Trung tâm Trợ giúp pháp lý nhà nước Vĩnh Phúc: 17 năm xây dựng và trưởng thành

28/08/2015
Xem cỡ chữ Đọc bài viết In trang Google

Ngày đầu thành lập (29/7/1998) Trung tâm TGPL Nhà nước chỉ có 02 công chức, qua quá trình hoạt động Trung tâm đã từng bước được củng cố, kiện toàn và phát triển. Đến nay Trung tâm có 20 biên chế, gồm Lãnh đạo Trung tâm, Trợ giúp viên pháp lý và một số Cán bộ, Viên chức khác. Trung tâm có 04 phòng chuyên môn, 02 Chi nhánh Trợ giúp pháp lý là: Phòng pháp luật Hình sự - Hành chính; Phòng pháp luật Dân sự - Đất đai; Phòng pháp luật Lao động - Xã hội; Phòng Hành chính - Tổng hợp; Chi nhánh số 01 đặt tại huyện Lập Thạch và Chi nhánh số 02 đặt tại huyện Tam Đảo, có 16 điểm Trợ giúp pháp lý, 27 Câu lạc bộ Trợ giúp pháp lý, 72 Cộng tác viên trợ giúp pháp lý. Qua 17 năm hoạt động, Trung tâm đã khẳng định được vị trí, vai trò của mình trong việc cung cấp các dịch vụ pháp lý miễn phí cho người được trợ giúp pháp lý để bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp cho họ và nâng cao ý thức pháp luật cho người dân địa phương nói chung và các đối tượng được thụ hưởng dịch vụ trợ giúp pháp lý miễn phí nói riêng.

Căn cứ vào quy hoạch, kế hoạch dài hạn và hàng năm của HĐND và UBND tỉnh, Trung tâm thực hiện việc xây dựng Chương trình, Kế hoạch trợ giúp pháp lý dài hạn và hàng năm trên địa bàn tỉnh điển hình như: Kế hoạch trợ giúp pháp lý cho người nghèo, thôn, bản đặc biệt khó khăn vùng đồng bào dân tộc và miền núi giai đoạn 2013-2020 trên địa bàn tỉnh Vĩnh Phúc; Kế hoạch thực hiện chính sách TGPL cho người khuyết tật trên địa bàn tỉnh Vĩnh Phúc;  Kế hoạch thực hiện chiến lược phát triển trợ giúp pháp lý của tỉnh đến năm 2020, định hướng đến năm 2030;  Kế hoạch triển khai thực hiện trợ giúp pháp lý trong việc khiếu nại quyết định hành chính, hành vi hành chính trên địa bàn tỉnh Vĩnh Phúc…

Từ khi thành lập và đi vào hoạt động đến nay, Trung tâm đã thực hiện 28.785 vụ việc TGPL cho 29.324 người thuộc diện được trợ giúp pháp lý là người nghèo, người có công với cách mạng, người già cô đơn, người khuyết tật, trẻ em không nơi nương tựa và một số đối tượng khác theo quy định của pháp luật, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của họ bằng các hình thức thực hiện trợ giúp pháp lý là tư vấn pháp luật, tham gia tố tụng, đại diện ngoài tố tụng, hòa giải, kiến nghị…

Đặc biệt trong 08 năm trở lại đây, thực hiện Luật TGPL, Trung tâm đã thực hiện TGPL 12.334 vụ,  việc cho 12.332  người được TGPL. Trong 12.334 vụ việc đã được thực hiện bằng các hình thức: tham gia tố tụng là 721 vụ; đại diện ngoài tố tụng 62 việc; kiến nghị 32 việc; hòa giải 11 việc; ngoài ra là các hình thức khác như tư vấn miệng, tư vấn văn bản, tư vấn qua điện thoại và qua các cuộc lưu động...  Trong 12.332  người được TGPL  có 4.562 người nghèo, 3.324 người có công, 1255 người dân tộc thiểu số, 624 trẻ em, 174 người già, 166 người khuyết tật, 04 người thuộc diện nạn nhân của tội mua bán người, đối tượng khác là 2.223 người.

Lĩnh vực thực hiện TGPL chủ yếu là pháp luật về đất đai với 3.394 việc, pháp luật về dân sự hơn 2.001 việc, pháp luật về  hình sự 1.241 việc, pháp luật ưu đãi người có công 1.338 việc, pháp luật hành chính - khiếu nại 716 việc, pháp luật hôn nhân gia đình 839 việc, pháp luật lao động 162 việc, lĩnh vực pháp luật khác 1766 việc.

Trung tâm đã phối hợp chặt chẽ với Phòng Tư pháp các huyện, thành, thị và UBDN xã, phường, thị trấn trên địa bàn tỉnh khảo sát nhu cầu TGPL của nhân dân địa phương, xây dựng Kế hoạch và tổ chức có hiệu quả các cuộc trợ giúp pháp lý lưu động. Đặc biệt trong 08 năm trở lại đây, Trung tâm đã thực hiện 438 cuộc TGPL lưu động tại xác xã, phường, thôn, làng, với hàng vạn lượt người tham dự. In và phát hành 112.300 tờ rơi, tờ gấp pháp luật tại các buổi trợ giúp pháp lý lưu động, các buổi phối hợp tuyên truyền pháp luật, sinh hoạt chuyên đề pháp luật. Tổ chức lắp đặt 173 bảng thông tin, hộp tin trợ giúp pháp lý tại các cơ quan tiến hành tố tụng, Nhà văn hóa, Điểm bưu điện văn hóa các xã thuộc vùng dân tộc miền núi và những xã nghèo của tỉnh.

Hoạt động TGPL trong thời gian qua đã nhận được sự đồng tình, ủng hộ của các cấp chính quyền và nhất là của những người được trợ giúp pháp lý trên địa bàn tỉnh; giúp người nghèo, người yếu thế trong xã hội bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của mình, nâng cao hiểu biết pháp luật, ý thức tôn trọng và chấp hành pháp luật, góp phần bảo vệ công lý, đảm bảo công bằng pháp luật, giải tỏa những vướng mắc pháp luật trong nhân dân, giúp người dân hiểu rõ quyền, nghĩa vụ của mình, hạn chế tình trạng khiếu kiện đông người, kéo dài, góp phần giữ vững an ninh trật tự ở địa phương. Bên cạnh việc bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của công dân thì trợ giúp pháp lý còn còn góp phần hỗ trợ các cơ quan, tổ chức, cá nhân trong việc thực thi công vụ, hạn chế tình trạng lạm quyền, góp phần giải tỏa vướng mắc pháp luật giảm bớt khiếu kiện, giảm thiểu các tranh chấp phải đưa ra giải quyết bằng con đường pháp luật, đồng thời hỗ trợ tích cực cho các cơ quan tiến hành tố tụng, người tiến hành tố tụng bảo đảm giải quyết vụ án khách quan, công bằng, đúng pháp luật, góp phần thực hiện cải cách tư pháp theo chủ trương của Đảng đề ra.

Với những thành tích đã đạt được, các cán bộ Trung tâm Trợ giúp pháp lý đã được Bộ trưởng Bộ Tư pháp, Chủ tịch UBND tỉnh, Giám đốc Sở Tư pháp tặng Bằng khen, giấy khen, được công nhận Lao động tiên tiến, chiến sĩ thi đua cơ sở, chiến sĩ thi đua cấp tỉnh. Tập thể Trung tâm được tặng 03 Bằng khen của Bộ trưởng Bộ Tư pháp, 05 bằng khen của Chủ tịch UBND tỉnh, nhiều giấy khen của Giám đốc Sở, liên tục đạt danh hiệu Lao động tiên tiến, nhiều năm liền đạt danh hiệu tập thể Lao động xuất sắc./.

                             Nguyễn Thị Phương Anh - Trung tâm TGPLNN

Xem thêm »