Thực trạng và các giải pháp nâng cao hiệu quả công tác trợ giúp pháp lý cho người dân vùng biên giới Việt Nam - Campuchia

20/02/2024
Xem cỡ chữ Đọc bài viết In trang Google

Việt Nam và Campuchia luôn hợp tác chặt chẽ trong công tác quản lý, bảo vệ biên giới, duy trì an ninh trật tự và phòng chống tội phạm ở khu vực biên giới. Trong đó, công tác trợ giúp pháp lý cho người dân vùng biên giới Việt Nam – Campuchia hoạt động rất hiệu quả.

Hệ thống trợ giúp pháp lý (TGPL) từ năm 1997 đến nay trải qua 25 năm phát triển, hệ thống TGPL ngày càng hoàn thiện, bao gồm: cơ quan quản lý TGPL và các tổ chức thực hiện TGPL. Ở Trung ương, Bộ Tư pháp giúp Chính phủ thực hiện quản lý nhà nước về TGPL. Cục TGPL là cơ quan tham mưu và quản lý chuyên ngành giúp Bộ trưởng Bộ Tư pháp thực hiện chức năng, nhiệm vụ này. Ở địa phương, 63 Sở Tư pháp giúp Ủy ban nhân dân cấp tỉnh thực hiện quản lý nhà nước về TGPL ở địa phương. Bên cạnh hệ thống 63 Trung tâm TGPL của nhà nước, còn có các tổ chức tham gia TGPL bao gồm tổ chức ký hợp đồng thực hiện TGPL và tổ chức đăng ký tham gia TGPL.
Người thực hiện TGPL bao gồm Trợ giúp viên pháp lý, Luật sư thực hiện TGPL, Tư vấn viên pháp luật thực hiện TGPL và Cộng tác viên TGPL. Hiện nay, cả nước có 688 Trợ giúp viên pháp lý (Trợ giúp viên pháp lý và Luật sư có trình độ tương đồng). Bên cạnh đó, công tác TGPL còn huy động 630 luật sư hợp đồng thực hiện TGPL với 59 Trung tâm, 38 Cộng tác viên ký hợp đồng thực hiện TGPL với Trung tâm TGPL; 171 tổ chức đăng ký tham gia TGPL và 35 tổ chức ký hợp đồng thực hiện TGPL với Sở Tư pháp.
I. THỰC TRẠNG CÔNG TÁC TRỢ GIÚP PHÁP LÝ CHO NGƯỜI DÂN TẠI CÁC TỈNH VÙNG BIÊN GIỚI CAMPUCHIA
1. Về tổ chức và người thực hiện TGPL
Theo báo cáo của địa phương, tính đến cuối năm 2022, số lượng người thực hiện TGPL và tổ chức thực hiện TGPL tại 10 địa phương giáp biên giới với Campuchia (Kon Tum, Gia Lai, Đắk Lắk, Đắk Nông, Bình Phước, Tây Ninh, Long An, Đồng Tháp, An Giang và Kiên Giang) như sau:
+ Số lượng biên chế hiện có của 10 Trung tâm TGPL là 158 người, trong đó có 88 Trợ giúp viên pháp lý (trong đó: 77 trợ giúp viên pháp lý hạng III, 11 trợ giúp viên pháp lý hạng II), 53 chuyên viên; 09 kế toán; 08 cán bộ khác.
 Hiện tại, có 3 tỉnh có chi nhánh là An Giang (01 Chi nhánh), Đồng Tháp (02 Chi nhánh), Gia Lai (02 Chi nhánh), 7 tỉnh còn lại không có Chi nhánh là Bình Phước, Kon Tum, Đắk Nông, Đắk Lắk, Kiên Giang, Long An, Tây Ninh. Tại các tỉnh đều có Đoàn Luật sư, các luật sư khi có nguyện vọng thực hiện TGPL các luật sư sẽ ký hợp đồng với các Trung tâm TGPL.
+ Hiện có 02 tổ chức ký hợp đồng TGPL (02 Trung tâm tư vấn pháp luật)[1]; 22 tổ chức đăng ký tham gia TGPL (20 tổ chức hành nghề luật sư và 02 tổ chức tư vấn pháp luật); 137 cá nhân ký hợp đồng thực hiện TGPL với Trung tâm (112 Luật sư ký hợp đồng[2] và 25 Cộng tác viên ký hợp đồng[3]). Các tỉnh không có tổ chức tham gia TGPL là An Giang, Tây Ninh, Bình Phước, Đắk Nông, Gia Lai, Kiên Giang, Kon Tum, Long An.
2. Các hoạt động triển khai công tác TGPL
- Cục TGPL đã xây dựng các tài liệu truyền thông cấp phát giới thiệu về người thuộc diện TGPL, lĩnh vực, hình thức TGPL; trình tự, thủ tục TGPL; quyền và nghĩa vụ của người được TGPL; phối hợp giữa tổ chức thực hiện TGPL với các cơ quan, người có thẩm quyền tiến hành tố tụng. Các nội dung truyền thông đa dạng về nội dung và hình thức (báo hình, báo viết, báo nói, tờ gấp…), chú trọng đặc biệt tại các tỉnh có vùng biên giới Việt Nam – Campuchia. Trong hơn ba năm vừa qua, Cục Trợ giúp pháp lý đã phối hợp xây dựng phát sóng một số chương trình, phóng sự về TGPL cho người dân tộc thiểu số, các đối tượng yếu thế như trẻ em, người khuyết tật, nạn nhân bị mua bán…, tọa đàm Chuyện từ chính sách phát sóng trên VTV5, chương trình Quốc hội với cử tri và chương trình thời sự trên VTV1… phủ sóng tới cả các tỉnh vùng biên giới.
- Cục TGPL đã chỉ đạo các địa phương đa dạng hóa và đổi mới các phương thức truyền thông về TGPL phù hợp với từng đặc thù địa bàn, trình độ dân trí của người dân, đặc biệt là phù hợp với nhóm người dân tộc thiểu số ví dụ như tổ chức các đợt truyền thông tại vùng dân tộc thiểu số và miền núi giúp nâng cao nhận thức trợ giúp pháp lý vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, hướng đến các cán bộ ở cơ sở (trưởng thôn, cán bộ Hội phụ nữ, Hội nông dân, cán bộ tư pháp - hộ tịch…) giúp họ hiểu về TGPL, từ đó làm cầu nối giữa người dân và TGPL. Trong thời gian từ ngày 01/01/2020 đến 31/05/2023, các Trung tâm TGPL nhà nước tại 10 tỉnh có vùng biên giới với Campuchia đã tổ chức tập huấn chuyên sâu cho Trợ giúp viên pháp lý, người thực hiện TGPL và các cơ quan có liên quan như cơ quan tiến hành tố tụng ở địa phương. Đồng thời, một số Trung tâm đã vận dụng, lồng ghép vào việc triển khai các hoạt động TGPL của Trung tâm như: lắp đặt Bảng thông tin về TGPL, Hộp tin, mẫu đơn yêu cầu TGPL đặt tại các cơ quan tiến hành tố tụng, Trại tạm giam, UBND cấp xã; phối hợp với Đài phát thanh truyền hình tỉnh thực hiện tư vấn pháp luật có liên quan đến chế độ chính sách đối với người nghèo, người yếu thế, người sống ở vùng dân tộc thiểu số, miền núi. Ngoài ra, các Trung tâm thực hiện thông tin và giải đáp các quy định về pháp luật cho các trường hợp là người dân tộc thiểu số được tìm hiểu về pháp luật tại các buổi truyền thông về TGPL[4]. Một số Sở Tư pháp, Trung tâm TGPL nhà nước chủ động phối hợp với Phòng Tư pháp các huyện, thị xã tổ chức các cuộc truyền thông TGPL kết nối cộng đồng tại vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi trên toàn tỉnh[5]. Qua đó, giới thiệu về chức năng, nhiệm vụ của Trung tâm TGPL, quyền và nghĩa vụ của người được TGPL, người thực hiện TGPL, một số nội dung pháp luật thiết yếu đến người dân, số điện thoại, địa chỉ liên hệ cho đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi; biên soạn, in ấn cấp phát tờ rơi, tờ gấp về TGPL, tài liệu pháp luật phát miễn phí cho người dân nhằm giúp cho người dân, đặc biệt là những đối tượng đặc thù tại các vùng dân tộc thiểu số và miền núi thực hiện quyền được thụ hưởng chính sách TGPL miễn phí[6]. Bên cạnh đó, một số địa phương còn xây dựng tài liệu, tổ chức các hội nghị tập huấn, bồi dưỡng kiến thức, tập huấn về kỹ năng nghiệp vụ cho đội ngũ làm công tác TGPL, tổ chức chuyên đề TGPL kết nối cộng đồng. Từ đó, nâng cao năng lực, kiến thức, hiểu biết về TGPL cho những người có uy tín trong cộng đồng và đội ngũ cán bộ ở cơ sở (công an xã, công chức tư pháp hộ tịch,...), tổ chức, đoàn thể của cấp xã để kịp thời giải thích cho người dân về quyền được TGPL, hướng dẫn người thuộc diện TGPL liên hệ với tổ chức thực hiện TGPL/người thực hiện TGPL tại địa phương.
- Để bảo đảm cho người dân vùng biên giới được tiếp cận thông tin về TGPL và thụ hưởng quyền khi có nhu cầu, công tác phối hợp giữa Trung tâm TGPL và các cơ quan liên quan được các địa phương hết sức quan tâm và luôn tìm giải pháp nâng cao hiệu quả phối hợp, đặc biệt là công tác phối hợp TGPL trong hoạt động tố tụng theo quy định.

 
Sở Tư pháp và TAND tỉnh ký kết kế hoạch liên tịch về người thực hiện TGPL trực tại TAND hai cấp trên địa bàn tại Tây Ninh

3. Kết quả thực hiện vụ việc trợ giúp pháp lý
3.1. Thực hiện TGPL cho người Việt Nam thuộc diện được TGPL tại 10 tỉnh vùng biên giới Campuchia
Từ 01/01/2020 đến 31/5/2023, tổ chức thực hiện TGPL tại 10 tỉnh giáp biên giới với Campuchia đã thụ lý 12.496 vụ việc TGPL (trong đó có 11.163 vụ việc đã hoàn thành, trong đó có 8.862 vụ tham gia tố tụng) cho tổng số 11.163 lượt người được TGPL (trong đó có  người nghèo; người dân tộc thiểu số; người vừa là người nghèo vừa là người dân tộc thiểu số; người có công với cách mạng; trẻ em, người bị buộc tội đủ 16 tuổi đến dưới 18 tuổi, nhóm người có khó khăn về tài chính theo quy định của Luật TGPL).
Hầu hết các vụ việc được thẩm định, đánh giá đều đạt chất lượng và chất lượng tốt trở lên. Các Trung tâm thuộc các tỉnh vùng biên giới đã thực hiện được nhiều vụ việc TGPL tham gia tố tụng thành công, hiệu quả, có nhiều vụ án được tuyên mức án nhẹ hơn hoặc chuyển tội danh hay thay đổi khung hình phạt thấp hơn so với mức đề nghị trong cáo trạng của Viện Kiểm sát nhân dân hoặc thắng kiện; người bị hại được bồi thường thiệt hại theo quy định, qua đó bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho người được TGPL. Từ 01/11/2019 đến 30/4/2023, số vụ việc tham gia tố tụng thành công, hiệu quả của 10 Trung tâm TGPL nhà nước vùng biên giới Việt Nam - Campuchia là: 3.340 vụ việc (chiếm 37,6 % trong tổng số vụ việc tham gia tố tụng). Tất cả các địa phương vùng biên giới có huyện nghèo, xã nghèo, thôn, bản đặc biệt khó khăn nơi có người dân tộc thiểu số cư trú đã thiết lập đường dây nóng về TGPL, đã có nhiều lượt người dân gọi đến để phản ánh những khó khăn, vướng mắc về pháp luật phát sinh trong cuộc sống, tạo điều kiện thuận lợi cho “nhóm đối tượng yếu thế” tiếp cận nhanh chóng các vụ TGPL miễn phí tiết kiệm được thời gian, công sức. Cục Trợ giúp pháp lý đã kịp thời nắm bắt và chỉ đạo các Trung tâm trợ giúp pháp lý khẩn trương thực hiện nhữngvụ việc gây bức xúc trong xã hội và đã được các Trung tâm trợ giúp pháp lý nhà nước chủ động tiếp cận người thuộc diện được trợ giúp pháp lý trên các trang báo điện tử như dantri.com.vn, cand.com.vn, vietnamnet.vn…
3.2. Hoạt động trợ giúp pháp lý cho người Campuchia thuộc diện được trợ giúp pháp lý
Điều 3 Hiệp định tương trợ tư pháp trong lĩnh vực dân sự giữa Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam và Vương quốc Campuchia (Hiệp định) ký tại Hà Nội ngày 21/01/2013, có hiệu lực kể từ ngày 09/10/2014[7] quy định như sau:
“1. Công dân của mỗi Bên có quyền được miễn, giảm án phí và được TGPL miễn phí trên lãnh thổ của Bên kia theo cùng những điều kiện và mức độ như công dân của Bên kia.
2. Nếu việc miễn, giảm án phí hoặc TGPL miễn phí được quyết định căn cứ vào mức thu nhập hoặc/và tình trạng tài sản của người làm đơn, thì giấy xác nhận mức thu nhập hoặc/và tình trạng tài sản của người làm đơn sẽ do cơ quan có thẩm quyền của Bên nơi người làm đơn thường trú hoặc tạm trú cấp.
3. Công dân của một Bên có thể xin miễn, giảm án phí hoặc TGPL miễn phí theo quy định tại khoản 1 Điều này tới cơ quan có thẩm quyền của Bên nơi người làm đơn thường trú hoặc tạm trú. Cơ quan có thẩm quyền đó sẽ chuyển đơn kèm giấy xác nhận mức thu nhập hoặc/và tình trạng tài sản theo quy định tại khoản 2 của Điều này tới cơ quan có thẩm quyền của Bên kia thông qua các Cơ quan Trung ương.
4. Cơ quan có thẩm quyền quyết định việc miễn, giảm án phí và TGPL miễn phí có thể yêu cầu người nộp đơn bổ sung thêm thông tin.”
Theo quy định của Hiệp định, công dân Campuchia có quyền được TGPL với cùng điều kiện và mức độ như công dân Việt Nam. Chẳng hạn, để được TGPL tại Việt Nam, người dân Campuchia cần được cơ quan có thẩm quyền tại Campuchia xác nhận hoặc cấp giấy chứng nhận là người thuộc hộ nghèo, người khuyết tật, người cao tuổi, người nhiễm HIV nạn nhân của hành vi mua bán người,… có khó khăn về tài chính; vụ việc TGPL xảy ra tại Việt Nam phải liên quan trực tiếp đến quyền, lợi ích hợp pháp của người thuộc diện được TGPL và không thuộc lĩnh vực kinh doanh, thương mại...
Qua theo dõi về thực tiễn công tác TGPL tại các tỉnh có chung đường biên giới với Campuchia, Cục TGPL được biết chưa có trường hợp người Campuchia yêu cầu TGPL tại các Trung tâm TGPL Nhà nước và tổ chức tham gia TGPL của Việt Nam.
4. Thuận lợi, khó khăn
4.1. Thuận lợi
- Công tác TGPL tại các địa phương có chung đường biên giới với Lào luôn được sự quan tâm chỉ đạo của cấp ủy, chính quyền địa phương, Sở Tư pháp của tỉnh; sự hướng dẫn chỉ đạo về chuyên môn của Bộ Tư pháp, Cục TGPL; sự phối hợp chặt chẽ của chính quyền cấp cơ sở và sự hưởng ứng của nhân dân. Công tác phối hợp giữa Trung tâm TGPL nhà nước và các cơ quan có liên quan trong đó có cơ quan tiến hành tố tụng trong việc truyền thông về TGPL, giới thiệu đối tượng đến Trung tâm TGPL nhà nước được các địa phương quan tâm hơn, đặc biệt từ khi Thông tư liên tịch số 10/2018/TTLT-BTP-BCA-BQP-BTC-TANDTC-VKSNDTC ngày 29/6/2018 quy định về phối hợp thực hiện trợ giúp pháp lý trong hoạt động tố tụng có hiệu lực pháp luật.
- Trên cơ sở Đề án đổi mới công tác TGPL giai đoạn 2015 - 2025 ban hành kèm theo Quyết định số 749/QĐ-TTg ngày 01/6/2015 của Thủ tướng Chính phủ, Luật TGPL năm 2017, công tác TGPL trong toàn quốc nói chung, các tỉnh giáp biên giới Campuchia nói riêng đã tập trung nguồn lực vào nhiệm vụ chính của công tác TGPL là thực hiện vụ việc, đặc biệt là các vụ việc tham gia tố tụng, các vụ việc tham gia tố tụng ở nhiều tỉnh đã tăng lên đáng kể. Từ 01/01/2020 đến 31/12/2022, trong số 10 địa phương nói trên, địa phương có số vụ việc TGPL tham gia tố tụng cao và tăng qua các năm là: Trung tâm TGPL tỉnh Kon Tum (năm 2020: 86 vụ việc; năm 2021: 131 vụ việc; năm 2022: 117 vụ việc; Trung tâm Đắk Nông (năm 2020: 138 vụ việc, năm 2021: 142 vụ việc; năm 2022: 205 vụ việc, Trung tâm TGPL Kiên Giang (năm 2020: 236 vụ việc, năm 2021: 245 vụ việc; năm 2022: 424 vụ việc); Trung tâm TGPL Tây Ninh (năm 2020: 186 vụ việc, năm 2021: 231 vụ việc; năm 2022: 262 vụ việc).
-  Công tác truyền thông được tăng cường thực hiện tại cơ sở, đặc biệt, nội dung TGPL đã được đưa vào tất cả 03 Chương trình mục tiêu quốc gia: Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021 - 2030, giai đoạn I từ năm 2021 đến năm 2025; Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo và an sinh xã hội bền vững giai đoạn 2021 – 2025; Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021 – 2025, trong đó có các hoạt động yêu cầu tăng cường, nâng cao khả năng tiếp cận và thụ hưởng hoạt động TGPL; nâng cao năng lực đội ngũ thực hiện TGPL để cung cấp dịch vụ có chất lượng. Trên cơ sở đó, Bộ Tư pháp đã ban hành các văn bản gửi các địa phương hướng dẫn thực hiện TGPL tại ba Chương trình mục tiêu quốc gia này.
- Ngày 15/12/2021, năm ngành Tòa án nhân dân tối cao, Viện Kiểm sát nhân dân tối cao, Bộ Công an, Bộ Quốc phòng và Bộ Tư pháp đã ký Thông tư liên tịch số 05/TTLT/TANDTC-VKSNDTC-BCA-BQP-BTP về quy định phối hợp trong việc thực hiện tổ chức phiên tòa trực tuyến trong đó quy định Trung tâm trợ giúp pháp lý nhà nước tổ chức điểm cầu thành phần. Một số Trung tâm đang có chủ trương xây dựng trụ sở mới, trong phương án thiết kế, đã bố trí xây dựng một phòng riêng phục vụ các hoạt động trực tuyến hoặc một số Trung tâm đã bố trí được phòng riêng để lắp đặt trang thiết bị.
- Tòa án nhân dân tối cao có Công văn số 244/TANDTC-PC ngày 05/11/2019 gửi Chánh án Toà án nhân dân các cấp, Chánh án Toà án quân sự các cấp, Thủ trưởng các đơn vị thuộc Tòa án nhân dân tối cao trong đó đề nghị phối hợp với Trung tâm trợ giúp pháp lý nhà nước, chi nhánh của Trung tâm tạo điều kiện cho người thực hiện trợ giúp pháp lý trực tại Tòa án mình; Bộ Công an có Công văn số 481/BCA-V03 ngày 17/01/2020 về việc đôn đốc triển khai thực hiện các quy định của pháp luật về trợ giúp pháp lý gửi các đơn vị trực thuộc Bộ Công an và Công an các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương, trong đó đề nghị xây dựng quy chế phối hợp với Trung tâm trợ giúp pháp lý ở địa phương để có thể bố trí Trợ giúp viên pháp lý ứng trực (qua điện thoại) kịp thời. Tại một số địa phương, khi có vụ việc mà có đối tượng là người được TGPL thì cơ quan điều tra, cơ sở giam giữ sẽ liên hệ ngay với người thực hiện TGPL, một số tỉnh đã thực hiện trực tại tòa án nhân dân (đã ký Quy chế phối hợp) trong đó có tỉnh Đắk Lắk, Đồng Tháp (hình thức trực qua điện thoại).
- Vừa qua, ngày 19/5/2022, Tòa án nhân dân tối cao và Bộ Tư pháp đã ký ban hành Chương trình phối hợp số 1603/CTPH-BTP-TANDTC giữa Bộ Tư pháp và Tòa án nhân dân tối cao về người thực hiện trợ giúp pháp lý trực tại Tòa án nhân dân để chính thức áp dụng chung cho 63 tỉnh, thành phố toàn quốc. Bên cạnh đó, Bộ Tư pháp đang nghiên cứu xây dựng chương trình phối hợp với Bộ Công an để áp dụng chung toàn quốc về việc trực kết nối tại cơ quan điều tra, nhà tạm giam, tạm giữ.
          - Đội ngũ người thực hiện TGPL, đặc biệt là Trợ giúp viên pháp lý và luật sư tham gia TGPL có trình độ, năng lực chuyên môn, thường xuyên học tập, không ngừng nâng cao kỹ năng, nghiệp vụ đáp ứng yêu cầu TGPL ở địa phương. Việc thụ lý và giải quyết các vụ, việc được đảm bảo về tiến độ, chất lượng, không gây khó khăn, phiền hà cho nhân dân, góp phần bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho các đối tượng được TGPL, không có trường hợp khiếu nại, tố cáo nào.

 
Lễ ký kết Chương trình phối hợp về người thực hiện trợ giúp pháp lý trực tại Tòa án trên địa bàn tỉnh Đồng Tháp (Nguồn: moj.gov.vn)

4.2. Khó khăn
- Xã giáp biên giới Campuchia nằm ở vùng sâu, vùng xa, giao thông đi lại còn khó khăn nên ảnh hưởng đến việc người dân tiếp cận với tổ chức thực hiện TGPL.
- Do địa bàn một số xã biên giới rộng, đường xá đi lại khó khăn, người dân không ổn định về nơi cư trú, nhiều đối tượng đi làm ăn xa nên việc mời người dân đến truyền thông về TGPL chưa được đông đủ. Cuộc sống của người dân còn nhiều khó khăn, họ quan tâm nhiều hơn đến vấn đề mưu sinh nên chưa quan tâm đến việc tìm hiểu pháp luật nói chung và TGPL nói riêng.
- Nhiều trường hợp người Campuchia chung sống như vợ chồng với người Việt Nam ở các huyện biên giới nhưng họ không làm thủ tục đăng ký kết hôn, nhập quốc tịch nên con cái họ không có quốc tịch nên trong một số trường hợp quyền lợi của họ chưa được bảo đảm.[8]
- Nhận thức về TGPL của một bộ phận người dân thuộc diện được TGPL ở vùng sâu, vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn, vùng đồng bào dân tộc thiểu số còn hạn chế, chưa biết đến hoạt động TGPL hoặc chưa nhận thức đầy đủ về vị trí, vai trò của TGPL trong bảo vệ quyền con người, quyền công dân và góp phần thực hiện an sinh xã hội, chỉ khi có tranh chấp phát sinh và được giải thích rõ ràng về những lợi ích khi được TGPL thì họ mới hiểu và đề nghị được TGPL. Một số nơi, trình độ dân trí chưa cao và chưa đồng đều, người được TGPL đa phần là người dân tộc thiểu số, gặp nhiều khó khăn trong việc giao tiếp do không nói thành thạo tiếng phổ thông nên càng e ngại khi tiếp xúc với các tổ chức thực hiện TGPL. Ngoài ra, đa phần người dân tộc thiểu số còn áp dụng các phong tục tập quán lạc hậu[9] trong giải quyết các tranh chấp, mâu thuẫn, vướng mắc cũng khó khăn cho việc giải thích, vận động nhân dân hiểu và chấp hành pháp luật. Việc truyền thông về Hiệp định, trong đó có quyền được TGPL của công dân hai nước vẫn còn hạn chế.
          - Số lượng người thực hiện TGPL trong đó có Trợ giúp viên pháp lý - lực lượng thực hiện TGPL chính ở một số tỉnh còn mỏng[10], đa số không biết tiếng Khơ-me nên việc triển khai công tác TGPL còn gặp nhiều khó khăn.
- Gần đây, một sốvụ việc người Việt bị mua bán sang Campuchia gây sự quan tâm, chú ý của các cơ quan, tổ chức có liên quan và xã hội. Vì vậy, cần có cơ chế phối hợp chặt chẽ của các cơ quan có liên quan của cả hai bên Việt Nam và Campuchia để kịp thời bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của người bị mua bán qua biên giới hai nước.  
III. PHƯƠNG HƯỚNG NÂNG CAO HIỆU QUẢ, CHẤT LƯỢNG CÔNG TÁC TRỢ GIÚP PHÁP LÝ CHO NGƯỜI DÂN Ở VÙNG BIÊN GIỚI VIỆT NAM – CAMPUCHIA TRONG THỜI GIAN TỚI
Luật TGPL năm 2017 của Việt Nam đã mở rộng diện người được TGPL, dự kiến số vụ việc sẽ tăng lên nhiều đặt ra yêu cầu phải chuẩn bị kỹ lưỡng các điều kiện, nguồn lực con người và tài chính cần thiết để bảo đảm nâng cao nhận thức của người dân, cơ quan, tổ chức cá nhân có thẩm quyền của cả hai nước cũng như bảo đảm việc triển khai Luật TGPL trên thực tế được đồng bộ, thống nhất và hiệu quả, tránh bỏ sót yêu cầu TGPL của người dân 2 nước. Để đáp ứng được yêu cầu này, các tổ chức thực hiện TGPL của 2 nước phải được tăng cường cả về số lượng và chất lượng; được đầu tư thêm về trang thiết bị cần thiết cho hoạt động TGPL, người thực hiện TGPL phải nâng cao trình độ, kỹ năng, đạo đức nghề nghiệp để cung cấp dịch vụ có chất lượng; Sở Tư pháp phải chuẩn bị đủ nguồn lực để tăng cường các biện pháp quản lý và tổ chức thực hiện nhiệm vụ TGPL ở địa phương. Cụ thể:
- Cơ quan Trung ương của 2 nước, chính quyền các tỉnh có chung đường biên giới và đặc biệt là các Trung tâm TGPL nhà nước cần đẩy mạnh truyền thông với các phương thức đa dạng, trực quan, sinh động (sử dụng hình ảnh, thiết kế câu hỏi đáp đơn giản, thiết lập tổng đài giải đáp TGPL,…) để nâng cao nhận thức của người dân cả hai nước về quyền được TGPL theo quy định của Hiệp định nói chung, pháp luật về TGPL nói riêng, nhất là Luật Trợ giúp pháp lý năm 2017.
- Tăng cường năng lực cho đội ngũ người thực hiện TGPL của cả hai nước trong việc cung cấp dịch vụ TGPL thông qua các lớp tập huấn, các hội thảo, hội nghị chuyên sâu về TGPL của mỗi bên và cả hai nước. Bồi dưỡng tiếng dân tộc (đối với phía Việt Nam là các tiếng Khơ - me, Gia Rai, H’Lăng…) cho đội ngũ trợ giúp viên pháp lý, người thực hiện TGPL hoặc thuê người cộng tác biết tiếng Campuchia để triển khai thực hiện các hoạt động TGPL cho người dân khu vực biên giới Campuchia; sớm triển khai Chương trình phối hợp về người thực hiện trợ giúp pháp lý trực tại Tòa án, thực hiện tốt chỉ đạo của Bộ Công an trong việc tổ chức cho người thực hiện TGPL trực qua điện thoại ở các địa phương.
- Xây dựng phát huy mạng lưới cán bộ ở cơ sở như trưởng thôn, người có uy tín trong các tổ chức, cá nhân nhằm kịp thời phát hiện, thông báo, thông tin về vụ việc TGPL, người thuộc diện TGPL đặc biệt cho nạn nhân bị mua bán người ở vùng biên giới Việt Nam - Campuchia cho cơ quan có thẩm quyền của hai nước.
- Tăng cường hợp tác trao đổi kinh nghiệm về TGPL giữa hai nước Việt Nam và Campuchia, kịp thời chia sẻ những khó khăn, vướng mắc khi có vụ việc TGPL giữa hai nước cũng như với các nước khác láng giềng trong khu vực ASEAN và có những đề xuất, kiến nghị bảo đảm việc thực hiện quyền cơ bản của công dân theo đúng Hiệp định tương trợ tư pháp giữa 2 nước./.
Nguyễn Thu Hiền – Cục Trợ giúp pháp lý
 
 
 

[1] Đắk Lắk, Đồng Tháp
[2] Kon Tum, Gia Lai, Đắk Lắk, Đắk Nông, Bình Phước, Tây Ninh, Long An, Đồng Tháp, An Giang và Kiên Giang
[3] An Giang, Đồng Tháp
[4] Ví dụ: Kon Tum
[5] Ví dụ: Gia Lai
[6] Ví dụ: Gia Lai
[7] Theo Thông báo số 64/2014/TB-LPQT ngày 29/9/2014 của Bộ Ngoại giao về việc Điều ước quốc tế có hiệu lực
[8] An Giang, Kiên Giang.
[9] An Giang: Người dân tộc Khơ - me có phong tục đội khăn nên đi xe máy thường không đội mũ bảo hiểm; khi có tranh chấp phát sinh người Khơ - me thường tìm đến nhà sư tại các chùa ở ấp để giải quyết thay vì giải quyết theo quy định của pháp luật.
Gia Lai: Người Gia Rai, người Ba Na quan niệm đất đai là tài sản ông bà tổ tiên để lại, rất khó để họ hiểu được đất đai là tài sản của toàn dân, do Nhà nước quản lý nên các tranh chấp phát sinh trong lĩnh vực đất đai thường khó giải quyết. Bên cạnh đó, 02 dân tộc này theo chế độ mẫu hệ, nên nhiều trường hợp ly hôn người nam giới thường không được chia tài sản.
[10] Kon Tum: 04 Trợ giúp viên pháp lý; Long An và Đồng Tháp: 06 Trợ giúp viên pháp lý; Tây Ninh: 07 trợ giúp viên pháp lý.
 

Xem thêm »