Giới thiệu hệ thống TGPL ở Nhật Bản

22/07/2015
Xem cỡ chữ Đọc bài viết In trang Google

Từ ngày 23/6 đến ngày 26/6/2015 Đoàn công tác của Cục Trợ giúp pháp lý đã đến làm việc tại Nhật Bản, tìm hiểu về mô hình tổ chức và hoạt động trợ giúp pháp lý tại nước này. Trong thời gian tại Nhật Bản Đoàn công tác đã làm việc với các cơ quan: Liên đoàn Luật sư Nhật Bản; Vụ hệ thống tư pháp, Bộ Tư pháp; Viện nghiên cứu và đào tạo, Bộ Tư pháp; Cơ quan trợ giúp pháp lý Nhật Bản; Trung tâm trợ giúp pháp lý tại Tokyo. Cục Trợ giúp pháp lý xin giới thiệu một số kết quả nghiên cứu của Đoàn công tác và đề xuất những kinh nghiệm tham khảo áp dụng tại Việt Nam.

I. Lịch sử trợ giúp pháp lý ở Nhật Bản

1. Giai đoạn trước năm 2006

Giai đoạn này hoạt động trợ giúp pháp lý hoàn toàn do luật sư tư đảm nhiệm. Tuy nhiên, hoạt động trợ giúp pháp lý của luật sư tư không thể đáp ứng hết nhu cầu trợ giúp pháp lý của người dân, đặc biệt là người dân ở vùng nông thôn, không có luật sư tư hành nghề, kết quả là nhiều người dân không được bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp khi có nhu cầu.

2. Giai đoạn sau năm 2006

Để khắc phục những bất cập của mô hình trợ giúp pháp lý hoàn toàn do luật sư tư thực hiện, Nhà nước thành lập hệ thống trợ giúp pháp lý của Nhà nước. Từ năm 2006 đến nay hoạt động trợ giúp pháp lý do các Trung tâm trợ giúp pháp lý, Chi nhánh, Tiểu chi nhánh và Văn phòng luật trực thuộc Cơ quan Trợ giúp pháp lý Nhật Bản và tổ chức hành nghề của luật sư, các luật sư ký hợp đồng với Cơ quan Trợ giúp pháp lý Nhật Bản thực hiện.

II. Hệ thống trợ giúp pháp lý ở Nhật Bản hiện nay

Hệ thống trợ giúp pháp lý ở Nhật Bản được tổ chức theo ngành dọc. Cơ quan Trợ giúp pháp lý Nhật Bản là cơ quan quản lý về trợ giúp pháp lý. Cơ quan này thành lập các tổ chức trực tiếp thực hiện trợ giúp pháp lý là các Trung tâm trợ giúp pháp lý, Chi nhánh, Tiểu Chi nhánh, Văn phòng luật trải khắp lãnh thổ Nhật Bản.

1. Cơ quan Trợ giúp pháp lý Nhật Bản

Cơ quan Trợ giúp pháp lý Nhật Bản là tổ chức được thành lập theo Luật (Luật Trợ giúp pháp lý năm 2004), do Chính phủ cấp kinh phí hoạt động (thông qua Bộ Tư pháp), mọi tổ chức và hoạt động của Cơ quan phải minh bạch, công khai.

Cơ quan Trợ giúp pháp lý Nhật Bản không phải là cơ quan trực thuộc Bộ Tư pháp nhưng Bộ Tư pháp chịu trách nhiệm đối với hoạt động của Cơ quan này thông qua việc phê duyệt Kế hoạch hoạt động bốn năm một lần. Bộ Tư pháp thành lập Ban đánh giá thuộc Bộ Tư pháp để giải quyết các vấn đề liên quan đến hoạt động của Cơ quan. Ban đánh giá gồm hai thành viên trở lên là thẩm phán do Tòa án tối cao giới thiệu. Hàng năm, Cơ quan Trợ giúp pháp lý Nhật Bản báo cáo hoạt động cho Bộ Tư pháp.

Ban điều hành bao gồm Chủ tịch, các Giám đốc điều hành, Ban thanh tra, Ban Cố vấn, Ban thẩm định, Tổng thư ký và Phó Tổng thư ký, Phòng kiểm toán. Chủ tịch (president) là người đứng đầu, chủ trì, điều hành và chịu trách nhiệm về hoạt động của Cơ quan. Chủ tịch do Bộ trưởng Bộ Tư pháp lựa chọn từ những người có hiểu biết sâu về các vấn đề liên quan đến hoạt động trợ giúp pháp lý và có khả năng quản lý công việc hiệu quả (trừ những người là thẩm phán, công tố viên hoặc người đã từng là thẩm phán, công tố viên trong vòng hai năm trước đó). Việc bổ nhiệm Chủ tịch có sự nhất trí của Tòa án tối cao. Có 4 Giám đốc điều hành giúp việc cho Chủ tịch, các Giám đốc được lựa chọn từ các lĩnh vực chuyên môn khác nhau. Giám đốc điều hành sẽ thay mặt Chủ tịch giải quyết công việc khi Chủ tịch không thể hoàn thành nhiệm vụ. Chủ tịch hiện nay nguyên là Chủ tịch Liên đoàn Luật sư Nhật Bản.

Tổng số cán bộ của Cơ quan Trợ giúp pháp lý Nhật Bản là 1.600 người, bao gồm 240 luật sư nhân viên được trả lương hàng tháng. Cơ quan Trợ giúp pháp lý Nhật Bản tự quyết định số lượng nhân viên của mình dựa trên yêu cầu công việc.

Cơ cấu tổ chức của Cơ quan Trợ giúp pháp lý Nhật Bản gồm 04 Ban, mỗi Ban có các phòng chức năng, cụ thể như sau:

1. Ban Hành chính gồm 9 phòng (Phòng Hành chính, Phòng nhân sự, Phòng Tài chính, Phòng kế toán, Phòng quản lý hệ thống, Phòng phát triển dịch vụ, Phòng quản lý tranh tụng, Phòng truyền thông, Phòng điều tra và nghiên cứu).

2. Ban Dịch vụ 1 gồm 3 phòng (Phòng thông tin, Phòng trợ giúp pháp lý dân sự, Phòng hỗ trợ nạn nhân tội phạm).

3. Ban Dịch vụ 2 gồm 4 phòng (Phòng luật sư chỉ định, Phòng hỗ trợ nạn nhân tội phạm, Phòng dịch vụ ủy thác, Phòng tính thù lao cho luật sư chỉ định).

4. Ban Kế hoạch chung về luật sư nhân viên gồm 3 phòng (Phòng kế hoạch về luật sư nhân viên, Phòng nghiên cứu về kỹ năng của luật sư nhân viên, Phòng hỗ trợ luật sư nhân viên).

2. Cơ quan thực hiện trợ giúp pháp lý

Các cơ quan trực tiếp thực hiện trợ giúp pháp lý bao gồm:

- Trung tâm trợ giúp pháp lý được thành lập tại 50 địa phương có trụ sở của tòa án quận;

- Chi nhánh của Trung tâm trợ giúp pháp lý được thành lập tại 11 thành phố có dân số đông hoặc có nhiều vụ việc phải tham gia tố tụng mà Trung tâm trợ giúp pháp lý tại quận không thể đáp ứng hết nhu cầu;

- Tiểu chi nhánh;

- Văn phòng luật (37 Văn phòng) tại các khu vực nông thôn nơi không có hoặc có rất ít luật sư.

III. Quản lý và vận hành hệ thống

1. Tuyển dụng nhân viên và phân bổ kinh phí

Cơ quan Trợ giúp pháp lý Nhật Bản tại Tokyo là cơ quan quản lý về trợ giúp pháp lý, thành lập các cơ quan trực tiếp thực hiện trợ giúp pháp lý (Trung tâm trợ giúp pháp lý, Chi nhánh, Tiểu chi nhánh và Văn phòng luật), tuyển dụng nhân viên và phân bổ kinh phí cho toàn hệ thống. Việc thành lập các Trung tâm trợ giúp pháp lý, Chi nhánh, Tiểu chi nhánh và Văn phòng luật căn cứ vào thỏa thuận giữa Cơ quan Trợ giúp pháp lý Nhật Bản với toà án địa phương và với Đoàn luật sư tại địa phương trên cơ sở xem xét các điều kiện cụ thể của địa phương, hiệu quả hoạt động và các điều kiện khác.

2. Quản lý vụ việc trợ giúp pháp lý

Việc theo dõi công tác thụ lý cũng như giải quyết vụ việc trợ giúp pháp lý được thực hiện thông qua phần mềm kết nối giữa Cơ quan Trợ giúp pháp lý Nhật Bản và các Trung tâm trợ giúp pháp lý, Chi nhánh, Tiểu chi nhánh, Văn phòng luật. Qua phần mềm này Cơ quan Trợ giúp pháp lý Nhật Bản nắm bắt được tất cả thông tin về vụ việc như ngày, giờ tiếp nhận vụ việc, người thực hiện, loại vụ việc, kết quả giải quyết, mức phí mà người được trợ giúp pháp lý phải hoàn trả, cách thức hoàn trả…

3. Kinh phí hoạt động

Tại thời điểm thành lập Chính phủ cấp một khoản kinh phí cho Cơ quan Trợ giúp pháp lý Nhật Bản. Khi cần thiết thì Cơ quan Trợ giúp pháp lý Nhật Bản có thể đề nghị Bộ trưởng Bộ Tư pháp tăng kinh phí. Phần kinh phí tăng thêm do Chính phủ và chính quyền các địa phương đóng góp.

Kinh phí hoạt động hàng năm do Chính phủ cấp, đóng góp của người được trợ giúp pháp lý và tiền thu được từ các hoạt động khác của Cơ quan Trợ giúp pháp lý Nhật Bản. Năm 2012, kinh phí hoạt động của Cơ quan này là 48 tỷ yên. Kinh phí được phân bổ như sau:

- 15 tỷ yên (32%) dành cho các dịch vụ liên quan đến luật sư chỉ định (phần kinh phí này hoàn toàn do Chính phủ cấp);

- 33 tỷ yên dành cho các hoạt động trợ giúp pháp lý dân sự, cung cấp thông tin, hỗ trợ nạn nhân tội phạm và dịch vụ hỗ trợ những nơi thiếu luật sư), trong đó 16 tỷ yên (33%) do Chính phủ cấp, 11 tỷ yên (23%) do đối tượng trợ giúp pháp lý trong các vụ việc trợ giúp pháp lý dân sự đóng góp, 4 tỷ yên (8%) từ các hoạt động khác của Cơ quan Trợ giúp pháp lý Nhật Bản và 2 tỷ yên (4%) từ Liên đoàn Luật sư Nhật Bản.

4. Tiêu chí lựa chọn luật sư tư kí hợp đồng thực hiện vụ việc pháp lý

Nếu có nguyện vọng thực hiện trợ giúp pháp lý các luật sư tư gửi đơn đề nghị đến các Trung tâm trợ giúp pháp lý, Chi nhánh, Tiểu chi nhánh. Giám đốc các Trung tâm trợ giúp pháp lý, Chi nhánh, Tiểu chi nhánh sẽ xem xét nếu thấy luật sư không thuộc các trường hợp đang bị đình chỉ hành nghề theo Điều lệ Liên đoàn Luật sư, chưa từng ký kết hợp đồng trợ giúp pháp lý và bị hủy hợp đồng, đồng thời đáp ứng các yêu cầu trợ giúp pháp lý thì sẽ ký kết hợp đồng.

5. Đánh giá chất lượng vụ việc trợ giúp pháp lý do luật sư ký hợp đồng thực hiện

Khi đã được giao vụ việc trợ giúp pháp lý thì luật sư tư sẽ chịu trách nhiệm cá nhân về việc thực hiện vụ việc, Cơ quan Trợ giúp pháp lý Nhật Bản không can thiệp vào cách thức luật sư giải quyết vụ việc. Trong trường hợp có dấu hiệu luật sư trong quá trình giải quyết vụ việc có vi phạm những điều khoản do Cơ quan Trợ giúp pháp lý Nhật Bản quy định thì Trung tâm trợ giúp pháp lý, Chi nhánh, Tiểu chi nhánh sẽ điều tra và hủy hợp đồng nếu xác định có vi phạm.

Trong trường hợp đối tượng trợ giúp pháp lý có khiếu nại về chất lượng vụ việc thì Cơ quan Trợ giúp pháp lý Nhật Bản sẽ hướng dẫn người dân đến Đoàn luật sư nơi luật sư đó là thành viên để Đoàn luật sư giải quyết khiếu nại.

Nếu kết quả giải quyết của Đoàn Luật sư thấy rằng luật sư có vi phạm hợp đồng thì Trung tâm trợ giúp pháp lý, Chi nhánh, Tiểu chi nhánh đã ký kết hợp đồng sẽ hủy bỏ hợp đồng với luật sư đó.

Trong trường hợp đối tượng trợ giúp pháp lý cho rằng luật sư thực hiện vụ việc đã gây thiệt hại cho quyền lợi của mình thì đối tượng có thể khởi kiện lên tòa án để tòa án giải quyết.

6. Chi trả thù lao cho luật sư tư

Cơ quan Trợ giúp pháp lý Nhật Bản có biểu thù lao cho từng loại vụ việc. Sau khi vụ việc kết thúc, luật sư sẽ gửi báo cáo kết quả vụ việc cho Trung tâm trợ giúp pháp lý, Chi nhánh hoặc Tiểu chi nhánh đã giao vụ việc. Giám đốc Trung tâm trợ giúp pháp lý, Chi nhánh, Tiểu chi nhánh chọn ra những luật sư có kinh nghiệm để thẩm tra vụ việc, đề xuất mức thù lao cụ thể cho vụ việc. Mức thù lao được quyết định căn cứ vào biểu chuẩn do Cơ quan Trợ giúp pháp lý Nhật Bản ban hành và báo cáo của luật sư, ý kiến của người được trợ giúp pháp lý, mức độ khó dễ của vụ việc, thời gian cần thiết để giải quyết vụ việc... Giám đốc Trung tâm trợ giúp pháp lý, Chi nhánh hoặc Tiểu chi nhánh sẽ quyết định mức thù lao dựa trên ý kiến thẩm tra. Đề xuất của Giám đốc Trung tâm trợ giúp pháp lý, Chi nhánh, Tiểu chi nhánh được gửi lên Ban thẩm định của Cơ quan Trợ giúp pháp lý Nhật Bản để quyết định mức thù lao cuối cùng.

Mức thù lao tư vấn pháp luật ngang bằng với các vụ việc do luật sư tư nhận khách hàng trên thị trường. Thù lao cho vụ việc đại diện pháp lý và trợ giúp lập hồ sơ thì thấp hơn so với vụ việc trên thị trường.

IV. Nội dung chính của Luật Trợ giúp pháp lý

1. Người thực hiện trợ giúp pháp lý

Đội ngũ người thực hiện trợ giúp pháp lý của Cơ quan Trợ giúp pháp lý Nhật Bản là luật sư nhân viên, luật sư tư và những người không phải là luật sư. Các nhân viên không phải là luật sư không tham gia tố tụng, chỉ thực hiện những vụ việc tư vấn đơn giản, nhập dữ liệu vụ việc, thực hiện các công việc hành chính khác và mức lương thấp hơn. Ví dụ các nhân viên làm việc tại Phòng quản lý hệ thống, Phòng truyền thông thì không yêu cầu phải là luật sư, sau khi được tuyển dụng họ sẽ được đào tạo để đáp ứng yêu cầu công việc cụ thể.

Hiện nay Cơ quan Trợ giúp pháp lý Nhật Bản ký hợp đồng với khoảng 22.000 luật sư tư. Các luật sư tư được nhận thù lao khi vụ việc kết thúc.

2. Đối tượng trợ giúp pháp lý

Trong lĩnh vực dân sự: Về nguyên tắc trợ giúp pháp lý dân sự được cung cấp cho những người hoàn cảnh kinh tế khó khăn, không có khả năng thuê luật sư. Công dân Nhật Bản và người nước ngoài cư trú hợp pháp tại Nhật có quyền được nhận trợ giúp pháp lý trong lĩnh vực dân sự.

Điều kiện về tài chính là bắt buộc (điều kiện tài chính đối với tư vấn pháp luật và đại diện pháp lý là như nhau). Ví dụ, với những người sống độc thân và thu nhập hàng tháng từ 182.000 yên (tương đương 1.500 EUR) trở xuống và có tài sản trị giá dưới 1.800.000 yên (tương đương 15.000 EUR) thì được tư vấn miễn phí. Nếu thành viên gia đình có 2 người thu nhập hàng tháng từ 251.000 yên trở xuống và có tài sản trị giá 2.500.000 yên trở xuống thì được tư vấn miễn phí. Nếu thành viên gia đình có 3 người thu nhập hàng tháng từ 272.000 yên trở xuống và có tài sản trị giá 2.700.000 yên trở xuống thì được tư vấn miễn phí.

 Nếu một người cần đại diện trước tòa thì luật sư sẽ kiểm tra khả năng thắng kiện. Qua đánh giá luật sư nhận thấy vụ việc có khả năng thắng kiện (50%) thì Cơ quan Trợ giúp pháp lý nhật Bản sẽ hỗ trợ kinh phí để người được trợ giúp pháp lý trả chi phí luật sư đại diện trước tòa (khoảng 70% vụ việc trợ giúp pháp lý là thắng kiện). Cơ quan Trợ giúp pháp lý Nhật Bản trả tiền phí thuê luật sư cho người được trợ giúp pháp lý và người được trợ giúp pháp lý phải trả lại những chi phí đó khi vụ việc kết thúc. Đối tượng trợ giúp pháp lý trả lại tiền đã vay để thuê luật sư trong vòng tối đa là 3 năm (không phải trả lãi suất), trong một số trường hợp nếu xét thấy điều kiện kinh tế của người được trợ giúp pháp lý quá khó khăn, không có khả năng trả nợ thì Cơ quan Trợ giúp pháp lý Nhật Bản cho họ miễn phí (trung bình mỗi năm Cơ quan Trợ giúp pháp lý Nhật Bản thu về khoảng 10 tỷ yên tiền phí và miễn phí khoảng 3,7 tỷ yên). Những trường hợp đối tượng trợ giúp pháp lý nhận được tiền bồi thường từ bên có quyền lợi đối kháng thì có thể dùng tiền bồi thường để trả toàn bộ chi phí trợ giúp pháp lý. Những người được hưởng chính sách an sinh xã hội thì có thể đề xuất với Cơ quan trợ giúp pháp lý Nhật Bản để được miễn phí hoàn toàn.

Trong lĩnh vực hình sự: Điều 37 Hiến pháp Nhật Bản quy định “trong mọi thời điểm bị cáo không có khả năng bảo đảm sự bảo vệ như luật sư thì sẽ có sự trợ giúp của luật sư có chuyên môn do Nhà nước chỉ định”. Tòa án yêu cầu các Trung tâm trợ giúp pháp lý, Chi nhánh, Tiểu chi nhánh giới thiệu những ứng viên để làm luật sư chỉ định. Trên cơ sở yêu cầu của Tòa án, Trung tâm trợ giúp pháp lý, Chi nhánh, Tiểu chi nhánh sẽ giới thiệu những luật sư trong danh sách luật sư ký hợp đồng để làm luật sư chỉ định, sau đó Tòa án sẽ chỉ định luật sư. Cơ quan Trợ giúp pháp lý Nhật Bản chi trả chi phí cho luật sư chỉ định. Việc chỉ định luật sư được áp dụng đối với các bị cáo phạm tội có khung hình phạt từ 3 năm tù trở lên và việc trợ giúp pháp lý là hoàn toàn miễn phí.

3. Lĩnh vực trợ giúp pháp lý

Các Trung tâm trợ giúp pháp lý, Chi nhánh, Tiểu chi nhánh và Văn phòng luật thực hiện trợ giúp pháp lý trong lĩnh vực dân sự (bao gồm hành chính, hôn nhân gia đình) và lĩnh vực hình sự.

 

4. Dịch vụ trợ giúp pháp lý

Các Trung tâm trợ giúp pháp lý, Chi nhánh, Tiểu chi nhánh và Văn phòng luật cung cấp các loại dịch vụ trợ giúp pháp lý sau:

- Cung cấp thông tin;

- Trợ giúp pháp lý dân sự;

- Trợ giúp pháp lý cho bị cáo trong vụ án hình sự;

- Giúp đỡ những nơi dịch vụ pháp lý hạn chế;

- Hỗ trợ nạn nhân tội phạm.

5. Thủ tục thực hiện trợ giúp pháp lý

Trong lĩnh vực dân sự, đối tượng trợ giúp pháp lý có thể đề nghị tư vấn miễn phí tại các Trung tâm trợ giúp pháp lý, Chi nhánh, Tiểu chi nhánh và Văn phòng luật. Sau khi tư vấn nếu cần có luật sư đại diện trước tòa, hòa giải, trọng tài hoặc chuẩn bị hồ sơ pháp lý thì Trung tâm trợ giúp pháp lý, Chi nhánh, Tiểu chi nhánh, Văn phòng luật sẽ kiểm tra khả năng thắng kiện để quyết định trợ giúp pháp lý.

Ngoài việc tiếp nhận đối tượng trợ giúp pháp lý tại trụ sở, các Trung tâm trợ giúp pháp lý, Chi nhánh, Tiểu chi nhánh còn tiếp nhận yêu cầu tư vấn thông qua Trung tâm điện thoại. Trung tâm điện thoại bao gồm các điện thoại viên chuyên nghiệp (không phải là luật sư) cung cấp thông tin miễn phí cho người có vướng mắc pháp luật. Trung tâm điện thoại lưu trữ cơ sở dữ liệu chi tiết về đoàn luật sư, các hiệp hội công chứng viên, cơ quan chính quyền địa phương và các tổ chức khác trong toàn quốc có thể tư vấn. Sau khi tiếp nhận yêu cầu, điện thoại viên giới thiệu người có yêu cầu đến với cơ quan có thẩm quyền hoặc chuyển đến Trung tâm trợ giúp pháp lý, Chi nhánh, Tiểu chi nhánh, Văn phòng luật phù hợp nhất. Cơ quan Trợ giúp pháp lý Nhật Bản và các Trung tâm trợ giúp pháp lý, Chi nhánh, Tiểu chi nhánh đều có Trung tâm điện thoại. Trung bình mỗi ngày mỗi Trung tâm trợ giúp pháp lý, Chi nhánh, Tiểu chi nhánh tiếp nhận cuộc gọi đến của khoảng 100 người dân. Các vụ việc tiếp nhận qua điện thoại đều được lưu vào phần mềm để theo dõi, quản lý. Phần mềm này cho biết các thông tin về người được tư vấn, cơ quan tiếp nhận, cán bộ tiếp nhận, thời gian tiếp nhận, nội dung vụ việc, nội dung tư vấn.

Đối tượng trợ giúp pháp lý có thể đến văn phòng luật sư tư đã ký hợp đồng với Cơ quan Trợ giúp pháp lý Nhật Bản để yêu cầu trợ giúp pháp lý, các luật sư giới thiệu đối tượng đến Trung tâm trợ giúp pháp lý, Chi nhánh hoặc Tiểu chi nhánh để kiểm tra điều kiện trợ giúp pháp lý, nếu khẳng định đối tượng đủ điều kiện trợ giúp pháp lý thì luật sư mới thụ lý, giải quyết vụ việc.

Ở khu vực nông thôn, vùng xa xôi có ít luật sư hành nghề thì người dân rất khó tìm được luật sư giải quyết vụ việc của họ. Để giải quyết khó khăn này của người dân, tạo điều kiện thuận lợi cho người dân tiếp cận công lý, Cơ quan Trợ giúp pháp lý Nhật Bản cử luật sư nhân viên của mình đến những khu vực này để đáp ứng nhu cầu pháp lý của người dân, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của họ khi có nhu cầu. Từ tháng 3/2012 Cơ quan Trợ giúp pháp lý Nhật Bản đã cử luật sư đến 37 khu vực và thực hiện trợ giúp pháp lý trong lĩnh vực dân sự và hình sự.

6. Dịch vụ trợ giúp pháp lý dành cho đối tượng đặc thù (ví dụ người khuyết tật, trẻ em, người dân tộc thiểu số...)

Đối với những đối tượng đặc thù như người khuyết tật, người dân tộc thiểu số, trẻ em thì bên cạnh những sự trợ giúp thông thường như những đối tượng khác, Cơ quan Trợ giúp pháp lý Nhật Bản sẽ có sự hỗ trợ đặc biệt tùy thuộc vào đặc thù của đối tượng. Ví dụ, nếu được tư vấn pháp luật, người nước ngoài, người già, người tàn tật sẽ được tư vấn bởi hội đồng tư vấn đặc biệt, chi phí phiên dịch tiếng nước ngoài, phiên dịch tiếng dân tộc thiểu số do Cơ quan Trợ giúp pháp lý Nhật Bản chi trả.

    Ngoài ra, trong vụ việc tham gia tố tụng, vụ việc có tính chất nghiêm trọng mà đối tượng trợ giúp pháp lý là người có nhược điểm về tâm thần thì Cơ quan Trợ giúp pháp lý Nhật Bản sẽ cho vay tiền để chi trả chi phí cho bác sĩ tâm lý tham gia cùng. Nếu vì lý do bệnh tật mà đối tượng không thể trực tiếp đến thì Trung tâm trợ giúp pháp lý, Chi nhánh, Tiểu chi nhánh, Văn phòng luật sẽ cử luật sư đến tận nơi ở hoặc bệnh viện để tiếp nhận và tư vấn.

V. Dịch vụ trợ giúp pháp lý của luật sư (pro bono)

Sau khi Cơ quan Trợ giúp pháp lý Nhật Bản được thành lập, luật sư tư vẫn duy trì hoạt động trợ giúp pháp lý (pro bono). Mặc dù Luật Trợ giúp pháp lý và Luật Luật sư không điều chỉnh hoạt động pro bono của luật sư nhưng các luật sư tình nguyện thực hiện trợ giúp pháp lý hoàn toàn miễn phí. Năm 2013, Liên đoàn luật sư đã thực hiện 25.313 vụ việc, trong đó có 10.713 vụ việc trợ giúp pháp lý hình sự, 8.680 vụ cử người đại diện cho người chưa thành niên, 1.107 vụ hỗ trợ cho nạn nhân tội phạm, 833 vụ hỗ trợ cho người tị nạn, 1.644 vụ trợ giúp pháp lý cho người nước ngoài, 170 vụ bào chữa cho trẻ em, 717 vụ trợ giúp pháp lý cho người có nhược điểm về tinh thần, 1.449 vụ trợ giúp pháp lý cho người già, người khuyết tật, người vô gia cư và những người khác.

VI. Một số nhận xét và đề xuất, kiến nghị đối với hoạt động trợ giúp pháp lý ở Việt Nam

1. Nhận xét

- Về mô hình trợ giúp pháp lý: Cơ quan Trợ giúp pháp lý Nhật Bản là một cơ quan được thành lập theo Luật, được tổ chức thành theo ngành dọc, có Trụ sở chính tại Tokyo và các Trung tâm trợ giúp pháp lý, Chi nhánh, Tiểu chi nhánh, Văn phòng luật bảo đảm tính độc lập của tổ chức trợ giúp pháp lý.

- Về người thực hiện trợ giúp pháp lý: Ở Nhật Bản, người thực hiện trợ giúp pháp lý bao gồm luật sư nhân viên do Nhà nước trả lương hàng tháng và luật sư tư ký hợp đồng với tổ chức trợ giúp pháp lý. Tiêu chuẩn về chuyên môn nghiệp vụ của luật sư nhân viên và luật sư tư là như nhau, đều phải là thành viên của Liên đoàn Luật sư Nhật Bản.

- Hoạt động trợ giúp pháp lý tình nguyện của các luật sư ở Nhật Bản phát triển mạnh. Các luật sư tư thực hiện trợ giúp pháp lý hoàn toàn miễn phí cho đối tượng trợ giúp pháp lý, việc này giúp giảm gánh nặng cho ngân sách Nhà nước.

2. Một số đề xuất, kiến nghị

Qua kết quả khảo sát về trợ giúp pháp lý ở Nhật Bản, Cục Trợ giúp pháp lý rút ra một số kinh nghiệm có thể tham khảo đối với trợ giúp pháp lý ở Việt Nam trong quá trình nghiên cứu xây dựng Luật Trợ giúp pháp lý sửa đổi như sau:

- Xây dựng hệ thống cơ quan trợ giúp pháp lý theo hướng độc lập, bảo đảm quản lý nhân lực và tài chính hiệu quả, đồng thời bảo đảm tính độc lập của người thực hiện trợ giúp pháp lý trong quá trình thực hiện vụ việc trợ giúp pháp lý;

- Nghiên cứu xây dựng cơ chế để Nhà nước ký hợp đồng thường xuyên với luật sư (luật sư công thực hiện trợ giúp pháp lý) trả lương hàng tháng hoặc ký hợp đồng vụ việc với luật sư tư và trả lương theo vụ việc trợ giúp pháp lý;

- Xây dựng mạng lưới trợ giúp pháp lý rộng khắp trong toàn quốc, ký hợp đồng với luật sư, tổ chức hành nghề luật sư tại những nơi không có tổ chức trợ giúp pháp lý của Nhà nước để bảo đảm đáp ứng đầy đủ nhu cầu trợ giúp pháp lý của người dân;

- Nghiên cứu quản lý thông tin về tổ chức và hoạt động trợ giúp pháp lý thông qua phần mềm kết nối giữa cơ quan trợ giúp pháp lý ở Trung ương và cơ quan trợ giúp pháp lý ở địa phương, giúp cập nhật thông tin kịp thời, tiết kiệm thời gian, chi phí và bảo đảm tính chính xác.

Cục Trợ giúp pháp lý, Bộ Tư pháp

Xem thêm »