Dấu ấn thực hiện vụ việc tham gia tố tụng trong hoạt động trợ giúp pháp lý

04/08/2021
Xem cỡ chữ Đọc bài viết In trang Google

Hoạt động trợ giúp pháp lý đã đi qua chặng đường 24 năm với nhiều thành tựu về thể chế, về cung cấp dịch vụ trợ giúp pháp lý giúp người dân tiếp cận với pháp luật, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp lý cho người nghèo và đối tượng chính sách trong các vụ việc cụ thể,…. Ở mỗi giai đoạn khác nhau, trợ giúp pháp lý để lại ấn tượng với những kết quả khác nhau. Đặc biệt, giai đoạn triển khai Đề án đổi mới công tác trợ giúp pháp lý giai đoạn 2015-2025 và Luật Trợ giúp pháp lý năm 2017 một kết quả nổi bật là số vụ việc tham gia tố tụng tăng cao và chất lượng được nâng lên rõ rệt.


Điều làm nên ý nghĩa thật sự và quan trọng của hoạt động trợ giúp pháp lý là thông qua những vụ việc trợ giúp pháp lý tổ chức thực hiện trợ giúp pháp lý phải giúp người dân hiểu biết pháp luật, bảo vệ được quyền và lợi ích hợp pháp của họ, qua đó góp phần bảo đảm ổn định cuộc sống, cải thiện sinh kế. Tuy nhiên, có thể thấy trong một thời gian dài, nguồn lực (nhân lực và kinh phí) của các tổ chức thực hiện trợ giúp pháp lý được dành nhiều cho hoạt động dàn trải mà chưa chú trọng tới việc chủ động tìm hiểu, khai thác, nắm bắt nhu cầu trợ giúp pháp lý của người dân để thực hiện các vụ việc cụ thể. Triển khai Đề án đổi mới công tác trợ giúp pháp lý giai đoạn 2015-2025 và Luật Trợ giúp pháp lý năm 2017 nhiều giải pháp đã thực hiện, đến nay đã có thay đổi về cơ bản trong việc triển khai các nhiệm vụ của Trung tâm trợ giúp pháp lý. Nguồn lực của Trung tâm trợ giúp pháp lý dành nhiều cho việc thực hiện các vụ việc cụ thể, giải quyết vướng mắc pháp luật, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của người được trợ giúp pháp lý, mang lại lợi ích rõ rệt thông qua số liệu vụ việc và thành công của nhiều vụ việc. Từ năm 2016 đến năm 2020, toàn quốc thực hiện được 310.081 vụ việc, trong đó có 92.082 vụ việc tham gia tố tụng (chiếm 29,7% tổng số vụ việc); 211.806 vụ việc tư vấn pháp luật; 2.542 vụ việc đại diện ngoài tố tụng; 3.651 vụ việc bằng hình thức trợ giúp pháp lý khác. Số vụ việc tham gia tố tụng tăng dần theo các năm (năm 2016: 10.937 vụ, năm 2017: 15.519 vụ, năm 2018: 16.886 vụ, năm 2019: 21.244 vụ, năm 2020: 27.496 vụ). Như vậy, so với năm 2016 số vụ việc trợ giúp pháp lý trong tố tụng năm 2020 đã tăng 251%.
Chất lượng dịch vụ trợ giúp pháp lý đã có nhiều cải thiện. Nhiều vụ việc tham gia tố tụng do người thực hiện trợ giúp pháp lý thực hiện đạt hiệu quả, có nhiều vụ án được tuyên mức án nhẹ hơn hoặc chuyển tội danh hay thay đổi khung hình phạt thấp hơn so với mức đề nghị của Viện kiểm sát nhân dân, thậm chí có những vụ việc được tuyên trắng án, qua đó bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho người được trợ giúp pháp lý. Chẳng hạn vụ việc ở Hà Nội: Do thiếu hiểu biết nên Ông Đ là người khiếm thị, gần 70 tuổi vay 200 triệu đồng, ký hợp đồng ủy quyền cho người cho vay với nội dung là trong vòng 20 tháng mà ông không trả số tiền đã vay thì người cho vay toàn quyền định đoạt đối với mảnh đất của ông. Sau 20 tháng ông Đ không trả được tiền vay, người vay đã bán đất của ông. Trung tâm trợ giúp pháp lý Hà Nội đã tìm được người đứng tên sở hữu đất. Trợ giúp viên pháp lý thực hiện vụ việc khẳng định việc chuyển nhượng quyền sử dụng đất là trái với văn bản cam kết và việc ký hợp đồng công chứng chuyển nhượng đất là chưa đúng pháp luật nên đã mời các bên đến phân tích và tiến hành hòa giải. Sau buổi hòa giải người mua đất đã nhất trí ký các giấy tờ để chuyển lại tên giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho ông Đ. Vụ việc tại Bình Thuận: Bản Cáo trạng số 05/CT-VKSBA-HS ngày 03/7/2019 của Viện Kiểm sát nhân dân huyện Bác Ái truy tố Đ. về tội “Vi phạm quy định về khai thác, bảo vệ rừng và lâm sản” theo khoản 1 Điều 232 BLHS 2015. Khi được phân công bào chữa cho bị cáo, Trợ giúp viên pháp lý đã nghiên cứu toàn diện hồ sơ vụ án và nhận thấy Viện Kiểm sát viện dẫn và áp dụng quy định của Bộ luật hình sự năm 2015 là không phù hợp và gây bất lợi cho bị cáo. Trợ giúp viên đề nghị Toà án trả hồ sơ để điều tra bổ sung theo hướng áp dụng Bộ luật hình sự năm 1999 theo hướng Đ. không phạm tội hình sự. Trên cơ sở kiến nghị này Toà án đã trả hồ sơ cho Cơ quan Công an, Viện Kiểm sát để điều tra bổ sung. Kết quả cuối cùng của vụ án này là Viện Kiểm sát không truy cứu trách nhiệm hình sự đối với Đ.
 Người thực hiện trợ giúp pháp lý khi bào chữa hoặc bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của đương sự đã thể hiện tinh thần trách nhiệm cao, thực hiện đúng các quy định về tố tụng và các quy tắc đạo đức nghề nghiệp. Đến nay, tổ chức thực hiện trợ giúp pháp lý, cơ quan quản lý trợ giúp pháp lý chưa nhận được khiếu nại nào về kết quả thực hiện trợ giúp pháp lý. Sự tham gia của đội ngũ người thực hiện trợ giúp pháp lý tại các cơ quan tiến hành tố tụng góp phần giúp các cơ quan tiến hành tố tụng, người tiến hành tố tụng điều tra, truy tố, xét xử khách quan, đúng người, đúng tội, đúng pháp luật. Đối với người được trợ giúp pháp lý là bị can, bị cáo thì vụ việc có người thực hiện trợ giúp pháp lý tham gia giúp họ giữ được tâm lý an tâm, tự tin hơn vì có chỗ dựa về mặt tinh thần và sự giúp đỡ về pháp luật. Kết quả này được ghi nhận thông qua tỷ lệ vụ việc thành công, hiệu quả ngày càng cao, số vụ việc hình sự được Hội đồng xét xử chấp nhận các tình tiết có lợi cho bị cáo theo đề nghị của trợ giúp viên pháp lý, sự đánh giá, ghi nhận của cơ quan tiến hành tố tụng, người tiến hành tố tụng. Theo thống kê, từ năm 2018 (năm Luật Trợ giúp pháp lý năm 2017 có hiệu lực) đến hết năm 2020, 63/63 tỉnh, thành phố có 10.384 vụ việc thành công, hiệu quả rõ rệt.
Để có được kết quả nêu trên phải kể đến các thay đổi về thể chế cũng như biện pháp chỉ đạo, điều hành của các cơ quan quản lý trợ giúp pháp lý, sự nỗ lực của các Trung tâm trợ giúp pháp lý, người thực hiện trợ giúp pháp lý trong toàn quốc. Cụ thể:
1. Tiêu chuẩn của người thực hiện trợ giúp pháp lý được quan tâm, nâng cao
Luật Trợ giúp pháp lý năm 2017 đã chuẩn hóa, nâng cao tiêu chuẩn trợ giúp viên pháp lý tương đương với luật sư, cụ thể là bổ sung tiêu chuẩn phải trải qua đào tạo nghề luật sư và tập sự nghề (trợ giúp pháp lý hoặc luật sư) để trợ giúp viên pháp lý có thời gian tập sự vận dụng kiến thức, kỹ năng trước khi được cung cấp và chịu trách nhiệm về dịch vụ trợ giúp pháp lý. Đối với những trợ giúp viên pháp lý đã được bổ nhiệm trước khi Luật có hiệu lực pháp luật, Luật Trợ giúp pháp lý cũng đã có quy định chuyển tiếp, yêu cầu trong vòng 05 năm kể từ 01/01/2018 phải có chứng nhận đào tạo nghề luật sư.
Luật sư có nguyện vọng tham gia trợ giúp pháp lý được Trung tâm lựa chọn, ký hợp đồng theo trình tự, thủ tục theo quy định của pháp luật căn cứ trên những tiêu chuẩn, điều kiện cụ thể và phù hợp với yêu cầu của công tác trợ giúp pháp lý tại địa phương. Yêu cầu này bảo đảm luật sư tham gia thực hiện trợ giúp pháp lý phải là người có năng lực, trình độ chuyên môn nghiệp vụ, có kinh nghiệm và phẩm chất đạo đức để thực hiện vụ việc trợ giúp pháp lý có hiệu quả, tránh việc ghi danh một cách hình thức.
Chế định cộng tác viên trợ giúp pháp lý được kế thừa trên cơ sở có chọn lọc những người có trình độ chuyên môn nghiệp vụ về pháp luật, có kinh nghiệm và có thể chủ động về thời gian để bảo đảm tham gia công tác trợ giúp pháp lý một cách thực chất, có hiệu quả.
 Luật Trợ giúp pháp lý quy định các điều kiện cụ thể để tổ chức hành nghề luật sư, tổ chức tư vấn pháp luật tham gia trợ giúp pháp lý. Đặc biệt, để ký hợp đồng với các tổ chức có điều kiện tốt nhất cung cấp dịch vụ trợ giúp pháp lý, Sở Tư pháp sẽ tổ chức lựa chọn theo một quy trình chặt chẽ phù hợp với điều kiện cụ thể của địa phương. Với những quy định chặt chẽ ngay từ khi xác định các tổ chức, cá nhân có quyền cung cấp dịch vụ trợ giúp pháp lý, Nhà nước đã thể hiện cam kết mạnh mẽ trong việc cung cấp dịch vụ pháp lý có chất lượng cho người nghèo, đối tượng chính sách và các đối tượng yếu thế khác trong xã hội.

Bên cạnh các quy định về chuẩn hóa trình độ chuyên môn nghiệp vụ, năng lực của người thực hiện trợ giúp pháp lý được Trung ương và địa phương thường xuyên quan tâm. Bên cạnh ngân sách của Nhà nước, Bộ Tư pháp cũng đã chủ động huy động các đối tác nước ngoài hỗ trợ về kỹ thuật và kinh phí cho hoạt động tăng cường năng lực cho người thực hiện trợ giúp pháp lý. Riêng ở Trung ương, từ năm 2016 đến hết 6 tháng đầu năm 2020 đã có 59 lớp tập huấn được Cục Trợ giúp pháp lý, Bộ Tư pháp tổ chức với gần 5.000 học viên tham dự. Từ nguồn kinh phí hỗ trợ của Quyết định số 32/2016/QĐ-TTg, các địa phương đã tổ chức gần 200 lớp tập huấn cho gần 16.000 lượt người.

 Từ năm 2018 đến nay, Bộ Tư pháp tổ chức 04 lớp bồi dưỡng chức danh nghề nghiệp trợ giúp viên pháp lý hạng II cho 150 người, tổ chức thi thăng hạng chức danh nghề nghiệp trợ giúp viên pháp lý hạng II, tổ chức 02 đợt kiểm tra hết tập sự trợ giúp pháp lý cho 121 người. Ngoài ra, từ năm 2017 đến nay, theo Quyết định số 32/2016/QĐ-TTg , ngân sách trung ương đã hỗ trợ kinh phí tập huấn tăng cường năng lực cho người thực hiện trợ giúp (159 lớp), hỗ trợ cho 173 viên chức của Trung tâm tại các địa phương có huyện nghèo, xã nghèo, thôn, bản đặc biệt khó khăn tham gia khóa đào tạo nghề luật sư tạo nguồn bổ nhiệm trợ giúp viên pháp lý.
Bản thân mỗi trợ giúp viên pháp lý cũng luôn có ý thức trau dồi chuyên môn thông qua việc tham gia các lớp tập huấn, hội thảo, trao đổi kinh nghiệm thông qua các diễn đàn, nhóm chuyên môn.
Thông qua các hoạt động nêu trên, năng lực thực hiện trợ giúp pháp lý của đội ngũ trợ giúp viên pháp lý ngày càng được nâng cao, cơ bản đáp ứng đầy đủ và có chất lượng nhu cầu trợ giúp pháp lý của người dân (100% nhu cầu trợ giúp pháp lý của người dân được đáp ứng đầy đủ).
2. Có cơ chế, chính sách khuyến khích sự tham gia tích cực người thực hiện trợ giúp pháp lý
Một trong những chính sách để khuyến khích sự tham gia tích cực của người thực hiện trợ giúp pháp lý là nâng mức thù lao cho luật sư thực hiện vụ việc tham gia tố tụng và mức bồi dưỡng cho đội ngũ trợ giúp viên pháp lý. Cụ thể, ngay sau khi Đề án đổi mới được triển khai, Bộ Tư pháp đã kịp thời trình Chính phủ ban hành Nghị định số 80/2015/NĐ-CP ngày 17/9/2015 sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 14/2013/NĐ-CP của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Trợ giúp pháp lý và nay là Nghị định 144/2017/NĐ-CP quy định chi tiết một số điều của Luật Trợ giúp pháp lý năm 2017. Cụ thể:
+ Đối với luật sư: mức bồi dưỡng đối với luật sư tham gia tố tụng đã tăng lên mức 500.000 đồng/buổi làm việc (theo Nghị định số 80/2015/NĐ-CP, tương đương 0,38 mức lương tối thiểu/buổi làm việc tức là 0,78 mức lương tối thiểu/ngày làm việc).
Mức thù lao đối với luật sư thực hiện đại diện ngoài tố tụng 0,31 mức lương cơ sở/buổi làm việc nhưng tối đa không quá 20 buổi làm việc/01 vụ việc.
Vụ việc trợ giúp pháp lý bằng hình thức tư vấn pháp luật, luật sư, cộng tác viên trợ giúp pháp lý ký hợp đồng thực hiện trợ giúp pháp lý với Trung tâm được hưởng thù lao từ 0,08 - 0,15 mức lương cơ sở/01 văn bản tư vấn pháp luật tùy tính chất phức tạp và nội dung của vụ việc.
- Đối với trợ giúp viên pháp lý, mức bồi dưỡng tham gia vụ việc tố tụng tăng lên mức 40% và khi thực hiện đại diện ngoài tố tụng được hưởng 20% thù lao của luật sư.
3. Trách nhiệm phối hợp của các cơ quan trong công tác trợ giúp pháp lý được quy định rõ.
Luật Trợ giúp pháp lý năm 2017 đã quy định rõ trách nhiệm của cơ quan tiến hành tố tụng phối hợp tạo điều kiện cho người được trợ giúp pháp lý được hưởng quyền trợ giúp pháp lý, tạo điều kiện cho người thực hiện trợ giúp pháp lý tham gia tố tụng theo quy định của pháp luật (khoản 2 Điều 41). Khoản 3 Điều 31 Luật Trợ giúp pháp lý quy định trong thời hạn 12 giờ kể từ thời điểm nhận được yêu cầu trợ giúp pháp lý của người bị bắt, người bị tạm giữ hoặc trong thời hạn 24 giờ kể từ thời điểm nhận được yêu cầu trợ giúp pháp lý của bị can, bị cáo, người bị hại là người được trợ giúp pháp lý theo quy định của pháp luật về tố tụng, cơ quan, người có thẩm quyền tiến hành tố tụng có trách nhiệm thông báo cho Trung tâm trợ giúp pháp lý nhà nước tại địa phương. Quy định này cụ thể hơn về trách nhiệm của cơ quan tiến hành tố tụng đã được ghi nhận tại Điều 75 Bộ luật tố tụng hình sự năm 2015, đồng thời bảo đảm để Trung tâm trợ giúp pháp lý nhà nước cử người thực hiện trợ giúp pháp lý kịp thời trong thời hạn tạm giữ, tạm giam theo quy định. 
Trách nhiệm phối hợp của các cơ quan tiến hành tố tụng trong hoạt động này đã được cụ thể tại Thông tư liên tịch số 10/2018/TTLT/BTP-BCA-BQP-BTC-VKSNDTC-TANDTC ngày 29/6/2018 của Bộ Tư pháp, Bộ Công an, Bộ Quốc phòng, Bộ Tài chính, Tòa án nhân dân tối cao, Viện kiểm sát nhân dân tối cao. Đặc biệt, quy định trường hợp người bị buộc tội, người bị hại, đương sự tự nhận mình là người được trợ giúp pháp lý và chưa có yêu cầu trợ giúp pháp lý thì cơ quan, người có thẩm quyền tiến hành tố tụng có trách nhiệm thông tin cho Trung tâm, Chi nhánh biết để kiểm tra diện đối tượng là một quy định mới giúp hạn chế tối đa việc bỏ sót đối tượng.
Các cơ quan nhà nước có liên quan, trong quá trình thực thi nhiệm vụ, quyền hạn của mình nếu phát hiện công dân thuộc diện trợ giúp pháp lý, cơ quan nhà nước có trách nhiệm giải thích quyền được trợ giúp pháp lý và giới thiệu đến tổ chức thực hiện trợ giúp pháp lý.
4. Bộ Tư pháp giao chỉ tiêu vụ việc tham gia tố tụng cho trợ giúp viên pháp lý
Từ năm 2016, hàng năm Bộ Tư pháp ban hành chỉ tiêu vụ việc tham gia tố tụng cho các trợ giúp viên pháp lý, các trợ giúp viên pháp lý có trách nhiệm thực hiện một số lượng vụ việc tham gia tố tụng nhất định căn cứ vào thâm niên giữ chức danh nghề nghiệp. Hàng năm, chỉ tiêu được điều chỉnh tăng dần. Sau một thời gian thực hiện chỉ tiêu đội ngũ trợ giúp viên pháp lý đã nhận thức rõ trợ giúp viên pháp lý là một chức danh nghề nghiệp trong lĩnh vực tư pháp và thực hiện vụ việc trợ giúp pháp lý là nhiệm vụ chính, quan trọng. Luật Trợ giúp pháp lý năm 2017 quy định trợ giúp viên pháp lý không thực hiện vụ việc tham gia tố tụng trong thời gian 02 năm liên tục sẽ bị miễn nhiệm, trừ trường hợp do nguyên nhân khách quan. Thông qua thực hiện vụ việc, trợ giúp viên pháp lý khẳng định được năng lực của mình cũng như góp phần ghi nhận vai trò, vị thế của hoạt động trợ giúp pháp lý trong đời sống xã hội.
5. Truyền thông về trợ giúp pháp lý không ngừng được đổi mới và nâng cao hiệu quả
Xác định việc hạn chế trong tiếp cận thông tin về trợ giúp pháp lý là một nguyên nhân chính dẫn đến việc người dân chưa tìm đến tổ chức thực hiện trợ giúp pháp lý, cơ quan quản lý trợ giúp pháp lý, các tổ chức thực hiện trợ giúp pháp lý đã chú trọng đẩy mạnh công tác truyền thông về hoạt động trợ giúp pháp lý theo các phương thức khác nhau, gồm truyền thông truyền thống (trực tiếp về cơ sở, báo đài, tờ gấp…), truyền thông hiện đại (internet, điện thoại hotline,…) và hình thức đặc thù (hộp, bảng tin, tờ tin trợ giúp pháp lý tại cơ quan tố tụng, chính quyền cơ sở…).
- Ở Trung ương, đặc biệt trong thời gian gần đây, Cục Trợ giúp pháp lý đã tích cực phối hợp với các cơ quan, tổ chức hữu quan thực hiện nhiều phóng sự về một số vụ việc thành công, hiệu quả phát sóng trên truyền hình Việt Nam qua các chương trình có nhiều người theo dõi như Quốc hội với cử tri, truyền hình dân tộc, tọa đàm trực tuyến về chính sách về các kết quả thực hiện trợ giúp pháp lý trong chương trình giảm nghèo...; đăng bài viết, bài nghiên cứu trên các kênh báo chí, các phương tiện truyền thông; xây dựng nội dung phóng sự về trợ giúp pháp lý cho các đối tượng đặc thù như người chưa thành niên, người dân tộc thiểu số, nạn nhân bị mua bán...; xây dựng thông điệp về quyền và nghĩa vụ của người thuộc diện trợ giúp pháp lý, tạo được ấn tượng tốt đối với các cơ quan, tổ chức, cá nhân liên quan và người dân đánh giá cao.
- Ở địa phương, tất cả các Trung tâm trợ giúp pháp lý trên toàn quốc đã tích cực triển khai các hoạt động truyền thông nhằm nâng cao nhận thức cho người được trợ giúp pháp lý. Hoạt động truyền thông được đổi mới với nhiều hình thức đa dạng như thông qua việc xây dựng tờ gấp pháp luật, xây dựng phóng sự truyền thông về chính sách trợ giúp pháp lý, phóng sự giới thiệu về các vụ việc trợ giúp pháp lý đã thực hiện thành công. Từ năm 2016 đến nay, theo Quyết định số 32/2016/QĐ-TTg, ngân sách trung ương đã bổ sung kinh phí cho 37 địa phương có huyện nghèo, xã nghèo, thôn, bản đặc biệt khó khăn có nhu cầu thiết lập đường dây nóng về trợ giúp pháp lý để người dân liên hệ… Số lượng các cuộc gọi yêu cầu giúp đỡ qua đường dây nóng là khoảng 7.000 lượt. Việc thiết lập đường dây nóng về trợ giúp pháp lý góp phần tạo điều kiện thuận lợi cho “nhóm đối tượng yếu thế” tiếp cận pháp luật, tạo công bằng cho người dân khi thực hiện quyền và nghĩa vụ theo quy định pháp luật và tiết kiệm được thời gian, công sức.
Số vụ việc tố tụng tăng nhanh qua các năm, chất lượng các vụ việc trợ giúp pháp lý được nâng cao cho thấy mục tiêu nâng cao chất lượng hoạt động trợ giúp pháp lý, tập trung thực hiện vụ việc trợ giúp pháp lý, chú trọng vụ việc tham gia tố tụng đã thành công. Tuy nhiên, so với số lượng người thuộc diện trợ giúp pháp lý thì số vụ việc còn đang ở tỷ lệ thấp, có khả năng có người thuộc diện trợ giúp pháp lý nhưng chưa biết thông tin về trợ giúp pháp lý. Một số cơ quan tiến hành tố tụng chưa chú trọng giải thích, thông tin, thông báo về trợ giúp pháp lý trong các vụ án dân sự, hành chính mà chủ yếu tập trung giới thiệu người thuộc án chỉ định bào chữa. Vì vậy, để tiếp tục phát huy kết quả này, giúp người dân tiếp cận nhiều hơn với trợ giúp pháp lý, nâng cao chất lượng dịch vụ trợ giúp pháp lý, góp phần khẳng định vị trí, vai trò của Trung tâm trợ giúp pháp lý nhà nước, thời gian tới cơ quan quản lý trợ giúp pháp lý cũng như các tổ chức thực hiện trợ giúp pháp lý cần thực hiện một số công việc sau:
- Tiếp tục chú trọng việc nâng cao năng lực cho đội ngũ người thực hiện trợ giúp pháp lý (bao gồm cả trợ giúp viên pháp lý, cộng tác viên trợ giúp pháp lý và luật sư thực hiện trợ giúp pháp lý) nhằm đáp ứng nhu cầu ngày càng cao, đa dạng, chuyên sâu về trợ giúp pháp lý của người dân thông qua hoạt động đào tạo, bồi dưỡng, hội thảo hoặc các hình thức chia sẻ kinh nghiệm. Mỗi trợ giúp viên pháp lý tiếp tục chủ động học tâp nâng cao trình độ chuyên môn nghiệp vụ cũng như trao đổi chia sẻ kinh nghiệm với những người thực hiện trợ giúp pháp lý khác theo hình thức phù hợp.

- Nghiên cứu có các phương thức truyền thông hiệu quả, phù hợp với từng nhóm đối tượng, từng vùng, miền và từng thời điểm. Nâng cao năng lực, kiến thức, hiểu biết về trợ giúp pháp lý của đội ngũ cán bộ cơ sở, người có uy tín trong cộng đồng trong việc hỗ trợ người dân tiếp cận với dịch vụ trợ giúp pháp lý, tối đa hóa khả năng tiếp cận trợ giúp pháp lý của người dân, hiện thực hóa quyền được trợ giúp pháp lý đã được ghi nhận.

- Cơ quan quản lý trợ giúp pháp lý ở Trung ương tiếp tục được kiện toàn về mặt tổ chức và chức năng, nhiệm vụ để đáp ứng yêu cầu quản lý nhà nước, điều phối, phân bổ nguồn lực, giám sát và kiểm soát chất lượng trợ giúp pháp lý. 
- Các Trung tâm trợ giúp pháp lý cần chủ động để có giải pháp nâng cao chất lượng, hiệu lực, hiệu quả hoạt động và uy tín theo yêu cầu của Nghị quyết Đại hội Đảng lần thứ XIII;
- Các cơ quan tiến hành tố tụng thực hiện đầy đủ trách nhiệm phối hợp trợ giúp pháp lý trong hoạt động tố tụng theo quy định tại Thông tư liên tịch số 10/TTLT-BTP-BCA-BQP-BTC-TANDTC-VKSNDTC.

 
Phan Thị Thu Hà - Trưởng phòng, Phòng Chính sách và Quản lý ngiệp vụ TGPL - Cục Trợ giúp pháp lý

Xem thêm »