2.1.3. Kỹ năng của Người thực hiện TGPL trong giai đoạn hòa giải.
Việc hòa giải có thể được tiến hành theo hai cách: các đương sự tự hòa giải với nhau và hòa giải do thẩm phán tiến hành. Trong cả hai cách này, Người thực hiện TGPL đều cần thiết phải tham gia. Để việc hòa giải tiến hành có hiệu quả cần thiết phải có những chuẩn bị sau đây:
a) Chuẩn bị tài liệu, chứng cứ cho người được TGPL trước khi hòa giải.
Nhìn chung các chứng cứ cần sử dụng khi hòa giải không có gì khác so với các chứng cứ của toàn bộ vụ án. Tuy vậy cũng cần phải phân loại chúng theo yêu cầu khác nhau để khi sử dụng những chứng cứ này đối phương thấy được họ đang được lợi hoặc nếu họ tiếp tục theo đuổi vụ kiện thì sẽ gặp bế tắc.
Về nguyên tắc các tài liệu chứng cứ của người được TGPL (trong trường hợp họ là nguyên đơn) đều đã được thể hiện trong Hồ sơ khởi kiện. Trước khi tham gia hòa giải Người thực hiện TGPL chỉ cần tập hợp lại và giới thiệu qua cho nguyên đơn biết để trong quá trình hòa giải, nguyên đơn có thể tự mình đưa ra được các chứng cứ để minh họa cho giải trình của mình. Để giúp cho họ nắm bắt một cách hệ thống và dễ hiểu thì Người thực hiện TGPL nên sắp xếp lại Hồ sơ khởi kiện để phục vụ riêng cho giai đoạn hòa giải. Đối với trường hợp khách hàng của mình là bị đơn thì Người thực hiện TGPL cũng căn cứ vào bộ hồ sơ mà họ cùng với Người thực hiện TGPL đã chuẩn bị trước đó và cũng sắp xếp lại tương tự như trong trường hợp làm cho nguyên đơn.
b) Thống nhất với người được TGPL về các yêu cầu cần đạt được trong hòa giải, những vấn đề cần nhượng bộ.
Trước khi hòa giải, Người thực hiện TGPL cần thống nhất trước với người được TGPL của mình về một số yêu cầu cần đạt được sau khi nhượng bộ là như thế nào. Thông thường không phải lúc nào đương sự cũng sẵn sàng đồng ý với Người thực hiện TGPL để nhượng bộ đối phương, nhất là trong những trường hợp liên quan đến danh dự hoặc các quyền lợi tinh thần.
+ Thông báo cho người được TGPL về tình trạng pháp lý của họ;
+ Những ưu thế và bất lợi cho họ;
+ Những ưu thế và bất lợi của đối phương;
+ Các chứng cứ của cả hai bên;
+ Khả năng đối phương sẽ phản ứng như thế nào khi mình đưa ra các đề xuất;
+ Đưa ra các giải pháp nhượng bộ để khách hàng lựa chọn;
+ Thống nhất với họ về một số giải pháp tối ưu.
2.1.4. Kỹ năng của người thực hiện TGPL trong giai đoạn xét xử sơ thẩm
Tại phiên tòa dân sự sơ thẩm, vai trò của Người thực hiện TGPL với tư cách là người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của đương sự có vị trí rất quan trọng, được thể hiện từ thủ tục bắt đầu phiên tòa qua các giai đoạn tố tụng xét hỏi và tranh luận. Trong phần thủ tục bắt đầu phiên tòa, Người thực hiện TGPL cần chú ý thành phần những người được triệu tập để có ý kiến kịp thời về sự vắng mặt của những người tham gia tố tụng. Nếu sự vắng mặt của họ không bảo đảm xác định sự thật khách quan của vụ án, có thể gây bất lợi cho việc bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của đương sự là khách hàng của mình, thì Người thực hiện TGPL cần có ý kiến đề nghị tạm hoãn phiên tòa.
a) Về các yêu cầu cung cấp thêm chứng cứ hoặc triệu tập thêm người làm chứng.
Trong phần thủ tục bắt đầu phiên tòa trước khi kết thúc chủ tọa phiên tòa thường hỏi những người tham gia tố tụng xem có ai yêu cầu triệu tập thêm người làm chứng hoặc cung cấp thêm bằng chứng hay không, nếu có người yêu cầu thì HĐXX xem xét và quyết định. Như vậy, trong trường hợp cần phải triệu tập thêm người làm chứng hoặc cung cấp thêm bằng chứng, Người thực hiện TGPL cần triệt để tận dụng cơ hội đó. Như trong phần cung cấp chứng cứ đã nêu có thể có những chứng cứ mà trước đó thân chủ của mình hoặc Người thực hiện TGPL chưa có cơ hội hoặc chưa muốn cung cấp cho Tòa án thì là cơ hội tốt để cung cấp cho Tòa án những chứng cứ đó. Nếu Tòa án không đặt câu hỏi về việc yêu cầu triệu tập thêm người làm chứng hoặc cung cấp thêm bằng chứng mà Người thực hiện TGPL thấy cần thiết phải làm việc đó để bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho khách hàng của mình thì Người thực hiện TGPL phải chủ động đề xuất với HĐXX để HĐXX xem xét và quyết định. Thực tiễn cho thấy Người thực hiện TGPL chưa tận dụng triệt để quyền của mình trong giai đoạn này để đề nghị Tòa án triệu tập thêm người làm chứng.
b) Người thực hiện TGPL trong giai đoạn xét hỏi.
Giai đoạn xét hỏi tại phiên tòa là giai đoạn điều tra công khai có sự tham gia của tất cả những người tham gia tố tụng. Trong giai đoạn này các chứng cứ được lần lượt công bố, phân tích, so sánh, nghiên cứu và tự thân nó bộc lộ giá trị chứng minh của chúng. Người thực hiện TGPL cần phải có mặt tại phiên tòa trong suốt thời gian xét xử, trừ trường hợp đặc biệt. Người thực hiện TGPL cần phải chú ý theo dõi quá trình HĐXX tiến hành thủ tục xét hỏi tại phiên tòa. Về mặt thủ tục, Người thực hiện TGPL có quyền được đặt các câu hỏi để bảo vệ quyền lợi cho khách hàng của mình bằng cách thông qua các câu trả lời để khẳng định công khai những vấn đề cần phải làm sáng tỏ trong vụ án.
Trong phần xét hỏi, Người thực hiện TGPL cần theo dõi diễn biến của việc xét hỏi để bổ sung, chỉnh sửa kế hoạch xét hỏi đã soạn trước cho phù hợp với diễn biến của phiên tòa, tránh trùng lặp những vấn đề đã được xét hỏi rõ ràng; bổ sung những câu hỏi mới có ý nghĩa làm rõ sự thật mà quá trình xét hỏi trước của Hội đồng xét xử, của đại diện Viện kiểm sát (nếu có) chưa làm rõ được.
Người thực hiện TGPL có quyền đặt các câu hỏi để yêu cầu thân chủ của mình hoặc những người tham gia tố tụng khác trả lời cho Tòa án nhằm làm rõ những tình tiết quan trọng. Khi đặt các câu hỏi, Người thực hiện TGPL cần lưu ý chỉ nên đặt các câu hỏi đúng vào trọng tâm, ngắn gọn, dễ trả lời. Không bao giờ Người thực hiện TGPL vừa đặt các câu hỏi vừa tự mình giải thích các câu hỏi đó cũng như vừa gợi ý trả lời các câu hỏi đó. Trong những trường hợp khi các câu hỏi của Người thực hiện TGPL được các đương sự trả lời mà Người thực hiện TGPL thấy cần thiết phải nhấn mạnh thì đề nghị HĐXX lưu ý và đề nghị thư ký phiên tòa ghi nhận điều đó vào biên bản phiên tòa. Những câu hỏi và câu trả lời mà Người thực hiện TGPL đã đặt ra và được nghe trả lời trong quá trình thẩm vấn tại phiên tòa đều có thể được Người thực hiện TGPL sử dụng để cập nhật và bổ sung cho bản luận cứ của mình. Trong trường hợp trong bản luận cứ Người thực hiện TGPL nhắc lại những câu trả lời của đương sự ngay tại phiên tòa thì Người thực hiện TGPL cũng phải nhấn mạnh là điều đó đã được chính các đương sự tự mình khẳng định tại phiên tòa hôm nay. Đối với các câu hỏi dành cho thân chủ của mình, Người thực hiện TGPL không nên đặt ra những vấn đề hóc búa mà trước đó Người thực hiện TGPL chưa có điều kiện trao đổi với thân chủ. Chỉ nên đặt những câu hỏi mà từ trước đó Người thực hiện TGPL đã trao đổi với thân chủ của mình, hai bên đã thống nhất về câu hỏi và câu trả lời. Thân chủ cũng đã được thông báo trước về ý định của Người thực hiện TGPL khi muốn mình trả lời những câu hỏi đó. Thực tiễn hành nghề của các Người thực hiện TGPL cho thấy Người thực hiện TGPL không nên hỏi thân chủ của mình quá nhiều. Tránh tình trạng biến phần xét hỏi thành phần tranh luận. Trong phần xét hỏi Người thực hiện TGPL chỉ nên đặt các câu hỏi để các đương sự trả lời và ghi chép lại đầy đủ những tình tiết cần thiết chứ không bình luận gì thêm. Tất cả việc đánh giá chứng cứ, nhận định và kết luận về những gì đã diễn ra trong phần xét hỏi cần thiết phải được thể hiện trong phần tranh luận.
c) Ghi chép diễn biến của phiên tòa.
Khi theo dõi thủ tục xét hỏi tại phiên tòa, Người thực hiện TGPL cần phải ghi chép đầy đủ lời trình bày của nguyên đơn, bị đơn, người có quyền lợi nghĩa vụ liên quan, người đại diện của đương sự, kiểm sát viên, người làm chứng, người giám định, quá trình xem xét vật chứng. Việc ghi chép phải bảo đảm nguyên tắc ngắn gọn, đầy đủ và làm nổi bật được những ý chính. Đối với những tình tiết đặc biệt cần phải ghi chép riêng biệt hoặc phải nhấn mạnh để dễ lưu ý khi xem xét lại. Bản ghi chép này là tiền đề để Người thực hiện TGPL đặt các câu hỏi cho thân chủ của mình hoặc cho những người tham gia tố tụng khác để họ tự mình khẳng định công khai trước Tòa những vấn đề cần được làm rõ. Trong quá trình ghi chép cũng cần lưu ý cả những câu hỏi và câu trả lời của HĐXX cũng như của những người tham gia tố tụng khác. Thông thường, thông qua các câu hỏi của HĐXX hoặc đại diện VKS, Người thực hiện TGPL sơ bộ có thể nắm bắt được những quan điểm cơ bản của họ. Thông qua đó Người thực hiện TGPL có thể điều chỉnh bản luận cứ của mình hướng vào việc làm sáng tỏ các quan điểm của HĐXX và VKS mà Người thực hiện TGPL đã dự đoán theo hướng có lợi cho thân chủ của mình. Ghi chép các quá trình xét hỏi tại phiên tòa còn có ý nghĩa quan trọng trong việc dùng chính những quan điểm đó để làm cơ sở phản bác của mình trong trường hợp cần thiết. Nếu có điều kiện, khi ghi chép Người thực hiện TGPL cần sử dụng các loại mực khác nhau để dễ ghi nhớ khi xem xét lại.
d) Tranh luận tại phiên tòa.
Trong phần tranh luận, khi trình bày quan điểm của mình Người thực hiện TGPL cần nhận định về các tình tiết quan trọng của vụ án, trình bày quá trình đánh giá chứng cứ và khẳng định giá trị chứng minh của các chứng cứ mà Người thực hiện TGPL đã đánh giá. Luôn luôn dùng các văn bản pháp luật làm căn cứ cho những nhận định và kết luận của mình. Trong quá trình tranh luận, thông thường người tham gia tranh luận chỉ có quyền đáp lại ý kiến của người khác một lần đối với mỗi ý kiến mà mình không đồng ý. Khi đáp lại ý kiến mà mình không đồng ý Người thực hiện TGPL nên trình bày ngắn gọn và đi thẳng vào vấn đề đồng thời nếu cần thiết dùng ngay lập luận của họ để phán bác lại. Trong bất kỳ trường hợp nào thì Người thực hiện TGPL cũng phải tôn trọng sự điều khiển của chủ tọa phiên tòa, tránh tình trạng tranh cãi đối với những người tham gia tranh luận.
Trong bất kỳ trường hợp nào thì mục đích của việc tranh luận cũng là để làm sáng tỏ những tình tiết cần chứng minh của vụ án trên cơ sở đó bảo vệ được quyền và lợi ích hợp pháp của khách hàng. Không được lồng các ý tưởng mang tính chủ quan hoặc cá nhân để trình bày trong phần tranh luận. Nếu thấy đã tranh luận về các vấn đề nhưng vẫn chưa rõ hoặc chưa khẳng định được những tình tiết chính trong vụ án thì Người thực hiện TGPL có thể đề nghị HĐXX quay trở lại phần thẩm vấn.
Cần lưu ý là khác với thủ tục tranh luận tại phiên tòa hình sự, trong các phiên tòa dân sự, Người thực hiện TGPL không cần tranh luận với VKS mà VKS có quyền là người cuối cùng trình bày quan điểm của mình và đề xuất hướng giải quyết vụ án để HĐXX xem xét và quyết định. Sau khi đại diện VKS trình bày kết luận của mình thì những ngươi tham gia tranh luận không phát biểu gì thêm;
Trong phần tranh luận, Người thực hiện TGPL trình bày bản luận cứ đã được chỉnh sửa, bổ sung những vấn đề cần thiết dựa vào kết quả xét hỏi công khai tại phiên tòa. Việc trình bày bản luận cứ thể hiện kỹ năng hùng biện của Người thực hiện TGPL. Người thực hiện TGPL có thể trình bày bản luận cứ theo hai cách: Đọc bản luận cứ với giọng đọc rõ ràng, khúc chiết, nhấn mạnh những điểm cơ bản, những chứng cứ quan trọng chứng minh cho yêu cầu của đương sự; hoặc trình bày tóm tắt những luận điểm trong bài viết theo sự sắp xếp từng ý rõ ràng, có mối liên hệ chặt chẽ với nhau, và khi cần thiết thì trích đọc những tài liệu, chứng cứ có tác dụng chứng minh, thuyết phục người nghe.
Khi đối đáp, Người thực hiện TGPL cần ghi chép những ý, những điểm trong bản luận cứ của Người thực hiện TGPL đối phương, chuẩn bị phương án đối đáp tập trung vào những điểm cần tranh luận, với những căn cứ pháp lý và tài liệu chứng cứ rõ ràng, tránh nói chung chung hoặc không đi trực tiếp vào vấn đề cần đối đáp, làm giảm hiệu quả của việc đối đáp trong tranh luận.
Lưu ý:
+ Khi trình bày bản luận cứ của mình, Người thực hiện TGPL đang gửi đến cho HĐXX và những người tham gia tố tụng một bản thông điệp. Như vậy, không phải nói những gì mình thích mà nói những gì Tòa án có thể chấp nhận được.
+ Bản luận cứ chỉ có một mục đích duy nhất là thuyết phục Tòa án bởi những yêu cầu phù hợp pháp luật của Người thực hiện TGPL nhằm bảo vệ quyền lợi của khách hàng của mình;
+ Bản luận cứ là cách thức để chuyển tải ý nghĩ, vì vậy, để việc chuyển tải thông tin có hiệu quả, bản luận cứ cũng phải tuân theo những quy định nhất định;
+ Việc truyền đạt thông tin không chỉ là trên giấy tờ và lời nói, mà còn thể hiện ở cử chỉ và điệu bộ.
đ) Các công việc cần tiến hành sau phiên tòa sơ thẩm.
Người thực hiện TGPL nên giúp đương sự thực hiện quyền kháng cáo. Nếu thấy quyết định của bản án không phù hợp với yêu cầu của mình đã đề ra thì theo yêu cầu của thân chủ, Người thực hiện TGPL cần hướng dẫn cho họ hoặc tự mình soạn thảo Đơn kháng cáo để yêu cầu Tòa án cấp trên xem xét lại theo trình tự phúc thẩm.
2.1.5. Kỹ năng của người thực hiện TGPL trong giai đoạn xét xử phúc thẩm
Tại phiên tòa phúc thẩm, kỹ năng của Người thực hiện TGPL cũng thể hiện như trong phiên tòa sơ thẩm qua phần thủ tục và các giai đoạn tố tụng xét hỏi, tranh luận. Nếu đương sự mà Người thực hiện TGPL có trách nhiệm bảo vệ kháng cáo thì Người thực hiện TGPL phải chứng minh việc kháng cáo đó là có căn cứ pháp lý, trên cơ sở làm rõ những phán quyết không có căn cứ của bản án sơ thẩm. Nếu đương sự đối phương kháng cáo thì Người thực hiện TGPL tập trung làm rõ những điểm, những yêu cầu kháng cáo không có căn cứ để bảo vệ quyền lợi hợp pháp của thân chủ mình. Kỹ năng tranh luận, đối đáp tại phiên tòa phúc thẩm cũng tương tự như phiên tòa sơ thẩm.
(Còn tiếp,…)
Trần Nguyên Tú
Phó trưởng phòng – Phòng TC&QLCL