Xem cỡ chữ
Đọc bài viết
In trang
Quy định pháp luật về sự tham gia của xã hội vào hoạt động trợ giúp pháp lýTrợ giúp pháp lý là một trong những công việc để thực hiện chức năng xã hội của Nhà nước, thông qua hoạt động trợ giúp pháp lý, Nhà nước giúp người nghèo và các đối tượng yếu thế khác hiểu biết pháp luật, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, qua đó góp phần bảo đảm ổn định cuộc sống, cải thiện sinh kế. I. Nhu cầu thu hút nguồn lực xã hội tham gia vào hoạt động trợ giúp pháp lý
Trợ giúp pháp lý là việc cung cấp dịch vụ pháp lý miễn phí cho người được trợ giúp pháp lý trong vụ việc trợ giúp pháp lý theo quy định của Luật Trợ giúp pháp lý, góp phần bảo đảm quyền con người, quyền công dân trong tiếp cận công lý và bình đẳng trước pháp luật. Trợ giúp pháp lý là một trong những công việc để thực hiện chức năng xã hội của Nhà nước, thông qua hoạt động trợ giúp pháp lý, Nhà nước giúp người nghèo và các đối tượng yếu thế khác hiểu biết pháp luật, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, qua đó góp phần bảo đảm ổn định cuộc sống, cải thiện sinh kế. Chính sách xuyên suốt của Nhà nước đối với hoạt động trợ giúp pháp lý là ‘Trợ giúp pháp lý là trách nhiệm của Nhà nước”[1]. Để thực hiện trách nhiệm của mình, Nhà nước đã thành lập hệ thống các Trung tâm trợ giúp pháp lý tại các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương (63 Trung tâm); tuyển dụng đội ngũ cán bộ chuyên trách cung cấp dịch vụ trợ giúp pháp lý bố trí kinh phí cho hoạt động này. Đến nay, 63 Trung tâm trợ giúp pháp lý Nhà nước đã được củng cố, kiện toàn, các chi nhánh đã được rà soát bảo đảm hoạt động thực chất, hiệu quả. Đội ngũ trợ giúp viên pháp lý ngày càng lớn mạnh đến nay toàn quốc có 666 trợ giúp viên pháp lý). Tỷ trọng đội ngũ trợ giúp viên pháp lý từng bước được nâng lên, từ chiếm 45% tăng lên chiếm 58% trên tổng số người làm việc tại Trung tâm TGPL. Năng lực chuyên môn nghiệp vụ được nâng cao, tất cả các Trợ giúp viên pháp lý đều đáp ứng yêu cầu đào tạo nghề, hạng chức danh, thường xuyên bồi dưỡng trau dồi kỹ năng hành nghề, ngày càng thể hiện tính chuyên nghiệp. Hiện nay, tiêu chuẩn, điều kiện của Trợ giúp viên pháp lý và luật sư là tương đồng. Đến nay, đây là đội ngũ nòng cốt đảm nhận hầu hết các vụ việc TGPL bằng hình thức tham gia tố tụng. Nhiều Trợ giúp viên pháp lý thực hiện 70 - 90 vụ việc TGPL tham gia tố tụng/năm (năm 2020 có 01 trợ giúp viên pháp lý thực hiện 96 vụ/năm). Trong 3 năm gần đây (từ năm 2018 đến 2020) các trợ giúp viên pháp lý hoàn thành 83% tổng số vụ việc tham gia tố tụng, luật sư thực hiện 17%.
Sau 24 năm, các tổ chức thực hiện TGPL trên toàn quốc đã thực hiện được 2.304.252 vụ việc trợ giúp pháp lý miễn phí, trong đó có 212.052 vụ việc tham gia tố tụng. Nhiều vụ việc tham gia tố tụng có quan điểm bào chữa, bảo vệ của Trợ giúp viên pháp lý, luật sư thực hiện TGPL được các cơ quan tiến hành tố tụng chấp nhận, được tuyên mức án nhẹ hơn hoặc chuyển tội danh, thay đổi khung hình phạt thấp hơn so với mức đề nghị của Viện Kiểm sát, thậm chí được vô tội đã góp phần bảo đảm quyền và lợi ích hợp pháp cho người được trợ giúp pháp lý, củng cố niềm tin vào công lý. Hầu hết các vụ việc trợ giúp pháp lý được thẩm định, đánh giá đều đạt chất lượng trở lên.
Tuy nhiên, để triển khai hoạt động có hiệu quả, đặc biệt trong điều kiện người thuộc diện trợ giúp pháp lý ở Việt Nam rất rộng (14 nhóm đối tượng và chiếm khoảng 45% dân số) đòi hỏi các nguồn lực không nhỏ bao gồm nhân lực, tài chính, cơ sở vật chất,... trong khi đó nguồn nhân lực và tài chính của Nhà nước có hạn, Nhà nước cần huy động các nguồn lực xã hội tham gia vào hoạt động này. Các tổ chức, cá nhân tham gia hoạt động trợ giúp pháp lý cũng nhằm mục đích đa dạng hóa các kênh để người thuộc diện trợ giúp pháp lý tiếp cận và yêu cầu trợ giúp pháp lý (người dân có thể lựa chọn trong danh sách những tổ chức, cá nhân thực hiện trợ giúp pháp lý được công bố sao cho thuận lợi trong việc đi lại, phù hợp với tính chất vụ việc,...). Mặt khác, các tổ chức, cá nhân tham gia trợ giúp pháp lý có thể chủ động tiếp cận và khai thác nhu cầu trợ giúp pháp lý của người dân. Nhiều tổ chức thực hiện trợ giúp pháp lý, nhiều người thực hiện trợ giúp pháp lý sẽ tạo nhiều lựa chọn cho người dân, từ đó góp phần nâng cao chất lượng dịch vụ trợ giúp pháp lý của các tổ chức thực hiện trợ giúp pháp lý nói chung, Trung tâm trợ giúp pháp lý nhà nước, trợ giúp viên pháp lý nói riêng.
Chính sách huy động sự tham gia của xã hội vào hoạt động trợ giúp pháp lý ở Việt Nam cũng phù hợp với xu hướng chung của thế giới. Nhiều nước trên thế giới có có hệ thống của Nhà nước và có huy động sự tham gia của tổ chức, cá nhân khác như: Hàn Quốc, Nhật Bản, Mỹ, Úc, Trung Quốc, Anh,...
II. Quy định của pháp luật về huy động nguồn lực xã hội tham gia trợ giúp pháp lý
1. Quy định về chính sách thu hút xã hội tham gia trợ giúp pháp lý
Luật Trợ giúp pháp lý năm 2017 đã khẳng định rõ ràng, khá toàn diện chính sách và các giải pháp của Nhà nước nhằm thu hút hiệu quả các nguồn lực xã hội cho công tác trợ giúp pháp lý. Điều 4 đã dành 2 trong tổng số 4 chính sách của Nhà nước về trợ giúp pháp lý để thể hiện định hướng thu hút nguồn lực xã hội tham gia công tác trợ giúp pháp lý, đó là:
- Nhà nước có chính sách nâng cao chất lượng trợ giúp pháp lý, thu hút các nguồn lực thực hiện trợ giúp pháp lý (khoản 3).
- Nhà nước hỗ trợ, khuyến khích, ghi nhận và tôn vinh các cơ quan, tổ chức, cá nhân tham gia, đóng góp cho hoạt động trợ giúp pháp lý (khoản 4).
2. Đa dạng hóa chủ thể cung cấp dịch vụ trợ giúp pháp lý
Về tổ chức:
Theo quy định hiện nay thì các tổ chức tham gia trợ giúp pháp lý bao gồm: (1) tổ chức hành nghề luật sư và (2) tổ chức tư vấn pháp luật.
Các tổ chức tham gia trợ giúp pháp lý theo hai hình thức: (1) đăng ký tham gia với Sở Tư pháp, (2) ký hợp đồng thực hiện trợ giúp pháp lý với Sở Tư pháp. Các tổ chức tham gia trợ giúp pháp lý được thụ hưởng những quyền và thực hiện nghĩa vụ tương đồng như tổ chức trợ giúp pháp lý của Nhà nước và các quyền, nghĩa vụ riêng tùy hình thức tham gia trợ giúp pháp lý (Điều 13 Luật Trợ giúp pháp lý năm 2017). Chế định tổ chức hành nghề luật sư và tổ chức tư vấn pháp luật ký hợp đồng thực hiện trợ giúp pháp lý với Sở Tư pháp là một điểm mới về thu hút xã hội tham gia theo quy định của Luật Trợ giúp pháp lý năm 2017. Việc ký hợp đồng căn cứ vào nhu cầu trợ giúp pháp lý tại địa phương, nguồn lực đáp ứng của Trung tâm trợ giúp pháp lý. Tham gia trợ giúp pháp lý theo cơ chế này, tổ chức tham gia trợ giúp pháp lý được nhận thù lao vụ việc trợ giúp pháp lý theo quy định.
Về cá nhân:
Cá nhân tham gia trợ giúp pháp lý bao gồm: (1) Luật sư thực hiện trợ giúp pháp lý theo hợp đồng với Trung tâm trợ giúp pháp lý nhà nước; (2) luật sư thực hiện trợ giúp pháp lý theo phân công của tổ chức tham gia trợ giúp pháp lý; (3) Tư vấn viên pháp luật có 02 năm kinh nghiệm tư vấn pháp luật trở lên làm việc tại tổ chức tham gia trợ giúp pháp lý; (4) cộng tác viên trợ giúp pháp lý (khoản 1 Điều 17 Luật Trợ giúp pháp lý 2017).
Những người thực hiện trợ giúp pháp lý đều có quyền “Được bảo đảm thực hiện trợ giúp pháp lý độc lập, không bị đe dọa, cản trở, sách nhiễu hoặc can thiệp trái pháp luật” và “Được bồi dưỡng, tập huấn kỹ năng chuyên môn, nghiệp vụ trợ giúp pháp lý” (khoản 1 Điều 18).
Việc huy động xã hội tham gia trợ giúp pháp lý cũng đặt ra yêu cầu về sự tham gia thực chất cũng như bảo đảm chất lượng dịch vụ trợ giúp pháp lý, do đó, Luật Trợ giúp pháp lý năm 2017 (Điều 14, Điều 15) quy định các điều kiện cụ thể về tiêu chuẩn tham gia trợ giúp pháp lý của tổ chức hành nghề luật sư, tổ chức tư vấn pháp luật, cá nhân. Có thể nói, với những quy định chặt chẽ ngay từ khi xác định các tổ chức, cá nhân có quyền cung cấp dịch vụ trợ giúp pháp lý, Nhà nước đã thể hiện cam kết mạnh mẽ trong việc cung cấp dịch vụ pháp lý có chất lượng cho người nghèo, đối tượng chính sách và các đối yếu thế khác trong xã hội.
3. Quy định thù lao thực hiện vụ việc của tổ chức, cá nhân tham gia trợ giúp pháp lý
Một trong những chính sách để khuyến khích sự tham gia tích cực của người thực hiện TGPL, tổ chức tham gia trợ giúp pháp lý là quy định thù lao cho luật sư thực hiện vụ việc tham gia tố tụng, tư vấn pháp luật. Mức thù lao cho người thực hiện trợ giúp pháp lý luôn được quan tâm và thay đổi phù hợp với việc điều chỉnh lương tối thiểu, tăng chỉ số giá tiêu dùng. Đăc biệt, gần đây Chính phủ ban hành Nghị định số 80/2015/NĐ-CP ngày 17/9/2015 sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 14/2013/NĐ-CP của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Trợ giúp pháp lý và nay là Nghị định số 144/2017/NĐ-CP quy định chi tiết một số điều của Luật Trợ giúp pháp lý năm 2017. Các văn bản này đã có quy định tăng mức thù lao, bồi dưỡng đối với người thực hiện trợ giúp pháp lý.
Vụ việc trợ giúp pháp lý bằng hình thức tham gia tố tụng, luật sư ký hợp đồng thực hiện trợ giúp pháp lý với Trung tâm được hưởng thù lao theo buổi làm việc (1/2 ngày làm việc) là 0,38 mức lương cơ sở/buổi làm việc nhưng tối đa không quá 30 buổi làm việc/vụ việc hoặc theo hình thức khoán chi vụ việc với mức tối thiểu bằng 03 mức lương cơ sở/vụ việc và mức tối đa không quá 10 mức lương cơ sở/vụ việc (căn cứ vào tính chất phức tạp, yêu cầu tố tụng và nội dung của từng vụ việc cụ thể). Vụ việc trợ giúp pháp lý bằng hình thức đại diện ngoài tố tụng, luật sư ký hợp đồng thực hiện trợ giúp pháp lý với Trung tâm được hưởng thù lao là 0,31 mức lương cơ sở/buổi làm việc nhưng tối đa không quá 20 buổi làm việc/vụ việc. Vụ việc trợ giúp pháp lý bằng hình thức tư vấn pháp luật, luật sư, cộng tác viên trợ giúp pháp lý ký hợp đồng thực hiện trợ giúp pháp lý với Trung tâm được hưởng thù lao từ 0,08 - 0,15 mức lương cơ sở/văn bản tư vấn pháp luật tùy tính chất phức tạp và nội dung của vụ việc. So với thù lao cho luật sư tham gia tố tụng theo yêu cầu của cơ quan tiến hành tố tụng quy định tại Thông tư số 191/2014/TTLT-BTC-BTP[2].
4. Thủ tục tham gia trợ giúp pháp lý được nghiên cứu theo hướng đơn gian, thuận lợi hơn cho tổ chức, cá nhân tham gia trợ giúp pháp lý
Để hướng dẫn chi tiết, cụ thể về việc ký hợp đồng, đăng ký tham gia trợ giúp pháp lý, ngày 15/11/2017, Bộ Tư pháp đã ban hành Thông tư số 08/2017/TT-BTP quy định chi tiết một số điều của Luật TGPL và hướng dẫn giấy tờ trong hoạt động trợ giúp pháp lý để các địa phương triển khai thực hiện đồng bộ, thống nhất trên toàn quốc. Qua thực tiễn hơn 3 năm triển khai, tiếp thu nghiên cứu một số đề xuất về việc đơn giản hơn nữa thủ tục, rút ngắn thời gian để các tổ chức, cá nhân tham gia trợ giúp pháp lý, Bộ Tư pháp đã kịp thời sửa đổi pháp luật cho phù hợp. Ngày 25/5/2021, Bộ Tư pháp đã ban hành Thông tư số 03/2021/TT-BTP sửa đổi Thông tư số 08/2017/TT-BTP hướng dẫn Luật TGPL và hướng dẫn giấy tờ trong hoạt động TGPL; Thông tư số 12/2018/TT-BTP hướng dẫn một số hoạt động nghiệp vụ TGPL và quản lý chất lượng vụ việc trợ giúp pháp lý, trong đó đã có những quy định tạo thuận lợi hơn cho tổ chức, cá nhân tham gia trợ giúp pháp lý. Cụ thể, Thông tư đã rút ngắn thời gian đánh giá hồ sơ của tổ chức, cá nhân ký hợp đồng thực hiện trợ giúp pháp lý từ 15 ngày xuống còn 10 ngày kể từ ngày hết hạn nộp hồ sơ. Ngoài ra, Thông tư bổ sung thời hạn kéo dài thời gian ký hợp đồng với cộng tác viên trợ giúp pháp lý trong trường hợp có lý do chính đáng không quá 35 ngày kể từ ngày được cấp thẻ. Đồng thời, bổ sung thời hạn luật sư, tổ chức ký hợp đồng với Trung tâm, Sở Tư pháp là không quá 15 ngày kể từ ngày nhận được thông báo trong trường hợp có lý do chính đáng. Một trong những điểm mới đáng chú ý của Thông tư là bỏ quy định về phụ lục hợp đồng để tạo điều kiện thuận lợi cho luật sư, tổ chức trong quá trình ký hợp đồng thực hiện trợ giúp pháp lý.
Để đa dạng hóa các hình thức nộp hồ sơ của luật sư đồng thời tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin và giảm thiểu thủ tục hành chính trong công tác trợ giúp pháp lý, Thông tư bổ sung thêm quy định: “Trường hợp hồ sơ được gửi qua thư điện tử thì thời điểm nộp hồ sơ là thời điểm hồ sơ đã gửi đến thư điện tử của Trung tâm. Nếu thời điểm hồ sơ gửi đến thư điện tử của Trung tâm ngoài giờ hành chính thì thời điểm nộp được tính là thời điểm bắt đầu từ ngày, giờ hành chính kế tiếp”. Thông tư cũng quy định nội dung này khi tổ chức nộp hồ sơ để lựa chọn, ký hợp đồng với Sở Tư pháp, cụ thể: “Trường hợp hồ sơ được gửi qua thư điện tử thì thời điểm nộp hồ sơ là thời điểm hồ sơ đã gửi đến thư điện tử của Sở Tư pháp. Nếu thời điểm nộp hồ sơ qua thư điện tử ngoài giờ hành chính thì thời điểm nộp được tính là thời điểm bắt đầu từ ngày, giờ hành chính kế tiếp”.
5. Huy động nguồn đóng góp tài chính của xã hội cho hoạt động trợ giúp pháp lý
Điều 5 Luật Trợ giúp pháp lý năm 2017 xác định nguồn tài chính cho công tác TGPL, bao gồm nguồn ngân sách nhà nước; đóng góp, tài trợ của tổ chức, cá nhân trong nước, ngoài nước và các nguồn hợp pháp khác.
6. Huy động thông qua sự phối hợp với các tổ chức
Bên cạnh đó, để đẩy mạnh đa dạng hóa chủ thể tham gia trợ giúp pháp lý, Bộ Tư pháp và Liên đoàn Luật sư Việt Nam đã ký Quy chế phối hợp số 4617/QCPH/BTP-LĐLSVN ngày 28/12/2016 về hoạt động trợ giúp pháp lý của luật sư, trong đó quy định có nội dung phối hợp trong việc giới thiệu và lựa chọn luật sư tham gia TGPL, đánh giá chất lượng TGPL. Căn cứ vào Quy chế phối hợp này, Sở Tư pháp các tỉnh, thành phố phối hợp hoặc chỉ đạo Trung tâm nhà nước trong phạm vi thẩm quyền của mình phối hợp với Đoàn luật sư xây dựng quy chế phối hợp trong công tác TGPL với những hoạt động cụ thể phù hợp với điều kiện thực tiễn của các địa phương. Ngoài ra, Bộ Tư pháp cũng đã ký kết với các chương trình phối hợp với Hội Luật gia Việt Nam giai đoạn 2018 - 2023 (Số 2727/CTPH-BTP-HLGVN ngày 25/7/2018), với Trung ương Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh giai đoạn 2018-2022 (số 4144/CTr-BTP-TWĐTN ngày 29/10/2018)... trong đó có phối hợp trong việc thông tin, giới thiệu người được trợ giúp pháp lý đến Trung tâm trợ giúp pháp lý nhà nước. Đến nay, nhiều địa phương (25 tỉnh) ký Quy chế phối hợp với Đoàn luật sư tỉnh/thành phố.
Như vậy, có thể thấy các biện pháp thu hút các tổ chức xã hội tham gia trợ giúp pháp lý vừa nhằm giúp đa dạng hóa các chủ thể thực hiện trợ giúp pháp lý vừa tạo nhiều kênh để người dân có thể tiếp cận dịch vụ trợ giúp pháp lý. Đây cũng là một trong những giải pháp để xã hội có thể tham gia rộng rãi hơn, có trách nhiệm hơn đối với hoạt động này. Việc đa dạng hóa chủ thể cung cấp dịch vụ với các cơ chế này sẽ thu hút và lựa chọn được các tổ chức có các điều kiện đáp ứng yêu cầu trợ giúp pháp lý của người dân, vừa bảo đảm yêu cầu quản lý, nâng cao trách nhiệm của tổ chức thực hiện trợ giúp pháp lý và sử dụng có hiệu quả kinh phí của Nhà nước.
III. Kết quả huy động xã hội tham gia trợ giúp pháp lý
Đến nay, theo số liệu báo cáo cả nước có 40 tổ chức ký hợp đồng thực hiện trợ giúp pháp lý với Sở Tư pháp, bao gồm: 31 tổ chức hành nghề luật sư, 09 tổ chức tư vấn pháp luật; có 193 tổ chức đăng ký tham gia trợ giúp pháp lý với Sở Tư pháp, bao gồm: 160 tổ chức hành nghề luật sư, 33 tổ chức tư vấn pháp luật (158 luật sư và 94 tư vấn viên pháp luật); 678 cá nhân luật sư và 41 cộng tác viên trợ giúp pháp lý ký hợp đồng thực hiện trợ giúp pháp lý với Trung tâm trợ giúp pháp lý nhà nước. Qua thống kê của các địa phương cho thấy trong 3 năm qua (2018-2020) một số luật sư ký hợp đồng với Trung tâm trợ giúp pháp lý rất tích cực tham gia thực hiện vụ việc tố tụng (luật sư Phùng Việt Hoa thực hiện tại Điện Biên thực hiện 53 vụ, luật sư Nguyễn Ninh tại Phú Yên thực hiện 52 vụ, luật sư Đàm Mạnh Hùng tại Sơn La thực hiện 50 vụ,…).
Tuy nhiên, có thể thấy số lượng các tổ chức, cá nhân tham gia cũng còn chưa nhiều, vụ việc do các tổ chức, cá nhân thực hiện còn hạn chế, chủ yếu chỉ mới luật sư ký hợp đồng tham gia thực hiện vụ việc[3]. Việc huy động đội ngũ chuyên gia pháp luật, luật sư, người thực hiện trợ giúp pháp lý có nhiều kinh nghiệm tham gia vào quá trình đánh giá chất lượng vụ việc trợ giúp pháp lý chưa được triển khai nhiều ở một số địa phương trên toàn quốc. Do đó, hiệu quả của việc triển khai các văn bản phối hợp (quy chế, chương trình, kế hoạch....) chưa cao, đôi khi mới chỉ dừng lại các hoạt động như hội nghị triển khai, sơ kết, tổng kết... mà chưa có các hoạt động thực tế huy động các lực lượng xã hội tham gia tích cực công tác trợ giúp pháp lý.
Có thể do nhiều nguyên nhân khác nhau dẫn đến các cá nhân, tổ chức chưa tích cực tham gia vào công tác trợ giúp pháp lý như thủ tục chi trả thù lao, chi phí thực hiện vụ việc trợ giúp pháp lý chưa thực sự phù hợp; thù lao, chí phí thực hiện vụ việc trợ giúp pháp lý còn thấp so với mức chi trả ngoài thị trường; chưa có cơ chế khen thưởng, vinh danh đối với các cá nhân, tổ chức tích cực tham gia hoạt động trợ giúp pháp lý ... nên chưa thực sự hấp dẫn luật sư, các tổ chức hành nghề luật sư, tổ chức tư vấn pháp luật. Ngoài ra, còn có nguyên nhân khách quan khác như nhiều luật sư không hành nghề mà làm các công việc khác hoặc có luật sư hành nghề nhưng họ không thực hiện các vụ việc tham gia tố tụng.
IV. Một số định hướng để tiếp tục huy động xã hội tham gia trợ giúp pháp lý
Nghiên cứu có quy định cụ thể để khuyến khích, tôn vinh, động viên cơ quan, tổ chức, cá nhân tham gia, đóng góp cho hoạt động trợ giúp pháp lý.
- Bộ Tư pháp phối hợp với cơ quan trung ương của các tổ chức xã hội nghiên cứu cơ chế chia sẻ kinh nghiệm thực tiễn trong việc tổ chức hoạt động trợ giúp pháp lý và thực hiện trợ giúp pháp lý của các tổ chức xã hội, cơ chế phối hợp tập huấn, nâng cao năng lực thực hiện trợ giúp pháp lý cho các thành viên, hội viên của các tổ chức xã hội.
- Các tổ chức chính trị- xã hội, chính trị- xã hội- nghề nghiệp cần có giải pháp để phát động, động viên thành viên, hội viên của tổ chức có đóng góp cho xã hội thông qua việc tham gia trợ giúp pháp lý, coi đây là trách nhiệm xã hội đối với cộng đồng.
[1] Khoản 1 Điều 4 Luật TGPL năm 2006 và khoản 1 Điều 4 Luật TGPL năm 2017
[2] Mức thù lao chi trả cho 01 ngày làm việc của luật sư tham gia tố tụng trong vụ án do cơ quan tiến hành tố tụng yêu cầu là 0,4 lần mức lương cơ sở do Chính phủ quy định.
[3] Theo báo cáo của các địa phương thì trong năm 2020, các luật sư, tư vấn viên pháp luật, cộng tác viên TGPL mới tham gia hoàn thành một phần nhỏ trong tổng số vụ việc TGPL (4.575/tổng số 24.566 vụ việc).
Phan Thị Thu Hà, Trưởng phòng Chính sách và quản lý nghiệp vụ, Cục Trợ giúp pháp lý