pháp lý nhà nước; (ii) luật sư thực hiện trợ giúp pháp lý của tổ chức tham gia trợ giúp pháp lý); (3) tư vấn viên pháp luật có 02 năm kinh nghiệm tư vấn pháp luật trở lên làm việc tại tổ chức tham gia trợ giúp pháp lý; (4) cộng tác viên trợ giúp pháp lý. Đội ngũ này được củng cố theo hướng chuyên nghiệp, tập trung vào vụ việc trợ giúp pháp lý, đặc biệt là vụ việc trợ giúp pháp lý theo hình thức tham gia tố tụng.
6. Hồ sơ yêu cầu trợ giúp pháp lý
- Người cao tuổi là người được trợ giúp pháp lý có thể tự mình hoặc thông qua người thân thích, cơ quan, người có thẩm quyền tiến hành tố tụng hoặc cơ quan, tổ chức, cá nhân khác yêu cầu trợ giúp pháp lý.
- Khi yêu cầu trợ giúp pháp lý, người yêu cầu phải nộp hồ sơ cho tổ chức thực hiện trợ giúp pháp lý, gồm có:
a) Đơn yêu cầu trợ giúp pháp lý;
b) Giấy tờ chứng minh là người được trợ giúp pháp lý;
c) Các giấy tờ, tài liệu có liên quan đến vụ việc trợ giúp pháp lý.
- Việc nộp hồ sơ yêu cầu trợ giúp pháp lý được thực hiện như sau:
a) Trường hợp nộp trực tiếp tại trụ sở của tổ chức thực hiện trợ giúp pháp lý, người yêu cầu trợ giúp pháp lý nộp: Đơn yêu cầu trợ giúp pháp lý; các giấy tờ, tài liệu có liên quan đến vụ việc trợ giúp pháp lý; xuất trình bản chính hoặc nộp bản sao có chứng thực giấy tờ chứng minh là người được trợ giúp pháp lý.
Trường hợp người yêu cầu trợ giúp pháp lý không thể tự mình viết đơn yêu cầu thì người tiếp nhận yêu cầu có trách nhiệm ghi các nội dung vào mẫu đơn để họ tự đọc hoặc đọc lại cho họ nghe và yêu cầu họ ký tên hoặc điểm chỉ vào đơn;
b) Trường hợp gửi hồ sơ qua dịch vụ bưu chính, người yêu cầu trợ giúp pháp lý nộp: Đơn yêu cầu trợ giúp pháp lý, các giấy tờ, tài liệu có liên quan đến vụ việc trợ giúp pháp lý, bản sao có chứng thực giấy tờ chứng minh là người được trợ giúp pháp lý;
c) Trường hợp gửi hồ sơ qua fax, hình thức điện tử, khi gặp người thực hiện trợ giúp pháp lý, người yêu cầu trợ giúp pháp lý phải xuất trình bản chính hoặc nộp bản sao có chứng thực giấy tờ chứng minh là người được trợ giúp pháp lý.
7. Địa chỉ liên hệ trợ giúp pháp lý cho người cao tuổi
Người dân có thể tìm thông tin về trợ giúp pháp lý thông qua Cổng thông tin điện tử Bộ Tư pháp https://moj.gov.vn, Trang thông tin điện tử trợ giúp pháp lý Việt Nam https://tgpl.moj.gov.vn, Cổng/Trang thông tin của Sở Tư pháp/Trung tâm trợ giúp pháp lý địa phương, số hotline 024.627.39631, Cổng thông tin điện tử của Tòa án nhân dân tối cao và các Trang thông tin điện tử thành phần tại chuyên mục chỉ dẫn người dân/Trung tâm trợ giúp pháp lý nhà nước.
Thanh Hà

Xem thêm »