Trợ giúp pháp lý hiệu quả giúp củng cố niềm tin vào công lý

06/10/2021
Xem cỡ chữ Đọc bài viết In trang Google

Từ khi Luật trợ giúp pháp lý năm 2017 có hiệu lực đến nay có đến hàng chục nghìn vụ việc trợ giúp pháp lý đã đạt hiệu quả thành công rõ rệt.

Thời gian qua hoạt động của các Trung tâm trợ giúp pháp lý Nhà nước ở các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương đã trở thành địa chỉ tin cậy cho những người yếu thế trong xã hội, đặc biệt là đồng bào dân tộc thiểu số, vùng sâu, vùng xa.

Thông qua hoạt động trợ giúp pháp lý với những hình thức tư vấn tuyên truyền pháp luật và trợ giúp pháp lý trong tố tụng để bào chữa, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho đối tượng được trợ giúp không những giúp cho các đối tượng yếu thế trong xã hội am hiểu kiến thức pháp luật, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của mình mà còn góp phần xây dựng một nền tư pháp vì dân.

Sau gần 10 năm tranh chấp, với sự trợ giúp pháp lý đắc lực của Trung tâm trợ giúp pháp lý tỉnh Điện Biên, mới đây ông Lò Văn Tâm và 500 hộ dân ở huyện Mường Ảng tỉnh Điện Biên lấy lại được quyền sử dụng đất và giấy chứng nhận quyền sử dụng đất từ một công ty.
 


Theo ông Tâm, trước đây, ông và các hộ dân đã ký hợp đồng góp vốn bằng quyền sử dụng đất với công ty để trồng cà phê và được công ty này cam kết trả công chăm sóc vườn cây và lợi tức. Nhưng sau đó công ty không thực hiện điều đã cam kết và cũng không trả lại sổ đỏ cho người dân để họ có thể sản xuất canh tác loại cây trồng khác…

Bà Lê Thị Diệu - Phó Giám đốc Trung tâm Trợ giúp pháp lý tỉnh Điện Biên cho biết, khi nhận được yêu cầu của các hộ dân nhờ đòi lại quyền sử dụng đất, Trung tâm đã cử cán bộ tìm hiểu xác minh thấy công ty đã không thực hiện đúng cam kết, xâm phạm quyền và lợi ích hợp pháp của nguời dân nên đã hỗ trợ người dân khởi kiện ra tòa và cử trợ giúp viên tham gia tố tụng, đòi lại quyền lợi cho bà con.

Còn tại tỉnh Thanh Hóa, vào tháng 10/2020 tại địa bàn xã Hà Bắc, huyện Hà Trung xảy ra vụ án mạng gây rúng động khi Vũ Tiến Long dùng dao đâm chết vợ chồng ông bà Nguyễn Duy Nghĩa và Cù Thị Kiện. Ông Nguyễn Duy Nghĩa là người có công với cách mạng nên Trung tâm trợ giúp pháp lý tỉnh Thanh Hóa đã cử trợ giúp viên pháp lý tham gia vào vụ việc để bảo vệ quyền và lợi ích chính đáng cho người bị hại.

Tại phiên xét xử, trợ giúp viên pháp lý đã đề nghị mức tòa áp dụng mức hình phạt cao nhất và tuyên buộc bị cáo và gia đình phải bồi thường thỏa đáng cho gia đình nạn nhân. Bà Tống Thọ Sâm - người nhà nạn nhân cho biết, đây là sự việc đáng buồn cho gia đình, sau khi sự việc đau lòng xảy ra gia đình bà nhận được sự giúp đỡ về mặt pháp lý rất tận tình của cán bộ Trung tâm trợ giúp pháp lý tỉnh Thanh Hóa.

Đó chỉ là 2 trong hàng trăm ngàn vụ việc trợ giúp pháp lý trong tố tụng mà các Trung tâm Trợ giúp pháp lý của cả nước đã thực hiện theo trợ giúp tư vẫn miễn phí góp phần đảm bảo quyền tiếp cận công lý cho người yếu thế trong xã hội.

Ông Cù Thu Anh - Cục trưởng Cục Trợ giúp pháp lý của Bộ Tư pháp cho biết, từ đầu năm 2018 đến nay đã có tới hơn 310.000 vụ việc được trợ giúp pháp lý trong hoạt động tố tụng. Qua các năm, chất lượng các vụ việc trợ giúp pháp lý do trợ giúp viên pháp lý thực hiện ngày càng chuyên nghiệp, hiệu quả, nhận được sự phản hồi tích cực của người được trợ giúp pháp lý.

Cục trưởng Cục Trợ giúp pháp lý cũng khẳng định, hầu hết các vụ việc trợ giúp pháp lý trong lĩnh vực tố tụng bảo đảm chất lượng, trong đó, rất nhiều vụ việc thành công. Đặc biệt, tính từ khi Luật trợ giúp pháp lý năm 2017 có hiệu lực đến nay có đến hàng chục nghìn vụ việc trợ giúp pháp lý đã đạt hiệu quả thành công rõ rệt. Nhiều vụ việc đã được bào chữa trắng án, chuyển tội danh, chuyển khung hình phạt để bảo vệ quyền lợi hợp pháp của người được trợ giúp pháp lý. Qua đó, củng cố niềm tin của người dân nói chung cũng như người được trợ giúp pháp lý vào công lý./.
 

Nguồn: https://vov.vn/phap-luat/

Xem thêm »