Xác định thời điểm kết thúc vụ việc trợ giúp pháp lý

04/10/2018
Xem cỡ chữ Đọc bài viết In trang Google

Xác định thời điểm kết thúc vụ việc trợ giúp pháp lý có ý nghĩa quan trọng trong việc triển khai thực hiện nghiệp vụ trợ giúp pháp lý, việc thống kê vụ việc trợ giúp pháp lý, tính chỉ tiêu vụ việc tham gia tố tụng cho Trợ giúp viên pháp lý và trong việc chi trả thù lao, đánh giá chất lượng vụ việc trợ giúp pháp lý. Do đó, vấn đề này được các địa phương quan tâm, nhất là khi văn bản quy phạm pháp luật về trợ giúp pháp lý đang có các quy định chưa đồng nhất, cụ thể, tại điểm 2, mục IV phần A Thông tư số 05/2008/TT-Bộ Tư pháp ngày 23/9/2008 hướng dẫn về nghiệp vụ trợ giúp pháp lý và quản lý nhà nước về trợ giúp pháp lý quy định:"vụ việc trợ giúp pháp lý được coi là hoàn thành khi yêu cầu của người được trợ giúp pháp lý đã được đáp ứng, kết thúc vụ việc hoặc đã được tư vấn pháp luật, được giúp đỡ, hỗ trợ nghiệp vụ theo quy định của pháp luật và người thực hiện trợ giúp pháp lý đã hoàn tất các giấy tờ, tài liệu có liên quan trong hồ sơ vụ việc trợ giúp pháp lý phù hợp với từng hình thức trợ giúp pháp lý". Trong phần giải thích các biểu mẫu về trợ giúp pháp lý tại Thông tư số 04/2016/TT-BTP ngày 03/3/201 quy định một số nội dung về hoạt động thống kê của Ngành Tư pháp, có nêu khi tính là một vụ việc trợ giúp pháp lý, cần chú ý: Trong một vụ việc nếu có bao nhiêu người được trợ giúp pháp lý có đơn yêu cầu được trợ giúp pháp lý thì sẽ tính là bấy nhiêu vụ việc trợ giúp pháp lý; một vụ việc trải qua hai cấp xét xử (sơ thẩm và phúc thẩm) thì sẽ được tính là 02 vụ việc trợ giúp pháp lý; trường hợp cơ quan tiến hành tố tụng đình chỉ vụ án ở bất kỳ giai đoạn nào trong quá trình tố tụng thì vẫn được coi là một vụ việc trợ giúp pháp lý; trường hợp cơ quan tiến hành tố tụng tạm đình chỉ vụ án, khi căn cứ tạm đình chỉ không còn, vụ án tiếp tục được giải quyết thì chỉ tính là 01 vụ việc trợ giúp pháp lý.

Do đó, việc xác định thống nhất thời điểm vụ việc trợ giúp pháp lý có ý nghĩa quan trọng trong việc thực hiện các hoạt động nghiệp vụ, nhất là trong quá trình triển khai Luật Trợ giúp pháp lý năm 2017.
Vụ việc trợ giúp pháp lý
Trước hết xác định thế nào là vụ việc trợ giúp pháp lý theo quy định Luật Trợ giúp pháp lý năm 2017. Tại Điều 2 Luật Trợ giúp pháp lý đã nêu rõ, trợ giúp pháp lý là việc cung cấp dịch vụ pháp lý miễn phí cho người được trợ giúp pháp lý trong vụ việc trợ giúp pháp lý theo quy định của Luật Trợ giúp pháp lý, góp phần bảo đảm quyền con người, quyền công dân trong tiếp cận công lý và bình đẳng trước pháp luật.
Vụ việc trợ giúp pháp lý phải đáp ứng các quy định của Luật Trợ giúp pháp lý, vì đó là yêu cầu trợ giúp pháp lý được tổ chức thực hiện trợ giúp pháp lý thụ lý. Tại Luật Trợ giúp pháp lý đã quy định yêu cầu trợ giúp pháp lý chỉ được thụ lý khi có vụ việc cụ thể liên quan trực tiếp đến quyền và lợi ích hợp pháp của người được trợ giúp pháp lý quy định tại Điều 7 và phù hợp với quy định của Luật Trợ giúp pháp lý (khoản 1 Điều 30); phạm vi thực hiện trợ giúp pháp lý (Điều 26); lĩnh vực, hình thức trợ giúp pháp lý (Điều 27); vụ việc trợ giúp pháp lý không thuộc trường hợp phải từ chối (khoản 3 Điều 30); hồ sơ vụ việc trợ giúp pháp lý (Điều 38).
Trong Luật Trợ giúp pháp lý, thời điểm "hoàn thành" hoặc "kết thúc" của vụ việc trợ giúp pháp lý được đề cập đến trong một số trường hợp (như tại khoản 3 Điều 16, khoản 3 Điều 37, khoản 1 Điều 39, khoản 3 Điều 48) và đều mang ý nghĩa như nhau, đều chỉ thời điểm vụ việc trợ giúp pháp lý chấm dứt. Do đó, trong trợ giúp pháp lý, thời điểm vụ việc hoàn thành hay cũng chính là thời điểm vụ việc kết thúc.
Quá trình nghiên cứu về thời điểm vụ việc trợ giúp pháp lý kết thúc, có những trường hợp có sự đồng thuận cao như trường hợp không tiếp tục thực hiện vụ việc trợ giúp pháp lý theo quy định tại khoản 1 Điều 37 Luật Trợ giúp pháp lý (ví dụ người được trợ giúp pháp lý rút yêu cầu trợ giúp pháp lý); trường hợp vụ việc bị đình chỉ theo quy định của pháp luật (ví dụ, đình chỉ vụ án). Đây là các trường hợp vụ việc trợ giúp pháp lý đương nhiên sẽ kết thúc.
Bên cạnh đó, cũng có nhiều loại ý kiến khác nhau xoay quanh thời điểm kết thúc trong trường hợp vụ việc diễn ra bình thường, không thuộc các trường hợp nêu trên.
- Có loại ý kiến cho rằng, vụ việc trợ giúp pháp lý kết thúc khi vụ việc đã được thực hiện và có kết quả bằng văn bản chứng minh.
Cụ thể đối với từng hình thức trợ giúp pháp lý như sau:
+ Đối với vụ việc tư vấn pháp luật, vụ việc đại diện ngoài tố tụng, thời điểm được xác định là kết thúc vụ việc khi người được trợ giúp pháp lý đã được tư vấn pháp luật hoặc đại diện ngoài tố tụng và có văn bản thể hiện kết quả thực hiện trợ giúp pháp lý (như văn bản tư vấn pháp luật, văn bản giải quyết vụ việc của cơ quan có thẩm quyền hoặc thể hiện được việc đại diện ngoài tố tụng của người thực hiện trợ giúp pháp lý).
+ Đối với vụ việc tham gia tố tụng, thời điểm được xác định là kết thúc vụ việc khi người được trợ giúp pháp lý đã được bào chữa, bảo vệ và đã có một trong các văn bản giải quyết vụ việc (như quyết định hoặc bản án sơ thẩm; quyết định hoặc bản án phúc thẩm; quyết định giám đốc thẩm hoặc tái thẩm). Nếu xác định thời điểm kết thúc vụ việc như trên, đồng nghĩa với việc xác định vụ việc kết thúc trong tố tụng được chia theo giai đoạn xét xử (sơ thẩm, phúc thẩm và các trường hợp tố tụng đặc biệt).
Việc xác định theo tiêu chí này có ưu điểm là rõ ràng, tuy nhiên cùng một một vụ việc lại có thể bị chia nhỏ thành nhiều vụ việc (ví dụ: giai đoạn sơ thẩm được tính là một vụ, sang giai đoạn phúc thẩm lại tính sang một vụ mới). Việc chia thành nhiều vụ việc sẽ dẫn đến việc thống kê số lượng vụ việc trợ giúp pháp lý không đúng bản chất của sự việc. Đồng thời, sẽ ảnh hưởng đến việc thanh toán bồi dưỡng, thù lao thực hiện vụ việc trợ giúp pháp lý. Bởi lẽ, hiện nay, vụ việc tham gia tố tụng đang được thanh toán thù lao, bồi dưỡng theo từng vụ việc. Cụ thể, tại khoản 1 Điều 13 Nghị định số 144/2017/NĐ-CP ngày 15/12/2017 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều của Luật Trợ giúp pháp lý quy định: "Khi thực hiện vụ việc trợ giúp pháp lý bằng hình thức tham gia tố tụng, luật sư ký hợp đồng thực hiện trợ giúp pháp lý với Trung tâm được hưởng thù lao theo buổi làm việc (1/2 ngày làm việc) là 0,38 mức lương cơ sở/01 buổi làm việc nhưng tối đa không quá 30 buổi làm việc/01 vụ việc hoặc theo hình thức khoán chi vụ việc với mức tối thiểu bằng 03 mức lương cơ sở/01 vụ việc và mức tối đa không quá 10 mức lương cơ sở/01 vụ việc (căn cứ vào tính chất phức tạp, yêu cầu tố tụng và nội dung của từng vụ việc cụ thể)". Như vậy, nếu một vụ việc bị "xé lẻ" thành nhiều vụ việc sẽ khiến Nhà nước phải chi trả kinh phí nhiều hơn, tốn kém hơn.
- Có loại ý kiến cho rằng, vụ việc trợ giúp pháp lý kết thúc khi đáp ứng yêu cầu trợ giúp pháp lý hợp pháp của người được trợ giúp pháp lý. Nếu xác định vụ việc kết thúc theo hướng này sẽ không phụ thuộc theo hình thức trợ giúp pháp lý, không phụ thuộc theo giai đoạn thực hiện. Vụ việc trợ giúp pháp lý được thực hiện như vậy sẽ bảo đảm tối đa yêu cầu trợ giúp pháp lý của người được trợ giúp pháp lý. Theo đó, một vụ việc có thể kéo dài từ 2 hình thức trợ giúp pháp lý trở lên (tư vấn pháp luật, đại diện ngoài tố tụng, tham gia tố tụng). Tuy nhiên, việc xác định thời điểm theo loại ý kiến này cũng sẽ gặp khó khăn, bởi vì có yêu cầu trợ giúp pháp lý mang tính chất chung chung, không rõ ràng, cụ thể hoặc có những vụ việc kéo dài từ hình thức trợ giúp pháp lý này sang hình thức trợ giúp pháp lý khác trong một thời gian dài...
Chính vì vậy, để xác định được thời điểm kết thúc hay chính là thời điểm hoàn thành của vụ việc trợ giúp pháp lý phải tính toán làm sao vừa bảo đảm được quyền và lợi ích hợp pháp tốt nhất của người được trợ giúp pháp lý vừa thực hiện quản lý nhà nước về trợ giúp pháp lý. Ngày 28/8/2018 Bộ trưởng Bộ Tư pháp đã ban hành Thông tư số 12/2018/TT-BTP hướng dẫn một số hoạt động nghiệp vụ trợ giúp pháp lý và quản lý chất lượng vụ việc trợ giúp pháp lý (Thông tư này thay thế Thông tư số 05/2008/TT-BTP), trong đó xác định thời điểm kết thúc vụ việc trợ giúp pháp lý là khi thực hiện xong yêu cầu hợp pháp của người được trợ giúp pháp lý theo hình thức trợ giúp pháp lý thể hiện trong đơn yêu cầu trợ giúp pháp lý. Như vậy, trong đơn yêu cầu trợ giúp pháp lý cần thể hiện rõ yêu cầu trợ giúp pháp lý theo hình thức trợ giúp pháp lý cụ thể. Quy định như vậy vừa khắc phục được nhược điểm của các loại ý kiến trên vừa bảo đảm quyền lợi của người được trợ giúp pháp lý, vừa bảo đảm về quản lý nhà nước./.
Thanh Trịnh

Xem thêm »