Kết quả công tác phối hợp về Trợ giúp pháp lý trong hoạt động tố tụng trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk năm 2015

02/12/2015
Xem cỡ chữ Đọc bài viết In trang Google

Bước sang năm 2015, công tác phối hợp thực hiện trợ giúp pháp lý (TGPL) trong hoạt động tố tụng đã có bước phát triển mới so với năm 2014. Theo đó, số vụ việc tham gia tố tụng trong năm 2015 là 160 vụ việc, tăng 39 vụ việc so với năm 2014 (chiếm 132%). Đã có 39 vụ việc do đối tượng đến trụ sở Trung tâm TGPL nhà nước đề nghị cử người thực hiện trợ giúp pháp lý tham gia tố tụng, chiếm 24% trong tổng số vụ việc TGPL bằng hình thức tham gia tố tụng, 121 vụ việc do cơ quan tiến hành tố tụng giới thiệu và đề nghị Trung tâm cử người thực hiện trợ giúp pháp lý, chiếm 76%.

Số vụ việc do Trợ giúp viên pháp lý trực tiếp đảm nhận chiếm đa số 109 vụ việc, số còn lại do Luật sư – Cộng tác viên thực hiện (51 vụ); chất lượng vụ việc ngày càng nâng lên cùng với kinh nghiệm và sự tận tâm của đội ngũ người thực hiện trợ giúp pháp lý của Trung tâm TGPL Đắk Lắk.

Trong năm 2015, Trung tâm đã đánh giá chất lượng 93 vụ việc trong số các vụ việc đã hoàn thành. Tính riêng số vụ việc bào chữa cho bị can, bị cáo trong các vụ án hình sự (72 vụ) thì các cơ quan tiến hành tố tụng đã chấp nhận quan điểm của Trợ giúp viên pháp lý, Luật sư là Cộng tác viên cho bị cáo được hưởng án treo là 13 vụ, chấp nhận giảm nhẹ trách nhiệm hình sự là 45 vụ, cải tạo không giam giữ 01 vụ; số vụ việc cơ quan tiến hành tố tụng không chấp nhận quan điểm của Trợ giúp viên pháp lý và Luật sư là Cộng tác viên là 13 vụ, chiếm tỷ lệ thấp trong số vụ việc đã thực hiện.

Riêng, số vụ việc bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp cho đối tượng trong vụ án hình sự là 09 vụ, có 02 vụ việc đã được các cơ quan tiến hành tố tụng chấp nhận tăng mức hình phạt và trách nhiệm dân sự. Trong 09 vụ án dân sự mà người thực hiện TGPL bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho đối tượng thì có 03 vụ án được đình chỉ, tiến hành hòa giải thành 02 vụ, chỉ có 04 vụ cơ quan tố tụng không chấp nhận quan điểm của người thực hiện TGPL.

Trong quá trình tham gia tố tụng, người thực hiện TGPL ngoài việc đã đảm bảo thực hiện đúng quy định của pháp luật để bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho đối tượng được trợ giúp pháp lý, người thực hiện trợ giúp pháp lý còn lồng ghép tuyên truyền chủ trương, chính sách của Đảng và pháp luật của Nhà nước cho đối tượng hiểu và thực hiện đúng theo quy định, nhờ vậy đã góp phần bảo vệ pháp chế xã hội chủ nghĩa.

Có được kết quả trên là do hiệu quả của công tác phối hợp liên ngành về TGPL trong hoạt động tố tụng của tỉnh cũng như hiệu quả của hoạt động công tác truyền thông về TGPL. Với vai trò là cơ quan tham mưu cho hoạt động này, Trung tâm TGPL đã biên soạn, in ấn hàng chục ngàn tờ gấp pháp luật để cung cấp vào Hộp tin TGPL tại cơ quan tố tụng và Phòng Tư pháp; phối hợp với Bộ chỉ huy Bộ đội biên phòng tỉnh thực hiện 04 đợt trợ giúp pháp lý lưu động tại xã Ea Rvê, xã Ea Bung, huyện Ea Súp với 230 người tham dự.

Ngoài ra, trong năm 2015, Hội đồng phối hợp liên ngành đã tiến hành 04 đợt kiểm tra tại các cơ quan tố tụng thuộc 04 huyện Krông Pắk, Ea Kar, Krông Búk và thành phố Buôn Ma Thuột. Sau đợt kiểm tra, Hội đồng đã Thông báo kết luận gửi cho các đơn vị được kiểm tra để phát huy, nhân rộng những mặt làm được, đồng thời khắc phục những hạn chế thiếu sót trong quá trình phối hợp.

Tuy nhiên, công tác phối hợp về TGPL trong hoạt động tố tụng còn một số hạn chế: số vụ việc tăng tuy nhiên không đồng đều, các vụ việc đã phát sinh chủ yếu tập trung trong các vụ việc hình sự; số vụ việc dân sự, hành chính còn ít; thực tế triển khai Thông tư liên tịch số 11/2013/TTLT-BTP-BCA-BQP-BTC-VKSNDTC-TANDTC hướng dẫn thực hiện một số quy định của pháp luật về TGPL trong hoạt động tố tụng (Thông tư liên tịch số 11) tại cơ quan tố tụng vẫn còn bất cập….

Để tiếp tục phát huy những kết quả đã đạt được, đồng thời khắc phục những hạn chế bất cập trong quá trình triển khai phối hợp, Hội đồng PHLN tỉnh sẽ tiếp tục đẩy mạnh hoạt động truyền thông Luật Trợ giúp pháp lý, Thông tư liên tịch số 11 và các văn bản về TGPL trong hoạt động tố tụng đến các cán bộ và đơn vị phối hợp để hỗ trợ tốt nhất cho người được trợ giúp pháp lý theo quy định; nâng cao chất lượng, tăng số lượng vụ việc TGPL bằng hình thức tham gia tố tụng trên cơ sở sự phối hợp đồng bộ thường xuyên của cơ quan tố tụng và người thực hiện trợ giúp pháp lý trong quá trình thực hiện nhiệm vụ. Đồng thời, vận động các tổ chức hành nghề Luật sư chủ động tiếp nhận, thực hiện TGPL để phối hợp hỗ trợ cung cấp dịch vụ TGPL cho các đối tượng thụ hưởng; kiến nghị với Hội đồng PHLN Trung ương tham mưu cho các cơ quan có thẩm quyền sớm bổ sung các quy định về tư cách tham gia tố tụng của Trợ giúp viên pháp lý, những bất cập trong Bộ luật Tố tụng hình sự nhằm tạo hành lang pháp lý và tạo điều kiện thuận lợi cho hoạt động TGPL ngày càng đạt hiệu quả cao./.

                                                            Hoàng Thủy –TGPL Đắk Lắk

Xem thêm »