Tây Ninh - Kết quả hoạt động trợ giúp pháp lý năm 2015

20/04/2016
Xem cỡ chữ Đọc bài viết In trang Google

Từ ngày 01/01/2015 đến ngày 31/12/2015, Trung tâm trợ giúp pháp lý nhà nước tỉnh Tây Ninh đã thực hiện được 729 vụ, trong đó: tư vấn pháp luật: 585; tham gia tố tụng: 142; đại diện ngoài tố tụng: 02. Tổng số người được trợ giúp pháp lý là 748, trong đó: người nghèo: 13; người có công: 43; người già: 01; người khuyết tật: 03; đồng bào dân tộc: 04; trẻ em: 116; khác: 568.

Trung tâm phối hợp với Phòng Tư pháp huyện Dương Minh Châu và huyện Châu Thành tham gia sinh hoạt với 10 Câu lạc bộ trợ giúp pháp lý để hướng dẫn, chỉ đạo về nghiệp vụ cho Câu lạc bộ Trợ giúp pháp lý hoạt động có hiệu quả. So với Kế hoạch năm 2015, Trung tâm đạt 112%, vượt chỉ tiêu.

Trong năm 2015, Trung tâm đã tổ chức 01 Hội nghị tập huấn nghiệp vụ trợ giúp pháp lý và triển khai một số văn bản pháp luật cho thành viên ban chủ nhiệm các Câu lạc bộ trợ giúp pháp lý trên toàn tỉnh nhằm tăng cường kỹ năng nghiệp vụ trợ giúp pháp lý cho đối tượng này. Số đại biểu tham dự là 138 người, trong đó nam 90, nữ 48.Tổ chức TGPL lưu động được 79 đợt, có 4.220 người tham dự; đã cấp phát 29.333 tờ gấp các loại; tư vấn, giải đáp thắc mắc được 177 ý kiến. Đánh giá chất lượng vụ việc 01 đợt, số lượng vụ việc đánh giá: 24 vụ/73 vụ việc hoàn thành, trong đó: số vụ việc tư vấn pháp luật: 03 vụ/7 vụ việc; số vụ việc tham gia tố tụng: 21 vụ/66 vụ việc. Kết quả số lượng vụ việc trợ giúp pháp lý đạt chất lượng tốt: 24 vụ việc/tổng số 24 vụ việc đánh giá (chiếm tỷ lệ 100%).

Trung tâm đã biên soạn và in ấn tài liệu pháp luật 07 loại gồm 44.500 cuốn sổ tay, tài liệu pháp luật như: một số quy định của Luật hộ tịch về đăng ký khai sinh, kết hôn, khai tử; thay đổi, cải chính, bổ sung hộ tịch; Tài liệu hỏi – đáp Luật khiếu nại; một số quy định của pháp luật về bảo hiểm y tế và Bảng thông tin trợ giúp pháp lý miễn phí; trình tự, thủ tục đăng ký đất đai, tài sản gắn liền với đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất, giải quyết tranh chấp đất đai; một số quy định của Luật Hôn nhân và gia đình; quy định của pháp luật về căn cước công dân.

Trang bị lại Bảng thông tin, Hộp tin về trợ giúp pháp lý tại một số xã thuộc hai huyện Dương Minh Châu và Tân Châu, Hội Người mù tỉnh, Văn phòng Cơ quan Cảnh sát Điều tra – Công an tỉnh.

Để tổ chức thực hiện Kế hoạch triển khai thực hiện Đề án đổi mới công tác trợ giúp pháp lý giai đoạn 2015 – 2025 trên địa bàn tỉnh Tây Ninh, Trung tâm đã tham mưu Sở Tư pháp có Công văn gửi Uỷ ban nhân dân các huyện Châu Thành, Dương Minh Châu, Tân Biên, Tân Châu, Bến Cầu, Trảng Bàng về việc rà soát đánh giá hiệu quả hoạt động của các Câu lạc bộ trợ giúp pháp lý. Qua đó, đề xuất kiến nghị đối với hoạt động của các Câu lạc bộ trợ giúp pháp lý đang hoạt động. Đồng thời, Trung tâm cũng đã tham mưu Sở Tư pháp trình Chủ tịch UBND tỉnh quyết định giải thể hoạt động của Chi nhánh số 1 đặt tại huyện Bến Cầu.

Ngoài ra, Trung tâm còn tham mưu Sở Tư pháp – Cơ quan thường trực Hội đồng phối hợp liên ngành về trợ giúp pháp lý trong hoạt động tố tụng ban hành kế hoạch phối hợp thực hiện trợ giúp pháp lý trong hoạt động tố tụng năm 2015; ban hành kế hoạch kiểm tra việc thực hiện Thông tư liên tịch số 11/2013/TTLT-BTP-BCA-BQP-BTC-VKSNDTC-TANDTC tại một số cơ quan tiến hành tố tụng trên địa bàn tỉnh năm 2015 và thông báo kết luận gửi cho các đơn vị được kiểm tra. Giúp Sở Tư pháp tham mưu Hội đồng báo cáo kết quả thực hiện Thông tư liên tịch số 11/2013/TTLT-BTP-BCA-BQP-BTC-VKSNDTC-TANDTC ngày 04/7/2013 của Bộ Tư pháp, Bộ Công an, Bộ Quốc phòng, Bộ Tài chính, Viện Kiểm sát nhân dân tối cao, Tòa án nhân dân tối cao về việc hướng dẫn thực hiện một số quy định của pháp luật về trợ giúp pháp lý trong hoạt động tố tụng năm 2015.

Một trong những điểm nổi bật của năm 2015 đó là các Trợ giúp viên pháp lý tích cực tham gia tố tụng, sẵn sàng nhận các việc khó khăn phức tạp, trên cơ sở quy định của pháp luật quyết tâm bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của người được trợ giúp pháp lý. Từng bước đã khẳng định được vai trò, vị trí, ý nghĩa của công tác trợ giúp pháp lý trong đời sống xã hội.

Mặc dù công tác trợ giúp pháp lý trên địa bàn tỉnh đã đạt được những kết quả khích lệ nhưng cũng gặp khó khăn hạn chế nhất định, ảnh hưởng đến hoạt động trợ giúp pháp lý ở địa phương như: việc phối kết hợp giữa các cơ quan tiến hành tố tụng về căn bản có thực hiện nhưng chưa thật sự gắn kết chặt chẽ trong việc trao đổi thông tin giữa các ngành với nhau; một số cơ quan tiến hành tố tụng, người tiến hành tố tụng, cán bộ tiếp công dân ở một số cơ quan nhà nước chưa thực hiện hết chức trách, nhiệm vụ của mình theo quy định để người thuộc diện được trợ giúp pháp lý thụ hưởng được chính sách trợ giúp pháp lý miễn phí của nhà nước; một số cấp ủy, chính quyền địa phương ở cơ sở chưa thật sự quan tâm, chưa hiểu rõ về chức năng, ý nghĩa, mục đích của công tác trợ giúp pháp lý dẫn đến một số người thuộc diện được trợ giúp pháp lý có nhu cầu nhưng chưa được hướng dẫn tiếp cận với chính sách trợ giúp pháp lý.

Từ những khó khăn, tồn tại trên đây, Trung tâm đề xuất Cục Trợ giúp pháp lý sớm tham mưu, đề xuất với cơ quan có thẩm quyền sớm ban hành Luật Trợ giúp pháp lý (sửa đổi) và các văn bản có liên quan vì Luật Trợ giúp pháp lý là căn cứ pháp lý quan trọng để Trung tâm hoạt động có hiệu quả.

                                                                            Ngọc Linh

Xem thêm »