Bàn về Hợp đồng thực hiện trợ giúp pháp lý (phần 1)

12/01/2022
Xem cỡ chữ Đọc bài viết In trang Google

Hợp đồng thực hiện trợ giúp pháp lý là một trong những điểm mới của Luật Trợ giúp pháp lý năm 2017. Đến nay đã có 667 Luật sư ký hợp đồng thực hiện trợ giúp pháp lý, có 36 tổ chức ký hợp đồng thực hiện trợ giúp pháp lý với Sở Tư pháp. Bài viết nhằm làm rõ thêm về hợp đồng thực hiện trợ giúp pháp lý, giúp bạn đọc có cái nhìn tổng quát về loại hợp đồng này. Bài viết gồm hai phần: Phần 1: Khái niệm, đặc điểm của hợp đồng thực hiện trợ giúp pháp lý. Phần 2: Khung pháp luật về hợp đồng thực hiện trợ giúp pháp lý

Phần 1. Khái quát về hợp đồng thực hiện trợ giúp pháp lý
1.  Khái niệm hợp đồng thực hiện trợ giúp pháp lý
Hợp đồng là một khái niệm có nguồn gốc lâu đời và là một trong những chế định quan trọng của pháp luật dân sự. Bộ luật Dân sự định nghĩa về hợp đồng như sau: “Hợp đồng là sự thoả thuận giữa các bên về việc xác lập, thay đổi hoặc chấm dứt quyền, nghĩa vụ dân sự”.  Như vậy, hợp đồng là sự kiện pháp lý, là một giao dịch nhằm tạo lập hệ quả pháp lý. Với tư cách là một sự kiện pháp lý, hợp đồng bao gồm hai yếu tố cơ bản là sự thỏa thuận và mục đích tạo lập hệ quả pháp lý (mục đích xác lập, thay đổi hoặc chấm dứt quyền, nghĩa vụ theo hợp đồng). Theo đó, hợp đồng chỉ được thiết lập khi có sự thỏa thuận của hai hoặc nhiều bên, tức là khi có sự đồng thuận của các ý định hay sự thống nhất ý chí giữa các chủ thể tham gia giao kết hợp đồng. Để hợp đồng có hiệu lực thì cần 04 yếu tố, gồm: (1) sự ưng thuận của các bên tham gia hợp đồng; (2) năng lực giao kết hợp đồng của các bên tham gia hợp đồng đầy đủ; (3) Đối tượng của hợp đồng hợp pháp; (4) Nguyên nhân của giao dịch phải hợp pháp.
Xuất phát ban đầu, trong mối quan hệ giữa cá nhân thực hiện trợ giúp pháp lý và Trung tâm trợ giúp pháp lý nhà nước, Luật Trợ giúp pháp lý 2006 quy định  hợp đồng cộng tác. Theo đó, hợp đồng cộng tác là hợp đồng giữa Trung tâm trợ giúp pháp lý với cộng tác viên (gồm luật sư, tư vấn viên pháp luật, cộng tác viên TGPL khác)[1]. Để ký hợp đồng cộng tác, người muốn trở thành cộng tác viên gửi hồ sơ đề nghị làm cộng tác viên đến Trung tâm ở địa phương nơi mình cư trú hoặc công tác. Giám đốc Trung tâm kiểm tra tính đầy đủ và đúng đắn của hồ sơ, nếu hồ sơ hợp lệ thì trình Giám đốc Sở Tư pháp xem xét, công nhận và cấp thẻ cộng tác viên. Người được công nhận và cấp thẻ cộng tác viên thì được ký hợp đồng cộng tác với Trung tâm. Cộng tác viên được thực hiện trợ giúp pháp lý kể từ thời điểm ký hợp đồng cộng tác.  Hợp đồng cộng tác được ký kết giữa Trung tâm với cộng tác viên là cơ sở để xác định trách nhiệm và quyền hạn của các bên trong quan hệ cộng tác. Trường hợp cộng tác viên không tiến hành ký hợp đồng cộng tác với Trung tâm trong thời hạn ba mươi ngày kể từ ngày được cấp thẻ thì thẻ cộng tác viên bị thu hồi. Trường hợp cộng tác viên được cấp thẻ nhưng vi phạm quy định trong quá trình thực hiện trợ giúp pháp lý, thì Giám đốc Trung tâm ra quyết định chấm dứt hợp đồng cộng tác với cộng tác viên và đề nghị Giám đốc Sở Tư pháp thu hồi thẻ cộng tác viên. Cộng tác viên thực hiện trợ giúp pháp lý trong phạm vi hợp đồng cộng tác được ký kết giữa Trung tâm với cộng tác viên. Luật sư cộng tác viên được nhận vụ việc trợ giúp pháp lý do người được trợ giúp pháp lý trực tiếp yêu cầu hoặc theo phân công của Giám đốc Trung tâm hoặc Trưởng Chi nhánh. Khi tham gia tố tụng, theo yêu cầu của người được trợ giúp pháp lý hoặc người đại diện hợp pháp của họ, Giám đốc Trung tâm hoặc Trưởng Chi nhánh ra quyết định cử luật sư là cộng tác viên tham gia tố tụng. Trong trường hợp cộng tác viên thực hiện trợ giúp pháp lý mà gây thiệt hại thì Trung tâm nơi người đó cộng tác có trách nhiệm bồi thường. Cộng tác viên đã gây thiệt hại có trách nhiệm bồi hoàn cho Trung tâm theo quy định của pháp luật về dân sự. Có thể thấy cộng tác viên trợ giúp pháp lý ngoài ràng buộc bởi hợp đồng cộng tác còn ràng buộc bởi sự quản lý của Sở Tư pháp thông qua thẻ cộng tác viên trợ giúp pháp lý.
Đối với tổ chức hành nghề luật sư, tổ chức tư vấn pháp luật, Luật Trợ giúp pháp lý 2006 chưa quy định việc ký hợp đồng với tổ chức hành nghề luật sư, tổ chức tư vấn pháp luật. Tổ chức hành nghề luật sư, tổ chức tư vấn pháp luật tham gia trợ giúp pháp lý theo cơ chế đăng ký tham gia trợ giúp pháp lý với Sở Tư pháp nơi đã cấp Giấy đăng ký hoạt động. Hồ sơ đăng ký bao gồm: đơn đăng ký tham gia trợ giúp pháp lý; danh sách Luật sư, Tư vấn viên pháp luật; bản sao Giấy đăng ký hoạt động. Trong thời hạn bảy ngày làm việc, kể từ ngày nhận được hồ sơ đăng ký, Sở Tư pháp cấp Giấy đăng ký tham gia trợ giúp pháp lý cho tổ chức đã đề nghị và thông báo cho Trung tâm trợ giúp pháp lý nhà nước để phối hợp hoạt động. Trong trường hợp từ chối phải thông báo rõ lý do bằng văn bản.  Việc đăng ký tham gia trợ giúp pháp lý không phải trả lệ phí. Các tổ chức đăng ký tham gia trợ giúp pháp lý tự nguyện thực hiện trợ giúp pháp lý bằng nguồn lực của mình và chịu sự quản lý của cơ quan nhà nước có thẩm quyền; thực hiện chế độ báo cáo, thống kê về trợ giúp pháp lý cho Sở Tư pháp nơi đăng ký. Trong phạm vi bài viết này không nghiên cứu về vấn đề đăng ký tham gia trợ giúp pháp lý mà chỉ nhắc tới để hiểu rõ hơn về lịch sử của tổ chức tham gia trợ giúp pháp lý.
Kế thừa một số quy định về hợp đồng cộng tác và đăng ký tham gia trợ giúp pháp lý, đồng thời đẩy mạnh xã hội hóa công tác trợ giúp pháp lý theo định hướng của Nghị quyết số 40/NQ-CP ngày 09/8/2012 của Chính phủ về Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Thông báo Kết luận số 37-TB/TW ngày 26/5/2011 của Bộ Chính trị về Đề án “Đổi mới cơ chế hoạt động của các đơn vị sự nghiệp công lập, đẩy mạnh xã hội hóa một số loại hình dịch vụ sự nghiệp công”, Luật Trợ giúp pháp lý 2017 đã quy định về hợp đồng thực hiện trợ giúp pháp lý, theo đó định nghĩa “Hợp đồng thực hiện trợ giúp pháp lý được ký kết giữa Sở Tư pháp với tổ chức hành nghề luật sư, tổ chức tư vấn pháp luật và giữa Trung tâm trợ giúp pháp lý nhà nước với luật sư, cộng tác viên trợ giúp pháp lý về việc thực hiện trợ giúp pháp lý theo quy định của pháp luật về dân sự”. Hợp đồng thực hiện TGPL tuân theo các quy định của hợp đồng dân sự. Đây là điểm mới của Luật Trợ giúp pháp lý năm 2017, các bên chỉ ràng buộc với nhau trên cơ sở hợp đồng thực hiện TGPL.
2. Đặc điểm hợp đồng thực hiện trợ giúp pháp lý
- Là hợp đồng song vụ: mỗi bên đều có nghĩa vụ đối với nhau. Với nguyên tắc quyền của người này ứng với nghĩa vụ của người kia của hợp đồng song vụ, nghĩa vụ của bên cung ứng dịch vụ (luật sư, cộng tác viên, tổ chức hành nghề luật sư, tổ chức tư vấn pháp luật) là thực hiện vụ việc trợ giúp pháp lý, còn nghĩa vụ của bên thuê dịch vụ (Sở Tư pháp; Trung tâm trợ giúp pháp lý nhà nước) là thực hiện nghĩa vụ thanh toán.
- Là hợp đồng gia nhập: Hợp đồng gia nhập là hợp đồng mà các điều kiện và điều khoản của nó do một bên thiết lập, được đưa ra nhằm mục đích giao kết hợp đồng với nhiều người trên cơ sở các điều kiện và điều khoản đó. Bên chấp nhận tham gia hợp đồng với các điều kiện và điều khoản đó được gọi là bên gia nhập. Hợp đồng gia nhập dù các điều khoản của nó được soạn sẵn bởi một bên song về nguyên tắc sự ưng thuận vẫn được coi là yếu tố cơ bản để hình thành nên hợp đồng. Theo đó, Sở Tư pháp/Trung tâm trợ giúp pháp lý nhà nước khi đăng thông báo lựa chọn tổ chức/luật sư ký hợp đồng thực hiện TGPL thì phải công khai dự thảo Hợp đồng thực hiện TGPL, gồm các điều khoản được soạn sẵn. Tổ chức hành nghề luật sư, tổ chức tư vấn pháp luật/luật sư thể hiện ý chí của họ chấp nhận hay không chấp nhận toàn bộ nội dung hợp đồng bằng cách tham gia lựa chọn hoặc không tham gia lựa chọn ký hợp đồng.
- Là hợp đồng vì lợi ích của người thứ ba. Trong hợp đồng thực hiện TGPL thì người được TGPL là người thứ ba được hưởng lợi mà không cần phải trả phí (hay nói cách khác là không cần một vật đánh đổi). Hợp đồng thực hiện TGPL có những đặc trưng của hợp đồng vì lợi ích của người thứ ba như sau: (i) Tính trói buộc: khi đã ký hợp đồng thực hiện TGPL, xác định được rõ người được TGPL được thụ hưởng thì người thứ ba chỉ được hưởng lợi ích từ hợp đồng trong phạm vi các điều kiện do hợp đồng quy định. Như vậy có nghĩa là khi ký hợp đồng, các bên có thể thỏa thuận, thống nhất thực hiện cho một hoặc một số hoặc tất cả người thuộc diện được trợ giúp pháp lý, phạm vi, lĩnh vực thực hiện trợ giúp pháp lý. Ngoài ra, sau khi hợp đồng được ký kết thì các bên trong hợp đồng không được tự ý thay đổi nội dung của hợp đồng hay hủy hợp đồng mà phải có sự chấp thuận của người thứ ba (người được TGPL) để thực hiện thay đổi nội dung, trừ những trường hợp đặc biệt do pháp luật quy định (như có sự vi phạm các nguyên tắc về TGPL khi thực hiện TGPL,…); (ii) Tính xác định của người thứ ba:  Người được TGPL phải được xác định rõ ràng tại thời điểm thực hiện hợp đồng. Như vậy, các bên có nghĩa vụ mới có thể thực hiện được nghĩa vụ của mình; (iii) Tính tương đối của hiệu lực hợp đồng: người được TGPL mặc dù không phải là chủ thể của hợp đồng nhưng vẫn bị ràng buộc bởi hiệu lực của hợp đồng. Người được TGPL có một số quyền mà có thể làm thay đổi nội dung, thậm chí chấm dứt hợp đồng như: người được TGPL từ chối người thực hiện TGPL hoặc muốn thay đổi người thực hiện TGPL. Ngược lại, hai bên trong hợp đồng thực hiện TGPL nếu có “tỳ vết” hoặc có tranh chấp giữa hai bên trong hợp đồng thì người được TGPL cũng bị ảnh hưởng do không có quyền yêu cầu các bên tiếp tục hợp đồng đó.
- Là hợp đồng dịch vụ pháp lý: về bản chất, hợp đồng thực hiện trợ giúp pháp lý là sự thỏa thuận giữa bên thuê dịch vụ (Sở Tư pháp; Trung tâm trợ giúp pháp lý nhà nước) và bên cung ứng dịch vụ (luật sư, cộng tác viên, tổ chức hành nghề luật sư, tổ chức tư vấn pháp luật) để thực hiện công việc là trợ giúp pháp lý cho người thứ ba là người được trợ giúp pháp lý. Một đặc điểm đặc trưng của hợp đồng dịch vụ pháp lý là các bên không được thỏa thuận kết quả khi thực hiện hợp đồng dịch vụ pháp lý. Trong hợp đồng dịch vụ pháp lý thì đối tượng của hợp đồng là những công việc cụ thể. Bên cung ứng dịch vụ sẽ bằng năng lực, sự tận tâm của mình để hoàn thành công việc đã cam kết thực hiện. Khi đã và đang thực hiện TGPL cho người được TGPL thì không được giao cho người khác làm thay, trừ một số trường hợp được pháp luật quy định hoặc người được TGPL yêu cầu. Đây là loại hình dịch vụ đặc biệt. Dịch vụ mà nhà nước cung cấp cho người được TGPL là dịch vụ pháp lý là sản phẩm vô hình, không tồn tại dưới dạng vật chất. Mức thù lao, bồi dưỡng và chi phí thực hiện vụ việc trợ giúp pháp lý đã được quy định áp dụng chung tại văn bản pháp luật về TGPL về chi trả thù lao và phải được nêu trong hợp đồng thực hiện trợ giúp pháp lý.
3. Phân loại hợp đồng thực hiện trợ giúp pháp lý
Hợp đồng thực hiện trợ giúp pháp lý được phân loại bởi chủ thể ký kết hợp đồng:
Dựa vào chủ thể hợp đồng, hợp đồng thực hiện trợ giúp pháp lý được chia làm 02 loại:
(i) Hợp đồng thực hiện trợ giúp pháp lý do Trung tâm trợ giúp pháp lý nhà nước ký: đại diện cho Nhà nước ký hợp đồng với cá nhân (luật sư, cộng tác viên trợ giúp pháp lý).
(ii) Hợp đồng thực hiện trợ giúp pháp lý do Sở Tư pháp ký: Sở Tư pháp đại diện cho Nhà nước ký hợp đồng với tổ chức (tổ chức hành nghề luật sư, tổ chức tư vấn pháp luật).
4. Chủ thể:
Chủ thể của hợp đồng thực hiện trợ giúp pháp gồm có 02 bên: 01 bên là Nhà nước (Trung tâm trợ giúp pháp lý nhà nước; Sở Tư pháp) và 01 bên là cá nhân (luật sư, cộng tác viên TGPL)/ tổ chức (tổ chức hành nghề luật sư, tổ chức tư vấn pháp luật).
5. Người được hưởng lợi trong hợp đồng thực hiện trợ giúp pháp lý
- Người được trợ giúp pháp lý là người được hưởng lợi trong hợp đồng thực hiện trợ giúp pháp lý. Họ không cần phải trả bất kỳ chi phí nào để được hưởng quyền được TGPL của mình. Người được TGPL gồm 14 diện người như sau: (i) Người có công với cách mạng; (ii) Người thuộc hộ nghèo; (iii) Trẻ em; (iv) Người dân tộc thiểu số cư trú ở vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn; (v) Người bị buộc tội từ đủ 16 tuổi đến dưới 18 tuổi; (vi) Người bị buộc tội thuộc hộ cận nghèo; Nhóm người có điều kiện có khó khăn về tài chính gồm  08 diện: (vii) Cha đẻ, mẹ đẻ, vợ, chồng, con của liệt sĩ và người có công nuôi dưỡng khi liệt sĩ còn nhỏ; (viii) Người nhiễm chất độc da cam; (ix) Người cao tuổi; (x) Người khuyết tật; (xi) Người từ đủ 16 tuổi đến dưới 18 tuổi là bị hại trong vụ án hình sự; (xii) Nạn nhân trong vụ việc bạo lực gia đình; (xiii) Nạn nhân của hành vi mua bán người theo quy định của Luật Phòng, chống mua bán người; (xiv) Người nhiễm HIV.
- Sau khi các bên đã ký hợp đồng thực hiện TGPL cho người được TGPL mà người được TGPL sau đó thay đổi hoặc rút yêu cầu trợ giúp pháp lý thì luật sư/tổ chức ký hợp đồng không phải thực hiện TGPL cho người được TGPL đó nữa. Các bên hoàn trả cho nhau những gì đã nhận.
- Khi hợp đồng thực hiện TGPL đã xác định cụ thể người được TGPL được hưởng lợi, thì coi như người được TGPL đã đồng ý lựa chọn tổ chức (tổ chức hành nghề luật sư, tổ chức tư vấn pháp luật)/ cá nhân (luật sư, cộng tác viên) đó thực hiện TGPL cho mình. Lúc này, các bên giao kết hợp đồng cũng không được sửa đổi hoặc hủy bỏ hợp đồng mà phải tiếp tục thực hiện vụ việc đang thực hiện cho người được TGPL đó, trừ trường hợp các bên bị “tỳ vết” tức là có sự vi phạm pháp luật.

 
Lê Thị Thanh Hà 
 
 

[1] Luật TGPL 2006 quy định người tham gia trợ giúp pháp lý bao gồm: a) Cộng tác viên của Trung tâm trợ giúp pháp lý nhà nước (sau đây gọi là cộng tác viên). Cộng tác viên sẽ được Giám đốc Sở Tư pháp xem xét, công nhận và cấp thẻ cộng tác viên nếu đáp ứng các điều kiện nhất định mà Luật đã quy định. Cộng tác viên không phải là Luật sư chỉ tham gia trợ giúp pháp lý bằng hình thức tư vấn pháp luật. b) Luật sư. Luật sư tham gia trợ giúp pháp lý theo quy định của pháp luật về luật sư, tham gia trợ giúp pháp lý với tư cách cộng tác viên của Trung tâm trợ giúp pháp lý nhà nước.  c) Tư vấn viên pháp luật làm việc trong tổ chức tư vấn pháp luật (sau đây gọi là Tư vấn viên pháp luật). Tư vấn viên pháp luật tham gia trợ giúp pháp lý theo sự phân công của tổ chức tư vấn pháp luật nơi họ làm việc, tham gia trợ giúp pháp lý với tư cách cộng tác viên của Trung tâm trợ giúp pháp lý nhà nước.

Xem thêm »