Hệ thống trợ giúp pháp lý ở Ấn Độ

24/04/2019
Xem cỡ chữ Đọc bài viết In trang Google

Cộng hoà Ấn Độ là một nước theo chính thể liên bang thuộc khu vực Nam Á có diện tích lớn thứ 7 thế giới (3,287,590 km²), dân số đứng hàng thứ 2 thế giới (1,324 tỷ người) với 23 thứ tiếng, có nền kinh tế đứng thứ tư thế giới nếu tính theo sức mua ngang giá và đứng thứ mười hai thế giới nếu tính theo tỷ giá hối đoái với Đô la Mỹ (GDP đạt 9.489 tỷ USD năm 217), là quê hương của nền văn minh Ấn Hà (Indus) phát triển rực rỡ cách đây 5 nghìn năm và là nơi sinh trưởng của bốn tôn giáo lớn trên thế giới là Ấn Độ giáo (Hindu), Phật giáo, đạo Jaini và đạo Sikh[1]… Do đó, hệ thống pháp luật nói chung và hệ thống trợ giúp pháp lý ở Ấn Độ có nhiều điểm đặc thù.

          Điều 39A Hiến pháp Ấn Độ năm 1950 quy định các Bang có trách nhiệm thành lập hệ thống pháp lý nhằm thúc đẩy công lý trên cơ sở tạo cơ hội bình đẳng và thực hiện trợ giúp pháp lý miễn phí thông qua hoạt động lập pháp, triển khai các chương trình, kế hoạch hoặc bất cứ hình thức nào nhằm bảo đảm cho người dân khó khăn về kinh tế hoặc có bất cứ lý do kém thuận lợi nào khác đều được hưởng công lý. Điều 14 và 22(1), Hiến pháp cũng quy định các Bang có nghĩa vụ bảo đảm bình đẳng trước pháp luật và xây dựng hệ thống pháp lý nhằm thúc đẩy công lý trên cơ sở tạo cơ hội bình đẳng cho tất cả mọi người.

          Trên cơ sở quy định hiến định, từ năm 1952, Chính phủ Ấn Độ bắt đầu đề cập tới vấn đề trợ giúp pháp lý cho người nghèo trong các hội nghị của Hội đồng lập pháp cấp Bộ trưởng và Uỷ ban lập pháp. Năm 1960, Chính phủ ban hành một số hướng dẫn về trợ giúp pháp lý. Trên cơ sở đó, các tổ chức trợ giúp pháp lý đã được thành lập trực thuộc Uỷ ban Trợ giúp pháp lý và các Bộ về xã hội và pháp luật. Năm 1980, Uỷ ban triển khai các Chương trình Trợ giúp pháp lý (CILAS) đã được thành lập nhằm quản lý, giám sát các chương trình trợ giúp pháp lý trên phạm vi cả nước, chủ tịch là ông P.N. Bhagwati, sau này trở thành Thẩm phán toà án tối cao Ấn Độ. Tiếp đó, việc thành lập các Hội đồng hoà giải (Lok Adalats) đã mở ra một chương mới cho hệ thống xét xử trên phạm vi cả nước và đã nó đã trở thành một phương thức thành công trong hỗ trợ các đương giải quyết các tranh chấp.

          Năm 1987, Luật trợ giúp pháp lý ban hành đã trở thành cơ sở pháp lý cho việc thống nhất tổ chức các chương trình trợ giúp pháp lý trên phạm vi cả nước. Luật được sửa đổi nhiều lần vào các năm 1994 và năm 1995, luật sửa đổi năm 1995 có hiệu lực từ ngày 9/11/1995 cho đến nay. Thẩm phán R.N. Mishra khi đó là Chánh án toà án có vai trò rất quan trọng trong việc thực thi Luật trợ giúp pháp lý.

          Ngày 05/12/1995, Cơ quan trợ giúp pháp lý quốc gia được thành lập. Ngày 17/07/1997, ông A.S. Anand, Thẩm phán Toà án tối cao Ấn Độ được bổ nhiệm làm Giám đốc Cơ quan trợ giúp pháp lý quốc gia. Tháng 12 năm 1997, Cơ quan trợ giúp pháp lý quốc gia bổ nhiệm thành viên Ban thư ký đầu tiên và vào tháng 1 năm 1998, các cán bộ và nhân viên khác đã được tuyển dụng. Từ tháng 2 năm 1998, Cơ quan trợ giúp pháp lý quốc gia chính thức đi vào hoạt động.

          Về đối tượng được trợ giúp pháp lý, Mục 12 của Luật trợ giúp pháp lý đã quy định: bất cứ người nào dù là bên nguyên hay bên bị trong một vụ án đều có quyền được trợ giúp pháp lý theo Luật này nếu họ là:

          Cơ quan trợ giúp pháp lý tại các Bang sau khi kiểm tra người yêu cầu có thuộc diện được trợ giúp pháp lý hay không, vụ việc yêu cầu có thuộc loại vụ việc được trợ giúp theo quy định của Chính phủ hay không sẽ chi trả án phí và các chi phí khác liên quan tới vụ việc. Người được trợ giúp pháp lý sẽ không phải trả bất cứ khoản phí nào.

          Trên cơ sở Luật trợ giúp pháp lý, một hệ thống tổ chức trợ giúp pháp lý đã được tổ chức trên phạm vi cả nước nhằm cung cấp dịch vụ trợ giúp và tư vấn pháp lý. Cơ quan trợ giúp pháp lý quốc gia là cơ quan có thẩm quyền cao nhất về trợ giúp pháp lý được thành lập dựa trên quy định về việc cung cấp dịch vụ pháp lý chất lượng và phát triển hệ thống trợ giúp pháp lý hiệu quả của Luật Trợ giúp pháp lý. Việc cấp kinh phí, thành lập Cơ quan trợ giúp pháp lý quốc gia và các Tổ chức phi chính phủ (NGOs) là nhằm thực hiện các kế hoạch và chương trình trợ giúp pháp lý.

          Trong tất cả các Bang, Cơ quan trợ giúp pháp lý được thành lập nhằm phát huy hiệu quả quy định về trợ giúp pháp lý và các ý kiến chỉ đạo trực tiếp của Ban lãnh đạo Cơ quan trợ giúp pháp lý quốc gia (NALSA) (Ban lãnh đạo), thực hiện trợ giúp pháp lý cho người dân và chức năng là Hội đồng hoà giải tại các Bang. Đứng đầu Cơ quan Trợ giúp pháp lý tại các Bang là một Chánh án Toà án tối cao đồng thời cũng là Chánh án bảo trợ cho Cục trợ giúp pháp lý. Một Thẩm phán mãn nhiệm hoặc về hưu của Toà án tối cao được bổ nhiệm làm Giám đốc.

          Cơ quan trợ giúp pháp lý cấp huyện được thành lập tại các huyện nhằm thực hiện các chương trình và kế hoạch trợ giúp pháp lý tại các huyện. Thẩm phán Toà án huyện đương nhiên được bổ nhiệm làm Giám đốc của Cơ quan trợ giúp pháp lý cấp huyện.

          Uỷ ban trợ giúp pháp lý hạt (Taluk) được thành lập tại từng hạt hoặc xã/thị trấn (Mandal) hoặc một nhóm các hạt hoặc xã/thị trấn nhằm phối hợp các hoạt động trợ giúp pháp lý tại các hạt và giữ chức năng Hội đồng hoà giải. Tất cả các Uỷ ban trợ giúp pháp lý hạt có Giám đốc là Thẩm phán dân sự chuyên trách phụ trách các hoạt động trong phạm vi thẩm quyền của Uỷ ban.

          Từ năm 1998, các hội nghị thường niên của Cơ quan trợ giúp pháp lý quốc gia đã được tổ chức hàng năm. Tham dự hội nghị đều có các thành viên của Ban lãnh đạo, các Chánh án của Toà án nhân dân tối cao…Hội nghị thường thông qua các vấn đề quan trọng như: kết quả triển khai các kế hoạch trước và đề ra các định hướng cho năm tiếp theo… Trên cơ sở đề nghị của Tiến sỹ A.S. Anand-Chánh án toà án tại Hội nghị thường niên lần thứ nhất, ngày 09/11 đã được chọn là "Ngày trợ giúp pháp lý".

          Cơ quan trợ giúp pháp lý quốc gia đã phát hành Bản tin trên hầu hết các tờ báo lớn trên cả nước bằng tiếng Anh, tiếng Hindi và một số tiếng khác nhằm tuyên truyền cho công chúng các quy định cơ bản của Luật trợ giúp pháp lý, các kế hoạch của Cơ quan trợ giúp pháp lý quốc gia về cung cấp dịch vụ trợ giúp pháp lý và vai trò của Hội đồng hoà giải nhằm giúp nâng cao hiểu biết của người dân về các hoạt động trợ giúp pháp lý. Cơ quan trợ giúp pháp lý quốc gia trên phạm vi cả nước đã tổ chức các Hội đồng hoà giải, trại tập huấn pháp lý và phát động các chiến dịch về kiến thức pháp lý nhằm giúp người dân nhận thức được quyền được trợ giúp pháp lý của mình.

          Các Hội đồng hoà giải và Hội đồng hoà giải lâm thời đã được thành lập tại tất cả các huyện trên cả nước. Các Hội đồng hoà giải và Hội đồng hoà giải lâm thời được thành lập trong chính quyền các Bang nhằm mục đích giải quyết hiệu quả các vụ việc và vấn đề giữa Chính quyền liên Bang và người dân trước khi đưa vụ việc ra toà. Nhiều hoạt động của Hội đồng hoà giải đã được đưa vào trong chức năng hoạt động của các cơ quan nhà nước. Tại Delhi, Hội đồng hoà giải đã được thành lập thuộc Uỷ ban điện lực (DVB), Uỷ ban phát triển Delhi, Hội đồng thành phố, Tổng công ty truyền thông (MTNL) và Hội bảo hiểm công cộng. Tại một số Bang khác, các Cơ quan trợ giúp pháp lý cũng đã bước đầu đề nghị Chính quyền Bang và các cơ quan có thẩm quyền thành lập các Hội đồng hoà giải nhằm giải quyết hiệu quả các tranh chấp pháp lý.

          Chương trình "Hội đồng trợ giúp pháp lý" do Tiến sỹ A.S. Anand chỉ đạo xây dựng khi còn là Giám đốc Cơ quan trợ giúp pháp lý quốc gia đã được đón nhận nồng nhiệt trên cả nước. Hội đồng trợ giúp pháp lý đã được thành lập tại hầu hết các Toà án địa phương trên toàn quốc nhằm trợ giúp pháp lý kịp thời cho các phạm nhân không có điều kiện tiếp cận với các cơ quan trợ giúp pháp lý.

          Ban lãnh đạo cũng yêu cầu các Cơ quan trợ giúp pháp lý tại các Bang kiện toàn phòng trợ giúp pháp lý tại các trại giam để thực hiện trợ giúp pháp lý cho các tù nhân, người bị giam giữ theo quy định của Mục 12, Luật trợ giúp pháp lý. Tiến sỹ A.S. Anand-Chánh án toà án, trong Hội nghị thường niên lần thứ hai của Cơ quan trợ giúp pháp lý quốc gia đã đề nghị Chánh án tại các khu vực nơi có các Trại giam cấp huyện hàng tháng nên tổ chức từ một đến hai đợt giải quyết các vụ việc cho tù nhân. Tại một số Bang, đề xuất trên đã được thực hiện và những người phạm các tội ít nghiêm trọng hoặc tội phạm vị thành niên đã được thông báo về việc được trợ giúp pháp lý.

          Theo quyết định tại Hội nghị thường niên lần thứ nhất của Cơ quan Trợ giúp pháp lý quốc gia, mức chi phí trần áp dụng cho vụ việc trợ giúp và tư vấn pháp lý tại Toà án tối cao đã được tăng lên mức 50.000 Rupee/năm. Nhiều Bang đã ban hành các quy định nhằm tăng mức chi phí trần cho vụ việc trợ giúp pháp lý tại Toà dân sự tối cao là lên 25.000 Rupee/năm. Các Bang khác đang bước đầu sửa đổi các quy định trên. Các quy định về việc hoàn án phí trong các vụ việc do Hội đồng hoà giải phân xử theo các khoản trong Mục 21 của Luật trợ giúp pháp lý hiện đã được ban hành tại các Bang. Một số Bang hiện đang xây dựng các quy định về thi hành các phán quyết của Hội đồng hoà giải.

                                                                             Nguyễn Thị Pha        

                                                                   (Theo http://causelists.nic.in)

[1] https://vi.wikipedia.org/wiki/%E1%BA%A4n_%C4%90%E1%BB%99

 

Xem thêm »