1. Các chức danh người thực hiện trợ giúp pháp lý
- Luật sư công/Luật sư Nhà nước/Luật sư trợ giúp pháp lý: Là công chức Nhà nước hoặc được Nhà nước tuyển dụng vào làm việc tại tổ chức trợ giúp pháp lý để trực tiếp thực hiện trợ giúp pháp lý, hưởng lương từ ngân sách Nhà nước và thực hiện vụ việc theo sự phân công của tổ chức trợ giúp pháp lý. Các chức danh này được nhiều nước áp dụng như: Anh và xứ Wales, Philippine, Hà Lan, Mỹ, Litva, Israel, Hàn Quốc, Canada, Bang New South Wales của Úc, Phần Lan….
- Luật sư hành nghề tự do theo pháp luật về luật sư: Các luật sư này là thành viên của Hiệp hội luật sư (hoặc Đoàn Luật sư), tự nguyện tham gia thực hiện trợ giúp pháp theo yêu cầu của khách hàng hoặc thực hiện trợ giúp pháp lý theo yêu cầu của Chính phủ và được Chính phủ chi trả thù lao. Chức danh này được sử dụng ở hầu hết các nước như Hàn Quốc, Mỹ, Nêpal, Thụy Điển, Hà Lan, Mỹ, Singapore, Malaysia, Ailen, Thái Lan, Trung Quốc, Đức…. Những luật sư này sẽ ký hợp đồng với tổ chức trợ giúp pháp lý và thực hiện các vụ việc theo sự phân công của tổ chức đó, khi thực hiện trợ giúp pháp lý luật sư sẽ chịu trách nhiệm về công việc chuyên môn của mình. Thông thường luật sư tư sẽ được trả thù lao theo vụ việc và mức quy định cho mỗi vụ việc ở các nước là khác nhau. Ngoài ra, pháp luật một số nước quy định luật sư có nghĩa vụ thực hiện trợ giúp pháp lý miễn phí và nếu luật sư không thể trực tiếp thực hiện các vụ việc trợ giúp pháp lý thì có thể đóng góp bằng tiền và kinh phí này sẽ là một nguồn ngân sách cho hoạt động của các tổ chức trợ giúp pháp lý (Malaysia, Nhật Bản).
- Các cán bộ nhà nước không phải là luật sư nhưng có trình độ pháp luật tương đương luật sư, họ là viên chức Nhà nước, hưởng lương từ ngân sách Nhà nước và chủ yếu làm tư vấn pháp luật theo phân công của tổ chức, không tham gia tranh tụng, không được tự do lựa chọn khách hàng và thực hiện trợ giúp pháp lý đối với các vụ việc trợ giúp pháp lý đơn giản, mang tính hành chính (Nam Phi, Trung Quốc, Hàn Quốc, Nêpal, bang Ontario của Canada…).
- Sinh viên Luật, người làm việc trong các cơ sở nghiên cứu và đào tạo luật: Trung Quốc, Hà Lan, Canada...
- Người tự nguyện làm việc trong các tổ chức đoàn thể xã hội để thực hiện trợ giúp pháp lý: Trung Quốc.
- Thành viên của tổ chức trợ giúp pháp lý cộng đồng: Úc, Hà Lan, Philippine, Hàn Quốc, Mỹ…
- Các công chứng viên: Nhật Bản…
2. Đặc điểm của người thực hiện trợ giúp pháp lý
Có thể khái quát một số đặc điểm của người thực hiện trợ giúp pháp lý của các nước trên thế giới như sau:
Một là,do đặc thù của trợ giúp pháp lý là một nghề nghiệp chuyên môn sâu gắn với pháp luật nên thường pháp luật của các nước đều xác định người thực hiện trợ giúp pháp lý phải đáp ứng được những điều kiện về kiến thức hiểu biết pháp luật hoặc ít nhất là những người có tri thức pháp luật thì mới coi là người thực hiện trợ giúp pháp lý. Như vậy, người thực hiện trợ giúp pháp lý phải là người có chuyên môn luật, nghề nghiệp gắn với pháp luật hoặc có hiểu biết pháp luật nhất định.
Hai là,xuất phát từ đặc thù của trợ giúp pháp lý là việc cung cấp dịch vụ pháp luật miễn phí hoặc giảm phí cho những người không có điều kiện kinh tế nên pháp luật các nước đều quy định người thực hiện trợ giúp pháp lý phải đáp ứng được những tiêu chuẩn nhất định về phẩm chất đạo đức, công tâm. Khi thực hiện trợ giúp pháp lý dù có giảm thù lao hay miễn phí hoàn toàn thì cũng phải thực hiện công việc theo đúng chức trách, đúng với nghề nghiệp của mình như đối với những vụ việc có thu phí, không vì lý do làm trợ giúp pháp lý mà không bảo đảm chất lượng trợ giúp pháp lý.
Ba là,hầu hết các nước khi xác định người thực hiện trợ giúp pháp lý đều dựa trên sự phát triển của nghề luật, đặc biệt là nghề luật sư và đều thừa nhận luật sư là người thực hiện trợ giúp pháp lý. Nhìn chung, hoạt động trợ giúp pháp lý chủ yếu dựa trên đội ngũ luật sư. Đội ngũ luật sư này có thể là luật sư của nhà nước (luật sư công ở các nước Philippine, Israel, Lít va, Hàn Quốc…) nhưng cũng có thể là các luật sư hành nghề tự do (Mỹ, Nêpal, Hà Lan, Thụy Điển…). Tuy nhiên, để được thực hiện trợ giúp pháp lý, một số nước quy định họ phải đăng ký thực hiện trợ giúp pháp lý tại cơ quan nhà nước có thẩm quyền. Sở dĩ là do tính chất nghề nghiệp của họ, luật sư là người thường xuyên tiếp xúc với pháp luật, hành nghề pháp luật và có đủ kiến thức pháp luật nên thường là người có điều kiện nhất để có thể thực hiện việc cung ứng dịch vụ trợ giúp pháp lý. Hơn nữa, bản thân trợ giúp pháp lý là nghề nghiệp gắn liền với pháp luật, đó là pháp luật cho người nghèo, người yếu thế. Các luật sư có thể tự mình thực hiện trợ giúp pháp lý trên cơ sở yêu cầu của người thụ hưởng, nhưng cũng có thể trên có sở trách nhiệm nghề nghiệp được luật pháp quy định, hoặc cũng có thể thực hiện theo đơn đặt hàng từ phía nhà nước hoặc các chủ thể có điều kiện khác. Về khả năng hưởng lợi từ việc thực hiện trợ giúp pháp lý, thường là không có hoặc có nhưng rất ít, không tương xứng với năng lượng chất xám mà họ bỏ ra. Thông thường khi thực hiện trợ giúp pháp lý họ được nhận một khoản tiền nhất định từ phía Chính phủ, nhưng cũng có thể họ tự nguyện làm miễn phí hoặc giảm phí mà không phụ thuộc vào nguồn tài chính từ Nhà nước.
Bốn là,một số nước, ngoài luật sư thì người thực hiện trợ giúp pháp lý cũng có thể là những người hưởng lương từ ngân sách nhà nước được Nhà nước giao nhiệm vụ thực hiện trợ giúp pháp lý. Họ có thể là viên chức trong bộ máy nhà nước, được Nhà nước tuyển dụng hoặc ký hợp đồng vào làm việc trợ giúp pháp lý có trả lương theo vụ việc hoặc trả lương theo tháng. Tuy nhiên, điều bắt buộc đối với những đối tượng này là họ phải có những kiến thức nhất định về luật pháp, thể hiện ở trình độ đào tạo hoặc thời gian làm công tác pháp luật. Những đối tượng này không tự mình thực hiện TGPL mà thực hiện TGPL theo phân công của Nhà nước hoặc theo chức trách trong phạm vi công vụ mà mình đảm nhận như Uỷ viên trợ giúp pháp lý (Điều 20 Luật Trợ giúp pháp lý Hàn Quốc).
Năm là,người thực hiện trợ giúp pháp lý cũng có thể là những người có trình độ hiểu biết pháp luật nhất định, không phải là luật sư nhưng họ lại là người thuộc một tổ chức nào đó, được tổ chức đó giao nhiệm vụ thực hiện TGPL cho thành viên của tổ chức mình. Ngoài ra, những đối tượng khác cũng có thể được thực hiện trợ giúp pháp lý nhưng chỉ được thực hiện trong một giới hạn nhất định theo quy định của luật pháp như: người cung cấp dịch vụ, thành viên của tổ chức trợ giúp pháp lý cộng đồng, sinh viên đang theo khóa học để được gia nhập Đoàn Luật sư hoặc bất cứ khóa học pháp luật nào mà Hiệp hội Luật sư tổ chức (Canada); thành viên của các tổ chức trợ giúp pháp lý tình nguyện (Úc).
3. Người thực hiện trợ giúp pháp lý theo quy định của một số nước
3.1. Hungary
Người thực hiện trợ giúp pháp lý ở Hungary gồm luật sư và giảng viên các trường đại học.
Theo quy định của Luật luật sư Hungary năm 1998, luật sư muốn hành nghề luật và cung cấp các dịch vụ pháp lý ở Hungary thì phải là thành viên của một Đoàn luật sư ở Hungary. Ở Hungary, cử nhân luật phải trải qua hai bước riêng biệt để hành nghề luật.
Thứ nhất, sau khi có bằng đại học luật ở một trong bảy trường luật của Hungary và hoàn thành tập sự (việc tập sự phải có thời gian tối thiểu là 03 năm toàn thời gian và hoàn thành việc tập sự ở Hungary), các ứng viên phải vượt qua kỳ kiểm tra pháp luật nhà nước (kiểm tra nghề luật sư). Bộ trưởng Bộ Tư pháp quy định cụ thể về kỳ thi kiểm tra nghề luật sư. Mục đích của kỳ thi này là để đánh giá kiến thức pháp luật và kỹ năng hành nghề.
Thứ hai, sau khi đáp ứng được các điều kiện tại bước thứ nhất, ứng viên cần phải nộp đơn xin gia nhập Đoàn luật sư để trở thành một thành viên của Đoàn luật sư đủ điều kiện hành nghề luật. Để trở thành thành viên của Đoàn luật sư, ứng viên cần có các điều kiện sau:
- Là công dân Hungary;
- Lý lịch tư pháp rõ ràng
- Có bằng cử nhân luật;
- Vượt qua kỳ kiểm tra nghề luật sư;
- Có bảo hiểm trách nhiệm nghề nghiệp;
- Người thành lập văn phòng luật thì phải có văn phòng luật.
Theo quy định của Luật trợ giúp pháp lý, các giảng viên vượt qua được kỳ kiểm tra nghề luật sư và có bằng Tiến sỹ luật có thể cung cấp các dịch vụ pháp lý dưới sự giám sát của giảng viên đứng đầu đơn vị đó.
Pháp luật Hungary cũng quy định trách nhiệm của người thực hiện trợ giúp pháp lý
Đối với người thực hiện trợ giúp pháp lý là luật sư: Luật Luật sư Hungary 1998 quy định về trách nhiệm tài chính của các luật sư. Cụ thể:
- Theo Bộ luật Dân sự, Luật sư chịu trách nhiệm bồi hoàn đối với bất kỳ thiệt hại nào trong lĩnh vực hành nghề của họ.
- Luật sư phải có chính sách bảo hiểm trách nhiệm nghề nghiệp để đền bù cho các thiệt hại gây ra trong lĩnh vực hành nghề của họ và chính sách bảo hiểm đó phải còn giá trị trong thời gian hành nghề của luật sư.
Ngoài ra, luật sư bị kỷ luật nếu vi phạm nghĩa vụ từ việc hành nghề luật của mình hoặc vi phạm bộ quy tắc đạo đức và hành vi có lỗi đó nằm ngoài lĩnh vực hoạt động của luật sư là một sự xúc phạm đến uy tín của nghề luật. Các biện pháp kỷ luật có thể áp dụng đối với luật sư vi phạm pháp luật đó là khiển trách, phạt tiền, khai trừ khỏi Liên đoàn luật sư
Đối với người thực hiện trợ giúp pháp lý là giảng viên các trường đại học Luật trợ giúp pháp lý quy định trường đại học phải chịu trách nhiệm theo luật dân sự để bồi thường cho bất kỳ thiệt hại nào phát sinh từ việc trợ giúp pháp lý không đúng thẩm quyền.
3.2. Philippine
Người thực hiện trợ giúp pháp lý bao gồm các luật sư công (thuộc Văn phòng luật sư công của Nhà nước), luật sư tư (thuộc Hiệp hội luật sư) và các luật sư thuộc các tổ chức trợ giúp pháp lý phi Chính phủ. Nhìn chung, những người này muốn thực hiện trợ giúp pháp lý đều phải có chứng chỉ luật sư. Bất kỳ người nào muốn làm việc với tư cách luật sư tư hay làm việc trong một cơ quan pháp luật của Chính phủ đều phải có bằng Đại học luật và qua kỳ thi tuyển để trở thành luật sư do Hiệp hội luật sư tổ chức. Sau khi đã được công nhận là luật sư, những người này có thể tự lựa chọn trở thành luật sư hay làm việc cho một cơ quan pháp luật Nhà nước. Ngoài ra, một số nhóm người khác như: sinh viên, cán bộ pháp luật nhà nước, những người có kiến thức pháp luật nhất định cũng được thu hút, khuyến khích tham gia công tác trợ giúp pháp lý.
3.3. Slovenia
Theo Điều 29 Luật trợ giúp pháp lý thì trợ giúp pháp lý sẽ được cung cấp bởi luật sư theo đúng quy định của pháp luật. Các luật sư thực hiện trợ giúp pháp lý sẽ được chỉ định bởi cơ quan trợ giúp pháp lý có thẩm quyền bằng việc ban hành quyết định chấp thuận trợ giúp pháp lý. Cơ quan trợ giúp pháp lý có thẩm quyền sẽ chỉ định 1 luật sư từ danh sách có sẵn. Các nhiệm vụ mang tính chuyên môn nghiệp vụ và hành chính kỹ thuật sẽ do Văn phòng dịch vụ trợ giúp pháp lý được tổ chức tại tất cả các Tòa án có thẩm quyền thực hiện. Văn phòng cung cấp dịch vụ trợ giúp pháp lý sẽ thực hiện tất cả các chức năng chuyên môn và hành chính – kỹ thuật, cung cấp cho đối tượng tư vấn ban đầu, tư vấn miễn phí và thông tin cho tất cả những người có quyền lợi về các khả năng và các điều kiện trợ giúp pháp lý đạt được và các vấn đề khác liên quan đến việc chấp thuận và cung cấp trợ giúp pháp lý, giúp đỡ đối tượng soạn thảo đơn xin trợ giúp pháp lý, hướng dẫn những vấn đề cần thiết trong suốt quá trình thực hiện trợ giúp pháp lý. Văn phòng trợ giúp pháp lý phải thuê ít nhất một người giải quyết các điều kiện áp dụng cho người đảm nhiệm công tác trợ giúp pháp lý theo đúng quy định của Tòa án và ít nhất một người giải quyết các điều kiện áp dụng cho các cán bộ hành chính – kỹ thuật theo đúng quy định của Luật Tòa án. Chánh án cũng có thể chỉ định các cán bộ chuyên môn tại các Tòa án hoặc những người được đào tạo tại Tòa án tham gia kỳ thi tuyển quốc gia để làm việc tại các Văn phòng trợ giúp pháp lý. Số luợng nhân viên ở các văn phòng trợ giúp pháp lý tư nhân sẽ do Chánh án quyết định bởi đúng với cơ cấu nghề nghiệp theo thỏa thuận với Bộ trưởng có trách nhiệm về vấn đề tư pháp.
3.4. Israel
Trợ giúp pháp lý trong lĩnh vực hình sự:
- Luật sư nhà nước thuộc Văn phòng luật sư Nhà nước;
- Luật sư tư do Văn phòng Luật sư Nhà nước thuê và chịu sự giám sát của Luật sư là thành viên của Văn phòng, những Luật sư này cộng tác theo vụ việc;
- Luật sư làm việc theo một hợp đồng, theo hợp đồng Luật sư thoả thuận thực hiện một số vụ việc nhất định cho Văn phòng Luật sư Nhà nước và nhận khoản thù lao cố định.
Trợ giúp pháp lý trong lĩnh vực dân sự:
- Luật sư là thành viên của Văn phòng trợ giúp pháp lý dân sự;
- Luật sư do Văn phòng thuê.
So sánh với quy định về người thực hiện trợ giúp pháp lý ở một số nước với Việt Nam cho thấy người thực hiện trợ giúp pháp lý ở Việt Nam cũng có điểm tương đồng với các nước. Tuy nhiên, người thực hiện trợ giúp pháp lý thuộc biên chế nhà nước ở Việt Nam hiện nay có điểm đặc thù về tên gọi, mặc dù trình độ chuyên môn của Trợ giúp viên pháp lý tương đương luật sư và tính chất công việc (tham gia tố tụng, đại diện ngoài tố tụng) không có điểm gì khác so với luật sư. Do đó, yêu cầu đặt ra là cần nghiên cứu để có những điều chỉnh phù hợp về thể chế nhằm bảo đảm tên gọi của người thực hiện trợ giúp pháp lý của Nhà nước có vị thế ngang bằng với luật sư, tạo điều kiện thuận lợi hơn cho đội ngũ này trong hoạt động nghề nghiệp cũng như đáp ứng các yêu cầu về hội nhập quốc tế.
Phan hà