Nâng cao hiệu quả thực hiện trợ giúp pháp lý của các tổ chức tham gia trợ giúp pháp lý

16/05/2023
Xem cỡ chữ Đọc bài viết In trang Google

Trợ giúp pháp lý là việc cung cấp dịch vụ pháp lý miễn phí cho người được trợ giúp pháp lý trong vụ việc trợ giúp pháp lý theo quy định của Luật này, góp phần bảo đảm quyền con người, quyền công dân trong tiếp cận công lý và bình đẳng trước pháp luật . Tổ chức thực hiện trợ giúp pháp lý bao gồm Trung tâm trợ giúp pháp lý nhà nước và tổ chức tham gia trợ giúp pháp lý. Bài viết nêu thực trạng về tổ chức tham gia trợ giúp pháp lý trong thời gian qua và đề xuất giải pháp nâng cao hiệu quả thực hiện trợ giúp pháp lý của các tổ chức tham gia trợ giúp pháp lý.

 1. Khái quát về tổ chức tham gia trợ giúp pháp lý
Tổ chức tham gia trợ giúp pháp lý bao gồm tổ chức ký hợp đồng thực hiện trợ giúp pháp lý và tổ chức đăng ký tham gia trợ giúp pháp lý. Cụ thể:
- Về tổ chức ký hợp đồng thực hiện trợ giúp pháp lý: Sở Tư pháp với tổ chức hành nghề luật sư, tổ chức tư vấn pháp luật ký hợp đồng dân sự về việc thực hiện trợ giúp pháp lý. Việc lựa chọn, ký hợp đồng thực hiện trợ giúp pháp lý với tổ chức hành nghề luật sư, tổ chức tư vấn pháp luật thực hiện theo quy định tại Thông tư 08/2017/TT-BTP[1] và Thông tư 03/2021/TT-BTP[2]. Theo đó, Sở Tư pháp đánh giá khả năng đáp ứng nhu cầu trợ giúp pháp lý trên địa bàn để dự kiến số lượng tổ chức ký hợp đồng thực hiện trợ giúp pháp lý. Giám đốc Sở Tư pháp quyết định thành lập Tổ đánh giá hồ sơ lựa chọn tổ chức và thông báo lựa chọn tổ chức. Sau khi có kết quả đánh giá, Sở Tư pháp có trách nhiệm thông báo kết quả đánh giá đến các tổ chức đã nộp hồ sơ. Trong thời hạn 10 ngày kể từ ngày nhận được thông báo, tổ chức được lựa chọn có trách nhiệm ký hợp đồng với Sở Tư pháp. Quá thời hạn trên mà tổ chức được lựa chọn không ký hợp đồng thì Sở Tư pháp thông báo để ký hợp đồng với tổ chức có số điểm cao kế tiếp sau (nếu còn). Luật sư, tư vấn viên pháp luật thuộc tổ chức ký hợp đồng trợ giúp pháp lý khi thực hiện vụ việc trợ giúp pháp lý theo hình thức tham gia tố tụng, đại diện ngoài tố tụng thì được nhận bồi dưỡng theo quy định tại Thông tư số 02/2021/TT-BTP ngày 25/5/2021 về việc hướng dẫn cách tính thời gian theo buổi làm việc thực tế và khoán chi vụ việc trợ giúp pháp lý.
- Về tổ chức đăng ký tham gia trợ giúp pháp lý: Tổ chức hành nghề luật sư, tổ chức tư vấn pháp luật tự nguyện thực hiện trợ giúp pháp lý bằng nguồn lực của mình được đăng ký tham gia thực hiện trợ giúp pháp lý. Tổ chức hành nghề luật sư, tổ chức tư vấn pháp luật tham gia trợ giúp pháp lý đăng ký về phạm vi, hình thức, lĩnh vực, đối tượng trợ giúp pháp lý với Sở Tư pháp nơi đã cấp Giấy đăng ký hoạt động. Điều kiện để tổ chức hành nghề luật sư, tổ chức tư vấn pháp luật đăng ký tham gia thực hiện trợ giúp pháp lý:
+ Tổ chức hành nghề luật sư có đủ điều kiện quy định tại các điểm a, c và d khoản 2 Điều 14 của Luật Trợ giúp pháp lý;
+ Tổ chức tư vấn pháp luật có đủ điều kiện quy định tại các điểm a, c và d khoản 2 Điều 14 của Luật Trợ giúp pháp lý và có ít nhất 01 tư vấn viên pháp luật có 02 năm kinh nghiệm tư vấn pháp luật trở lên hoặc 01 luật sư làm việc thường xuyên tại tổ chức.
2.  Kết quả thực hiện trợ giúp pháp lý của các tổ chức tham gia trợ giúp pháp lý
Các địa phương đã tích cực vận động, khuyến khích các tổ chức hành nghề luật sư, tư vấn pháp luật tham gia trợ giúp pháp lý. Đến nay đã có hơn 200 tổ chức tham gia trợ giúp pháp lý, trong đó tổ chức ký hợp đồng thực hiện trợ giúp pháp lý chiếm 16,9% và tổ chức đăng ký tham gia trợ giúp pháp lý chiếm 83,1%. Các tổ chức ký hợp đồng thực hiện trợ giúp pháp lý thực hiện được gần 200 vụ việc trợ giúp pháp lý (trong đó 99,5% vụ việc là vụ việc tham gia tố tụng và do luật sư thực hiện). Các tổ chức đăng ký tham gia trợ giúp pháp lý thực hiện được hơn 1.300 vụ việc trợ giúp pháp lý (90,48% vụ tư vấn, 9,1% vụ tham gia tố tụng, 0,4% vụ việc đại diện ngoài tố tụng). Các vụ việc trợ giúp pháp lý do các tổ chức, cá nhân tham gia trợ giúp pháp lý thực hiện được thẩm định, đánh giá đều đạt chất lượng trở lên. 
Có thể nói, mặc dù sự tham gia trợ giúp pháp lý của các tổ chức hành nghề luật sư, tư vấn pháp luật còn chưa nhiều nhưng đã có những tác dụng nhất định, không chỉ tạo thêm địa chỉ để người được trợ giúp pháp lý có thể lựa chọn tiếp cận và sử dụng mà còn tạo ra sự cạnh tranh lành mạnh hoặc hỗ trợ lẫn nhau giữa các tổ chức trợ giúp pháp lý của Nhà nước với tổ chức này để nâng cao chất lượng dịch vụ, góp phần thúc đẩy hoạt động trợ giúp pháp lý giúp cho các đối tượng được trợ giúp pháp lý có điều kiện tiếp cận với các hoạt động này.
3. Một số khó khăn, vướng mắc và đề xuất kiến nghị
  • Một số khó khăn, vướng mắc:
+ Số lượng các tổ chức tham gia trợ giúp pháp lý còn thấp. Số vụ việc do các tổ chức tham gia trợ giúp pháp lý thực hiện còn chưa nhiều, nhất là các tổ chức ký hợp đồng thực hiện trợ giúp pháp lý, chiếm tỷ lệ rất nhỏ trong tổng số vụ việc của các tổ chức thực hiện trợ giúp pháp lý thực hiện.
+ Việc cập nhật hoạt động của các tổ chức tham gia trợ giúp pháp lý còn chưa thường xuyên trên Hệ thống quản lý tổ chức và hoạt động trợ giúp pháp lý.
+ Việc đánh giá vụ việc trợ giúp pháp lý của các tổ chức tham gia trợ giúp pháp lý do cơ quan quản lý trợ giúp pháp lý đánh giá chưa được nhiều, công tác quản lý chất lượng, kiểm tra, thẩm định, đánh giá chất lượng vụ việc trợ giúp pháp lý của các tổ chức này còn chưa được quan tâm đúng mức.
  • Một số đề xuất, kiến nghị:
+ Sửa Luật Trợ giúp pháp lý theo hướng không quy định về tổ chức đăng ký tham gia trợ giúp pháp lý. Vì các tổ chức hành nghề luật sư, tổ chức tư vấn pháp luật này thực hiện dịch vụ pháp lý miễn phí tự nguyện và bằng nguồn lực của chính họ.
Đạo lý của việc ban hành Luật về trợ giúp pháp lý là việc Nhà nước có trách nhiệm bảo đảm công lý cho các đối tượng yếu thế, dễ bị tổn thương trong xã hội. Nhà nước đứng ra tổ chức thực hiện, trong khi dịch vụ pháp lý miễn phí là trách nhiệm xã hội của Luật sư, người hành nghề luật và do Liên đoàn Luật sư quản lý, hướng dẫn thực hiện. Vì vậy, Luật Trợ giúp pháp lý chỉ nên điều chỉnh các quan hệ xã hội về trợ giúp pháp lý do Nhà nước bảo đảm (Nhà nước trả tiền) mà không “lấn sân” sang các hoạt động dịch vụ pháp lý miễn phí do các chủ thể khác thực hiện trên cơ sở sử dụng nguồn lực của họ. Luật Trợ giúp pháp lý chỉ nên quy định về các tổ chức ký hợp đồng vì khi các tổ chức này đáp ứng các điều kiện theo quy định và được cơ quan trợ giúp pháp lý nhà nước lựa chọn ký hợp đồng thực hiện trợ giúp pháp lý thì sẽ tuân thủ quy định của Luật Trợ giúp pháp lý về đối tượng trợ giúp pháp lý, quy trình, hồ sơ, chất lượng vụ việc trợ giúp pháp lý và được chi trả kinh phí từ ngân sách nhà nước.
+  Tăng cường công tác kiểm tra, thẩm định, đánh giá chất lượng vụ việc trợ giúp pháp lý của các tổ chức tham gia trợ giúp pháp lý.
+ Nâng cao hiệu quả quản lý tổ chức và hoạt động trợ giúp pháp lý của các tổ chức tham gia trợ giúp pháp lý.  Sở Tư pháp và các Tổ chức tham gia thực hiện trợ giúp pháp lý cần tích cực và có trách nhiệm trong việc cập nhật dữ liệu về tổ chức, nhân sự của tổ chức tham gia trợ giúp pháp lý./.
Thanh Hà
 

[1] Thông tư số 08/2017/TT-BTP ngày 1511/2017 quy định chi tiết một số điều của Luật Trợ giúp pháp lý.
[2] Thông tư số 03/2021/TT-BTP ngày 25/5/2021 sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 08/2017/TT-BTP ngày 15 tháng 11 năm 2017 của Bộ trưởng Bộ Tư pháp quy định chi tiết một số điều của Luật Trợ giúp pháp lý và hướng dẫn giấy tờ trong hoạt động trợ giúp pháp lý; Thông tư số 12/2018/TT-BTP ngày 28 tháng 8 năm 2018 của Bộ trưởng Bộ Tư pháp hướng dẫn một số hoạt động nghiệp vụ trợ giúp pháp lý và quản lý chất lượng vụ việc trợ giúp pháp lý.
 

Xem thêm »