Trợ giúp pháp lý Quảng Ngãi với công tác giảm nghèo

24/11/2015
Xem cỡ chữ Đọc bài viết In trang Google

Quảng Ngãi là một tỉnh nghèo (06 huyện nghèo, 01 huyện hải đảo) nằm ở vùng Duyên hải Nam Trung Bộ (với 14 huyện, thành phố, 184 xã, phường, thị trấn), điều kiện kinh tế - xã hội còn nhiều khó khăn, tỷ lệ hộ nghèo, hộ cận nghèo còn khá cao, nhất là các huyện miền núi trình độ dân trí, nhận thức pháp luật của người dân còn nhiều hạn chế, phần lớn là người nghèo, người đồng bào dân tộc thiểu số.

Song, sau gần 05 năm triển khai thực hiện Chương trình MTQG giảm nghèo (giai đoạn 2011 - 2015), tỷ lệ hộ nghèo, hộ cận nghèo trên địa bàn tỉnh giảm đáng kể (tỷ lệ hộ nghèo toàn tỉnh 23,92%, ở 06 huyện nghèo là 60,87% năm 2010 giảm xuống toàn tỉnh còn 11,73% và ở 06 huyện nghèo còn 35,03% năm 2014), đời sống vật chất, tinh thần và kiến thức pháp luật của người dân được nâng cao đáng kể, góp phần giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội ở địa phương.

Những năm qua, để thực hiện có hiệu quả Chương trình MTQG giảm nghèo giai đoạn 2011 - 2015 trên địa bàn tỉnh, Trung tâm trợ giúp pháp lý (Trung tâm) tích cực chủ động triển khai thực hiện có hiệu quả các nhiệm vụ như: Tham mưu giúp Giám đốc Sở Tư pháp xây dựng và trình UBND, Chủ tịch UBND tỉnh ban hành các quyết định, kế hoạch, chương trình liên quan đến công tác giảm nghèo[1]; cấp phát miễn phí tờ gấp, sách pháp luật cho người dân; tổ chức các hội nghị tập huấn kiến thức pháp luật về trợ giúp pháp lý (TGPL) và kỹ năng TGPL cho đội ngũ cộng tác viên là công chức Tư pháp – hộ tịch xã; tổ chức các đợt TGPL lưu động về hầu hết các xã nghèo, xã hải đảo và xã bãi ngang ven biển; thực hiện TGPL vụ việc (tư vấn, tham gia tố tụng, đại diện ngoài tố tụng) cho người nghèo, đồng bào dân tộc thiểu số và hướng dẫn sinh hoạt cho các Câu lạc bộ TGPL tại 06 huyện nghèo của tỉnh,…

Tính đến tháng 9/2015, Trung tâm đã giúp Giám đốc Sở Tư pháp xây dựng và trình UBND, Chủ tịch UBND tỉnh ban hành 04 văn bản liên quan đến công tác giảm nghèo[2]; tổ chức 31 lớp tập huấn nghiệp vụ TGPL cho đội ngũ người thực hiện thực hiện TGPL (công chức tư pháp - hộ tịch xã) và 539 đợt TGPL lưu động về cơ sở; cấp phát miễn phí hàng nghìn tờ gấp pháp luật, sách hỏi đáp pháp luật cho người dân nông thôn (pháp luật về TGPL, hôn nhân và gia đình, giao thông đường bộ, phòng chống bạo lực gia đình, đất đai, khiếu nại, tố cáo, bảo vệ và phát triển rừng, xử lý vi phạm hành chính…) và thực hiện TGPL cho 2.374 đối tượng là người nghèo (bao gồm tư vấn pháp luật và tham gia tố tụng).

Mặt dù, phần lớn các xã nghèo đều nằm ở vùng miền núi, địa hình chia cắt, điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn, nguồn kinh phí của Chương trình MTQG giảm nghèo cấp cho ngành Tư pháp còn hạn chế và đội ngũ công chức, viên chức, nhất là đội ngũ Trợ giúp viên pháp lý còn hạn chế trong giao tiếp bằng tiếng dân tộc thiểu số (người nghèo phần lớn là đồng bào dân tộc thiểu số); song, thông qua các hoạt động TGPL của Trung tâm luôn được chính quyền địa phương và người dân đồng tình ủng hộ, ghi nhận và qua những kết quả đạt được nêu trên cũng đã phần nào phản ánh sự đóng góp tích cực của công tác TGPL Quảng Ngãi trong việc thực hiện chính sách giảm nghèo, giúp người nghèo, đồng bào dân tộc thiểu số nâng cao hiểu biết pháp luật, thực hiện tốt quyền và nghĩa vụ của mình, tham gia đấu tranh phòng chống các hành vi vi phạm pháp luật, giữ gìn sự đoàn kết trong cộng đồng dân cư, làm giảm thiểu các vụ việc tranh chấp, khiếu kiện không đáng có xảy ra tại cộng đồng dân cư để phát triển kinh tế - xã hội địa phương.

Để tiếp tục phát huy những kết quả đạt được, góp phần giảm tỷ lệ hộ nghèo, cận nghèo trong thời gian tới và nâng cao kiến thức pháp luật người dân, nhất là người nghèo, đồng bào dân tộc thiểu số tại 06 huyện nghèo, Trung tâm tiếp tục chủ động triển khai thực hiện có hiệu quả các nhiệm vụ sau đây:

Thứ nhất, tiếp tục chủ động tham mưu giúp Giám đốc Sở Tư pháp xây dựng và trình cấp có thẩm quyền ban hành chương trình, kế hạch, đề án trong công tác phổ biến, giáo dục pháp luật và TGPL có liên quan đên công tác giảm nghèo trên địa bàn tỉnh.

Thứ hai, tiếp tục đẩy mạnh và thực hiện có hiệu quả công tác truyền thông, thông tin về TGPL tại các xã nghèo, nhất là các xã thuộc Nghị quyết 30a của Chính phủ, xã bãi ngang ven biển và hải đảo; nâng cao chất lượng cung cấp dịch vụ pháp lý miễn phí cho người dân, nhất là người nghèo, đồng bào dân tộc thiểu số (chú trọng tư vấn tiền tố tụng, tham gia tố tụng và đại diện ngoài tố tụng).

Thứ ba, chủ động lồng ghép chính sách TGPL, chính sách nâng cao hiểu biết pháp luật cho người nghèo, đồng bào dân tộc thiểu số với các Chương trình, đề án giảm nghèo và xây dựng nông thôn mới của tỉnh.

Thứ tư, chú trọng công tác xây dựng, đào tạo và bồi dưỡng đội ngũ Trợ giúp viên pháp lý đảm bảo về số lượng, chất lượng đáp ứng nhu cầu tìm hiểu pháp luật và TGPL của người dân.

Thứ năm, hàng năm tổ chức các lớp tập huấn kiến thức pháp luật về TGPL và kỹ năng TGPL cho đội ngũ công chức, viên chức làm công tác pháp luật ở cơ sở.

PTQ

 

[1] Lồng ghép chính sách TGPL với chính sách giảm nghèo và xây dựng nông thôn mới.

[2] Theo Báo cáo số 204/BC-STP ngày 12/10/2015 của Sở Tư pháp tỉnh Quảng Ngãi.

 

Xem thêm »