Hà Tĩnh: Trung tâm Trợ giúp pháp lý triển khai điểm cầu thành phần trong tổ chức phiên tòa trực tuyến

23/05/2023
Xem cỡ chữ Đọc bài viết In trang Google

Trung tâm Trợ giúp pháp lý nhà nước tỉnh Hà Tĩnh đã tham mưu cho Sở Tư pháp tỉnh phối hợp với các cơ quan tố tụng tỉnh Hà Tĩnh trong việc triển khai thực hiện phiên tòa trực tuyến. Trong đó, Trung tâm Trợ giúp pháp lý nhà nước xây dựng điểm cầu thành phần, cử người thực hiện trợ giúp pháp lý tham gia phiên tòa xét xử.

Sáng ngày 22/5/2023, Tòa án nhân dân huyện Hương Sơn, tỉnh Hà Tĩnh mở phiên tòa xét xử công khai theo hình thức trực tuyến đối với 3 bị cáo, gồm: Nguyễn Văn H. (SN 1981, trú xã Sơn Trung, Hương Sơn, Hà Tĩnh) bị truy tố về tội “Mua bán trái phép chất ma tuý” cùng hai đồng phạm Đào Xuân H. (SN 1992, trú xã Sơn Hồng, huyện Hương Sơn) và Lê Bình C. (SN 1988, trú xã Sơn Long, huyện Hương Sơn) bị truy tố về tội “Tàng trữ trái phép chất ma tuý”.
Điểm cầu chính đặt tại Hội trường xét xử Tòa án nhân dân huyện Hương Sơn. Các bị cáo tham gia phiên tòa tại điểm cầu thành phần tại Trại Tạm giam Công an tỉnh Hà Tĩnh. Trợ giúp viên pháp lý tham gia bào chữa cho bị cáo tại điểm cầu thành phần đặt tại Trung tâm Trợ giúp pháp lý nhà nước tỉnh  Hà Tĩnh.

 

Theo ông Trần Thanh Minh, Giám đốc Trung tâm Trợ giúp pháp lý nhà nước  tỉnh Hà Tĩnh,Trung tâm là đơn vị đầu tiên của cả nước triển khai điểm cầu thành phần trong tổ chức phiên toà trực tuyến. Việc tổ chức mở phiên tòa xét xử trực tuyến được thực hiện theo Nghị quyết số 33/2021/QH15 ngày 12/11/2021 của Quốc hội khóa XV về tổ chức phiên tòa trực tuyến; Thông tư liên tịch số 05/2021/TTLT-TANDTC-VKSNDTC-BCA-BQP-BTP ngày 15/12/2021 của Tòa án nhân dân tối cao, Viện kiểm sát nhân dân tối cao, Bộ Công an, Bộ Quốc phòng, Bộ Tư pháp quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành tổ chức phiên tòa trực tuyến. Đây là hình thức xét xử mới trên cơ sở ứng dụng công nghệ thông tin, sử dụng các thiết bị điện tử kết nối với nhau thông qua môi trường mạng.
 

Phiên tòa xét xử trực tuyến đã tạo thuận lợi cho các bên tham gia, phù hợp với định hướng cải cách tư pháp trong tình hình mới và thúc đẩy chuyển đổi số trong giai đoạn hiện nay. Ngoài việc được phản ánh trong biên bản phiên tòa, toàn bộ quá trình xét xử được ghi âm, ghi hình và lưu trữ lại, tạo điều kiện cho tòa án và các cấp có thẩm quyền giám sát, theo dõi, các quyền và lợi ích hợp pháp của bị cáo được đảm bảo đầy đủ như phiên tòa trực tiếp. Đảm bảo việc xét xử công khai, minh bạch, tôn trọng quyền con người và quyền và lợi ích hợp pháp của các tổ chức, cá nhân khi tham gia tố tụng tại các vụ án.
 
                                                                              Hữu Anh – Trung tâm TGPL nhà nước tỉnh Hà Tĩnh
 

 
 

Xem thêm »