Quyền được trợ giúp pháp lý lần đầu tiên được ghi nhận trong các văn bản pháp luật về tố tụng

17/04/2016
Xem cỡ chữ Đọc bài viết In trang Google

Trong những tháng cuối của năm 2015, Quốc hội đã đồng loạt thông qua một số Bộ luật quan trọng, trong đó ghi nhận về quyền được trợ giúp pháp lý của người dân.

Cụ thể, Bộ luật Tố tụng hình sự đã ghi nhận Trợ giúp viên pháp lý là người bào chữa (Điều 72), người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của người bị tố giác, bị kiến nghị khởi tố (Điều 83), người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của bị hại, đương sự  (, Điều 84). Bộ luật tố tụng hình sự cũng chia sẻ trách nhiệm thực hiện bào chữa theo án chỉ định cho Trung tâm trợ giúp pháp lý nhà nước. Theo đó tại Điều 76 của Bộ luật thì đối với người thuộc diện được trợ giúp pháp lý là: Bị can, bị cáo về tội mà Bộ luật hình sự quy định mức cao nhất của khung hình phạt là 20 năm tù, tù chung thân, tử hình; người bị buộc tội có nhược điểm về thể chất mà không thể tự bào chữa; người có nhược điểm về tâm thần hoặc là người dưới 18 tuổi thì Trung tâm phải cử người bào chữa cho họ theo đề nghị hoặc yêu cầu của cơ quan tiến hành tố tụng.

Bên cạnh đó, Bộ luật Tố tụng hình sự quy định trách nhiệm thông báo, giải thích và bảo đảm thực hiện quyền được trợ giúp pháp lý: trong trường hợp người bị buộc tội, người bị hại thuộc diện được trợ giúp pháp lý thì cơ quan, người có thẩm quyền tiến hành tố tụng có trách nhiệm giải thích cho họ quyền được trợ giúp pháp lý; nếu họ đề nghị được trợ giúp pháp lý thì cơ quan, người có thẩm quyền tiến hành tố tụng thông báo cho Trung tâm trợ giúp pháp lý nhà nước. Việc thông báo, giải thích phải được ghi vào biên bản (Điều 71 của Bộ luật).

Lần đầu, tại Bộ luật Tố tụng dân sự thừa nhận “Nhà nước có trách nhiệm bảo đảm trợ giúp pháp lý cho các đối tượng theo quy định của pháp luật để họ thực hiện quyền bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp trước Tòa án” (khoản 3, Điều 9) và quy định Thẩm phán có trách nhiệm “Giải thích, hướng dẫn cho đương sự biết để họ thực hiện quyền được yêu cầu trợ giúp pháp lý theo quy định của pháp luật về trợ giúp pháp lý” (khoản 6, Điều 48). Đồng thời, Luật tố tụng hành chính (khoản 3, Điều 19 và khoản 6, Điều 38), Luật thi hành tạm giữ, tạm giam (khoản 4, Điều 8 và Điểm đ, khoản 1, Điều 9) cũng đều đã quy định nguyên tắc bảo đảm quyền được trợ giúp pháp lý, nghiêm cấm cản trở quyền được trợ giúp pháp lý, giải thích hướng dẫn cho người bị tạm giữ, tạm giam, các đương sự biết để họ thực hiện quyền được yêu cầu trợ giúp pháp lý bên cạnh việc tiếp tục khẳng định Trợ giúp viên pháp lý và luật sư cộng tác viên trợ giúp pháp lý làm người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của đương sự.

Như vậy, lần đầu tiên trong nền pháp luật Việt Nam, cùng một lúc nhiều Bộ luật tố tụng quan trọng đã cùng ghi nhận hai nội dung liên quan đến công tác trọ giúp pháp lý:

 Thứ nhất, về giải thích quyền được trợ giúp pháp lý. Mặc dù, Luật Trợ giúp pháp lý 2006 và một số văn bản pháp luật có liên quan đã ra đời từ nhiều năm nay có quy định về quyền được trợ giúp pháp lý. Tuy nhiên khi triển khai các hoạt động trợ giúp pháp lý trong tố tụng vẫn còn một số vấn đề vướng mắc, các cơ quan tiến hành tố tụng, người tiến hành tố tụng chưa thật sự quan tâm thực hiện. Với những quy định mới này sẽ càng tăng cường thêm trách nhiệm của các cơ quan tiến hành tố tụng, người tiến hành tố tụng trong việc hướng dẫn, giải thích cho người thuộc diện được trợ giúp pháp lý được tiếp cận với chính sách trợ giúp pháp lý của Nhà nước.

Thứ hai, quy định chức danh Trợ giúp viên pháp lý là một trong những người bào chữa có tính chất bắt buộc đối với các vụ án có Bị can, bị cáo về tội mà Bộ luật hình sự quy định mức cao nhất của khung hình phạt là 20 năm tù, tù chung thân, tử hình; người bị buộc tội có nhược điểm về thể chất mà không thể tự bào chữa; người có nhược điểm về tâm thần hoặc là người dưới 18 tuổi phạm tội. 

Với những quy định mới trên đây về ví trị pháp lý của người Trợ giúp viên pháp lý, quyền được trợ giúp pháp lý trong một số chế định luật quan trọng sẽ là hành lang, cơ sở pháp lý quan trọng để Trợ giúp viên pháp lý thực hiện hoạt động trợ giúp pháp lý phát huy khi thực hiện nhiệm vụ, để công tác trợ giúp pháp lý thật sự trở thành địa chỉ quen thuộc cho nhân dân tìm đến khi có yêu cầu, trở thành nơi tin cậy khi họ cần chia sẻ và làm tăng lòng tin của nhân dân đối với Đảng và Nhà nước./.

                                                                            Ngọc Linh

Xem thêm »