Nội dung trợ giúp pháp lý quy định trong Luật Phòng, chống bạo lực gia đình năm 2022

13/02/2023
Xem cỡ chữ Đọc bài viết In trang Google

Luật Phòng, chống bạo lực gia đình được Quốc hội khóa XV thông qua tại kỳ họp thứ 4 ngày 14/11/2022 và có hiệu lực thi hành từ 1/7/2023. Luật này gồm 6 chương, 56 điều, tăng 10 điều so với Luật phòng, chống bạo lực gia đình năm 2007, trong đó có một số điểm mới và nội dung về trợ giúp pháp lý. Bài viết xin giới thiệu như sau:

1. Một vài nội dung mới của Luật Phòng, chống bạo lực gia đình năm 2022
Theo Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch, Luật Phòng, chống bạo lực gia đình 2022 có những nội dung mới như sau:
- Tiếp cận dựa trên quyền con người: Luật phòng, chống bạo lực gia đình 2022 tiếp cận dựa trên quyền con người và lấy người bị bạo lực gia đình làm trung tâm, sửa đổi, bổ sung các hành vi bạo lực gia đình; nhóm đối tượng được áp dụng tương tự.
- Chủ động phòng ngừa bạo lực gia đình: Luật phòng, chống bạo lực gia đình 2022 thực hiện phòng ngừa bạo lực gia đình chủ động, trong phòng có chống, trong chống có phòng. Cụ thể, sửa đổi, bổ sung quy định về thông tin truyền thông, giáo dục; nội dung tư vấn, đối tượng cần tập trung tư vấn và quy định trách nhiệm của UBND các cấp trong việc bồi dưỡng kiến thức, kỹ năng trong phòng, chống bạo lực gia đình. Sửa đổi quy định về hòa giải nhằm tránh lợi dụng hòa giải để trốn tránh xử lý hành vi bạo lực gia đình; bổ sung "Tổng đài điện thoại quốc gia về phòng, chống bạo lực gia đình", trách nhiệm của Chủ tịch UBND cấp xã trong xử lý tin báo, tố giác về hành vi bạo lực gia đình và sử dụng âm thanh, hình ảnh về hành vi bạo lực gia đình.
- Sửa đổi, bổ sung các biện pháp bảo vệ, hỗ trợ, xử lý vi phạm trong phòng, chống bạo lực gia đình: Luật phòng, chống bạo lực gia đình 2022 sửa đổi, bổ sung các biện pháp bảo vệ, hỗ trợ, xử lý vi phạm trong phòng, chống bạo lực gia đình để khắc phục những bất cập của Luật 2007, đáp ứng yêu cầu của thực tiễn. Cụ thể, trong Luật có biện pháp yêu cầu người có hành vi bạo lực gia đình đến trụ sở Công an xã nơi xảy ra hành vi bạo lực gia đình; thẩm quyền cho Chủ tịch UBND cấp xã và Tòa án tự mình ban hành quyết định cấm tiếp xúc, đơn giản hóa thủ tục. Bên cạnh đó, quy định về giám sát việc thực hiện quyết định cấm tiếp xúc; biện pháp giáo dục, hỗ trợ chuyển đổi hành vi bạo lực gia đình; biện pháp "thực hiện công việc phục vụ cộng đồng"; bảo vệ người tham gia phòng, chống bạo lực gia đình và người báo tin, tố giác về bạo lực gia đình.
- Khuyến khích xã hội hóa công tác phòng, chống bạo lực gia đình: Cùng với đó, điểm mới của Luật phòng, chống bạo lực gia đình 2022 là khuyến khích xã hội hóa công tác phòng, chống bạo lực gia đình, đồng thời nâng cao trách nhiệm của Nhà nước trong bố trí nguồn lực cho phòng, chống bạo lực gia đình để hướng tới xây dựng và phát triển các cơ sở trợ giúp về phòng, chống bạo lực gia đình hoạt động chuyên nghiệp hiệu quả. Cụ thể, quy định về cơ sở trợ giúp phòng, chống bạo lực gia đình, cơ sở cung cấp dịch vụ trợ giúp phòng, chống bạo lực gia đình. Bên cạnh đó, bổ sung các quy định về điều kiện bảo đảm thực hiện phòng, chống bạo lực gia đình như quy định về kinh phí phòng, chống bạo lực gia đình, cơ sở dữ liệu về phòng, chống bạo lực gia đình, phối hợp liên ngành về phòng, chống bạo lực gia đình, kỹ năng tham gia phòng, chống bạo lực gia đình.
2. Một số nội dung về trợ giúp pháp lý được quy định tại Luật Phòng, chống bạo lực gia đình năm 2022
Những nội dung quy định về trợ giúp pháp lý được quy định tại Luật Phòng, chống bạo lực gia đình năm 2022 cũng là một trong những điểm mới so với Luật Phòng, chống bạo lực gia đình năm 2007. Xin giới thiệu những nội dung về trợ giúp pháp lý trong Luật Phòng, chống bạo lực gia đình năm 2022 như sau:
2.1. Quyền được trợ giúp pháp lý của người bị bạo lực gia đình
Theo quy định tại điểm d khoản 1 Điều 9 Luật Phòng, chống bạo lực gia đình năm 2022, người bị bạo lực gia đình được cung cấp dịch vụ trợ giúp pháp lý theo quy định của pháp luật.
Đồng thời, tại Điều 7 Luật Trợ giúp pháp lý năm 2017 quy định nạn nhân bạo lực gia đình có khó khăn về tài chính được trợ giúp pháp lý. Bên cạnh đó, nạn nhân bạo lực gia đình cũng được trợ giúp pháp lý khi thuộc một trong các trường hợp:
  • Nạn nhân bạo lực gia đình là người có công với cách mạng.
  • Nạn nhân bạo lực gia đình là người thuộc hộ nghèo.
  • Nạn nhân bạo lực gia đình là trẻ em.
  • Nạn nhân bạo lực gia đình người dân tộc thiểu số cư trú ở vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn.
  • Nạn nhân bạo lực gia đình thuộc 1 trong các trường hợp có khó khăn về tài chính sau: Cha đẻ, mẹ đẻ, vợ, chồng, con của liệt sĩ và người có công nuôi dưỡng khi liệt sĩ còn nhỏ; người nhiễm chất độc da cam; người cao tuổi; người khuyết tật; người từ đủ 16 tuổi đến dưới 18 tuổi là bị hại trong vụ án hình sự; nạn nhân của hành vi mua bán người theo quy định của Luật Phòng, chống mua bán người; người nhiễm HIV.
    1. Trợ giúp pháp lý được xác định là một trong những biện pháp ngăn chặn hành vi bạo lực gia đình và bảo vệ, hỗ trợ người bị bạo lực gia đình
Trợ giúp pháp lý là một trong những biện pháp ngăn chặn hành vi bạo lực gia đình và bảo vệ, hỗ trợ người bị bạo lực gia đình được quy định tại điểm e khoản 1 Điều 22 và khoản 1 Điều 30 Luật Phòng, chống bạo lực gia đình năm 2022. Theo đó, người bị bạo lực gia đình được Trung tâm trợ giúp pháp lý nhà nước hoặc tổ chức tham gia trợ giúp pháp lý cung cấp dịch vụ trợ giúp pháp lý theo quy định của pháp luật về trợ giúp pháp lý.
Đồng thời, tại Điều 27 Luật Trợ giúp pháp lý năm 2017 cũng quy định dịch vụ trợ giúp pháp lý được cung cấp theo các lĩnh vực, hình thức, phạm vi như sau:
- Về hình thức trợ giúp pháp lý: Người được trợ giúp pháp lý được trợ giúp pháp lý theo các hình thức sau đây:
+ Tư vấn pháp luật: là việc người thực hiện trợ giúp pháp lý hướng dẫn, đưa ra ý kiến, giúp soạn thảo văn bản liên quan đến tranh chấp, khiếu nại, vướng mắc pháp luật; hướng dẫn giúp các bên hòa giải, thương lượng, thống nhất hướng giải quyết.
+ Tham gia tố tụng: người thực hiện trợ giúp pháp lý bào chữa, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho người được trợ giúp pháp lý theo quy định của pháp luật.
+ Đại diện ngoài tố tụng: người thực hiện trợ giúp pháp lý đại diện cho người được trợ giúp pháp lý trước cơ quan nhà nước có thẩm quyền.
- Về lĩnh vực trợ giúp pháp lý: Người được trợ giúp pháp lý được hưởng dịch vụ trợ giúp pháp lý ở tất cả các lĩnh vực pháp luật (như hình sự, dân sự, hôn nhân gia đình, hành chính, chế độ chính sách...), trừ lĩnh vực kinh doanh, thương mại.
- Về phạm vi thực hiện trợ giúp pháp lý:
+ Trung tâm trợ giúp pháp lý nhà nước thực hiện trợ giúp pháp lý thuộc một trong các trường hợp sau đây: Người được trợ giúp pháp lý đang cư trú tại địa phương; vụ việc trợ giúp pháp lý xảy ra tại địa phương; vụ việc trợ giúp pháp lý do cơ quan có thẩm quyền về trợ giúp pháp lý ở Trung ương yêu cầu.
+ Tổ chức ký hợp đồng thực hiện trợ giúp pháp lý thực hiện trợ giúp pháp lý trong phạm vi hợp đồng.
+ Tổ chức đăng ký tham gia trợ giúp pháp lý thực hiện trợ giúp pháp lý trong phạm vi đăng ký.
2.3. Trung tâm trợ giúp pháp lý nhà nước và tổ chức tham gia trợ giúp pháp lý được xác định là một trong những cơ sở trợ giúp phòng, chống bạo lực gia đình
Trung tâm trợ giúp pháp lý nhà nước và tổ chức tham gia trợ giúp pháp lý được xác định là một trong những cơ sở trợ giúp phòng, chống bạo lực gia đình quy định tại điểm d khoản 2 Điều 35 và khoản 2 Điều 38 Luật Phòng, chống bạo lực gia đình năm 2022. Theo đó, Trung tâm trợ giúp pháp lý nhà nước, tổ chức tham gia trợ giúp pháp lý thực hiện cung cấp dịch vụ trợ giúp pháp lý cho người bị bạo lực gia đình theo quy định của pháp luật về trợ giúp pháp lý.
Đồng thời, tại Điều 10, 11 Luật Trợ giúp pháp lý năm 2017 cũng quy định rõ Trung tâm trợ giúp pháp lý nhà nước là đơn vị sự nghiệp công lập thuộc Sở Tư pháp, do Uỷ ban nhân dân cấp tỉnh thành lập, có tư cách pháp nhân, có con dấu, trụ sở và tài khoản riêng. Tổ chức tham gia trợ giúp pháp lý gồm tổ chức ký hợp đồng thực hiện trợ giúp pháp lý và tổ chức đăng ký tham gia trợ giúp pháp lý.
2.4. Quy định trách nhiệm của Bộ Tư pháp
Khoản 5 Điều 49 Luật Phòng, chống bạo lực gia đình năm 2022, Bộ Tư pháp được quy định có các trách nhiệm sau đây:
i) Phối hợp phổ biến, giáo dục pháp luật về phòng, chống bạo lực gia đình, bồi dưỡng kiến thức, kỹ năng cho người thực hiện trợ giúp pháp lý về phòng, chống bạo lực gia đình;
ii) hướng dẫn Trung tâm trợ giúp pháp lý nhà nước, tổ chức tham gia trợ giúp pháp lý thực hiện báo cáo thống kê trường hợp người bị bạo lực gia đình được trợ giúp pháp lý theo quy định của pháp luật về trợ giúp pháp lý.
Có thể nói, đây là những quy định trợ giúp pháp lý lần đầu được quy định tại Luật Phòng, chống bạo lực gia đình năm 2022. Các quy định này thể hiện sự đồng bộ trong hệ thống pháp luật Việt Nam giữa các quy định của Luật Trợ giúp pháp lý và Luật Phòng, chống bạo lực gia đình. Qua đó, góp phần bảo đảm quyền được trợ giúp pháp lý của nạn nhân bạo lực gia đình được tổ chức triển khai trên thực tế.
Trong thời gian qua, hoạt động trợ giúp pháp lý cho nạn nhân bạo lực gia đình cũng được quan tâm triển khai trên thực tế. Cùng với việc triển khai Luật Trợ giúp pháp lý và các văn bản quy định chi tiết, hướng dẫn thi hành Luật Trợ giúp pháp lý thì Bộ Tư pháp cũng đã kịp thời ban hành các văn bản triển khai chính sách liên quan đến trợ giúp pháp lý cho người bị bạo lực như: Triển khai Chiến lược phát triển gia đình Việt Nam đến năm 2030 và Chương trình về phòng, chống bạo lực gia đình trong tình hình mới đến năm 2025 (Công văn số 536/BTP-TGPL ngày 25/02/2022); Triển khai Chương trình Phòng ngừa và ứng phó với bạo lực trên cơ sở giới giai đoạn 2021 – 2025 (Công văn số 4878/BTP-TGPL ngày 23/12/2021).
Bên cạnh đó, Bộ Tư pháp cũng đã ban hành các văn bản hướng dẫn trợ giúp pháp lý cho nạn nhân mua bán người, trẻ em, người cao tuổi, người khuyết tật... trong đó có đề cập đến đối tượng là người bị bạo lực gia đình (như Công văn số 391/BTP-TGPL ngày 14/02/2022 triển khai Chương trình phòng, chống mua bán người, Quyết định 1731/QĐ-BTP ngày 17/01/2021 của Bộ trưởng Bộ Tư pháp về việc ban hành Kế hoạch triển khai thực hiện Chương trình hành động Quốc gia vì trẻ em giai đoạn 2021 – 2030; Quyết định số 1334/QĐ-BTP ngày 10/6/2022 của Bộ Tư pháp triển khai Quyết định số 2156/QĐ-TTg ngày 21/12/2021 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt chương trình hành động quốc gia về người cao tuổi giai đoạn 2021-2030) và các văn bản chỉ đạo khác có liên quan.
Triển khai các quy định, hướng dẫn trên, các Trung tâm trợ giúp pháp lý nhà nước các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương đã chủ động thực hiện các vụ việc trợ giúp pháp lý cho nạn nhân bị bạo lực gia đình thuộc diện được trợ giúp pháp lý, đặc biệt các vụ việc tham gia tố tụng, các vụ việc nổi cộm được dư luận xã hội chú ý, các phương tiện thông tin đại chúng như đài phát thanh, truyền hình, báo chí, mạng xã hội đưa tin; đẩy mạnh hoạt động truyền thông, nâng cao nhận thức của các cấp, các ngành và cộng đồng xã hội về quyền được trợ giúp pháp lý của các nhóm đối tượng nói chung và nạn nhân bị bạo lực gia đình nói riêng; tăng cường phối hợp với Sở Lao động - Thương binh và Xã hội, Ủy ban nhân dân cấp xã, Hội Bảo vệ quyền trẻ em, Hội phụ nữ, Hội người cao tuổi,..., các cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng, cơ quan báo chí, truyền thông trên địa bàn và các cơ quan, tổ chức có liên quan khác từ đó phát hiện, thông tin và phối hợp thực hiện trợ giúp pháp lý...
Hy vọng rằng, cùng với việc được quy định tại Luật Trợ giúp pháp lý và tiếp tục được ghi nhận tại Luật Phòng, chống bạo lực gia đình năm 2022, việc bảo đảm quyền được trợ giúp pháp lý cho người bị bạo lực gia đình thuộc diện được trợ giúp pháp lý sẽ càng được quan tâm, triển khai hiệu quả trên thực tế./.
Khả Hân
 

Xem thêm »