Bảo đảm quyền trợ giúp pháp lý cho nạn nhân của hành vi “nô lệ thời hiện đại” tại Anh

05/10/2018
Xem cỡ chữ Đọc bài viết In trang Google

“Nô lệ thời hiện đại” là một khái niệm được sử dụng gần đây, đề cập tới hành vi buôn người, lao động cưỡng bức, thể hiện dưới các hình thức như cưỡng ép lao động để trả nợ, mại dâm, cưỡng ép kết hôn, giúp việc khổ sai và một số kiểu bóc lột sức lao động khác. Nước Anh là miền đất hứa với nhiều người, chính điều đó cũng khiến cho vấn nạn “nô lệ thời hiện đại” ngày càng trở nên nghiêm trọng ở quốc gia này. Ít nhất 13.000 người tại Anh được cho là nạn nhân của lao động cưỡng bức, lóc lột tình dục nhưng con số thực có khả năng nhiều hơn. Những người này thường không có giấy tờ tùy thân, bị bắt buộc phải làm việc trong những điều kiện tồi tàn, được trả lương rất thấp hoặc không được trả lương, không được tiếp cận với các kênh hỗ trợ và trợ giúp pháp lý tin cậy.

Năm 2015, Vương quốc Anh đã ban hành Luật về Nô lệ thời hiện đại (Modern Slavery Act), được coi là một cột mốc quan trọng trong cuộc chiến chống nô lệ toàn cầu, nhằm kết án những kẻ buôn người và buộc các công ty kiểm tra hệ thống kinh doanh của mình để tránh tình trạng lao động cưỡng bức và bảo vệ những người có nguy cơ bị nô lệ. Những người nói rằng họ đã bị nô lệ có thể tiếp cận gói hỗ trợ về tư vấn, nhà ở và khoản trợ cấp hàng tuần là 38 bảng Anh (52 đô la) trong khi nhà nước xác định họ có phải là nạn nhân hay không. Tuy nhiên, Luật năm 2015 không quy định về thời hạn hoặc tiêu chuẩn chăm sóc cho những người tự xưng là nạn nhân.

Năm ngoái, một nạn nhân của hành vi buôn người bị đưa đến Anh từ khi còn nhỏ và bị bóc lột tình dục đã bị từ chối trợ giúp pháp lý vì tình trạng nhập cư của cô. Cô đã được Cơ quan Trợ giúp Pháp lý (thuộc Bộ Tư pháp) cho biết trong quá trình nhận dạng, cô không được trợ giúp pháp lý và bị từ chối tư vấn về quy trình này và quyền được ở lại Anh. Thiếu đi sự hỗ trợ quan trọng này, cô đã phải đối mặt với sự lo âu và không chắc chắn về tương lai của mình.

Nhưng chính phủ đã thay đổi quan điểm của mình về việc trợ giúp pháp lý trong những trường hợp như vậy sau một vụ kiện pháp lý. Chính phủ Anh đã xác nhận rằng tất cả nạn nhân của những hành vi “nô lệ thời hiện đại” đều có thể được trợ giúp pháp lý miễn phí về tình trạng của họ và quyền được ở lại Vương quốc Anh. Chính phủ khẳng định rằng trợ giúp pháp lý với hình thức tư vấn luôn sẵn có cho những người được xác định là một nạn nhân tiềm năng của nạn buôn người. Vụ kiện đã giúp làm rõ những trường hợp cụ thể mà dịch vụ trợ giúp pháp lý sẵn có có thể cung cấp. Một cố vấn pháp luật của Tổ chức Chống buôn bán người và bóc lột lao động (ATLEU- The Anti Trafficking and Labour Exploitation Unit) đã nói “Kết quả của vụ kiện là rất cần thiết - các nạn nhân bây giờ sẽ có thể tiếp cận để tư vấn khi họ cần nó nhất".

Tình trạng nhập cư không an toàn khiến những người dễ bị tổn thương bị đặt trong tình trạng nguy hiểm, không có sự an toàn để tiết lộ những gì đã xảy ra với họ và theo đuổi công lý. Việc tiếp cận với trợ giúp pháp lý và tư vấn pháp lý ban đầu là điều cần thiết cho các nạn nhân hiểu các quy trình và quyền của mình. Tư vấn về quyền ở lại Vương quốc Anh thường rất quan trọng đối với nạn nhân để từ đó tiếp cận các quyền lợi quan trọng hơn, bao gồm hỗ trợ nhà ở và phúc lợi. Điều này có thể ổn định tâm lý cho nạn nhân và tạo điều kiện thuận lợi để hồi phục. Điều này cũng cho phép nạn nhân đưa ra các quyết định khác như hợp tác với một cuộc điều tra của cảnh sát và/hoặc theo đuổi vụ kiện đòi bồi thường dân sự do những kẻ phạm tội gây ra. Tư vấn pháp lý sớm, miễn phí cũng có thể ngăn ngừa tình trạng khốn cùng và vô gia cư, đồng thời giảm nguy cơ tái buôn bán hay bị trục xuất.

Thanh Hà

 

Xem thêm »