Trợ giúp pháp lý ở một số nước Châu Mỹ

06/08/2019
Xem cỡ chữ Đọc bài viết In trang Google

Bài viết xin giới thiệu hoạt động trợ giúp pháp lý ở 03 nước thuộc Châu Mỹ, bao gồm: Argentina, Mỹ, Canada.

I. Argentina

Argentina là một quốc gia theo thể liên bang, hình thành với 23 bang và một thành phố tự trị là thủ đô Buenos Aires. Tại đây, trước khi cải tổ Hiến pháp năm 1994, chức năng trợ giúp pháp lý thuộc hệ thống cơ quan tư pháp. Sau năm 1994, sau khi sửa đổi, bổ sung Hiến pháp liên bang, Bộ Xã hội không nằm trong hành pháp và nằm ngoài tư pháp thực hiện 02 chức năng là công tố và trợ giúp pháp lý. Tuy nhiên 02 chức năng này là độc lập, không có Bộ trưởng chung mà có 02 người đứng đầu 02 bộ phận này là Viện trưởng Viện công tố và Chủ tịch Văn phòng Luật sư công Liên bang do Tổng thống bổ nhiệm sau khi được Thượng viện thông qua. Hiện nay, Bộ này đã trở thành một nhánh quyền lực thứ tư của Nhà nước (nằm ngoài và độc lập với hành pháp, lập pháp, tư pháp).

Điều chỉnh hoạt động của Văn phòng Luật sư công Liên bang có Luật về Văn phòng Luật sư công Liên bang năm 1988, đến nay được thay thế bởi Luật Tổ chức về Văn phòng Luật sư công Liên bang (năm 2015). Đây là cơ quan thực hiện việc bào chữa và bảo vệ quyền con người, đảm bảo việc tiếp cận công lý và trợ giúp pháp lý, đồng thời có chức năng thúc đẩy những biện pháp bảo vệ và bào chữa cho những quyền cơ bản của con người, đặc biệt là những người yếu thế.

1. Tổ chức trợ giúp pháp lý

a) Văn phòng Luật sư công Liên bang

Văn phòng Luật sư công liên bang là một cơ quan có trách nhiệm bảo vệ nhân quyền cho những người dễ bị tổn thương trong lĩnh vực hình sự, dân sự và hành chính. Các dịch vụ được cung cấp  bởi Văn phòng luật sư công là miễn phí cho những người đủ tiêu chuẩn theo luật và các quy định hiện hành. Văn phòng luật sư công đặt ra những mục tiêu và tiêu chuẩn về mức thu nhập kinh tế hoặc sự yếu thế để cung cấp dịch vụ luật sư công, ngoài những vụ án bắt buộc phải tham gia. Ngoài ra, Văn phòng luật sư công liên bang còn cung cấp các dịch vụ trợ giúp về nhà ở, y tế.v.v. cho người nghèo, người dễ bị tổn thương nhằm thúc đẩy những biện pháp hỗ trợ chức năng bảo vệ quyền con người.

Văn phòng Luật sư công Liên bang được tổ chức theo ngành dọc, theo đó Văn phòng Luật sư công Liên bang Trung ương quản lý, điều hành 23 Văn phòng Luật sư công Liên bang đại diện tại 23 tiểu bang và giúp giải quyết các tranh chấp trước khi đưa ra tòa án tối cao liên bang. Trụ sở chính của Văn phòng Luật sư công Liên bang nằm tại thành phố Buenos Aires. Đứng đầu Văn phòng Luật sư công Liên bang là Chủ tịch. Chủ tịch phải là người Argentina, tốt nghiệp luật sư và có 8 năm kinh nghiệm, đáp ứng được những yêu cầu để trở thành thượng nghị sĩ quốc gia và được bổ nhiệm dựa trên biểu quyết của 2/3 thành viên có mặt của Thượng viện quốc gia.

Cơ cấu của Văn phòng Luật sư công Liên bang bao gồm:

Theo Luật Tổ chức về Văn phòng Luật sư công Liên bang thì cơ quan này được cơ cấu gồm 9 bộ phận như sau:

- Ban điều hành chung và tài chính;

- Các tổng thư ký về giám sát và nhân sự, thể chế chính sách và điều phối;

- Văn phòng tư vấn pháp luật;

- Văn phòng kiểm toán và giám sát điều hành;

- Ban giám hộ công và người quản lý công;

- Ban truyền thông thể chế;

- Ban báo chí và phổ biến;

- Ban công nghệ thông tin

- Ban hợp tác.

Ngoài ra, Luật sư công Liên bang có thể thành lập những cơ quan cần thiết để thực hiện nhiệm vụ của mình.Văn phòng Luật sư công Liên bang phát triển những Ủy ban hỗ trợ chức năng chung của Văn phòng luật sư công liên bang để tiếp cận quyền được trợ giúp và thành lập những cơ chế để tiếp cận với những nhóm người khác nhau một cách hiệu quả như hỗ trợ cho tù nhân trong tù; cho trẻ em và vị thành niên; nạn nhận về bạo lực giới, người tị nạn.v.v. Hiện nay, Văn phòng Luật sư công Liên bang có 16 Ủy ban thực hiện chức năng hỗ trợ, các nhân viên làm việc tại các Ủy ban này đều được trả lương từ Văn phòng Luật sư côngLiên bang. Sau đây xin giới thiệu 07/16 Ủy ban như sau:

- Ủy ban tiếp cận công lý: Đây là Ủy ban được thành lập ra nhằm bổ sung chức năng tư vấn pháp lý của các Trung tâm Tiếp cận công lý thuộc Bộ Tư pháp. Đứng đầu Ủy ban là luật sư công, ngoài ra làm việc tại Ủy ban còn có các nhà xã hội học, tâm lý học… Đối tượng hướng đến của chương trình là cộng đồng dân cư nghèo tại thành phố và tỉnh Buenos Aires. Khi phát hiện nhu cầu pháp lý từ những cư dân nghèo họ sẽ chuyển yêu cầu đến bộ phận bào chữa hoặc những cơ quan quyền lực khác có thẩm quyền để giải quyết.

- Ủy ban hỗ trợ thiết chế với trẻ em và vị thành niên: Ủy ban này theo dõi các vụ việc có người dưới 18 tuổi ở cấp liên bang. Trong Ủy ban này có Luật sư công và các nhân viên khác thực hiện chức năng kiểm tra, giám sát các vấn đề của trẻ em, vị thành niên bị giam giữ đối với các vấn đề về hình sự, dân sự, thần kinh, sức khỏe… Họ được quyền tiếp cận, điều tra những người có liên quan đến việc giam giữ trẻ em và vị thành niên, khi phát hiện những sai phạm họ được quyền kiến nghị, khiếu kiện lên cơ quan có thẩm quyền.

- Ủy ban về các vấn đề xã hội và quan hệ cộng đồng: Đối tượng hướng đến của Ủy ban này là người được bào chữa công phục vụ và những người có liên quan đến họ ở thành phố Buenos Aires và một số tỉnh khác. Nhân viên của Ủy ban này là các nhà thần kinh học, điều tra xã hội; cử nhân luật (không có luật sư công) không thực hiện tư vấn pháp luật, không tham gia tố tụng mà hỗ trợ luật sư công trong việc cung cấp các thông tin về môi trường xung quanh người bị bắt, bị can, bị cáo và những người liên quan đến họ. Đồng thời, họ có thể hỗ trợ người dân trong các loại giấy tờ và trong quá trình thực hiện các nhiệm vụ đó, Ủy ban này cũng theo dõi các chính sách xã hội do Chính phủ ban hành liên quan đến đối tượng phục vụ của mình đúng quy định.

- Ủy ban hỗ trợ pháp lý cho tù nhân trong tù: Đối tượng hướng đến của Ủy ban này là tù nhân (bao gồm nam giới và nữ giới) trong các nhà tù thuộc lãnh thổ của thành phố Buenos Aires nhằm hỗ trợ các vấn đề khác trong vụ án hình sự, bảo đảm tù nhân được tiếp cận pháp lý bảo vệ quyền lợi của họ. Ủy ban này tiếp nhận thông tin vụ việc từ các nguồn: từ chính tù nhân hoặc người thân của họ hoặc người làm ở khu giam giữ hoặc luật sư công phụ trách vấn đề hình sự thông báo. Ủy ban có các luật sư công và nhân viên thực hiện chức năng tư vấn và hỗ trợ pháp lý cho tù nhân trong tù các vấn đề (trừ vấn đề hình sự đã được thực hiện bởi luật sư công hình sự phụ trách) như vấn đề ly hôn, con cái, tài sản,…

- Ủy ban về giới và cho các nạn nhân bạo lực về giới: Chức năng của Ủy ban này là tạo điều kiện cho nạn nhân của bạo lực giới, phụ nữ trong tố tụng hình sự và người chuyển giới, nạn nhân của kỳ thị giới, người đồng tính được tiếp cận công lý; thực hiện điều tra, khảo sát, nghiên cứu về những đối tượng trên để đề xuất ra các giải pháp bảo đảm hiệu quả cho việc bảo đảm nhân quyền cho họ. Nhằm hỗ trợ cho hoạt động của luật sư công, họ cũng thực hiện tư vấn cho từng trường hợp cụ thể và có thể đồng hành cũng các cơ quan tố tụng để bảo đảm trong các quá trình tố tụng không xảy ra sai phạm, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho các đối tượng này.

- Ủy ban hỗ trợ và bảo vệ người tị nạn: Chức năng của Ủy ban này là tiếp nhận những người di cư hỗ trợ thủ tục cho họ để họ có thể nhập cư ở Argentina (nếu yêu cầu bị tự chối thì họ can thiệp trực tiếp đến Bộ Nội vụ hoặc Tòa án); hỗ trợ người di cư trong việc nhập quốc tịch tại Argentina; hỗ trợ cho tù nhân là người nước ngoài sau khi chấp hành án xong có nhu cầu định cư tại Argentina.

- Ủy ban thực thi quyền con người: Mục tiêu là thúc đẩy các thỏa thuận nhân quyền giữa Argentina với các tổ chức quốc tế. Đối tượng quan tâm là những bị cáo trong các vụ án hình sự mà các cơ quan tiến hành tố tụng trong nước xử lý. Ủy ban này thực hiện chức năng tranh tụng (nếu có khiếu kiện quốc tế về việc bảo vệ nhân quyền của quốc gia thì tổ chức này sẽ tranh tụng chống lại quốc gia để bảo vệ nhân quyền), đào tào luật sư liên quan đến lĩnh vực nhân quyền, tuyên truyền về nhân quyền.

Văn phòng luật sư công liên bang có văn phòng đại diện tại mỗi bang song song với Văn phòng luật sư công cấp bang. Như vậy, tại mỗi bang, tồn tại hai cơ chế hoạt động là đại diện của Văn phòng Luật sư công liên bang và Văn phòng luật sư công cấp bang. Tùy theo tính chất phạm tội, mức độ phạm tội là tội phạm của cấp bang hay tội phạm của cấp liên bang sẽ có sự tiếp nhận vụ việc tương ứng, ví dụ đối với các tội phạm mang tính chất quốc gia như tội phạm ma túy, rửa riền sẽ do đại diện của Văn phòng luật sư công liên bang thực hiện.

b) Văn phòng Luật sư công cấp bang

Văn phòng Luật sư công cấp bang tại thành phố tự trị Buenos Aires thực hiện bào chữa trong các vụ án hình sự và các vấn đề xã hội như văn hóa, kinh tế, hành chính, nhà ở,... Đối với các vấn đề dân sự thì do Văn phòng Luật sư công Liên bang đảm nhiệm và trong một giai đoạn tố tụng nào đó sẽ chuyển giao lại cho văn phòng này thực hiện. Văn phòng này có 24 luật sư hoạt động trong lĩnh vực hình sự, chia thành 5 khu vực khác nhau ở các văn phòng cụ thể; 06 luật sư hoạt động trong lĩnh vực hành chính. Mỗi năm, thành phố thụ lý khoảng 10.000 vụ việc tố tụng (trong đó Văn phòng này thực hiện được 2/3; luật sư tư thực hiện khoảng 1/3 tổng vụ việc). Thường thường các luật sư công tại thành phố này có khoảng 600 vụ việc được tiến hành đồng thời trong một thời điểm (hôm nay ra tòa vụ này, ngày mai lại ra tòa bào chữa vụ khác, có những ngày bào chữa vài vụ việc). Luật sư ở đây làm việc theo ca, một tháng trực 15 ngày ở 5 khu vực cảnh sát. Tại thời điểm xảy ra hành vi phạm tội, luật sư công trực sẽ tiếp nhận và giải quyết vụ việc. Mỗi luật sư công có khoảng 9 người phụ giúp đều do Văn phòng Luật sư công trả lương (02 trợ lý; người giúp phỏng vấn; người tìm chứng cứ; công việc hành chính; người đi thăm tù nhân...). Ngoài ra còn có thể có pháp y, nhân chủng học, trợ giúp về tội phạm học...hỗ trợ.

2. Người thực hiện trợ giúp pháp lý

Ở Argentina, Hiến pháp và các luật liên quan có quy định các vụ án hình sự phải bắt buộc phải có luật sư. Khi một người cụ thể liên quan đến quá trình tố tụng (nhất là ở giai đoạn tiền tố tụng), trong quá trình thẩm vấn của cảnh sát là một giai đoạn dễ bị tổn thương nhất, do đó rất cần luật sư và sự có mặt của luật sư được coi là một thủ tục tố tụng bắt buộc, nếu không thì kết quả tố tụng đó sẽ không được công nhận. Do đó, vai trò của Luật sư là rất quan trọng trong bất kỳ một giai đoạn tố tụng nào.

Người thực hiện trợ giúp pháp lý ở Argentina là các Luật sư công và các nhân viên hỗ trợ được Nhà nước trả lương. Năm 2014, Văn phòng luật sư công liên bang thực hiện khoảng 121.000 vụ việc hình sự và hơn 4.000 vụ việc dân sự. Trong đó, khoảng 80% vụ án hình sự do Luật sư công đảm nhiệm, còn lại do luật sư tư thực hiện. Hệ thống Luật sư công Liên bang được can thiệp ngay lập tức và liên tục trong suốt quá trình từ khi bị bắt giữ.

Hiện nay, có 2.900 người làm việc tại Văn phòng luật sư công liên bang, được chia thành 03 nhóm: 230 Luật sư công chính thức do Tổng thống bổ nhiệm sau khi được 2/3 Nghị sỹ Quốc hội chấp thuận (trong đó được phân theo các cấp bậc khác); hơn 700 Luật sư công tạm thời do Chủ tịch Văn phòng Luật sư công Liên bang bổ nhiệm và các nhân viên hành chính, hỗ trợ.

Các Luật sư công được tuyển dụng thông qua hình thức thi tuyển. Quy trình bổ nhiệm, lương và chế độ chính sách đối với Luật sư công liên bang cũng giốngnhư Thẩm phán, công tố viên, họ cũng được bổ nhiệm đến năm 75 tuổi trừ trường hợp vi phạm đạo đức nghề nghiệp hoặc vi phạm pháp luật nghiêm trọng (sau năm 75 tuổi sẽ thực hiện quy trình lại từ đầu). Điều kiện để được thi tuyển của Luật sư công chính thức được chia thành 04 cấp tương đương với các vị trí tuyển dụng với những tiêu chí từ cao đến thấp (không yêu cầu phải là luật sư công tạm thời). Việc trả lương cho các luật sư công được Văn phòng Luật sư công Liên bang thực hiện theo cấp bậc, ví dụ như luật sư cấp sơ thẩm, luật sư cấp phúc thẩm, luật sư cấp thượng thẩm. Trong thời gian đợt thi tuyển của Văn phòng Luật sư công Liên bang, Chủ tịch được Luật cho phép bổ nhiệm Luật sư công tạm thời thực hiện các chức năng tương tự như Luật sư công chính thức.

Mỗi luật sư công có các nhân viên hỗ trợ đều có một văn phòng làm việc riêng, đóng rải rác theo các khu vực nhất định. Tuy nhiên trong trường hợp cần thiết, với sự nhất trí của Luật sư công thì Văn phòng Luật sư công Liên bang được quyền điều chuyển vị trí công tác của họ để thực hiện các công việc có cùng tính chất, vị trí mà họ đang thực hiện trong cùng quận hoặc thậm chí khác quận.

3. Người được trợ giúp pháp lý

Văn phòng Luật sư công Liên bang thiết lập những điều kiện trong các chương trình để hỗ trợ kỹ thuật tư pháp và tham gia tố tụng cho những người tham gia trong quá trình tố tụng hình sự (như bị cáo, thậm chí là nguyên đơn dân sự) do nguồn tài chính hạn chế hoặc họ là đối tượng yếu thế thì sẽ được trợ giúp pháp lý.

Tuy nhiên, pháp luật nước này không quy định cụ thể những đối tượng được coi là dễ bị tổn thương, mà trong từng trường hợp Văn phòng Luật sư công Liên bang sẽ đặt ra những mục tiêu và tiêu chuẩn về mức thu nhập tài chính hoặc mức độ yếu thế để cung cấp dịch vụ TGPL do luật sư công thực hiện. Tiêu chí đầu tiên phải kể đến là người nghèo, sau đó là các tiêu chí như theo cư trú (người tị nạn), theo tuổi (như trẻ em, người cao tuổi), theo tình trạng pháp lý (như người bị bắt giữ, bị giam, bị can, bị cáo).v.v.

Trong các vụ án hình sự, luật sư công thực hiện hỗ trợ theo yêu cầu của người dân hoặc do không có người bào chữa thì sau khi kết thúc vụ án thẩm phán quyết định chi phí tham gia tố tụng mà họ phải trả cho luật sư công nếu họ có đủ điều kiện chi trả (nếu họ không đủ điều kiện để thuê luật sư vào thời điểm kết án thì họ được miễn phí). Trong những vụ án khác (không phải vụ án hình sự), chi phí nghiệp vụ sẽ được trả bởi bên thua kiện, sau khi người thắng kiện nhận được hoàn toàn tài sản của mình hoặc khi có một sự tăng lên đáng kể trong của cải của họ. Các chi phí thu được này sẽ đưa vào một khoản đặc biệt của Văn phòng Luật sư công Liên bang dùng để đào tạo cán bộ, kinh phí dành cho bảo hiểm xã hội của bị cáo, những người được bào chữa và cho tất cả các hoạt động nhằm phát triển dịch vụ theo quy định.         

4. Nguồn tài chính hoạt động của Văn phòng Luật sư công Liên bang

Theo Hiến pháp Argentina, Văn phòng luật sư công liên bang cơ quan này độc lập về chức năng cũng như có quyền tự kiểm soát tài chính. Theo đó, Văn phòng Luật sư công Liên bang, có tài khoản riêng, được quản lý và kiểm soát thu chi bởi Kho bạc nhà nước và các nguồn khác. Nguồn tài chính Văn phòng Luật sư công liên bang bao gồm nguồn kinh phí của Ngân sách quốc gia và nguồn thu của Văn phòng.

- Nguồn của Ngân sách quốc gia: Pháp luật Argentina quy định ngân sách cấp cho Văn phòng Luật sư công Liên bangbao gồm phần tương đương 0.06% nguồn thu thuế  của cơ quan quản lý trung ương. Hằng năm, Văn phòng Luật sư công Liên bang sẽ xây dựng dự toán thu chi cho năm sau theo đúng các nguyên tắc về quản lý hiệu quả nguồn kinh phí trình lên Ban điều hành quốc gia, sau đó trình lên Hội đồng quốc gia danh dự. Mỗi năm Văn phòng luật sư công liên bang được cấp khoảng 200 triệu USD để chi trả tiền lương cho đội ngũ luật sư công và các chi phí hoạt động.

- Nguồn thu của Văn phòng Luật sư công Liên bang bao gồm: Phần tài sản tặng cho; tiền phạt từ những vụ việc thuộc trách nhiệm của Văn phòng Luật sư công Liên bang và những khoản từ ngân sách khác; khoản thu từ việc bán và cho thuê những bất động sản và động sản của Văn phòng Luật sư công Liên bang; chi phí chuyên môn thu được từ việc hoạt động của Văn phòng Luật sư công Liên bang theo quy định của pháp luật.

5. Các vấn đề liên quan khác

- Văn phòng tiếp cận công lý, Bộ Tư pháp:

Tại Argentina, Bộ Tư pháp có chức năng phục vụ công lý và bảo vệ xã hội, có nhiệm vụ xây dựng và phổ biến pháp luật, tư vấn các vấn đề về chính sách pháp luật cho Tổng thống, thực hiện tư vấn pháp luật cho người dân. Hiện nay, Bộ Tư pháp có 82 Trung tâm tiếp cận công lý cho người dân. Các Trung tâm này cung cấp thông tin pháp luật, tư pháp và tư vấn pháp luật, đại diện ngoài tố tụng cho người dân cho các vụ việc. Cộng tác viên của các Trung tâm này là cán bộ các bộ, ngành khác trong các lĩnh vực được xã hội quan tâm, được cơ quan đó trả lương và làm việc tại các Trung tâm này để giúp người dân được tiếp cận pháp luật.

- Tổ chức nghiên cứu về pháp luật và xã hội (CELS):

Đây là tổ chức phi chính phủ với mục đích bảo vệ quyền con người và tăng cường hệ thống dân chủ của Argentina. Tổ chức không nhận bất kỳ khoản ngân sách nào từ Nhà nước, chức năng là thúc đẩy các văn phòng bào chữa công liên bang và cấp bang để họ thực hiện tốt chức năng của mình để bảo vệ nhân quyền, bảo đảm phiên tòa được triển khai và thông qua những vụ việc cụ thể họ sẽ tác động trong quá trình xây dựng chính sách công. Họ thực hiện tư vấn pháp luật, tham gia tố tụng và các hoạt động mang tính chất trợ giúp khác cho các đối tượng theo từng chương trình quốc tế họ tiếp nhận.

- Nhà tù liên bang Penitentiary:

Tại nhà tù liên bang Penitentiary có cơ chế tiếp cận dịch vụ luật sư của người bị bắt giữ. Theo đó, có 02 cơ chế tiếp cận bao gồm: Luật sư của người bị bắt giữ và luật sư tại văn phòng luật sư công theo ca trực. Các luật sư tại văn phòng luật sư công có mối quan hệ thông tin mật thiết với Tòa án, khi thẩm phán ra thông báo có vụ việc tố tụng đến văn phòng luật sư công thì luật sư có ca trực phải tiếp nhận vụ việc đó. Tùy theo tính chất vụ việc sẽ được thông báo đến văn phòng luật sư công liên bang hay cấp bang.

- Đoàn Luật sư thành phố tự trị Buenos Aires:

Đoàn Luật sư thành phố Buenos Aires là nơi cấp thẻ luật sư cho những người sau khi tốt nghiệp Đại học luật, giám sát đạo đức nghề nghiệp của luật sư. Có 120.000 luật sư đăng ký tại thành phố này, mỗi năm cấp khoảng 3.500 chứng chỉ. Cứ 03 năm Đoàn lại cấp lại thẻ luật sư nếu không có vi phạm đạo đức nghề nghiệp hoặc vi phạm pháp luật. Đối với các luật sư làm việc ở các khu vực công sẽ được cấp lần đầu, khi họ làm việc tại các cơ quan công được hiểu rằng tạm dừng hiệu lực thẻ luật sư cho đến khi họ không làm việc ở đó nữa.

Đoàn Luật sư thành phố có Phòng Tư vấn pháp luật do 02 Luật sư tình nguyện làm việc. Trong trường hợp nhiều yêu cầu thì sẽ huy động sự tham gia các luật sư đăng ký tại Đoàn theo hình thức bốc thăm để thực hiện tư vấn pháp lý miễn phí trong vụ việc cụ thể cho người dân (probono). Nếu không tuân thủ theo sự chỉ định này sẽ bị phạt tiền hoặc không cấp lại thẻ luật sư.

7. Một số nhận xét

- Ở Argentina, tổ chức bộ máy nhà nước theo nguyên tắc tam quyền phân lập nhưng có những giải pháp nhằm hạn chế bớt sự đối đầu giữa các nhánh quyền lực theo xu hướng bảo đảm sự hài hòa trong tổ chức và phân công quyền lực. Trong đó, việc hình thành Bộ Xã hội (trong đó có Văn phòng Luật sư công Liên bang giữ chức năng trợ giúp pháp lý và bảo vệ nhân quyền) là một trong những giải pháp đó nhằm bảo vệ công lý tốt hơn, người dân có điều kiện tiếp cận công lý dễ dàng. Tại đây, trợ giúp pháp lý cho nhóm người yếu thế trong xã hội được Nhà nước quan tâm và bảo đảm (với khoảng 80% vụ án có Luật sư công thực hiện).

- Về mô hình trợ giúp pháp lý: Văn phòng Luật sư công liên bang là một cơ quan được thành lập theo Hiến pháp, được tổ chức theo ngành dọc, độc lập về chức năng và tài chính, có trụ sở chính tại thành phố Buenos Aires và các Văn phòng đại diện ở 23 tỉnh khác.

- Người thực hiện trợ giúp pháp lý: Ở Argentina, người thực hiện trợ giúp pháp lý chủ yếu là Luật sư công được Nhà nước tuyển dụng và trả lương, ngoài ra Nhà nước còn sử dụng một đội ngũ người làm việc tại Văn phòng Luật sư công Liên bang giữ chức năng hỗ trợ cho Luật sư công.

- Cơ chế hỗ trợ: Ngoài chức năng bào chữa, Văn phòng Luật sư công Liên bang cũng đồng thời thiết lập nhiều thiết chế khác nhằm hỗ trợ chức năng chính và bảo đảm tiếp cận công lý cho người dân.

- Cơ chế phối hợp:Các luật sư tại văn phòng luật sư công có mối quan hệ thông tin mật thiết với Tòa án, khi có vụ việc sẽ có cơ chế thông tin đến Văn phòng Luật sư công, do đó tránh việc bỏ sót đối tượng. Mặt khác, Ở Argentina Hiến pháp và các luật liên quan có quy định các vụ án hình sự phải bắt buộc phải có luật sư.

II. Mỹ

Ở Mỹ không có Luật Trợ giúp pháp lý chung cho toàn liên bang, mỗi bang có hệ thống cơ quan TGPL khác nhau. Mỗi cơ quan hoạt động theo Luật hoặc quy chế riêng.

Hệ thống TGPL ở Mỹ rất đa dạng về loại hình dịch vụ, không có cơ quan quốc gia về TGPL nhưng lại có hàng trăm tổ chức TGPL khác nhau tuy nhiên họ không có mối quan hệ trực thuộc với nhau. Hệ thống TGPL ở Mỹ gồm có: các tổ chức thực hiện TGPL ở các bang (trong đó: có tổ chức TGPL nhận được sự tài trợ và chịu sự kiểm soát của LSC; có tổ chức TGPL không nhận được sự tài trợ từ LSC và hệ thống cơ quan bào chữa công).

Pháp luật Mỹ quy định đối với vụ việc dân sự thì người dân không bắt buộc có luật sư để bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của mình, còn đối với vụ việc hình sự thì bắt buộc phải có luật sư bảo vệ trước tòa.

TGPL tại Mỹ bao gồm hai hệ thống: TGPL hình sự và TGPL dân sự

1. Trợ giúp pháp lý hình sự

Ở Mỹ, quyền có luật sư bảo vệ trên tòa hình sự là quyền Hiến định. Bất cứ người nào không có khả năng thuê luật sư thì nhà nước có trách nhiệm cử luật sư bảo vệ. Do đó, Nhà nước thành lập hệ thống các Văn phòng luật sư công (Public Defender Office) cấp liên bang và tiểu bang để cung cấp dịch vụ bào chữa công cho người nghèo, người không đủ khả năng thuê luật sư trong các phiên tòa hình sự. Theo thống kê tính đến năm 2007, trên toàn liên bang nước Mỹ có đến 15.026 luật sư công được nhà nước trả lương với 957 Văn phòng luật sư công. Hệ thống luật sư công ở liên bang chịu trách nhiệm đối với vụ việc hình sự cấp liên bang. Luật sư công ở Mỹ là công chức Chính phủ, tuy nhiên chỉ có nhiệm kỳ 04 năm, do Thẩm phán Tòa án bổ nhiệm, cũng có bang quy định do Thống đốc bang bổ nhiệm hoặc Nghị viện bang bầu ra. Đối với luật sư công làm việc cho các Tòa án liên bang thì do Thẩm phán Tòa phúc thẩm liên bang bổ nhiệm (ở Mỹ, có 13 Tòa án phúc thẩm liên bang chia theo khu vực). Tính đến năm 2014, có khoảng 1.500 luật sư công cấp liên bang. Trung bình mỗi luật sư công ở liên bang chịu trách nhiệm thụ lý khoảng 70 vụ việc/năm ít hơn so với các luật sư công ở tiểu bang, trung bình mỗi luật sư công ở tiểu bang chịu trách nhiệm thụ lý khoảng 300 – 400 vụ việc/năm. Người được TGPL: là người bị buộc tội mà chưa được bào chữa.

Mỗi tiểu bang có ít nhất 01 Văn phòng luật sư công. Nghị viện Mỹ cho phép Tòa án các bang thành lập Văn phòng luật sư công, nếu bang nào không thành lập Văn phòng luật sư công thì Tòa án phải ký hợp đồng thuê luật sư bên ngoài bào chữa cho những người bị truy tố với mức thù lao 128 USD/01 giờ làm việc. Các Văn phòng luật sư công được tổ chức gắn với tổ chức của Tòa án gồm Tòa án cấp bang và Tòa án cấp liên bang, các văn phòng luật sư công ở liên bang được trả lương bởi Tòa án liên bang, mức lương của luật sư công bằng mức lương của công tố viên. Ở cấp tiểu bang, lương của luật sư công được trả từ ngân sách của tiểu bang. Chi phí cho luật sư công bằng 1/8 mức ngân sách cấp cho hệ thống Tòa án (chi phí cho luật sư công gồm: chi lương cho luật sư và đội ngũ nhân viên, thuê mặt bằng, chi cho giám định tư pháp và chi phí hành chính khác). Hàng năm, Nghị viện phê chuẩn ngân sách cấp cho hệ thống Tòa án trong đó có dòng ngân sách chi cho luật sư công và quy định mức thù lao cho luật sư công, văn bản này được Nghị viên ban hành vào đầu năm tài chính. Hàng tháng, các Văn phòng luật sư công phải báo cáo hoạt động lên Văn phòng quản lý hành chính của Tòa án.

Điều kiện để được Văn phòng luật sư công cử luật sư bào chữa: Pháp luật Mỹ chỉ quy định một cách rất chung chung là không có khả năng thuê luật sư thì Tòa án cử luật sư bào chữa, thậm chí một người đứng trước tòa chỉ cần nói không đủ tiền thuê luật sư là Tòa án phải chỉ định luật sư bào chữa. Đối với những người có tiền nhưng nói là không đủ tiền thuê luật sư với mức giá mà luật sư yêu cầu thì Tòa án buộc người đó phải nộp mức 128 USD/giờ cho Nhà nước để Tòa án chỉ định luật sư từ các Văn phòng luật sư công để bào chữa cho người đó, luật sư tư bào chữa với mức phí từ 500 – 600 USD/giờ; cũng có trường hợp việc chỉ định luật sư công hoàn toàn do ý chí chủ quan của Thẩm phán quyết định. Tuy nhiên, một số bang quy định mức cụ thể thu nhập của 01 người dựa theo tiêu chuẩn thu nhập thấp do liên bang quy định để được TGPL.

Nguồn công việc của các Văn phòng luật sư công chủ yếu do Tòa án chuyển đến, chỉ có một số ít vụ việc là do đương sự tự đến Văn phòng luật sư công tìm kiếm sự TGPL. Theo báo cáo từ năm 2007, tổng kinh phí nhà nước cấp cho hoạt động TGPL hình sự trên toàn nước Mỹ là hơn 2,3 tỷ đô la Mỹ.

2. Trợ giúp pháp lý dân sự

Theo quy định của pháp luật Mỹ đối với các vụ việc dân sự người dân không bắt buộc có luật sư. Do đó, Nhà nước không thành lập hệ thống tổ chức thực hiện TGPL của nhà nước để thực hiện TGPL dân sự. TGPL dân sự đều do các tổ chức phi chính phủ (NGO) của xã hội thực hiện. Tuy nhiên, có một tổ chức chuyên nhận tiền từ ngân sách nhà nước và điều phối kinh phí này từ Trung ương đến tất cả tiểu bang cho các tổ chức thực hiện TGPL dân sự. Đó là Tổng công ty TGPL. Có hai loại tổ chức TGPL dân sự: tổ chức TGPL bằng nguồn kinh phí và chịu sự kiểm soát của Tổng công ty TGPL và tổ chức TGPL không nhận nguồn tài trợ của Tổng công ty TGPL.

a) Tổng công ty TGPL (LSC)

Tại Tổng công ty TGPL (LSC) có điều phối kinh phí cho các tổ chức TGPL trên toàn nước Mỹ. LSC được thành lập năm 1974, hoạt động với tư cách một tổ chức độc lập, phi lợi nhuận nhằm tăng cường sự tiếp cận công bằng, công lý và cung cấp tài trợ để người dân Mỹ có thu nhập thấp được hưởng sự hỗ trợ về pháp lý với chất lượng cao. Hoạt động của LSC dựa theo nguyên tắc quy định tại Đạo luật LSC do Hạ viện Mỹ thông qua năm 1974.

Tổng công ty TGPL không thực hiện trực tiếp với khách hàng mà chỉ thực hiện tài trợ về kinh phí thực hiện TGPL cho 134 tổ chức TGPL trên toàn nước Mỹ, mỗi năm đã trợ giúp được khoảng 1 triệu vụ việc tương ứng với khoảng 2,3 triệu người thụ hưởng trong các vụ việc đó. Các tổ chức TGPL nhận khoảng 30% kinh phí hoạt động từ LSC để thực hiện TGPL về dân sự cho những người có thu nhập thấp, không thực hiện TGPL cho người có liên quan về hình sự. LSC thực hiện chức năng điều phối nguồn kinh phí, theo dõi hoạt động TGPL của các tổ chức TGPL do LSC cấp kinh phí.

LSC có khoảng 100 nhân viên do Ban Điều hành quản lý. Ban điều hành gồm 11 thành viên do Tổng thống chỉ định và được Thượng viện phê chuẩn, trong số này tối đa có 6 người thuộc 1 Đảng. Các thành viên là những người lưỡng đảng, hoạt động trên cơ sở tình nguyện, không được trả lương. Các thành viên Ban Điều hành làm việc theo nhiệm kỳ 3 năm nhưng sẽ giữ vị trí của họ cho đến khi Ban điều hành mới được thành lập sau mỗi nhiệm kỳ, danh sách Ban điều hành được Thượng nghị viện xác nhận. Chủ tịch Ban điều hành do các thành viên lựa chọn, không do Tổng thống lựa chọn. Ban điều hành đồng thời chỉ định Tổng Giám đốc cho LSC và các nhân viên cốt cán của Tổng công ty. Ban điều hành LSC giám sát chung đối với LSC, xây dựng các chính sách của Ban, tuyên truyền phổ biến về các nguyên tắc, quy định và hướng dẫn chỉ đạo LSC cũng như các các đối tác sử dụng kinh phí của LSC để thực hiện TGPL. Ban Điều hành cũng là người xây dựng và trình dự thảo ngân sách trực tiếp để trình Hạ viện. Mỗi năm, Ban điều hành họp ít nhất 4 lần, mỗi lần họp trong vòng 1 hoặc 2 ngày, tuy nhiên vẫn có thể tổ chức họp nhiều hơn nếu thấy cần thiết. LSC có Ban kiểm tra với 12 luật sư và 06 kế toán.

Các vụ việc TGPL chủ yếu là các vụ việc liên quan đến gia đình như giám hộ trẻ em, trợ cấp nuôi dưỡng, ly hôn (chiếm 35% vụ việc); các vụ việc liên quan đến nhà cửa và thu hồi tài sản.

Trên cơ sở các tổ chức TGPL gửi đơn đề nghị cấp kinh phí tới LSC, LSC xem xét và đưa ra các tiêu chí lựa chọn trên cơ sở chất lượng TGPL như chất lượng luật sư của tổ chức TGPL, điều kiện tài chính và kinh nghiệm hoạt động của các tổ chức đó. LSC có Bộ tiêu chí đánh giá để thực hiện đánh giá các đơn đề nghị do các tổ chức TGPL gửi đến xin tài trợ kinh phí. LSC căn cứ vào đơn đề nghị và các tài liệu phụ trợ để quyết định tổ chức nhận tài trợ và Tổng giám đốc LSC quyết định tài trợ trong vòng 3 hoặc 5 năm. Tùy thuộc vào số tiền hàng năm do Quốc hội phê chuẩn, LSC quyết định mức cấp cụ thể cho các tổ chức TGPL.

* Thủ tục lựa chọn nhà cung cấp dịch vụ:

Những tổ chức (ứng viên) muốn nhận kinh phí từ LSC sẽ gửi thư đăng ký đến LSC. Thư được gửi theo hình thức trực tuyến. Khi nhận được thư của các ứng viên LSC sẽ trả lời khẳng định nhận được và yêu cầu nộp đề xuất tài trợ kinh phí. Những đề xuất không hoàn chỉnh hoặc không phù hợp thì sẽ bị từ chối. Đối với đề xuất có nội dung cơ bản hoàn chỉnh nhưng cần điều chỉnh thì LSC thông báo cho ứng viên yêu cầu điều chỉnh. Ứng viên có 7 ngày kể từ ngày nhận được yêu cầu hoàn thiện để hoàn chỉnh đề xuất. Những ứng viên không hoàn thiện đề xuất trong thời hạn quy định thì sẽ không đáp ứng yêu cầu nhận tài trợ. Khi nhận được đề xuất thì LSC cử cán bộ kiểm tra đề xuất. Đối với những khu vực mà có một ứng viên thì cán bộ của LSC kiểm tra đề xuất và đề nghị kinh phí hỗ trợ. Ngoài ra, LSC có thể thuê nhân viên bên ngoài đánh giá, kiểm tra đề xuất. Đối với những khu vực có nhiều hơn một ứng viên đủ điều kiện thì LSC thành lập một nhóm đánh giá viên độc lập để đánh giá. Nhóm đánh giá sẽ đánh giá các đề xuất tài trợ và đưa ra đề xuất, đề nghị đối với LSC. Ngoài ra, LSC cũng có đội ngũ nhân viên để xem xét các đề xuất này. Khi quyết định tài trợ Tổng giám đốc LSC xem xét đề xuất của đánh giá viên độc lập và của nhân viên LSC. LSC cũng có thể kiểm tra trực tiếp các ứng viên để ra quyết định tài trợ cuối cùng.

Khi xem xét tài trợ LSC cần căn cứ vào các tiêu chí sau đây:

- Ứng viên có hiểu đầy đủ về nhu cầu TGPL cấp thiết của khách hàng ở khu vực không?

- Chất lượng, tính khả thi và hiệu quả sử dụng kinh phí của ứng viên;

- Chính sách của ứng viên có đáp ứng hoặc sẽ đáp ứng được tất cả các yêu cầu của Luật LSC, các hướng dẫn và tất cả các văn bản pháp luật liên quan;

- Năng lực của ứng viên có phù hợp với tất cả các quy định của Luật LSC, các quy tắc, hướng dẫn cũng như quy tắc đạo đức và các quy định pháp luật được áp dụng;

- Uy tín của người đứng đầu và cán bộ chủ chốt của tổ chức;

- Hiểu biết của ứng viên về hệ thống cung cấp dịch vụ TGPL ở bang và sự sẵn sàng phối hợp với các nhà cung cấp dịch vụ khác để bảo đảm thực hiện TGPL cho khách hàng;

- Năng lực huy động các nguồn tài trợ ngoài ngân sách của LSC;

- Năng lực bảo đảm tính liên tục khi thực hiện TGPL cho khách hàng;

- Ứng viên không có mâu thuẫn về quyền lợi với cộng đồng khách hàng và tập trung nguồn lực để giải quyết mâu thuẫn đó.

Đánh giá chất lượng vụ việc TGPL: LSC có nhiều cách để đánh giá hoạt động của các nhà cung cấp dịch vụ TGPL. Một trong những cách đánh giá chính là đánh giá tại chỗ hiệu quả hoạt động của từng nhà cung cấp. Tùy vào mức độ tài trợ, việc đánh giá có thể do 2 hoặc 4 nhân viên của LSC thực hiện trong khoảng thời gian từ 3 đến 5 ngày. Việc đánh giá được thực hiện thông qua các cuộc làm việc trực tiếp. Thành viên của đoàn đánh giá sẽ phỏng vấn cán bộ quản lý của cơ quan thụ hưởng trợ cấp (được LSC lựa chọn), cán bộ hành chính, người tham gia tư vấn vụ việc, các thành viên ban điều hành, nhân viên các cơ quan dịch vụ xã hội và cộng đồng, lãnh đạo Liên đoàn luật sư, thành viên các Liên đoàn luật sư tư, Thẩm phán. Kết thúc chương trình đánh giá tại chỗ, người tiến hành đánh giá phải đưa ra những báo cáo ban đầu. Sau khi kết thúc đánh giá tại chỗ, nhà cung cấp dịch vụ được lựa chọn sẽ nhận được bản đánh giá chính thức. Các báo cáo đánh giá này có thể yêu cầu nhà cung cấp dịch vụ phải tiến hành những bước đi cụ thể nhằm nâng cao chất lượng hoạt động của mình và phải tiếp tục báo cáo cho LSC. Thông thường mỗi năm LSC sẽ tổ chức từ 12-15 đoàn đánh giá tại chỗ.

Bên cạnh hình thức đánh giá tại chỗ, để có thể đánh giá một cách sâu hơn về năng lực của người cung cấp dịch vụ TGPL, LSC còn tổ chức các hình thức đánh giá khác. Các kiểu đánh giá này có thể chỉ để đánh giá về một mối quan tâm cụ thể của LSC, để đo mức độ tiến bộ đối với một vấn đề cụ thể nào đó đã được nêu trong lần đánh giá tại chỗ trước đó hoặc để đánh giá tính hiệu quả trong hoạt động của nhà cung cấp dịch vụ khi vùng dịch vụ được mở rộng. Hơn nữa, để giúp các nhà cung cấp dịch vụ nâng cao chất lượng hoạt động, LSC cũng cung cấp các trợ giúp kỹ thuật tại chỗ. Trong những năm gần đây, các nhà cung cấp dịch vụ thường yêu cầu LSC hỗ trợhọ để khách hàng có thể tiếp cận dễ dàng hơn đến dịch vụ của các nhà cung cấp, ví dụ như việc sử dụng các đường dây điện thoại, thiết bị mạng. Hàng năm, LSC thường tổ chức khoảng 25 loại hình đánh giá hay hỗ trợ kỹ thuật kiểu này.

Một biện pháp khác để LSC đánh giá hoạt động của các nhà cung cấp dịch vụ là đưa ra các điều kiện để được nhận tài trợ của LSC. Mặc dù việc quyết định cho nhận tài trợ được thực hiện định kỳ 3 năm 1 lần như đã nói ở trên song LSC cũng có thể rút ngắn thời gian trợ cấp nếu nhà cung cấp không giải quyết xong những vấn đề tồn đọng mà LSC đã khuyến cáo. Mọi khoản tài trợ đều phải xác nhận lại hàng năm. Trong quá trình tài trợ, LSC có thể đặt ra những điều kiện đặc biệt mà nhà cung cấp dịch vụ phải tuân thủ như yêu cầu bổ sung dịch vụ khi mở rộng phạm vi phục vụ, tiến hành những hoạt động cụ thể để giải quyết những vấn đề phát sinh, báo cáo định kỳ đối với việc khắc phục một vấn đề nào đó… LSC cũng thường đưa ra những hướng dẫn cụ thể cho hoạt động của các nhà cung cấp dịch vụ TGPL khi tham gia chương trình do LSC tài trợ.

Hàng năm, LSC lập dự toán gửi lên Quốc hội để bảo vệ xin kinh phí. Tổng kinh phí cấp cho hoạt động TGPL dân sự trên toàn nước Mỹ năm 2013 là 870 triệu đô la Mỹ trong đó phần lớn kinh phí từ Chính phủ liên bang cấp (365 triệu đô la Mỹ); từ Chính phủ các bang khoảng 170 triệu đô la Mỹ; 120 triệu đô la Mỹ từ các nguồn khác và 68 triệu đô la Mỹ nhận từ các công ty tư nhân.

Đối tượng TGPL: Các chương trình do LSC tài trợ thực hiện TGPL cho những người thuộc hộ với mức thu nhập bình quân hàng năm từ 125% mức chuẩn nghèo của bang. Năm 2013 chuẩn nghèo cá nhân là 14,363 USD/năm, còn đối với hộ gia đình có 4 người là 29.438 USD/hộ/năm. Khách hàng thuộc nhiều tộc người khác nhau nhiều độ tuổi khác nhau, sống ở nông thôn, ngoại ô và thành thị. Họ là những công nhân lao động, người thuê nhà, nông dân, người khuyết tật, người già… Nhiều phụ nữ phải đấu tranh để bảo đảm sự an toàn cho con và gia đình của họ, đối tượng này chiếm 70% tổng số khách hàng.

b) Tổ chức TGPL nhận tài trợ từ LSC (Cơ quan dịch vụ pháp lý New York)

Cơ quan dịch vụ pháp lý New York là một trong các tổ chức cung cấp dịch vụ TGPL có chức năng thực hiện TGPL miễn phí trong lĩnh vực dân sự, được thành lập cách đây 50 năm. Cơ quan dịch vụ pháp lý NewYork có 05 văn phòng TGPL ở từng khu vực của thành phố New York và có hệ thống Tòa án ở cạnh. Cơ quan dịch vụ pháp lý New York có 300 nhân viên làm việc trong đó có 200 luật sư làm việc toàn thời gian và được trả lương hàng tháng từ ngân sách của Cơ quan dịch vụ pháp lý New York để thực hiện vụ việc TGPL, những nhân viên này không được làm việc cho bất kỳ tổ chức nào khác. Cơ quan dịch vụ pháp lý New York có Trung tâm dữ liệu thông tin, có Trung tâm đào tạo, bồi dưỡng để nâng cao trình độ chuyên môn cho nhân viên và luật sư.

Trung tâm dữ liệu, thông tin sẽ cập nhập các nội dung vụ việc như tên khách hàng, ngày thụ lý, tên và nội dung vụ việc TGPL, tiến trình giải quyết vụ việc. Mỗi vụ việc được đánh mã số để các luật sư có thể truy cập vào mạng lấy thông tin.

Trung tâm đào tạo, bồi dưỡng của Cơ quan dịch vụ pháp lý New York được Đoàn luật sư New York cấp giấy phép để thực hiện bồi dưỡng bắt buộc cho các luật sư. Theo quy định của pháp luật New York mỗi luật sư phải tham gia đào tạo bắt buộc. Các khóa đào tạo do các giáo sư ở các trường Đại học Luật giảng dạy, mỗi năm đào tạo được 2.000 học viên tương đương với 80 lớp học. Người tham dự phải trả 150 đô la Mỹ cho một khóa đào tạo.

Đối tượng TGPL của Cơ quan dịch vụ pháp lý NewYork là người nghèo. Hiện nay ở New York có hơn 3 triệu người nghèo, theo quy định của pháp luật người nghèo là người có mức thu nhập là 19 nghìn đô la/1 năm cho hộ 03 người. Ngoài ra, TGPL cho những người thiệt thòi trong xã hội như trẻ em không được trợ cấp nuôi dưỡng, nạn nhân bạo lực gia đình, người nhiễm HIV/AID, người già. Việc thực hiện TGPL hoàn toàn miễn phí.

Vụ việc TGPL bao gồm: nhà ở, bạo lực gia đình, thuế thu nhập, giáo dục, nhập cư, việc làm. Mỗi nguồn tiền khác nhau liên quan đến vụ việc TGPL khác nhau. Trung bình mỗi năm Cơ quan dịch vụ pháp lý NewYork thực hiện được 70 nghìn vụ việc TGPL. Mỗi luật sư thực hiện trung bình 50 vụ việc tố tụng dân sự/năm. Tùy thuộc vào tính chất vụ việc mà xác định thời gian giải quyết vụ việc như đối với vụ việc về nhà ở giải quyết trong 30 giờ, đối với vụ việc phức tạp thời gian giải quyết lên đến 100 giờ.

Hình thức TGPL: Đại diện cho khách hàng trước Tòa án; Tư vấn hoặc cung cấp thông tin cần thiết; Giáo dục pháp luật thông qua các hội thảo tại cộng đồng và tài liệu phát.

Kinh phí của Cơ quan dịch vụ pháp lý NewYork cho hoạt động năm 2013 là 41.759.370  đô la Mỹ trong đó kinh phí từ ngân sách liên bang do Tổng công ty TGPL cấp là 12.914.140 đô la Mỹ (chiếm 31%); kinh phí từ Quỹ Chính phủ bang và thành phố là 19.506.313 đô la Mỹ (chiếm 47%); kinh phí từ nguồn tài trợ và đóng góp từ các quỹ tư nhân (Grants and Contributions) là 4.715.541 đô la Mỹ (chiếm 11%); nguồn kinh phí thu từ lãi suất của Quỹ luật sư (Interest on Lawyers Account) là 2.578.709 đô la Mỹ (chiếm 6%); kinh phí từ các sự kiện gây quỹ (Fundraising Events) là 748.310 đô la Mỹ (chiếm 2%); và các  nguồn thu khác.

c) Tổ chức TGPL không nhận tài trợ từ LSC (Tổ chức TGPL quận Columbia)

Tổ chức TGPL quận Columbia có 50 nhân viên làm việc trong đó có 40 luật sư và 10 nhân viên hỗ trợ. Tổ chức TGPL quận Columbia không nhận kinh phí tài trợ từ LSC mà nhận kinh phí từ các hãng luật tư nhân, cá nhân luật sư và các khoản tài trợ của một số Quỹ trong quận Columbia. Kinh phí hoạt động của tổ chức này năm 2013 khoảng 4,5 triệu đô la Mỹ. Hàng năm, tổ chức TGPL quận Columbia thực hiện được 4.500 vụ việc TGPL trong đó có khoảng 50% vụ việc đại diện tại Tòa án; 50% vụ việc tư vấn pháp luật.

Tổ chức TGPL quận Columbia với mức kinh phí hạn chế do đó họ đưa ra các tiêu chí riêng để xác định đối tượng được TGPL của tổ chức này, tổ chức TGPL quận Columbia chuyên thực hiện vụ việc TGPL dân sự về nhà ở.

Đối tượng được TGPL: tổ chức TGPL Columbia tự quy định diện đối tượng TGPL mà không phụ thuộc nhiều vào các tiêu chí của Chính phủ do tổ chức này không nhận kinh phí từ Chính phủ.

Phạm vi thực hiện TGPL: mỗi tuần hai ngày tổ chức TGPL quận Colombia mở cửa cho các đối tượng yêu cầu TGPL và chỉ thực hiện các vụ việc trong quận Columbia.

Mỗi năm tổ chức TGPL Columbia thực hiện 03 chiến dịch để huy động kinh phí tài trợ thông qua các hình thức như tổ chức tiệc chiêu đãi để xin vận động tài trợ, tổ chức gửi báo cáo năm cho các luật sư và tổ chức hành nghề luật sư, trong đó có thư ngỏ của Giám đốc và mỗi quý có một bản tin gửi đến các nhà tài trợ.

3. Hiệp hội TGPL quốc gia và luật sư công

Hiệp hội TGPL và luật sư công được thành lập vào năm 1911, là một hiệp hội TGPL lớn và lâu đời nhất ở nước Mỹ. Hơn 100 năm qua, Hiệp hội này luôn đi tiên phong trong hoạt động tiếp cận công lý trên toàn liên bang, tiểu bang cũng như là các quận hạt. Hiệp hội TGPL quốc gia và luật sư công chính là cơ quan đại diện cho các tổ chức TGPL trên toàn nước Mỹ, hoạt động một cách tự nguyện không trực tiếp thực hiện hoạt động TGPL, thực hiện xúc tiến các hoạt động TGPL trên toàn liên bang nước Mỹ. Kinh phí hoạt động của Hiệp hội TGPL và luật sư công do các tổ chức, cá nhân tự nguyện đóng góp.

4. Liên đoàn luật sư Mỹ

Liên đoàn luật sư Mỹ được thành lập từ năm 1978. Ở Mỹ có 50 bang, luật sư ở mỗi bang có chứng chỉ do mỗi bang cấp. Luật sư, sinh viên luật và những người quan tâm đến pháp luật và nghề luật có thể trở thành thành viên của Liên đoàn luật sư Mỹ. Hiện Liên đoàn luật sư Mỹ có khoảng 400.000 thành viên. Kinh phí hoạt động của Liên đoàn luật sư Mỹ do thu phí từ các luật sư và bán các ấn phẩm liên quan đến hoạt động của Liên đoàn luật sư. Liên đoàn luật sư Mỹ vận động các luật sư thực hiện TGPL miễn phí (probono). Mỗi bang có một cơ chế khuyến khích luật sư tham gia TGPL ít nhất là 50 giờ/1 năm, tuy nhiên có bang quy định việc thực hiện TGPL của luật sư là bắt buộc.

5. Văn phòng tiếp cận công lý, Bộ Tư pháp

Văn phòng tiếp cận công lý thuộc Bộ Tư pháp được thành lập năm 2010 thực hiện chức năng hoạch định chính sách TGPL hình sự và dân sự giúp cho hoạt động TGPL hiệu quả hơn, công bằng và dễ tiếp cận nhất đối với mọi người dân không phân biệt điều kiện tài chính và phục vụ tốt hơn cho những người không có điều kiện thuê luật sư. Văn phòng tiếp cận công lý không cấp kinh phí cho các tổ chức TGPL và người bào chữa trên toàn nước Mỹ mà chỉ tìm nguồn lực tài chính cho họ; nghiên cứu các cơ chế làm bớt rào cản của Tòa án đối với hoạt động TGPL.

6. Kinh phí hoạt động của Tổ chức TGPL

Nguồn kinh phí hoạt động của các tổ chức trợ được hình thành từ nhiều nguồn khác nhau: Chính phủ bang, tiểu bang hoặc của chính quyền thành phố trong bang; từ Tổng công ty TGPL (Legal Services Corporation); nguồn tài trợ và đóng góp từ các quỹ tư nhân (Grants and Contributions); thu từ các sự kiện gây quỹ (Fundraising Events); nguồn kinh phí thu từ lãi suất của Quỹ luật sư (Interest on Lawyers Account) và các nguồn thu khác. Tuy nhiên, chiếm đến gần 80% kinh phí hoạt động của quỹ TGPL là kinh phí cấp từ Chính phủ bang, tiểu bang, chính quyền thành phố trong bang và từ Tổng công ty TGPL. Bên cạnh những tổ chức TGPL nhận kinh phí từ Tổng công ty TGPL, từ Chính phủ bang, tiểu bang, chính quyền thành phố thuộc bang thì cũng có tổ chức TGPL không nhận kinh phí hoạt động từ các nguồn này mà hoàn toàn nhận sự tài trợ từ các cá nhân, quỹ tư nhân (không nhận kinh phí từ các nguồn mang tính quyền lực nhà nước). Đối với các tổ chức nhận kinh phí từ Chính quyền thì hoạt động TGPL chịu sự ràng buộc các điều kiện do chính quyền đưa ra. Tất các tổ chức TGPL đều chịu sự kiểm tra, kiểm toán thường xuyên, liên tục bởi các nhà tài trợ về tính hiệu quả, chính xác và minh bạch của việc sử dụng số tiền tài trợ. Để nhận được nguồn kinh phí từ chính phủ tiểu bang hoặc từ chính quyền thành phố thuộc bang, tiểu bang các tổ chức TGPL đều phải chấp nhận sự cạnh tranh với nhau trong việc xin tài trợ.

7. Một số nhận xét

- Hoạt động TGPL dân sự tại Mỹ huy động được sự tham gia rộng rãi của nhiều tầng lớp trong xã hội và được thực hiện bởi các tổ chức phi Chính phủ. Tuy nhiên, sự tài trợ của chính quyền liên bang, chính quyền các tiểu bang lại chiếm tỷ lệ lớn trong kinh phí hoạt động của các tổ chức TGPL;

- Các tổ chức TGPL phải cạnh tranh để có được kinh phí từ ngân sách nhà nước và thường xuyên chịu sự kiểm tra, kiểm toán của các nhà tài trợ, của Chính phủ (nếu nhận sự tài trợ của Chính phủ) cũng như sự kiểm soát nội bộ trong chính tổ chức TGPL. Việc tài trợ kinh phí luôn gắn với hiệu quả của hoạt động TGPL và yêu cầu minh bạch tài chính. 

- Về người thực hiện TGPL: Ở Mỹ đối với vụ việc dân sự người thực hiện TGPL của các tổ chức TGPL là luật sư làm việc toàn thời gian và được hưởng lương hàng tháng. Đối với vụ việc hình sự người thực hiện TGPL là các luật sư công, là viên chức nhà nước được hưởng lương hàng tháng từ ngân sách nhà nước. Đối với vụ việc dân sự người thực hiện TGPL là các luật sư làm việc toàn thời gian, được trả lương hàng tháng.

III. Canada

Canada là quốc gia liên bang theo chế độ đại nghị gồm có mười tỉnh và ba lãnh thổ, mỗi bang có hệ thống pháp luật về TGPL khác nhau. Cơ quan TGPL thành lập theo luật, không thuộc Chính phủ nhưng giữ mối quan hệ chặt chẽ với Chính phủ và thường xuyên thực hiện chế độ báo cáo với Chính phủ. Bên cạnh đội ngũ luật sư công, luật sư tư thực hiện TGPL còn có người thực hiện TGPL khác như chuyên gia pháp lý, sinh viên luật... Luật sư công được nhà nước trả lương và được sử dụng nhiều ở Canada. Cơ chế tài chính, cơ chế quản lý TGPL khác nhau ở mỗi bang.

Mỗi bang của Canada có một cơ quan TGPL thuộc Chính phủ, các tổ chức TGPL còn lại nằm ngoài Chính phủ. Tiêu chuẩn khách hàng nhận dịch vụ TGPL và việc cung cấp dịch vụ TGPL khác nhau giữa các bang. Các bang ở Canada đều cung cấp dịch vụ TGPL trong lĩnh vực hình sự và có sự trợ giúp nhất định trong lĩnh vực gia đình. Một số bang cung cấp dịch vụ TGPL đa dạng các lĩnh vực như ở Ontario có lĩnh vực TGPL rộng nhất so với cơ quan TGPL ở các bang khác. Tỷ lệ tội phạm giữa các bang là khác nhau do vậy nhu cầu TGPL trong lĩnh vực hình sự là khác nhau. Chính quyền địa phương cung cấp kinh phí cho hoạt động TGPL trong đó có TGPL trong lĩnh vực hình sự. Lĩnh vực TGPL bao gồm luật hình sự, luật trẻ em, luật nhập cư và luật gia đình. Ở Tòa án của hai bang đều có đội ngũ luật sư công và luật sư tư ký hợp đồng với các cơ quan TGPL trực tại Tòa để thực hiện TGPL.

Một số xu hướng phát triển TGPL ở Canada trong thời gian tới là ứng dụng công nghệ thông tin trong TGPL, quản lý cung cấp dịch vụ TGPL; truyền thông về TGPL đến với người dân thông qua các ấn phẩm, tạp chí; tập trung vào một nhóm người trong xã hội như người bản địa, thổ dân sinh sống ở Canada từ xưa, những người gặp vấn đề sức khỏe tâm thần.

Một số bang có hoạt động TGPL phát triển nổi trội hơn cả là: Ontario, Nova Scotia, British Columbia. Các bang này đều có Luật TGPL. Sau đây xin giới thiệu TGPL ở bang British Columbia và bang Ontario.

1. Trợ giúp pháp lý ở British Columbia

a) Về tổ chức cung cấp dịch vụ TGPL

Tổ chức cung cấp dịch vụ TGPL ở British Columbia gồm có cơ quan TGPL (Legal Services Society - LSS) và các tổ chức khác.

Cơ quan TGPL ở British Columbia (LSS) là tổ chức phi lợi nhuận được thành lập theo luật (Statutory body), là tổ chức lớn nhất toàn bang cung cấp dịch vụ TGPL ở British Columbia có mối quan hệ chặt chẽ với Chính phủ, không thuộc Chính phủ. Cơ quan TGPL có 03 chức năng: giải quyết các vấn đề vướng mắc trong lĩnh vực pháp luật tăng khả năng tiếp cận công lý; tạo hệ thống hiệu quả trong cung cấp dịch vụ TGPL; tư vấn cho Bộ trưởng Bộ Tư pháp về các vấn đề liên quan đến TGPL và tiếp cận công lý. LSS là cơ quan duy nhất ở bang này được luật định thực hiện cung cấp dịch vụ TGPL; ký hợp đồng thực hiện TGPL với 31 Văn phòng luật sư.

Để quản lý điều hành hoạt động của cơ quan TGPL có Ban Giám đốc điều hành (Board of directors). Ban Giám đốc có trách nhiệm báo cáo Bộ Tư pháp về hoạt động của tổ chức mình. Ban Giám đốc có chức năng định hướng hoạt động, giám sát hoạt động của cơ quan TGPL. Ban Giám đốc có 09 thành viên trong đó 05 thành viên do Bộ trưởng Bộ Tư pháp bổ nhiệm giám sát chung hoạt động TGPL và 04 thành viên được bổ nhiệm do Hội đồng pháp luật của bang sau khi tham khảo ý kiến của Đoàn luật sư Canada tại bang BC. Trong thành viên của Ban Giám đốc có 07 luật sư và 01 kiểm toán viên quốc tế. Ban Giám đốc đáp ứng các điều kiện, tiêu chí cụ thể theo quy định. Ban Giám đốc bầu ra Giám đốc điều hành để quản lý hoạt động chung và 05 Phó Giám đốc gồm Phó Giám đốc phụ trách việc lập kế hoạch chiến lược, chính sách và nguồn nhân lực; Phó Giám đốc phụ trách thông tin pháp lý và ứng dụng công khai; Phó Giám đốc phụ trách tư vấn pháp lý và đại diện; Phó Giám đốc phụ trách dịch vụ tài chính và doanh nghiệp; Phó Giám đốc phụ trách dịch vụ tại địa phương.

Hiện nay, có 03 Ban (Board) được thành lập để hỗ trợ cho hoạt động của Ban Giám đốc trong đó Ban thứ 1 quản lý hoạt động điều hành chung; Ban thứ 2 phụ trách về vấn đề tài chính, đánh giá các rủi ro về tài chính; Ban thứ 3 những người có liên quan nhằm giám sát hoạt động của cơ quan TGPL và người cung cấp tài trợ kinh phí. Ở British Columbia, có nhiều văn bản điều hành hoạt động của Ban Giám đốc trong đó có cả các văn bản điều hành nội bộ.

Bên cạnh các cơ quan TGPL, còn có các tổ chức khác cung cấp dịch vụ TGPL nhưng không được thành lập theo luật do Quỹ pháp luật hỗ trợ về kinh phí thực hiện.

b) Về người được TGPL

Người thụ hưởng dịch vụ TGPL là người dân ở Bristish Columia có thu nhập thấp trong các vụ việc về gia đình, trẻ em, nhập cư và luật hình sự. Khánh hàng được bảo đảm bí mật của vụ việc và có quyền lựa chọn luật sư thực hiện TGPL. Thực tế, có 15% khách hàng tìm đến LSS nhưng không biết lựa chọn luật sư nào thì LSS sẽ nghiên cứu các vấn đề khách hàng trình bày để giúp họ đưa ra quyết định lựa chọn luật sư thực hiện TGPL. LSS có trách nhiệm xác minh khách hàng có đủ điều kiện để được TGPL.

Người được TGPL tiếp cận với dịch vụ TGPL thông qua đường dây điện thoại và các Văn phòng luật sư ký hợp đồng với cơ quan TGPL. Văn phòng luật sư tiếp nhận yêu cầu của khách hàng thì họ chuyển yêu cầu đến LSS. Người được TGPL yêu cầu người thực hiện TGPL đại diện trước Tòa thì họ trực tiếp đăng ký.

c) Về người thực hiện TGPL

LSS có 07 luật sư công cung cấp dịch vụ TGPL và có gần 1.000 luật sư tư ký hợp đồng thực hiện TGPL. Việc cung cấp dịch vụ TGPL chủ yếu do luật sư tư thực hiện chiếm 90% vụ việc. Trong thời gian tới, cơ quan TGPL mong muốn có thêm đội ngũ luật sư công tuy nhiên kinh phí chi trả cho đội ngũ luật sư công thường đắt đỏ hơn so với đội ngũ luật sư tư và do giới hạn kinh phí trong năm tài chính của cơ quan TGPL. Trong một số trường hợp, luật sư công đáp ứng tốt hơn nhu cầu TGPL của khách hàng.

Luật sư cung cấp dịch vụ TGPL bằng hình thức tư vấn pháp lý, đại diện trước Tòa. Về dịch vụ tư vấn pháp lý của luật sư được trợ giúp qua điện thoại, trợ giúp trực tiếp hoặc trợ giúp tại Tòa. Dịch vụ đại diện của luật sư trước Tòa trong lĩnh vực hình sự được thực hiện khi khách hàng đối diện với án tù và đáp ứng tiêu chuẩn về mặt tài chính. Đây là dịch vụ TGPL có nhiều khách hàng nhất. Bên cạnh đó, luật sư còn cung cấp các dịch vụ trong lĩnh vực gia đình, bảo vệ trẻ em và người nhập cư, tỵ nạn.

Bên cạnh đội ngũ luật sư công, luật sư tư cung cấp dịch vụ TGPL còn có các chuyên gia pháp luật được cung cấp dịch vụ TGPL bằng hình thức tư vấn pháp luật, cung cấp thông tin về pháp luật; không được cung cấp dịch vụ pháp lý của luật sư.

Điều kiện để luật sư công cung cấp dịch vụ TGPL phải là những người hiểu biết, nắm bắt được cách điều hành đối với cơ quan TGPL. Luật sư tư muốn được cung cấp dịch vụ TGPL thì phải ký hợp đồng với cơ quan TGPL. Hàng năm, LSS yêu cầu các luật sư thực hiện TGPL tham gia các lớp bồi dưỡng kỹ năng tối thiểu là 12 giờ đào tạo. 

d) Về kinh phí TGPL

Kinh phí hoạt động TGPL bao gồm kinh phí từ Chính phủ, Quỹ pháp luật, Quỹ công chứng và các nguồn kinh phí khác như phí hiệp hội luật sư của Canada (phí thành viên); tiền bồi thường đối với vụ kiện liên quan đến một nhóm người; nguồn quyên góp, đóng góp tự nguyện, thiện nguyện của các tổ chức, cá nhân; hoạt động miễn phí của luật sư. Có 90% kinh phí được tài trợ từ Chính phủ địa phương. Hằng năm, cơ quan TGPL được chính quyền địa phương cấp 80 triệu đô và khoảng gần 03 triệu đô đến từ Quỹ pháp luật và hơn 800 nghìn đô từ Quỹ công chứng. Kinh phí từ chính quyền địa phương chủ yếu được chi trả cho luật sư cung cấp dịch vụ TGPL cho khách hàng; kinh phí xây dựng ấn phẩm, cung cấp dịch vụ qua mạng internet không phải nguồn từ Chính phủ. Kinh phí TGPL có thể được Chính phủ xem xét điều chỉnh trên cơ sở đánh giá hoạt động của LSS vào giữa năm.

đ) Về lĩnh vực, hình thức TGPL

Ở British Columbia, hoạt động TGPL tập trung vào các lĩnh vực cụ thể lĩnh vực hình sự; lĩnh vực gia đình; lĩnh vực trẻ em; lĩnh vực cho người nhập cư, tỵ nạn.

TGPL được cung cấp dưới các hình thức: thông tin pháp lý, tư vấn pháp luật, đại diện trước Tòa và luật sư trực. Việc cung cấp thông tin được thực hiện qua các hình thức như ấn phẩm miễn phí; trang web MyLawBC; mục TGPL của thổ dân tại trang web của BC; Luật Gia đình tại trang web British Columbia; các tổ chức hỗ trợ và ở một số khu vực có nhân viên hỗ trợ pháp lý. Luật sư thực hiện tư vấn và tham gia tố tụng nếu khách hàng đủ điều kiện và đang có các vấn đề nghiêm trọng về gia đình; bảo vệ trẻ em; luật hình sự hoặc về di trú, sức khỏe tâm thần và luật nhập cư. Mỗi năm, cơ quan TGPL cung cấp thông tin cho hơn 01 triệu người qua các ấn phẩm, mạng iternet… để khách hàng nắm bắt thông tin, hiểu rõ vấn đề cách thức giải quyết khi họ có vướng mắc về pháp luật.

e) Luật sư trực tại Tòa

Luật sư trực tại Tòa được quy định trong Luật TGPL. Luật sư trực tại 23 Tòa án của toàn bang. Có 02 hình thức luật sư trực tại Tòa: (1) Luật sư trực theo vụ việc trong lĩnh vực gia đình; (2) Luật sư trực làm việc thường xuyên tại Tòa trong lĩnh vực hình sự. Trong lĩnh vực hình sự bắt buộc phải có luật sư ra Tòa bảo đảm sự công bằng; lĩnh vực hôn nhân và gia đình không bắt buộc có luật sư.

- Luật sư trực theo vụ việc: Trong lĩnh vực gia đình, không có luật sư trực làm việc thường xuyên tại Tòa mà chỉ có luật sư trực theo vụ việc. Nhân viên của LSS nắm lịch làm việc cụ thể của tòa, khi tòa có vụ việc mới thì họ thông tin cho luật sư trực tại Tòa. Mỗi tòa có 02 luật sư trực để xử lý vụ việc khi có tranh chấp, đối kháng giữa hai vợ chồng. Luật sư trực tại tòa phải đáp ứng tiêu chuẩn nhất định về chuyên môn trong lĩnh vực gia đình và đăng ký trực. Luật sư trực được trả lương tối thiểu 04 giờ làm việc/ngày; tối đa 07 giờ làm việc/ngày và họ phải có hóa đơn cụ thể về số giờ làm việc. Nhân viên của LSS thực hiện rà soát khách hàng có đáp ứng yêu cầu TGPL để giới thiệu luật sư phù hợp. Luật sư trực tại Tòa sẽ tiếp xúc và tìm hiểu vấn đề mà khách hàng mong muốn, dịch vụ cung cấp cho người được TGPL và thu thập nhân chứng. Vì vậy, có 93 % vụ việc gia đình khách hàng tự giải quyết từ giai đoạn ban đầu mà không phải ra Tòa.

- Luật sư trực làm việc thường xuyên tại Tòa trong lĩnh vực hình sự: Nhiệm vụ chính của luật sư trực nhằm tiếp xúc với khách hàng thực hiện tư vấn trong các lĩnh vực hình sự không cần chứng minh khó khăn tài chính khi nhận tư vấn, khi muốn luật sư đại diện cho khách hàng trước Tòa thì họ chứng minh mình là người được TGPL, phạm tội, không có luật sư và chưa được TGPL. TGPL thực hiện từ trước khi vụ việc đó được đưa ra Tòa. LSS có đường dây điện thoại 24 giờ để cảnh sát gọi đến yêu cầu luật sư bất cứ lúc nào. LSS ký 20.000 hợp đồng một năm đối với các luật sư để thực hiện vụ việc hình sự; 1/3 trong số đó là các vụ việc đơn giản với mức phí trung bình chi trả là 600 đô. Việc chi trả cho luật sư được thực hiện cho từng vụ việc, có 8-9 loại phí cố định chi trả cho luật sư trong mỗi vụ việc cụ thể.

Tại Tòa án cộng đồng có luật sư trực làm việc thường xuyên và luật sư trực theo ca. Đối với luật sư trực làm việc thường xuyên họ làm việc tại Tòa án cộng đồng, công việc của họ không liên quan đến án tù, họ cung cấp tư vấn pháp luật cho khách hàng và họ được trả lương cố định. Luật sư trực theo ca là những luật sư làm việc liên quan đến án tù, không làm việc thường xuyên và quay lại Tòa án trực tiếp gặp người bị tạm giam, tạm giữ để nắm bắt nhu cầu TGPL và được cơ quan TGPL trả kinh phí theo thời gian thực tế luật sư làm. Cơ quan TGPL phân công luật sư đến trực tại Tòa án cộng đồng. Luật sư trực có nhiệm vụ kết nối giữa khách hàng với luật sư, thông tin về Tòa án, về TGPL và cách thức vận hành của Tòa án này.

g) Về ứng dụng công nghệ thông tin

Ứng dụng công nghệ thông tin trong cung cấp dịch vụ TGPL được thực hiện hiệu quả. Việc ứng dụng công nghệ thông tin giúp cho khách hàng tiếp cận với dịch vụ TGPL được dễ dàng hơn. Cơ quan TGPL có trang web MyLawBC cung cấp bộ câu hỏi cho khách hàng phù hợp với nhu cầu của họ, giới thiệu dịch vụ TGPL. Trong dữ liệu của cơ quan TGPL có các nội dung về hợp đồng, chi trả thù lao cho luật sư, thông báo việc thực hiện vụ việc TGPL, thông tin của luật sư; các thông tin về khách hàng; hợp đồng với luật sư; cung cấp các báo cáo, số liệu thống kê và hợp đồng ký với luật sư.

Công nghệ thông tin được ứng dụng trong việc nộp đơn trực tuyến, thanh toán cho luật sư thực hiện TGPL. Ứng dụng công nghệ thông tin trong việc nộp đơn qua mạng được thực hiện hiệu quả. Năm 2017, cơ quan TGPL nhận được 39 nghìn đơn yêu cầu TGPL trong đó có 37% trong số đó có nhu cầu sử dụng luật sư và khi đó LSS sẽ phải ký hợp đồng với các luật sư để cung cấp dịch vụ TGPL cho khách hàng. Qua hệ thống thông tin của LSS xem xét nhu cầu, thu nhập của khách hàng để xác định họ có đủ điều kiện nhận dịch vụ TGPL.

Việc thanh toán được thực hiện bất kỳ giai đoạn nào của vụ việc. Trong năm, cơ quan TGPL nhận được 100 nghìn hóa đơn của luật sư gửi đến trong đó có 95% hóa đơn được gửi đến được xác nhận tự động bằng hệ thống. Qua cổng thông tin, cơ quan TGPL thanh toán 54 triệu đô la/năm cho luật sư thực hiện TGPL. Ứng dụng công nghệ thông tin thực hiện các hoạt động như đánh mã số hồ sơ tự động, mỗi hồ sơ có một mà số riêng; trong hệ thống dữ liệu có 50 mẫu hợp đồng giữa cơ quan TGPL với luật sư.

h) Về chất lượng dịch vụ TGPL

Kiểm soát đánh giá chất lượng dịch vụ TGPL được thực hiện ngay từ khi luật sư ký hợp đồng với cơ quan TGPL. Việc đánh giá chất lượng vụ việc TGPL chủ yếu do đội ngũ nhân viên của cơ quan TGPL thực hiện gồm 06 nhân viên trong đó có 01 nhân viên chịu trách nhiệm điều hành chung, 01 luật sư chịu trách nhiệm thẩm định, 03 nhân viên thực hiện việc kiểm toán hóa đơn, 01 nhân viên xem xét có đúng đối tượng được TGPL không. Đối với vụ việc phức tạp thì cơ quan TGPL có thể gửi thư mời luật sư có kinh nghiệm, kiến thức chuyên môn để xin ý kiến về vụ việc đó. Việc đánh giá chất lượng TGPL chỉ thực hiện đối với vụ việc có khiếu nại của khách hàng/bên thứ ba hoặc có phát hiện bất thường từ hóa đơn.

Luật sư muốn ký hợp đồng với LSS thì họ phải là thành viên của Đoàn luật sư Comlombia. Hợp đồng quy định cụ thể các điều kiện, điều khoản mà luật sư phải tuân thủ. Các luật sư tham gia ký hợp đồng đa phần là luật sư trẻ, mỗi năm có từ 100 - 110 luật sư ký hợp đồng.

i) Quỹ pháp luật

Quỹ pháp luật (Law Foundation) thành lập cách đây 50 năm ở Colombia. Quỹ thành lập theo luật và hoạt động độc lập. Đến nay, Quỹ pháp luật có ở các bang của Canada với mục đích hướng đến những người có thu nhập thấp và hỗ trợ về mặt tài chính cho toàn bộ các chương trình TGPL khác đặc biệt hỗ trợ cho người không phải là luật sư cung cấp dịch vụ TGPL. Quỹ pháp luật gồm Ban Giám đốc và 12 nhân viên. Ban Giám đốc có 18 Giám đốc. Một số thành viên Ban Giám đốc được Chính phủ bổ nhiệm; một số thành viên được Hội đồng luật sư bổ nhiệm. Giám đốc điều hành được bầu ra từ Ban Giám đốc. Một trong các thành viên của Ban Giám đốc là người của Bộ Tư pháp. Ban Giám đốc hoạt động tự nguyện, không nhận lương. 

Hàng năm, Quỹ huy động được 40 triệu đô la cung cấp cho dịch vụ TGPL và chủ yếu là lĩnh vực dân sự. Hầu hết việc cung cấp dịch vụ TGPL trong pháp luật hình sự được cung cấp bởi Chính phủ. Theo quy định của pháp luật thì kinh phí của Quỹ pháp luật được lấy từ % tiền lãi của tài khoản tín thác (trust aucourt). Quỹ pháp luật phân bổ cho 05 lĩnh vực như: TGPL, giáo dục pháp luật, nghiên cứu về pháp luật, cải cách pháp luật và các thư viện pháp luật; khoảng 67% ngân sách của Quỹ pháp luật tập trung cho hoạt động TGPL. Quỹ pháp luật thực hiện hỗ trợ tài chính cho hơn 100 tổ chức khác nhau, khoản tiền Quỹ chuyển cho các tổ chức khoảng từ 20 nghìn đô la đến 03 triệu đô la, trong đó cơ quan TGPL được nhận số tiền lớn khoảng 03 triệu đô la mỗi năm. Ngoài ra, Quỹ còn hỗ trợ tài chính cho 45 chương trình khác nhau cho những người không phải là luật sư cung cấp dịch vụ tư vấn pháp luật cho người dân về các vấn đề phát sinh với chủ nhà, chủ nợ, nộp đơn xin chứng nhận tàn tật. Quỹ pháp luật yêu cầu các tổ chức được hỗ trợ tài chính cung cấp số liệu thống kê, dịch vụ họ cung cấp. Đội ngũ nhân viên của Quỹ xem xét hồ sơ nhận tài trợ dựa trên các tiêu chí về quản trị điều hành, nhu cầu sử dụng kinh phí, kinh nghiệm hoạt động, hoạt động của Ban Giám đốc và nhân viên của tổ chức xin tài trợ. Ban Giám đốc của Quỹ sẽ là quyết định việc cấp kinh phí cho tổ chức TGPL. Cứ 05 năm một lần, Quỹ pháp luật có đánh giá tổng quát chiến lược tài trợ cho tổ chức TGPL.

2. Trợ giúp pháp lý ở Ontario

Trước năm 1950, ở Ontario không có TGPL. Năm 1967, luật sư chính thức được trả phí cho hoạt động TGPL mà họ cung cấp. Đến năm 1970, TGPL có bước phát triển quan trọng xuất hiện các Văn phòng TGPL ở địa phương. Năm 1998, Chính phủ bang Ontario đã ban hành Luật TGPL và thành lập cơ quan TGPL bang Ontario

a) Về tổ chức cung cấp dịch vụ TGPL

- Cơ quan TGPL(Legal Aid Ontario)

Theo quy định của Luật TGPL, cơ quan TGPL là tổ chức thành lập theo luật, độc lập với Chính phủ và được Chính phủ cấp kinh phí; chịu trách nhiệm trước Chính phủ bang Ontario về hoạt động TGPL và việc sử dụng ngân sách. Cơ quan TGPL có chức năng cung cấp dịch vụ TGPL cho người nghèo ở Ontario; hình thành các chính sách và danh mục ưu tiên trong việc thực hiện TGPL; phối hợp chặt chẽ giữa các tổ chức cung cấp dịch vụ pháp lý khác nhau; theo dõi, giám sát hoạt động TGPL của các tổ chức TGPL; duy trì hoạt động với các cơ quan và Hiệp hội luật sư; tư vấn cho Bộ trưởng Bộ Tư pháp về các khía cạnh liên quan đến TGPL và tiếp cận công lý.

Cơ quan TGPL có Ban Giám đốc để quản lý và điều hành công việc chung. Ban Giám đốc gồm 11 thành viên, trong đó có Chủ tịch của Ban Giám đốc do Bộ trưởng Bộ Tư pháp bổ nhiệm từ đề xuất của Hiệp hội luật sư và đề xuất của một số thành viên của Hội đồng thẩm phán liên bang với nhiệm kỳ 03 năm; 05 thành viên do Hiệp hội luật sư đề nghị; 05 thành viên do Bộ trưởng Bộ Tư pháp bổ nhiệm. Cơ quan TGPL thành lập các Ban TGPL để quản lý luật sư đại diện cho khách hàng. Hiện có 15 Ban TGPL, mỗi Ban TGPL tập trung vào một lĩnh vực, chuyên môn cụ thể.

Cơ quan TGPL cấp cho khách hàng các giấy chứng nhận; cung cấp tài chính cho các Hội TGPL sinh viên; cung cấp luật sư trực tại Tòa để hỗ trợ cho khách hàng. Luật sư trực tại Tòa gồm luật sư công và luật sư tư ký hợp đồng thực hiện TGPL

- Văn phòng TGPL

Hệ thống TGPL ở Ontario có cơ quan TGPL và 73 Văn phòng TGPL. Văn phòng TGPL nhận kinh phí chủ yếu từ cơ quan TGPL bang Ontario, có trách nhiệm giải trình với cơ quan TGPL về việc sử dụng kinh phí. Hàng năm, Văn phòng TGPL nộp đơn xin nguồn hỗ trợ tài chính từ cơ quan TGPL. Cơ quan TGPL ký kết bản ghi nhớ với Văn phòng TGPL và thực hiện các hoạt động kiểm toán đối với việc sử dụng kinh phí, chất lượng dịch vụ do họ cung cấp.

Văn phòng TGPL có thể cung cấp dịch vụ TGPL nói chung hoặc chuyên sâu vào một hoặc nhiều lĩnh vực pháp luật hoặc loại vụ việc cụ thể nào đó. Văn phòng TGPL thực hiện chuyên sâu việc cung cấp dịch vụ TGPL cho một hoặc nhiều nhóm người yếu thế. Hoạt động của các Văn phòng TGPL được điều chỉnh bằng Luật TGPL và bản ghi nhớ hợp tác giữa cơ quan TGPL với Văn phòng TGPL. 

- Hội TGPL sinh viên

Chủ nhiệm khoa luật của các trường luật ở bang Ontario có thể đề nghị cơ quan TGPL thành lập Hội TGPL sinh viên. Đơn đề nghị thành lập Hội TGPL sinh viên gồm những thông tin do cơ quan TGPL yêu cầu. Hội TGPL sinh viên được cơ quan TGPL cấp kinh phí hoạt động. Hội TGPL sinh viên này hoạt động và cung cấp dịch vụ TGPL theo quy định trong bản thỏa thuận với cơ quan TGPL. Hiện có 07 khoa luật ở các trường nhận được sự hỗ trợ về mặt tài chính cho hoạt động TGPL do các sinh viên luật cung cấp dưới sự giám sát của luật sư. Có đến 30% sinh viên trường luật đều tham gia vào Hội TGPL sinh viên.

b) Về người được TGPL

Người được TGPL là những người nghèo thuộc bang Ontario. Người được TGPL có quyền lựa chọn luật sư thực hiện TGPL. Người được TGPL được cơ quan TGPL cấp giấy chứng nhận đủ tiêu chuẩn nhận dịch vụ TGPL. Họ sử dụng giấy chứng nhận để đảm bảo dịch vụ luật sư cung cấp cho người được TGPL được cơ quan TGPL Ontario chi trả một số giờ nhất định khi luật sư cung cấp dịch vụ TGPL cho khách hàng. Trường hợp số giờ làm việc của luật sư vượt quá thời gian quy định trong giấy chứng nhận này thì luật sư phải thông báo cho cơ quan TGPL trước khi luật sư nhận vụ việc đó và có thể được chi trả.

Cơ quan TGPL cung cấp giấy chứng nhận cho người được TGPL căn cứ vào điều kiện tài chính, bảo đảm phù hợp về lĩnh vực, phạm vi TGPL.

c) Về người thực hiện TGPL

Người thực hiện TGPL gồm luật sư công, luật sư tư và người khác cung cấp dịch vụ TGPL. Luật sư công được nhà nước trả lương nhất định. Luật sư tư ký hợp đồng thực hiện TGPL.

d) Về lĩnh vực, hình thức TGPL

- Lĩnh vực TGPL: cung cấp dịch vụ TGPL trong lĩnh vực luật hình sự, luật hôn nhân gia đình, luật di cư và luật sức khỏe tâm thần.

- Các hình thức TGPL nhưHotline, luật sư trực, tư vấn pháp luật, đại diện tố tụng. Luật sư trực tại Tòa là những luật sư tiếp cận nhanh với các vấn đề pháp lý của khách hàng và tư vấn, thông tin, đại diện cho người được TGPL.

+ Dịch vụ đại diện tố tụng: Cơ quan TGPL bang Ontario cử luật sư đại diện tố tụng cho người được TGPL.

+ Dịch vụ TGPL qua điện thoại: Cơ quan TGPL cung cấp tư vấn miễn phí cho khách hàng thông qua các Trung tâm thông tin, tư vấn miễn phí qua điện thoại. Mỗi ngày, Trung tâm thông tin, tư vấn miễn phí qua điện thoạinhận được hơn 1.450 cuộc gọi, cung cấp dịch vụ trên 200 ngôn ngữ khác nhau trong đó 18 ngôn ngữ bản địa của người thổ dân sống tại Canada. Khi khách hàng gọi điện đến Trung tâm này thì Trung tâm đánh giá xem họ có đủ điều kiện để được TGPL. Trong năm 2017 - 2018, Trung tâm thông tin, tư vấn nhận được 343.577 cuộc gọi.

+ Dịch vụ tư vấn pháp luật: Cung cấp cho người dân bang Ontario có thu nhập thấp, họ nhận được 20 phút tư vấn miễn phí từ luật sư. Các luật sư cung cấp chủ yếu về lĩnh vực quyền nuôi con, quyền thăm nuôi đứa trẻ, thông tin về hoạt động của Tòa án và quy trình tố tụng. Năm 2017, có 2.614 người được tư vấn.

Ngoài ra, cơ quan TGPL có các trang web để cung cấp dịch vụ cho khách hàng và dễ dàng tìm được thông tin mà họ cần.

đ) Về luật sư trực tại Tòa

Dịch vụ luật sư trực tại tòa được quy định tại Luật TGPL. Luật sư công và luật sư tư ký hợp đồng với cơ quan TGPL trực tại Tòa. Các luật sư này cung cấp các dịch vụ TGPL trong từng lĩnh vực như luật hình sự, luật gia đình. Trong năm 2005 - 2006, các luật sư trực hỗ trợ trên 09 triệu khách hàng, trong đó hình sự chiếm 90%; có đến 80% vụ việc trả tiền tại ngoại do luật sư trực tại Tòa thực hiện.

Hiện có 320 luật sư công và 1.145 luật sư tư ký hợp đồng làm việc theo ngày trực tại Tòa. Luật sư trực tại tòa có 03 nhiệm vụ chính như tư vấn giúp bị cáo hiểu được cáo trạng của họ; thông tin những vấn đề họ phải đối mặt; trao đổi với bên công tố để nắm các vấn đề liên quan đến cáo trạng; liên hệ với các cơ quan cung cấp hoạt động xã hội và thực hiện các hoạt động của luật sư. Luật sư trực tại tòa chuẩn bị hồ sơ cần thiết để tham dự phiên tòa, giúp khách hàng xem cáo trạng và giúp họ hiểu rõ hơn về vấn đề họ vướng phải. Luật sư trực tại tòa chủ động trong việc tìm kiếm khách hàng để hỗ trợ. Trong các Tòa án đều có văn phòng luật sư trực tại tòa để bị cáo dễ tiếp cận và có quyền gặp luật sư, tham vấn luật sư trực tại tòa trước khi họ tham gia vào phiên tòa. Trường hợp, bị cáo chưa tiếp cận với luật sư trực tại tòa thì Thẩm phán, công tố giới thiệu cho họ luật sư trực tại tòa và yêu cầu họ tham vấn ý kiến trước khi tham gia vào phiên tòa. Cơ quan TGPL bang Ontario phân công luật sư công trực ở Tòa; đối với luật sư tư do Trưởng phòng luật sư trực phân công tùy thuộc vào khối lượng công việc nhưng trên cơ sở bảo đảm duy trì sự ổn định.

Đội ngũ luật sư công trực tại Tòa làm việc toàn thời gian, trong trường hợp cần thiết có thể thuê thêm luật sư tư làm việc theo ngày. Tùy vào công việc của Tòa án mà đội ngũ luật sư trực thực hiện theo mô hình hỗn hợp vừa có luật sư công làm việc toàn thời gian kết hợp với luật sư tư làm việc theo ngày.

Luật sư được cơ quan TGPL trả thù lao đối với các dịch vụ TGPL do họ cung cấp. Chi phí trả cho luật sư được thanh toán theo giờ hoặc theo vụ việc. Đối với việc thanh toán theo giờ được chi trả theo các mức 160 đô la/giờ; 135 đô la/giờ; 120 đô la/giờ và 109 đô la/giờ.

Tại tòa án hình sự ở bang Ontario có 13 luật sư trực thường xuyên và khoảng 20 - 30 luật sư ký hợp đồng trực theo sự phân công của Trưởng phòng luật sư trực tùy thuộc vào khối lượng công việc. Luật sư công trực tại Tòa giúp các vụ hình sự và làm việc tại một phòng xử án để tiếp xúc với khách hàng.

e) Về chất lượng dịch vụ TGPL

Để bảo đảm chất lượng dịch vụ TGPL, cơ quan TGPL có yêu cầu cụ thể đối với hoạt động thực hiện TGPL do đội ngũ luật sư cung cấp như:

- Luật sư công được cơ quan TGPL cung cấp, đào tạo về mặt chuyên môn, hỗ trợ để luật sư đảm bảo thực hiện tốt nhất khả năng của mình.

- Luật sư tư phải đáp ứng các tiêu chuẩn cụ thể trước khi xin vào Ban TGPL như tiêu chuẩn về kinh nghiệm, về kiến thức chuyên môn, khả năng của họ. Luật sư ký hợp đồng làm việc theo ngày dưới sự giám sát của luật sư công hoặc giám sát của Trưởng phòng luật sư trực tại tòa. Trường hợp, luật sư có vi phạm thì có thể bị chấm dứt việc tham gia trong Ban TGPL. Mỗi năm có khoảng 20 luật sư bị chấm dứt việc tham gia Ban TGPL.

Có nhiều hình thức để kiểm soát hoạt động của đội ngũ luật sư công và luật sư tư ký hợp đồng theo ngày. Tại các phiên tòa hình sự, có hệ thống máy tính ghi chép lại lời nói của luật sư tại Tòa, luật sư cung cấp số liệu thống kê một cách thường xuyên liên tục, Trưởng phòng luật sư trực tại các Tòa thường xuyên theo dõi hoạt động của các luật sư; các quy định bắt buộc luật sư công và luật sư tư phải tuân thủ.

3. Một số nhận xét

- Mô hình TGPL ở Canada là mô hình hỗn hợp bên cạnh đội ngũ luật sư công được nhà nước trả lương còn có sự tham gia tích cực của đội ngũ luật sư tư ký hợp đồng thực hiện TGPL.

- Về người được TGPL là những người có thu nhập thấp trong các lĩnh vực luật hôn nhân và gia đình, luật di cư và luật hình sự. Hình thức TGPL chủ yếu tập trung vào tư vấn pháp luật, đại diện tố tụng.

- Cơ chế luật sư trực tại Tòa rất hiệu quả giúp người được TGPL tiếp cận nhanh chóng với các vấn đề pháp lý của mình.

- Cơ chế giám sát chất lượng TGPL của Canada khá hiệu quả, đánh giá chất lượng TGPL được thực hiện ngay từ khi luật sư ký hợp đồng thực hiện TGPL cho đến khi kết thúc vụ việc.

- Về người thực hiện TGPL: Ở Canada việc cung cấp dịch vụ TGPL chủ yếu do đội ngũ luật sư (luật sư công và luật sư tư) thực hiện ngoài ra còn có các chuyên gia pháp lý, sinh viên luật.

- Ứng dụng công nghệ thông tin trong tổ chức và hoạt động TGPL được thực hiện mạnh mẽ, có hiệu quả đặc biệt là việc ứng dụng công nghệ thông tin trong việc thanh toán thù lao cho luật sư, đánh giá chất lượng vụ việc. Hoạt động truyền thông về TGPL đa dạng phong phú bằng nhiều hình thức khác nhau như ấn phẩm, trang web, đường dây điện thoại 24 giờ…./.

- CT-

Xem thêm »