Các chiến lược cho công tác trợ giúp pháp lý trong giai đoạn đầu của tư pháp hình sự ở Ấn Độ

19/01/2024
Xem cỡ chữ Đọc bài viết In trang Google

Hệ thống tư pháp hình sự ở Ấn Độ công nhận quyền có đại diện pháp lý ở tất cả các giai đoạn tố tụng hình sự đối với bị cáo như một phần của một phiên tòa công bằng. Hiến pháp và luật tố tụng bảo vệ bị cáo ngay từ giai đoạn đầu của quá trình tố tụng hình sự. Những biện pháp bảo vệ trong tố tụng này không chỉ cần thiết để bảo vệ quyền tự do của mỗi người mà còn để đảm bảo xét xử công bằng cho người đó.

1. Giới thiệu
Hệ thống tư pháp hình sự ở Ấn Độ công nhận quyền có đại diện pháp lý ở tất cả các giai đoạn tố tụng hình sự đối với bị cáo như một phần của một phiên tòa công bằng. Hiến pháp và luật tố tụng bảo vệ bị cáo ngay từ giai đoạn đầu của quá trình tố tụng hình sự. Những biện pháp bảo vệ trong tố tụng này không chỉ cần thiết để bảo vệ quyền tự do của mỗi người mà còn để đảm bảo xét xử công bằng cho người đó. Tuy nhiên, để biến các quy định về biện pháp bảo vệ thành hành động, cần phải có một hệ thống trợ giúp pháp lý mạnh mẽ và hiệu quả để người bị giam giữ không bị tước quyền của mình vì hạn chế về mặt kinh tế hoặc các hạn chế khác. Các cơ quan cung cấp dịch vụ pháp lý ở Ấn Độ tuân thủ định hướng tiếp cận công lý của Hiến pháp, theo đó đưa ra các chính sách và chương trình khác nhau mà tập trung vào việc trợ giúp pháp lý kịp thời và hiệu quả ở tất cả các giai đoạn của tư pháp hình sự. Dịch vụ pháp lý cho người bị tạm giữ luôn là một trong những lĩnh vực trọng tâm của các cơ quan pháp lý trong nước. Điều này là vô cùng cần thiết vì phần lớn những người bị bắt, đặc biệt là đối với những người thuộc các cộng đồng dễ bị tổn thương, bị cô lập và không thể nắm được hệ thống tư pháp hình sự. Họ không biết tầm quan trọng của trợ giúp pháp lý và không đủ khả năng thuê luật sư, vì vậy, trong trường hợp đó, điều quan trọng là cung cấp cho họ dịch vụ trợ giúp pháp lý kịp thời và hiệu quả.
Năm 2019, trong phạm vi cả nước, có khoảng 5.212.404 người bị bắt giữ, và có 1.886.092 phạm nhân bị giam giữ vào các nhà tù khác nhau. Tức là khoảng 36% số người bị bắt bị chuyển giam giữ trong tù và 64% được thả ở giai đoạn đầu. Có thể nói rằng trong số 64% đó có những vụ việc mà tạm giữ là không cần thiết và hoàn toàn có thể tránh khỏi. Trong các báo cáo lần thứ 152, 154 và 177, Ủy ban Pháp luật Ấn Độ cũng nhận thấy sự cần thiết phải sửa đổi các điều khoản liên quan đến việc bắt giữ. Theo đó, giai đoạn trước khi tiến hành bắt giữ đã được đưa ra thông qua việc ghi nhận Mục 41 A trong Bộ luật tố tụng hình sự năm 1973. Tuy nhiên, vẫn còn nhiều vấn đề đáng chú ý xoay quanh việc tiến hành bắt giữ không cần thiết. Trợ giúp pháp lý cho những người bị tình nghi ở giai đoạn đầu không chỉ tránh được những vụ bắt giữ không cần thiết mà còn cung cấp hướng dẫn pháp lý thiết yếu, đảm bảo quyền được bảo vệ theo quy định của pháp luật.
Bài viết đã đưa ra những đặc điểm nổi bật của cơ chế thực hiện trợ giúp pháp lý ở Ấn Độ nhằm đảm bảo trợ giúp pháp lý cho những người trong giai đoạn thẩm vấn, bắt giữ và tạm giam. Bài viết này còn làm rõ quyền đại diện pháp lý, trách nhiệm của các cơ quan cung cấp dịch vụ pháp lý và chiến lược của họ để đảm bảo quyền trợ giúp pháp lý cho người dân. Bài viết này cũng nêu một số công việc đã thực hiện và những thách thức hiện tại.
Giai đoạn đầu của tư pháp hình sự tại Ấn Độ:
Giai đoạn đầu của tư pháp hình sự bao gồm các giai đoạn: trước khi bắt giữ, bắt giữ và tạm giam. Giai đoạn trước khi bắt giữ được quy định tại Bộ luật tố tụng hình sự năm 1973 (BLTTHS) theo mục 41A, quy định thủ tục thẩm vấn những người bị tình nghi ở giai đoạn trước khi bắt giữ. Khi một người không bắt buộc bị bắt, người đó sẽ được triệu tập hoặc nhận thông báo của cơ quan công an để thẩm vấn. Cá nhân này được gọi đến đồn công an như một nghi phạm. Ở giai đoạn này, trợ giúp pháp lý phù hợp có thể giúp tránh được việc bắt giữ không cần thiết. Trợ giúp pháp lý như vậy cũng đảm bảo rằng nghị phạm này được thông báo về các cáo buộc chống lại họ. Tòa án tối cao của Ấn Độ trong vụ việc Arnesh Kumar kiện Bang Bihar đã chỉ đạo tuân thủ việc thực hiện Mục 41A BLTTHS để không xảy ra các vụ bắt giữ không cần thiết và không tạm giam người bị bắt khi không cần.
Ở giai đoạn bắt giữ, người bị bắt sẽ ở trong đồn công an. Tại thời điểm này, trợ giúp pháp lý kịp thời và hiệu quả dẫn đến hiện thực hóa các biện pháp bảo vệ được cung cấp cho những người bị bắt giữ. Đối với những tội có thể bảo lãnh, người bị bắt giữ nộp tiền bảo lãnh ngay tại đồn công an. Thân nhân của người bị bắt có thể được vào thăm. Trợ giúp pháp lý trong giai đoạn này cũng giúp bảo vệ người bị bắt khỏi bị tra tấn, đồng thời đảm bảo việc đưa người đó ra xét xử kịp thời. Người bị bắt có quyền yêu cầu luật sư trợ giúp pháp lý tại cơ quan công an. Tuy nhiên, hiện nay, luật không quy định một cuộc điều tra không thể bắt đầu khi không có luật sư đại diện cho người bị bắt có mặt.
Giai đoạn tạm giam là giai đoạn quan trọng khi một người bị bắt bị tiếp tục giam giữ. Đại diện pháp lý trong giai đoạn này là bắt buộc. Ở giai đoạn này, các vụ bắt giữ bất hợp pháp có thể đưa ra để xem xét, phương án nộp đơn xin bảo lãnh là khả thi và có thể tránh được việc giam giữ. Ở thời điểm này, bên khởi tố sẽ yêu cầu tạm giữ theo quyết định của cơ quan công an hoặc theo quyết định của tòa án. Yêu cầu tạm giữ sẽ được chấp thuận nếu giai đoạn điều tra không được hoàn thành trong vòng 24 giờ kể từ thời điểm bắt giữ.
Các giai đoạn trước khi bắt giữ, bắt giữ và tạm giam cấu thành các giai đoạn quan trọng trước khi xét xử, trong đó đại diện pháp lý nhanh chóng và hiệu quả có thể tác động đến các quyết định liên quan đến quyền tự do của một cá nhân. Sự có mặt của luật sư không chỉ đảm bảo quyền được xét xử công bằng của người bị tình nghi mà còn giúp tòa án ra quyết định có căn cứ về việc có cần tiếp tục tạm giam họ hay không.
2. Quyền được trợ giúp pháp lý trong giai đoạn đầu của tư pháp hình sự
Tòa án Ấn Độ đã đóng góp to lớn vào việc củng cố quyền được trợ giúp pháp lý của bị cáo trong giai đoạn đầu của quá trình tố tụng hình sự. Các phán quyết Tòa án tối cao Ấn Độ đưa ra đã lấp đầy khoảng trống lập pháp cho vấn đề này. Trong vụ án Sheela Barse kiện Bang Maharashtra, Tòa án Tối cao Ấn Độ cho rằng “bất cứ khi nào một người bị công an bắt và giam giữ, công an sẽ ngay lập tức thông báo về vụ bắt giữ đó cho Ủy ban trợ giúp pháp lý gần nhất và Ủy ban trợ giúp pháp lý đó sẽ hành động ngay lập tức nhằm cung cấp trợ giúp pháp lý cho người bị bắt giữ bằng chi phí của Nhà nước với điều kiện là đối tượnng này chấp nhận trợ giúp pháp lý.".  Đây là một định hướng quan trọng, tạo điều kiện thuận lợi cho việc cung cấp trợ giúp pháp lý tại đồn công an. Nhiệm vụ thông tin về người thuộc diện trợ giúp pháp lý của công an với Cơ quan cung cấp dịch vụ pháp lý không được quy định trong bất kỳ luật nào. Do đó, việc hướng dẫn các sĩ quan công an phải thông báo như trên đã phần nào cải thiện được khoảng trống trong quy định của pháp luật. Trong vụ án Nandini Sathpaty kiện P.L Dani, Tòa án Tối cao của Ấn Độ đã đưa ra phán quyết rằng: “nguyên tắc cơ bản đối với các quy định pháp luật là dịch vụ của luật sư phải luôn có sẵn để có thể thực hiện tư vấn cho bất cứ người bị buộc tội nào trong các trường hợp thẩm vấn trước khi tiến hành tạm giữ”. Quyết định này đã lấp đầy khoảng trống pháp lý vì các nghi phạm bị gọi đến đồn công an trong tình trạng thẩm vấn trước khi tiến hành tạm giữ hoặc trong đang bị tạm giữ, và do đó có thể nhận được sự trợ giúp pháp lý. Trong vụ việc D.K. Basu kiện Bang Tây Bengal, Tòa án Tối cao phán quyết rằng người bị bắt có thể được phép gặp luật sư của mình trong quá trình thẩm vấn, nhưng không phải liên tục, xuyên suốt trongquá trình thẩm vấn.
Hiến pháp Ấn Độ quy định về quyền của người bị bắt là được tham khảo ý kiến ​​của luật sư mà họ lựa chọn. Mục 41D của Bộ luật Tố tụng Hình sự trao quyền cho người bị bắt được gặp người bào chữa do mình lựa chọn trong quá trình thẩm vấn, mặc dù không phải trong suốt quá trình thẩm vấn. Trong giai đoạn tạm giam thì sự có mặt của luật sư là bắt buộc.
3. Vai trò của Cơ Quan trợ giúp pháp lý
Điều 39A Hiến pháp Ấn Độ cho phép cung cấp trợ giúp pháp lý miễn phí. Nhà nước có nghĩa vụ ban hành các quy định pháp luật tương tự để bất kỳ công dân nào cũng có quyền được công lý bảo vệ, không phân biệt hoàn cảnh kinh tế hoặc bất kỳ khía cạnh nào khác. Theo đó, Đạo luật về Các cơ quan cung cấp dịch vụ pháp lý, bao gồm các điều khoản về trợ giúp pháp lý miễn phí, được ban hành vào năm 1987. Đây là luật cơ bản bao gồm toàn bộ khung pháp lý của hệ thống trợ giúp pháp lý do Nhà nước bảo trợ ở Ấn Độ. Đạo luật quy định việc thành lập các Cơ quan cung cấp dịch vụ pháp lý ở cấp Quốc gia (Cơ quan trợ giúp pháp lý), Tiểu bang, Quận và Xã, dự kiến ​​ các Cơ quan trợ giúp pháp lý được thiết lập trên toàn quốc.
Cơ quan trợ giúp pháp lý có nhiệm vụ cung cấp dịch vụ pháp lý cho tất cả những người đang bị giam giữ. Kể từ khi thành lập, nhiều chương trình và cơ chế khác nhau đã được Cơ quan trợ giúp pháp lý áp dụng để đảm bảo khả năng tiếp cận trợ giúp pháp lý cho những người bị giam giữ. Năm 1998, Cơ quan trợ giúp pháp lý đã thông qua Chương trình mẫu cho Luật sư trợ giúp pháp lý tại tất cả các Tòa sơ thẩm, trong đó quy định việc chỉ định các luật sư phụ trách tạm giam và bảo lãnh (còn được gọi là cố vấn trợ giúp pháp lý) và phụ trách tại tòa sơ thẩm. Những luật sư này dự kiến ​​có mặt trong giờ tạm giam tại các tòa án được chỉ định của họ để phản đối việc tạm giam, xin bảo lãnh và nộp các đơn đăng ký khác cho những người cần luật sư trợ giúp pháp lý. Năm 2015, Cơ quan trợ giúp pháp lý đã sửa đổi Chính sách Cơ quan trợ giúp pháp lý quốc gia năm 2011 để cho phép thiết lập các các cơ sở trợ giúp pháp lý trong nhà tù.
Năm 2019, Cơ quan trợ giúp pháp lý đã hợp lý hóa và tăng cường hoạt động của các luật sư phụ trách tạm giam, đồng thời xây dựng Quy chế - Tiếp cận sớm Công lý ở Giai đoạn trước khi tắt giữ, bắt giữ và tạm giam để cung cấp trợ giúp pháp lý cho những người bị tình nghi và người bị bắt giữ. Văn bản này xác định và xây dựng các quy trình cung cấp trợ giúp pháp lý hiệu quả ở giai đoạn đầu của công tác trợ giúp pháp lý. Vì nghi phạm và người bị bắt thuộc nhóm “người đang bị giam giữ”, họ có quyền được trợ giúp pháp lý miễn phí theo mục 12(g) của Đạo luật Cơ quan trợ giúp pháp lý năm 1987, bất kể thu nhập của họ là bao nhiêu.
Thông qua các luật sư và cộng tác viên trợ giúp pháp lý, Các Cơ quan trợ giúp pháp lý có nhiệm vụ phổ biến kiến thức pháp luật về quyền được trợ giúp pháp lý của nghi phạm và người bị bắt giữ, từ đó họ hiểu được quyền được trợ giúp pháp lý miễn phí của mình. Cơ quan này còn có trách nhiệm tiến hành các chương trình nâng cao nhận thức cho các sĩ quan công an và đào tạo các luật sư trong việc cung cấp trợ giúp pháp lý hiệu quả cho những người bị tình nghi và những người bị bắt giữ tại các đồn công an và tòa án. Sự phối hợp với cơ quan công an để các sĩ quan công an có thể thông báo kịp thời cho luật sư trợ giúp pháp lý và cơ quan dịch vụ pháp lý trong trường hợp có nghi phạm và có người bị bắt. Các cơ quan cung cấp dịch vụ pháp lý có khả năng tiếp cận với từng đồn công an trên toàn quốc và cung cấp đại diện pháp lý tại các tòa án ở mọi cấp trong giai đoạn đầu của tư pháp hình sự. Văn phòng của họ được đặt tại tất cả các quận có tòa án tư pháp và nguồn nhân lực của họ bao gồm các luật sư trong hội đồng và tình nguyện viên trợ hiups pháp lý cũng có mặt ở tất cả các quận trên cả nước.
4. Chiến lược cho công tác trợ giúp pháp lý trong giai đoạn đầu tư pháp hình sự
Cơ quan trợ giúp pháp lý đang tuân theo một chiến lược gồm năm nội dung để thực hiện hiệu quả Quy chế cung cấp trợ giúp pháp lý ở giai đoạn đầu của tư pháp hình sự. Năm nội dung cụ thể của chiến lược này là:
  1. Truyền thông nhằm nâng cao nhận thức của người dân về các biện pháp bảo vệ theo thủ tục và quyền được trợ giúp pháp lý ở các giai đoạn Trước khi bị bắt giữ, Bắt giữ và Tạm giam.
  2. Đào tạo luật sư trợ giúp pháp lý để thực hiện trợ giúp pháp lý kịp thời và hiệu quả trong giai đoạn đầu của tư pháp hình sự.
  3. Nâng cao nhận thức, độ nhạy cảm của các sĩ quan công an về quyền được trợ giúp pháp lý tại đồn công an.
  4. Đảm bảo chất lượng trợ giúp pháp lý, theo sát các chỉ số thực hiện.
  5. Cử luật sư nam và nữ theo yêu cầu thực tế và công khai thông tin liên lạc của họ với đồn công an và tòa án.
Nhận thức về các biện pháp bảo vệ theo thủ tục dành cho những người bị tình nghi và những người bị bắt giữ được phổ biến một cách có hệ thống bởi các Cơ quan trợ giúp pháp lý. Nhiều sổ tay hướng dẫn và tài liệu tuyền thông được chuẩn bị, in ấn và phân phát cho quần chúng nhân dân trong các chương trình nâng cao nhận thức pháp luật. Các luật sư trợ giúp pháp lý là nguồn nhân lực chính trong các chương trình nâng cao nhận thức pháp luật. Sổ tay hướng dẫn và tài liệu truyền thông sử dụng những từ ngữ dễ hiểu và được dịch sang tiếng bản ngữ. Các video ngắn cũng được chuẩn bị để nâng cao nhận thức của người dân. Quy chế của Cơ quan trợ giúp pháp lý cũng nêu rõ các quyền khác nhau của nghi phạm và người bị bắt giữ, đồng thời khuyến nghị nên đưa nó vào các tài liệu bỏ túi để nâng cao nhận thức, v.v. Hàng năm, hàng nghìn chương trình nâng cao nhận thức pháp luật như vậy được tổ chức. Nhận thức cũng được lan truyền thông qua báo in và phương tiện điện tử bao gồm cả phương tiện truyền thông xã hội.
Quy chế của Cơ quan trợ giúp pháp lý cũng nêu rõ nhiệm vụ của các luật sư. Cụ thể là nêu rõ các bước khác nhau mà luật sư phụ trách sẽ thực hiện ở các giai đoạn trước khi bắt giữ, bắt giữ và tạm giam. Các bước này là các quy trình đã được xây dựng phù hợp với mục tiêu bao trùm là cung cấp trợ giúp pháp lý đạt chất lượng. Cơ quan dịch vụ pháp lý tổ chức các chương trình đào tạo cho luật sư của họ để các luật sư có thể trợ giúp pháp lý cho những người bị tình nghi và người bị bắt giữ, với mục tiêu là đào tạo họ về các quy trình được quy định trong Quy chế và cả những vấn đề pháp lý phức tạp khác.
Các quy trình quy định cho luật sư phụ trách ở các giai đoạn khác nhau của giai đoạn đầu của tư pháp có những nội dung chủ yếu như sau:
  • Giai đoạn trước khi bị bắt giữ: Trong giai đoạn này, luật sư phụ trách sẽ trực tiếp trình bày lời buộc tội đối với người bị thẩm vấn. Luật sư sẽ giải thích cho người bị tình nghi về hành vi phạm tội bị cáo buộc và về việc bị thẩm vấn. Luật sư sẽ cung cấp tư vấn và trợ giúp pháp lý khi được yêu cầu trong tình huống. Luật sư sẽ tư vấn cho công an, nếu họ tiến hành bắt giữ nghi phạm một cách không cần thiết và không có cơ sở. Trong trường hợp nghi phạm là người nước ngoài, luật sư phụ trách sẽ thông báo cho công an để báo cho Cao ủy, Đại sứ quán/Lãnh sự quán có liên quan. Trong trường hợp, nghi phạm không hiểu ngôn ngữ thì sẽ sắp xếp một phiên dịch viên. Luật sư trợ giúp pháp lý phải đảm bảo rằng phụ nữ không bị gọi đến đồn công an hoặc bất kỳ nơi nào khác ngoài nơi cư trú của họ để thẩm vấn. Trong trường hợp trẻ em đã được gọi đến đồn công an, luật sư phải thực hiện các bước cần thiết để bảo vệ các quyền của mình theo quy định của Tư pháp vị thành niên.
  • Giai đoạn bắt giữ: Ở giai đoạn bắt giữ, luật sư phụ trách sẽ trình bày về các cáo buộc chống lại bị can và về căn cứ bắt giữ. Luật sư sẽ giải thích cho người bị bắt, hành vi phạm tội bị cáo buộc và lý do bắt giữ. Trong trường hợp có thể tại ngoại, luật sư phụ trách phải thực hiện các bước cần thiết để đảm bảo việc bảo lãnh cho người bị bắt tại đồn công an. Bất cứ khi nào cần thiết và khả thi, thân nhân hoặc bạn bè của người bị bắt giữ sẽ được luật sư phụ trách liên hệ thông qua PLV vì mục đích này. Trường hợp người bị bắt là người nước ngoài thì luật sư phụ trách phải thông báo cho cơ quan công an để báo cho Cao ủy, Đại sứ quán/Lãnh sự quán. Luật sư phải đảm bảo rằng những người bị bắt là nữ giới được giam giữ riêng biệt với nam giới và nữ công an sẽ có mặt trong quá trình thẩm vấn. Trong trường hợp người bị bắt là trẻ em, luật sư phải thực hiện các bước cần thiết để bảo vệ các quyền của đối tượng này theo quy định của Tư pháp vị thành niên.
  • Giai đoạn tạm giữ: Ở giai đoạn tạm giữ, luật sư phụ trách sẽ nhận được một bản sao của đơn đề nghị truy tố bị cáo do cơ quan công tố chuyển đến. Nếu bên truy tố không cung cấp bản sao đơn  đề nghị truy tố thì luật sư sẽ yêu cầu tòa án liên quan cung cấp bản sao đó để đảm bảo quyền được đại diện của nghi phạm. Luật sư phụ trách tạm giữ được ủy quyền trong mọi trường hợp, trước khi đại diện cho người bị bắt, để được trao đổi với người bị bắt. Điều này nhằm thông báo cho người bị bắt về các cáo buộc chống lại họ và các căn cứ mà cơ quan công tố đưa ra để yêu cầu tạm giam. Có thể xảy ra trường hợp công an bắt giữ một người một cách không cần thiết mà chỉ là theo lệ thường. Trong một tình huống như vậy, theo mục 41 BLTTHS và các điều khoản khác, việc bắt giữ như vậy bắt buộc phải được Người đại diện cho việc tạm giam đối chất trước tòa. Luật sư phụ trách tạm giữ có thể nộp đơn xin bảo lãnh trong những trường hợp thích hợp. Người bị bắt cũng sẽ được thông báo về đơn xin bảo lãnh và ngày tiếp theo nếu ngày xét xử tranh luận bị tòa án hoãn lại. Trong trường hợp cho phép bảo lãnh, Luật sư phụ trách tạm giữ được yêu cầu hỗ trợ người bị bắt trong việc cung cấp phí bảo lãnh tại ngoại. Trong trường hợp người bị bắt giữ hoặc luật sư không hiểu ngôn ngữ mà các tài liệu đã được công an chuẩn bị, thì phải đệ trình trước tòa án để cung cấp các tài liệu đã được dịch. Nếu một người đang bị giam giữ theo quyết định của Tòa án không được xuất trình trực tiếp hoặc thông qua hội nghị truyền hình trong lần tạm giam tiếp theo thì việc đệ trình sẽ được thực hiện trước tòa án để đưa ra lệnh tạm giữ trong lần tạm giam tiếp theo. Bất cứ khi nào một người có khó khăn trong nhận thức bị tạm giam, Luật sư phụ trách tạm giam sẽ thực hiện các bước theo chương XXV của Bộ luật tố tụng hình sự năm 1973. Việc nộp đơn bảo lãnh cho người đó sẽ được thực hiện bởi một luật sư hội đồng theo mục 330 của Bộ luật tố tụng hình sự.
Do đó, các quy trình do Cơ quan trợ giúp pháp lý quy định cũng điều chỉnh các tình huống mà nghi phạm và người bị bắt là người khuyết tật hoặc không thể hiểu ngôn ngữ. Các quy trình này cũng nhằm mục đích trang bị cho những người bị tình nghi và những người bị bắt giữ thông tin liên quan đến các cáo buộc chống lại họ và về các biện pháp bảo vệ có sẵn theo luật.
Cơ quan trợ giúp pháp lý chỉ có thể trợ giúp pháp lý khi nhận được thông báo về nghi phạm và người bị bắt từ đồn công an hoặc từ chính nghi phạm/người bị bắt. Hầu hết các Cơ quan trợ giúp pháp lý đã báo cáo về việc không có thông tin của những nghi phạm và những người bị bắt giữ từ các đồn công an kịp thời và thường xuyên.
5. Thực trạng thi hành
Trong năm 2020, đã có 36.233 đơn xin bảo lãnh được các luật sư trợ giúp pháp lý nộp, trong đó có 20.825 đơn được chấp thuận. 76.087 người được trợ giúp trong giai đoạn bắt giữ trước khi ra tòa. Bên cạnh đó, 4.312 nghi phạm và 5.031 người bị bắt được trợ giúp pháp lý tại cơ quan công an. Thông qua các chương trình nâng cao nhận thức của người dân, Cơ quan cung cấp Dịch vụ pháp lý mong muốn nâng cao hiểu biết của người dân về sự sẵn có của công tác trợ giúp pháp lý miễn phí tại các cơ quan công an. Tuy nhiên, cũng cần có các sự phối hợp từ phía các cơ quan công an để kịp thời nhận được thông tin về nghi phạm và người bị bắt giữ từ cơ quan công an. Tại một trong các bang, Cơ quan trợ giúp pháp lý Bang đã chuẩn bị một phim ngắn khoảng bốn phút nhằm truyền thông về quyền của nghi phạm và những người bị bắt. Đoạn phim ngắn nói trên đã được gửi đến tất cả các cơ quan công an trên toàn bang và trình chiếu cho nghi phạm và người bị bắt giữ để họ có thể quyết định có yêu cầu trợ giúp pháp lý hay không.
Trên nhiều bang, các khóa đào tạo và hội thảo đã được tổ chức với cơ quan công an và các cơ quan cung cấp dịch vụ pháp lý cùng xây dựng các quy trình vận hành tiêu chuẩn chung để đảm bảo Quy chế được thực thi hiệu quả. Quy chế định quy định việc trợ giúp pháp lý cho nghi phạm và người bị bắt sẽ được thực hiện cả ngoài giờ hành chính.
Bên cạnh những vấn đề nêu trên, Cơ quan trợ giúp pháp lý Bang còn áp dụng những phương thức khác nhằm nâng cao hiệu quả hơn nữa cho quá trình thực thi Quy chế của Cơ quan trợ giúp pháp lý trong công tác trợ giúp pháp lý trong giai đoạn đầu của tư pháp hình sự. Để đảm bảo rằng không trường hợp bị giam giữ nào không có người đại diện trước tòa, các cơ sở cung cấp dịch vụ pháp lý được thành lập trong phần lớn các nhà tù ở Ấn Độ. Bên cạnh đó, Ủy Ban Giám sát Phiên tòa được thành lập ở mỗi quận trên phạm vi cả nước. Các Ủy ban này xem xét các phạm nhân thuộc giai đoạn tiền xét xử mà đủ điều kiện để thả và theo đó sẽ thông báo tới Cơ quan trợ giúp pháp lý Bang để giúp các phạm nhân này được thả. Các cán bộ thực hiện công tác trợ giúp pháp lý thăm tù hàng tháng và xem xét các trường hợp phạm nhân thuộc giai đoạn tiền xét xử yêu cầu trợ giúp pháp lý.
6. Thách thức và định hướng trong tương lai
Việc chú trọng vào công tác trợ giúp pháp lý ở giai đoạn đầu của tư pháp hình sự đã nhận được sự đồng thuận bằng việc thông qua Quy chế của Cơ quan trợ giúp pháp lý để cung cấp công tác trợ giúp ở giai đoạn trước bắt giữ và bắt giữ. Tuy nhiên, trợ giúp pháp lý như vậy trong các đồn công an mới đang bắt đầu được đẩy nhanh. Về vấn đề này cần phải xác định rõ các thách thức còn tồn tại và đưa ra phương án giải quyết, bao gồm việc sĩ quan công an thông báo kịp thời về thông tin của nghi phạm và người bị bắt giữ tới Cơ quan trợ giúp pháp lý quận. Có rất nhiều nguyên nhân lý giải cho vấn đề không thông báo kịp thời. Một trong những nguyên nhân là do nhận thức chưa cao từ phía các sĩ quan công an hoặc do nghi phạm và người bị bắt chưa nắm được thông tin về sự sẵn có của các dịch vụ pháp lý miễn phí cũng như quyền được yêu cầu trợ giúp pháp lý tại cơ quan công an hoặc trong giai đoạn bị giam giữ theo yêu cầu của tòa, và do pháp luật chưa quy định về yêu cầu sự có mặt của luật sư trước khi bắt đầu thẩm tra. Đó là những nguyên nhân đang tồn tại và cần được khắc phục đảm bảo các chiến lược của Cơ quan trợ giúp pháp lý được thực thi. Các vấn đề này có thể được giải quyết bằng việc thực hiện một số bước như tổ chức chương trình nâng cao sự thấu cảm cho các sĩ quan công an, trình chiếu các video truyền thông về quyền của nghi phạm và người bị bắt, đặt pano ở cơ quan công an và tòa án để truyền thông về quyền được trợ giúp pháp lý và thông tin liên lạc của Cơ quan cung cấp dịch vụ trợ giúp pháp lý.
 Ngoài ra, các ủy ban Giám sát và Tư vấn được giao nhiệm vụ đảm bảo chất lượng dịch vụ pháp lý, cần được củng cố để giám sát hoạt động trợ giúp pháp lý trong giai đoạn đầu của tư pháp hình sự. Hiện tại, các Ủy ban này chủ yếu tập trung vào các vụ việc trợ giúp pháp lý đang chờ giải quyết tại tòa án. Quy định của Cơ quan trợ giúp pháp lý nêu rõ các tiêu chuẩn thực hiện, tức là các quy trình mà luật sư phụ trách phải tuân theo trong khi thực hiện trợ giúp pháp lý ở giai đoạn đầu của tư pháp hình sự. Ủy ban Giám sát và Tư vấn có thể giám sát trợ giúp pháp lý ở giai đoạn đầu dựa trên các tiêu chuẩn thực hiện theo quy định đó. Tương tự như vậy, họ có thể tư vấn cho luật sư phụ trách về các khía cạnh khác nhau để đảm bảo chất lượng trợ giúp pháp lý.
Trong quá trình khảo sát, có thể nhận thấy rằng ở những khu vực đồi núi, luật sư phụ trách thường gặp khó khăn về giao thông, hơn nữa, ở những khu vực đồi núi và vùng sâu, vùng xa cũng có rất ít luật sư. Phần lớn các Bang không có phụ cấp di chuyển. Các Cơ quan Trợ giúp pháp lý có thể giải quyết những thách thức này bằng cách có phụ cấp di chuyển cho luật sư trực và ở những vùng sâu vùng xa có thể sử dụng phương tiện di chuyển để hỗ trợ cho quá trình trợ giúp pháp lý.
Cần có những nghiên cứu để cải thiện việc tiếp cận trợ giúp pháp lý tại tại trụ sở công an, đặc biệt là ở Bang nơi mà thông báo về các trường hợp nghi phạm và người bị bắt giữ từ phía cơ quan công an còn thấp, mà tỷ lệ bắt giữ lại cao. Trong tương lai, các Cơ quan trợ giúp pháp lý cần thực hiện các bước để củng cố hơn nữa khung pháp lý. Các đánh giá định kỳ của Cơ quan trợ giúp pháp lý có thể củng cố các quy trình thực hiện để bảo vệ hiệu quả hơn nữa quyền của những nghi phạm và người bị bắt.
Mặc dù vẫn còn gặp nhiều thách thức, các bên liên quan đang nỗ lực không ngừng để xác định và giải quyết triệt để những khó khăn này. Trong tương lai gần, có thể vận dụng một số chiến lược để đảm bảo thực hiện trợ giúp pháp lý sớm cho người thuộc diện trợ giúp pháp lý ngay từ giai đoạn đầu của tố tụng hình sự. Có thể tham vấn thường xuyên giữa các cơ quan cung cấp dịch vụ pháp lý để tìm ra các khoảng trống cũng như phương hướng giải quyết và chia sẻ kinh nghiệm; tăng cường chuẩn bị tài liệu và thực hiện báo cáo về vấn đề trợ giúp được cung cấp trong giai đoạn đầu; nâng cao năng lực của những người cung cấp dịch vụ pháp lý về quyền của nghi phạm, bị cáo; cải thiện sự phối hợp giữa các cơ quan cung cấp dịch vụ pháp lý và cơ quan công an thông qua các khóa đào tạo và hội thảo chung và cải thiện vấn đề giám sát các dịch vụ pháp lý đã cung cấp.

 
Phan Thị Thu Hà - Cục Trợ giúp pháp lý

 

Xem thêm »