Hoạt động đại diện ngoài tố tụng của người thực hiện trợ giúp pháp lý

30/05/2023
Xem cỡ chữ Đọc bài viết In trang Google

Đại diện ngoài tố tụng là một trong các hình thức trợ giúp pháp lý được quy định tại Luật Trợ giúp pháp lý. Theo đó, Điều 33 Luật Trợ giúp pháp lý quy định Trợ giúp viên pháp lý, luật sư thực hiện trợ giúp pháp lý đại diện ngoài tố tụng cho người được trợ giúp pháp lý trước cơ quan nhà nước có thẩm quyền. Như vậy, chỉ có Trợ giúp viên pháp lý, luật sư được thực hiện trợ giúp pháp lý bằng hình thức này.

  1. Khái niệm đại diện ngoài tố tụng trong trợ giúp pháp lý
Hiện nay khái niệm đại diện ngoài tố tụng không được định nghĩa một cách cụ thể nhưng có thể hiểu, đại diện ngoài tố tụng trong trợ giúp pháp lý là việc trợ giúp viên pháp lý, luật sư thay mặt cho người được trợ giúp pháp lý thực hiện quyền và nghĩa vụ của họ trong quan hệ pháp luật (quan hệ pháp luật hình sự, quan hệ pháp luật dân sự, quan hệ pháp luật hành chính...) trước cơ quan nhà nước có thẩm quyền. Các công việc này không nằm trong giai đoạn, thủ tục tố tụng. Với hình thức thực hiện trợ giúp pháp lý này, trợ giúp viên pháp lý, luật sư hoạt động với tư cách là người đại diện theo uỷ quyền của người được trợ giúp pháp lý. Thủ tục, nội dung và phạm vi uỷ quyền tuân thủ chặt chẽ quy định của Bộ luật Dân sự và các văn bản hướng dẫn liên quan.
2. Đặc điểm hoạt động đại diện ngoài tố tụng trong trợ giúp pháp lý
Hoạt động đại diện ngoài tố tụng trong trợ giúp pháp lý thường mang một số các đặc điểm sau:
- Phạm vi đại diện của người thực hiện trợ giúp pháp lý trong lĩnh vực này thường hẹp, phụ thuộc vào ý chí của người được trợ giúp pháp lý và các quy định của pháp luật trong từng lĩnh vực quản lý; và chỉ đại diện thực hiện quyền và nghĩa vụ của người được trợ giúp pháp lý trước cơ quan nhà nước có thẩm quyền.
- Việc đại diện theo ủy quyền được xác lập hợp pháp bằng văn bản: thông thường việc đại diện theo ủy quyền được xác lập bằng hợp đồng ủy quyền về việc đại diện ngoài tố tụng. Mặc dù vậy, trong lĩnh vực trợ giúp pháp lý thì văn bản yêu cầu trợ giúp pháp lý bằng đại diện ngoài tố tụng của người được trợ giúp pháp lý và văn bản cử người đại diện ngoài tố tụng cho người được trợ giúp pháp lý của các tổ chức thực hiện trợ giúp pháp lý cũng được xem là căn cứ, cơ sở xác lập việc đại diện theo ủy quyền.
- Người được đại diện là người được trợ giúp pháp lý, họ thường là người có khó khăn về điều kiện đi lại, tình hình sức khỏe, trình độ học vấn,...
- Bên thứ ba trong hoạt động đại diện ngoài tố tụng của trợ giúp viên pháp lý/luật sư bao giờ cũng là cơ quan nhà nước có thẩm quyền.
- Bên đại diện do trợ giúp viên pháp lý, luật sư (gồm: luật sư ký hợp đồng với Trung tâm trợ giúp pháp lý; luật sư thuộc tổ chức ký hợp đồng thực hiện trợ giúp pháp lý; luật sư thuộc tổ chức đăng ký tham gia trợ giúp pháp lý) thực hiện.
- Luật sư thuộc tổ chức ký hợp đồng thực hiện trợ giúp pháp lý luật sư, luật sư ký hợp đồng thực hiện trợ giúp pháp lý với Trung tâm, trợ giúp viên pháp lý được nhận thù lao/bồi dưỡng do Nhà nước chi trả khi thực hiện vụ việc đại diện ngoài tố tụng. Theo đó, khi thực hiện vụ việc trợ giúp pháp lý bằng hình thức đại diện ngoài tố tụng, luật sư được hưởng thù lao là 0,31 mức lương cơ sở/buổi làm việc nhưng tối đa không quá 20 buổi làm việc/01 vụ việc. Còn trợ giúp viên pháp lý được hưởng mức bồi dưỡng bằng 20% mức thù lao áp dụng đối với luật sư khi thực hiện trợ giúp pháp lý bằng hình thức đại diện ngoài tố tụng.
3. Thời hạn đại diện ngoài tố tụng
- Việc xác lập đại diện ngoài tố tụng theo ủy quyền trong trợ giúp pháp lý
+ Đại diện ngoài tố tụng theo ủy quyền: được xác lập bằng yêu cầu trợ giúp pháp lý của người được trợ giúp pháp lý và việc cử người đại diện ngoài tố tụng của tổ chức thực hiện trợ giúp pháp lý. Theo đó, bên đại diện (bên được ủy quyền) có nghĩa vụ thực hiện công việc nhân danh bên được đại diện (bên ủy quyền).
+ Thời hạn ủy quyền: Thời hạn ủy quyền được thời hạn đại diện là 01 năm, kể từ thời điểm phát sinh quyền đại diện, nếu không có thỏa thuận hoặc pháp luật không quy định.
+ Việc ủy quyền lại phải được bên ủy quyền đồng ý, hình thức phải phù hợp với văn bản ủy quyền/hợp đồng ủy quyền chính và không vượt quá phạm vi.
- Thời điểm bắt đầu:
+ Quyền đại diện được xác lập theo ủy quyền giữa người được đại diện và người đại diện. Trong thời hạn 03 ngày làm việc kể từ ngày thụ lý vụ việc trợ giúp pháp lý, tổ chức thực hiện trợ giúp pháp lý có trách nhiệm cử người đại diện ngoài tố tụng cho người được trợ giúp pháp lý. Việc cử người đại diện ngoài tố tụng phải được lập thành văn bản và gửi cho người được trợ giúp pháp lý.
- Thời điểm chấm dứt đại diện ngoài tố tụng:
a) Theo thỏa thuận;
b) Thời hạn ủy quyền đã hết;
c) Công việc được uỷ quyền đã hoàn thành;
d) Người được đại diện hoặc người đại diện đơn phương chấm dứt thực hiện việc ủy quyền;
đ) Người được đại diện, người đại diện là cá nhân chết;
e) Người đại diện không còn đủ điều kiện là người thực hiện trợ giúp pháp lý theo quy định của Luật Trợ giúp pháp lý và/hoặc không còn đủ điều kiện quy định tại khoản 3 Điều 134 của Bộ luật Dân sự;
g) Căn cứ khác làm cho việc đại diện không thể thực hiện được.
4. Quyền và nghĩa vụ của người đại diện ngoài tố tụng
4.1. Một số quyền cơ bản của người đại diện ngoài tố tụng
- Yêu cầu cung cấp thông tin, tài liệu, phương tiện, tạo điều kiện thuận lợi để thực hiện công việc ủy quyền.
- Chủ động thực hiện công việc trong phạm vi ủy quyền, và được nhận thù lao, bồi dưỡng do Nhà nước chi trả theo quy định của pháp luật.
4.2. Một số nghĩa vụ của người đại diện ngoài tố tụng
- Khi thực hiện đại diện ngoài tố tụng, người đại diện có trách nhiệm sử dụng các biện pháp phù hợp với quy định của pháp luật để bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp cho người được trợ giúp pháp lý.
- Thường xuyên thông báo với bên ủy quyền về công việc. Bảo quản, giữ gìn tài liệu được giao, giữ bí mật biết được từ công việc ủy quyền;
- Báo cho bên thứ 3 (cơ quan nhà nước có thẩm quyền) về thời gian và phạm vi được ủy quyền;
- Bồi thường thiệt hại nếu có lỗi; thực hiện công việc vượt quá phạm vi đại diện thì không làm phát sinh quyền và nghĩa vụ cùa (người được đại diện). Đối với phần giao dịch được thực hiện vượt quá phạm vi ủy quyền, nếu gây ra thiệt hại cho khách hàng thì trợ giúp viên pháp lý/luật sư phải có trách nhiệm bồi thường.
- Giao lại tài sản phát sinh cho bên ủy quyền.
 
5. Một số trường hợp đại diện ngoài tố tụng
- Đại diện thực hiện các thủ tục hành chính/ Thực hiện các thủ tục pháp lý tại cơ quan nhà nước
Thủ tục hành chính là trình tự, cách thức thực hiện, hồ sơ và yêu cầu, điều kiện do cơ quan nhà nước, người có thẩm quyền quy định để giải quyết một công việc cụ thể liên quan đến cá nhân, tổ chức. Thông thường, hình thức uỷ quyền trong giai đoạn này thường là uỷ quyền một lần - tức là khi thực hiện xong nội dung uỷ quyền thì văn bản uỷ quyền sẽ hết hiệu lực.
- Đại diện tham gia giải quyết khiếu nại hành chính
Theo quy định tại Luật Khiếu nại 2011, khiếu nại là việc công dân, cơ quan, tổ chức hoặc cán bộ, công chức đề nghị cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền xem xét lại quyết định hành chính, hành vi hành chính của cơ quan hành chính nhà nước, của người có thẩm quyền trong cơ quan hành chính nhà nước hoặc quyết định kỷ luật cán bộ, công chức khi có căn cứ cho rằng quyết định hoặc hành vi đó là trái pháp luật, xâm phạm quyền, lợi ích hợp pháp của mình. Trình tự, thủ tục khiếu nại tuân thủ quy định tại Luật Khiếu nại và các văn bản hướng dẫn liên quan.
Như vậy, trợ giúp viên pháp lý/luật sư thay mặt cho người được trợ giúp pháp lý trong toàn bộ quá trình từ bắt đầu cho tới kết thúc việc giải quyết các khiếu nại quyết định hành chính hoặc hành vi hành chính trái pháp luật, xâm phạm quyền, lợi ích hợp pháp của người được trợ giúp pháp lý.
- Đại diện trong vụ án dân sự, việc dân sự:
Trợ giúp viên pháp lý/ Luật sư có thể thực hiện vai trò đại diện ngoài tố tụng song song với hoạt động tố tụng của Toà án.
 6. Một số công việc trong vụ việc đại diện ngoài tố tụng:
a) Gặp gỡ, tiếp xúc với người được trợ giúp pháp lý, người thân thích của họ; người làm chứng;
b) Nghiên cứu hồ sơ, chuẩn bị tài liệu để thực hiện việc đại diện;
c) Xác minh, thu thập tài liệu, đồ vật, chứng cứ, tình tiết liên quan đến việc đại diện;
d) Làm việc với cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan;
đ) Tham gia đại diện trước cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền giải quyết vụ việc.
*Những nội dung cần chú ý khi đại diện cho người được trợ giúp pháp lý:
- Xác lập văn bản ủy quyền/hợp đồng uỷ quyền một cách rõ ràng về nội dung, phạm vi và thời hạn uỷ quyền;
- Soạn thảo, chuẩn bị đầy đủ các hồ sơ theo quy định pháp luật;
- Thực hiện các nghĩa vụ tài chính nếu có để giải quyết hồ sơ như nộp phí hoặc lệ phí theo quy định;
- Chịu trách nhiệm về tính hợp pháp, chính xác của hồ sơ, tài liệu cung cấp cho cơ quan nhà nước có thẩm quyền.
7. Một số kết quả thực hiện trợ giúp pháp lý bằng hình thức đại diện ngoài tố tụng của người thực hiện trợ giúp pháp lý
Qua 5 năm triển khai thực hiện Luật Trợ giúp pháp lý, các trợ giúp viên pháp lý/luật sư hoàn thành được gần 1.500 vụ việc đại diện ngoài tố tụng. Trong đó trợ giúp viên pháp lý thực hiện 84,2% vụ việc đại diện ngoài tố tụng, các luật sư thực hiện 15,84% vụ việc đại diện ngoài tố tụng.

Đa số đại diện ngoài tố tụng trong lĩnh vực dân sự (chiếm gần 60%), hành chính (21,3%), còn lại là các lĩnh vực khác (19,1%).

Tóm lại, đại diện ngoài tố tụng là một trong những hình thức trợ giúp pháp lý. Trong thời gian qua, mặc dù số lượng vụ việc đại diện ngoài tố tụng không nhiều nhưng đã góp phần giúp bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của người được trợ giúp pháp lý, nhất là đối với người có khó khăn về điều kiện đi lại, tình hình sức khỏe,...
Thanh Hà

 

Xem thêm »