Vấn đề về người được trợ giúp pháp lý theo quy định Luật Trợ giúp pháp lý năm 2017 và các văn bản quy định chi tiết

19/11/2018
Xem cỡ chữ Đọc bài viết In trang Google

Ngày 20/6/2017, Quốc hội khóa XIV đã tiếp tục ghi nhận vị trí, vai trò công tác trợ giúp pháp lý (TGPL) bằng việc thông qua Luật TGPL với tỷ lệ 100% đại biểu có mặt tán thành. Sự ra đời của Luật TGPL năm 2017 đã đánh dấu mốc quan trọng trong việc hoàn thiện thể chế công tác TGPL nói riêng và triển khai Hiến pháp năm 2013 về quyền con người, quyền và nghĩa vụ cơ bản của công dân nói chung. Mở rộng diện người được TGPL theo các nguyên tắc, tiêu chí cụ thể, phù hợp với bản chất của TGPL và điều kiện đặc thù của đất nước là một trong những điểm mới của Luật TGPL 2017 so với Luật TGPL năm 2006 thể hiện rõ nét quyền con người trong lĩnh vực TGPL. Vấn đề về người được TGPL đang được quy định tại Điều 7 Luật TGPL năm 2017 và các văn bản quy định chi tiết (Nghị định số 144/2017/NĐ-CP ngày 15/12/2017 và Thông tư số 08/2017/TT-BTP của Bộ trưởng Bộ Tư pháp ngày 15/11/2017 quy định chi tiết một số điều của Luật TGPL).

1. Các quy định về người được TGPL
Diện người được TGPL là vấn đề được quan tâm và thảo luận nhiều nhất trong quá trình xây dựng Luật TGPL năm 2017. Qua nhiều lần thảo luận và góp ý của các đại biểu Quốc hội, các cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan, Quốc hội đã thống nhất việc xác định diện người được TGPL cần phải dựa trên những nguyên tắc, tiêu chí cụ thể, phù hợp với đường lối, chính sách của Đảng, pháp luật hiện hành và điều kiện kinh tế - xã hội của đất nước. Theo đó, việc quy định người được TGPL dựa trên 02 nguyên tắc, tiêu chí sau đây:
Một là, thực hiện chính sách của Đảng và Nhà nước về đền ơn đáp nghĩa đối với người có công với cách mạng; chính sách dân tộc; chính sách hình sự đối với người dưới 18 tuổi bị buộc tội, chính sách chăm sóc và bảo vệ trẻ em. Đây là những đặc thù của Việt Nam trong việc thực hiện các chính sách phát triển kinh tế - xã hội.
Hai là, trợ giúp đối với một số nhóm đối tượng yếu thế nhất trong xã hội có khó khăn về tài chính, không đủ khả năng chi trả thù lao cho luật sư cung cấp dịch vụ pháp lý. Đây là bản chất của hoạt động TGPL đã được nhiều nước công nhận trên thế giới.
So với Luật TGPL năm 2006 chỉ quy định 06 diện người được TGPL thì trong bối cảnh kinh tế - xã hội mới của đất nước, tại Điều 7 của Luật TGPL năm 2017 đã mở rộng với 14 diện người được TGPL bao gồm: Nhóm người được kế thừa hoàn toàn; nhóm người được kế thừa và mở rộng; nhóm người được bổ sung mới; nhóm người áp dụng điều kiện có khó khăn về tài chính. Cụ thể:
Người có công với cách mạng và người thuộc hộ nghèo (khoản 1, 2 Điều 7): là đối tượng kế thừa quy định của Luật TGPL 2006 nhằm tiếp tục thực hiện chính sách đền ơn đáp nghĩa, chính sách nhân đạo, chính sách giảm nghèo của Đảng và Nhà nước.
Trẻ em (khoản 3 Điều 7): so với Luật TGPL 2006, Luật TGPL 2017 đã kế thừa có mở rộng “trẻ em không nơi nương tựa” thành “trẻ em” cho phù hợp với chính sách chăm sóc và bảo vệ trẻ em.
Người dân tộc thiểu số cư trú tại vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn (khoản 4 Điều 7): so với Luật TGPL 2006, Luật TGPL 2017 đã kế thừa và mở rộng người dân tộc thiểu số “thường trú” thành “cư trú” tại vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn. Như vậy, dù là người dân tộc thiểu số thường trú hay tạm trú tại vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn đều có quyền được TGPL.
Người bị buộc tội từ đủ 16 tuổi đến dưới 18 tuổi (khoản 5 Điều 7): Đây là đối tượng thuộc diện chỉ định người bào chữa theo quy định của Bộ luật Tố tụng Hình sự được Trung tâm TGPL nhà nước cử Trợ giúp viên pháp lý, luật sư bào chữa cho họ - là đối tượng mới được bổ sung so với Luật TGPL 2006 nhằm thực hiện chính sách hình sự đối với người dưới 18 tuổi bị buộc tội.
- Người bị buộc tội thuộc hộ cận nghèo (khoản 6 Điều 7): là đối tượng mới được bổ sung so với Luật TGPL 2006. Theo quy định hiện nay, mức chênh lệch về thu nhập giữa hộ nghèo và hộ cận nghèo từ 300.000 đồng đến 400.000 đồng[1], do vậy người thuộc hộ cận nghèo cũng không thể đủ tài chính để thuê luật sư khi có vướng mắc pháp luật cần phải tham gia tố tụng, quan trọng nhất là tố tụng hình sự để bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của mình. Quy định này nhằm triển khai thực hiện khoản 4 Điều 31 Hiến pháp năm 2013 về bảo đảm quyền bào chữa và phù hợp với chủ trương giảm nghèo bền vững của Nhà nước[2], Công ước quốc tế về các quyền dân sự, chính trị của Liên Hợp quốc năm 1966[3].
Các đối tượng có khó khăn về tài chính: Với nguyên tắc cung cấp dịch vụ cho những người yếu thế có khó khăn về tài chính, khoản 7 Điều 7 Luật quy định 08 đối tượng như sau:
+ Cha đẻ, mẹ đẻ, vợ, chồng, con của liệt sĩ và người có công nuôi dưỡng khi liệt sĩ còn nhỏ (điểm a khoản 7 Điều 7).
+ Người nhiễm chất độc da cam (điểm b khoản 7 Điều 7).
+ Người cao tuổi (điểm c khoản 7 Điều 7).
+ Người khuyết tật (điểm d khoản 7 Điều 7).
+ Người từ đủ 16 tuổi đến dưới 18 tuổi là người bị hại trong vụ án hình sự  (điểm đ khoản 7 Điều 7).
Nạn nhân bạo lực gia đình (điểm e khoản 7 Điều 7).
+ Nạn nhân của hành vi mua bán người theo quy định của Luật phòng, chống mua bán người (điểm g khoản 7 Điều 7).
+ Người nhiễm HIV (điểm h khoản 7 Điều 7)
Điều kiện khó khăn về tài chính đã được quy định tại Điều 2 Nghị định số 144/2017/NĐ-CP của Chính phủ quy định chi tiết một số điều của Luật TGPL. Như vậy, đối với nhóm người này phải đáp ứng hai điều kiện: thuộc một trong tám diện người nêu trên và có khó khăn về tài chính theo hướng dẫn của Chính phủ là người thuộc hộ cận nghèo hoặc người đang hưởng trợ cấp xã hội hàng tháng theo quy định của pháp luật. Đây là các đối tượng có khó khăn về tài chính, không có khả năng thuê luật sư khi gặp các vướng mắc pháp luật. Các đối tượng này đã được quy định trong các văn bản pháp luật, làm cơ sở cho việc xác định đối tượng được TGPL.
Có thể thấy rằng, với việc mở rộng diện người được TGPL nêu trên đã thể hiện rõ nét chính sách nhân văn, sự quan tâm của Đảng và Nhà nước đối với các đối tượng chính sách và đối tượng yếu thế. Khi đáp ứng được đầy đủ, chất lượng nhu cầu TGPL của các diện người này sẽ góp phần thực hiện tốt chính sách an sinh xã hội mà Đảng và Nhà nước đã đề ra. Tuy nhiên, với sự kế thừa và mở rộng diện người được TGPL như trên đã nêu, dự kiến số lượng vụ việc TGPL sẽ tăng lên khá nhiều, do đó cơ quan về TGPL phải chuẩn bị các điều kiện về nguồn lực con người và nguồn lực tài chính cần thiết để bảo đảm quyền được TGPL của các đối tượng trên thực tế.
2. Giấy tờ chứng minh diện người được TGPL
Việc quy định các giấy tờ chứng minh thuộc diện TGPL được căn cứ vào các văn bản quy phạm pháp luật hiện hành như: Bộ Luật tố tụng hình sự 2015; Luật xử lý vi phạm hành chính 2012; Luật hộ tịch 2014; Luật người cao tuổi số 39/2009/QH12; Luật phòng chống bạo lực gia đình số 02/2007/QH12; Luật Phòng chống mua bán người 2011; Luật phòng chống nhiễm vi rút gây ra hội chứng suy giảm hệ thống miễn dich mắc phải ở người (HIV/AIDS); Pháp Lệnh người có công với cách mạng năm 2012; Nghị định 31/2013/NĐ-CP hướng dẫn một số điều pháp lệnh ưu đãi người có công với cách mạng; Nghị định số 123/2015/NĐ-CP ngày 15 tháng 11 năm 2015 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật hộ tịch;  Nghị định 136/2013/NĐ-CP ngày 21/10/2013 quy định chính sách trợ giúp xã hội đối với các đối tượng bảo trợ xã hội; Nghị định 06/2011/NĐ-CP ngày 14/01/2011 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật người cao tuổi;  Luật Người khuyết tật; Nghị định số 28/2012/NĐ-CP ngày 10/4/2012 Quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số Điều của Luật Người Khuyết tật; Thông tư 05/2013/TT - BLĐTBXH hướng dẫn thủ tục lập hồ sơ, quản lý hồ sơ thực hiện chế độ ưu đãi người có công với cách mạng và thân nhân; Thông tư 17/2016/TT- BLĐTBXH ngày 28/6/2016 về hướng dẫn quy trình rà soát hộp nghèo, cận nghèo hàng năm theo chuẩn nghèo tiếp cận đa chiều áp dụng cho giai đoạn 2016 – 2020. Cụ thể các giấy tờ chứng minh người thuộc diện TGPL như sau:
a) Người có công với cách mạng
- Người hoạt động cách mạng trước ngày 01 tháng 01 năm 1945
+ Quyết định công nhận người hoạt động cách mạng trước ngày 01 tháng 01 năm 1945 của Ban thường vụ Tỉnh ủy, Thành ủy trực thuộc trung ương; của  Ban đảng, Ban Cán sự đảng, Đảng đoàn, Đảng ủy trực thuộc trung ương; của Tổng cục Chính trị; Tổng cục Xây dựng lực lượng Công an nhân dân.
+ Quyết định trợ cấp, phụ cấp của Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội. (Quyết định trợ cấp, phụ cấp hàng tháng).
- Người hoạt động cách mạng từ ngày 01 tháng 01 năm 1945 đến ngày khởi nghĩa tháng Tám năm 1945
+ Quyết định công nhận người hoạt động cách mạng từ ngày 01 tháng 01 năm 1945 đến ngày khởi nghĩa tháng Tám năm 1945 của Ban thường vụ Tỉnh ủy, Thành ủy trực thuộc trung ương; của  Ban đảng, Ban Cán sự đảng, Đảng đoàn, Đảng ủy trực thuộc trung ương; của Tổng cục Chính trị; Tổng cục Xây dựng lực lượng Công an nhân dân.
+ Quyết định trợ cấp của Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội (hàng tháng).
- Bà mẹ Việt Nam anh hùng
+ Quyết định phong tặng danh hiệu vinh dự Nhà nước “Bà mẹ Việt Nam anh hùng”.
+ Quyết định phụ cấp hàng tháng của Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội.
+ Bằng bà mẹ VN anh hùng.
- Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân, Anh hùng Lao động trong thời kỳ kháng chiến
+ Quyết định phong tặng danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân;
+ Bằng Anh hùng.
+ Quyết định trợ cấp của Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội (hàng tháng) hoặc của Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị Quân đội nhân dân Việt hoặc của Tổng cục trưởng Tổng cục Xây dựng lực lượng Công an nhân dân.
- Thương binh, người hưởng chính sách như thương binh
+ Quyết định cấp Giấy chứng nhận thương binh và trợ cấp thương tật hàng tháng đối với những trường hợp người bị thương là quân nhân, công nhân viên quốc phòng, công an nhân dân, công nhân viên công an nhân dân của các cơ quan có thẩm quyền theo quy định của Bộ Quốc phòng, Bộ Công an
+ Quyết định cấp Giấy chứng nhận người hưởng chính sách như thương binh và trợ cấp thương tật hàng tháng đối với trường hợp khác của Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội
+ Giấy chứng nhận Thương binh, thẻ thương binh.
- Bệnh binh
+ Quyết định cấp Giấy chứng nhận bệnh binh và trợ cấp, phụ cấp bệnh tật.
+ Giấy chứng nhận bệnh binh, thẻ bệnh binh.
Người hoạt động kháng chiến bị nhiễm chất độc hóa học
+ Giấy chứng nhận người hoạt động kháng chiến bị nhiễm chất độc hóa học;
+ Quyết định cấp Giấy chứng nhận người hoạt động kháng chiến bị nhiễm chất độc hóa học và trợ cấp, phụ cấp hàng tháng của Cơ quan có thẩm quyền theo quy định của Bộ Quốc phòng, Bộ Công an (đang tại ngũ)
+ Quyết định cấp Giấy chứng nhận người hoạt động kháng chiến bị nhiễm chất độc hóa học và trợ cấp, phụ cấp hàng tháng của  Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội;
+ Giấy chứng nhận bệnh tật do nhiễm chất độc hóa học của Giám đốc Sở Y tế.
- Người hoạt động cách mạng, hoạt động kháng chiến bị địch bắt tù, đày: Quyết định trợ cấp của Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội dành cho Người hoạt động cách mạng hoặc hoạt động kháng chiến bị địch bắt tù, đày (hàng tháng).
Người hoạt động kháng chiến giải phóng dân tộc, bảo vệ Tổ quốc và làm nghĩa vụ quốc tế
+ Quyết định về việc trợ cấp một lần đối với người hoạt động kháng chiến giải phóng dân tộc, bảo vệ tổ quốc và làm nghĩa vụ quốc tế của Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội;
+ Huân chương kháng chiến hoặc Huân chương chiến thắng; Huy chương kháng chiến hoặc Huy chương chiến thắng;
- Người có công giúp đỡ cách mạng
+ Quyết định trợ cấp của Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội (hàng tháng hoặc một lần).
+ Một trong các giấy tờ: Kỉ niệm chương “tổ quốc ghi công”; Bằng “Có công với nước”; Huân chương kháng chiến; Huy chương kháng chiến; Quyết định khen thưởng.
b) Người Nghèo: Giấy chứng nhận hộ nghèo do UBND xã cấp.
c) Trẻ em
- Giấy khai sinh, Sổ hộ khẩu, Chứng minh nhân dân, Căn cước công dân, Hộ chiếu;
- Văn bản của cơ quan tiến hành tố tụng (Quyết định tạm giữ, Quyết định khởi tố bị can, quyết định thay đổi bổ sung quyết định khởi tố vụ án; kết luận điều tra, bản cáo trạng; Quyết định đưa vụ án ra xét xử, các Quyết định hoặc bản án của Tòa án
- Văn bản của cơ quan có thẩm quyền về áp dụng biện pháp xử lý vi phạm hành chính hoặc xử phạt vi phạm hành chính xác định người có yêu cầu là trẻ em ví dụ: QĐ áp dụng biện pháp đưa vào trường giáo dưỡng….;
d) Người dân tộc thiểu số cư trú ở vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn
- Chứng minh nhân dân, Căn cước công dân hoặc Sổ hộ khẩu, Sổ tạm trú hoặc các giấy tờ hợp pháp khác mà dựa vào đó có thể xác định được dân tộc, nơi cư trú của người được TGPL
- Văn bản của cơ quan tiến hành tố tụng như: Quyết định tạm giữ, Quyết định khởi tố bị can, quyết định thay đổi bổ sung quyết định khởi tố vụ án; kết luận điều tra, bản cáo trạng; Quyết định đưa vụ án ra xét xử, các Quyết định hoặc bản án của Tòa án
đ) Người bị buộc tội từ đủ 16 tuổi đến dưới 18 tuổi: Văn bản của cơ quan tiến hành tố tụng xác định là người bị buộc tội từ đủ 16 tuổi đến dưới 18 tuổi (Quyết định tạm giữ, Quyết định khởi tố bị can, quyết định thay đổi bổ sung quyết định khởi tố vụ án; kết luận điều tra, bản cáo trạng; Quyết định đưa vụ án ra xét xử, các Quyết định hoặc bản án của Tòa án;…).
e) Người bị buộc tội thuộc hộ cận nghèo
- Giấy chứng nhận hộ cận nghèo do UBND xã cấp;
- Văn bản của cơ quan tiến hành tố tụng xác định là người bị buộc tội như:
+ Quyết định tạm giữ;
+ Quyết định khởi tố bị can, quyết định thay đổi bổ sung quyết định khởi tố vụ án;
+ Kết luận điều tra, bản cáo trạng;
+ Quyết định đưa vụ án ra xét xử,
+ Các Quyết định hoặc bản án của Tòa án,….
g) Cha đẻ, mẹ đẻ, vợ, chồng, con của liệt sĩ và người có công nuôi dưỡng khi liệt sĩ còn nhỏ có khó khăn về tài chính gồm các giấy tờ:
- Chứng minh khó khăn tài chính (một trong các giấy tờ):
+ Giấy chứng nhận hộ cận nghèo;
+ Quyết định hưởng trợ cấp xã hội hàng tháng của Chủ tịch ủy ban nhân dân cấp huyện;
+ Quyết định tiếp nhận đối tượng vào chăm sóc, nuôi dưỡng tại nhà xã hội của Chủ tịch ủy ban cấp xã;
+ Quyết định tiếp nhận đối tượng vào chăm sóc, nuôi dưỡng tại cơ sở bảo trợ xã hội của Chủ tịch ủy ban nhân dân cấp huyện, Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và xã hội;
- Giấy tờ chứng minh liệt sỹ và mối quan hệ nhân thân với liệt sỹ (một trong các giấy tờ):
+ Quyết định của cơ quan có thẩm quyền về trợ cấp ưu đãi, trợ cấp tiền tuất đối với cha đẻ, mẹ đẻ, vợ, chồng, con của liệt sĩ và người có công nuôi dưỡng khi liệt sĩ còn nhỏ;
+ Giấy chứng nhận gia đình liệt sỹ, Bằng tổ quốc ghi công có tên liệt sỹ kèm theo giấy tờ chứng minh mối quan hệ thân nhân với liệt sỹ (Sổ hộ khẩu gia đình, Đăng ký kết hôn, Giấy khai sinh…)
+ Quyết định cấp Giấy chứng nhận gia đình liệt sĩ và trợ cấp ưu đãi; QĐ việc trợ cấp tiền tuất hàng tháng đối với vợ (chồng) của liệt sĩ đã lấy chồng (vợ) khác của Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và xã hội kèm theo Bằng tổ quốc ghi công của liệt sỹ.
h) Người nhiễm chất độc da cam có khó khăn về tài chính gồm các giấy tờ:
- Chứng minh khó khăn tài chính (một trong các giấy tờ):
+ Giấy chứng nhận hộ cận nghèo;
+ Quyết định hưởng trợ cấp xã hội hàng tháng của Chủ tịch ủy ban nhân dân cấp huyện;
+ Quyết định tiếp nhận đối tượng vào chăm sóc, nuôi dưỡng tại nhà xã hội của Chủ tịch ủy ban cấp xã;
+ Quyết định tiếp nhận đối tượng vào chăm sóc, nuôi dưỡng tại cơ sở bảo trợ xã hội của Chủ tịch ủy ban nhân dân cấp huyện, Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và xã hội;
- Giấy tờ chứng minh nhiễm chất độc màu da cam (một trong các giấy tờ):
+ Quyết định về việc trợ cấp ưu đãi đối với con của người hoạt động kháng chiến bị nhiễm chất độc hóa học của Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội (hàng tháng)
+ Giấy chứng nhận dị dạng, dị tật đối với con đẻ của người bị nhiễm chất độc hóa học của Giám đốc Sở Y tế.
i) Người cao tuổi có khó khăn về tài chính gồm một trong các loại giấy tờ:
- Quyết định hưởng trợ cấp xã hội hàng tháng của Chủ tịch ủy ban nhân dân cấp huyện;
- Quyết định tiếp nhận đối tượng vào chăm sóc, nuôi dưỡng tại nhà xã hội của Chủ tịch ủy ban cấp xã;
- Quyết định tiếp nhận đối tượng vào chăm sóc, nuôi dưỡng tại cơ sở bảo trợ xã hội của Chủ tịch ủy ban nhân dân cấp huyện, Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và xã hội;
- Hoặc Giấy chứng nhận thuộc diện hộ cận nghèo kèm theo một trong các giấy tờ:
+ Chứng minh nhân dân, Căn cước công dân,
+ Sổ hộ khẩu;
+ Thẻ hội viên người cao tuổi…;
k) Người khuyết tật có khó khăn về tài chính gồm một trong các loại giấy tờ:
- Quyết định hưởng trợ cấp xã hội hàng tháng của Chủ tịch ủy ban nhân dân cấp huyện;
- Quyết định tiếp nhận đối tượng vào chăm sóc, nuôi dưỡng tại nhà xã hội của Chủ tịch ủy ban cấp xã;
- Quyết định tiếp nhận đối tượng vào chăm sóc, nuôi dưỡng tại cơ sở bảo trợ xã hội của Chủ tịch ủy ban nhân dân cấp huyện, Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và xã hội;
- Hoặc Giấy chứng nhận thuộc diện hộ cận nghèo kèm theo Giấy chứng nhận khuyết tật của Chủ tịch UBND xã.
l) Bị hại từ đủ 16 tuổi đến dưới 18 tuổi có khó khăn về tài chính gồm các giấy tờ:
- Chứng minh khó khăn tài chính (một trong các giấy tờ):
+ Giấy chứng nhận hộ cận nghèo;
+ Quyết định hưởng trợ cấp xã hội hàng tháng của Chủ tịch ủy ban nhân dân cấp huyện;
+ Quyết định tiếp nhận đối tượng vào chăm sóc, nuôi dưỡng tại nhà xã hội của Chủ tịch ủy ban cấp xã;
+ Quyết định tiếp nhận đối tượng vào chăm sóc, nuôi dưỡng tại cơ sở bảo trợ xã hội của Chủ tịch ủy ban nhân dân cấp huyện, Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và xã hội;
Giấy tờ chứng minh Bị hại từ đủ 16 tuổi đến dưới 18 tuổi (một trong các giấy tờ): Văn bản của cơ quan tiến hành tố tụng xác định được là người bị hại trong vụ án hình sự và độ tuổi của người bị hại;
m) Nạn nhân BLGĐ có khó khăn về tài chính gồm một trong các loại giấy tờ:
- Quyết định tiếp nhận đối tượng vào chăm sóc, nuôi dưỡng tại nhà xã hội của Chủ tịch ủy ban cấp xã;
- Quyết định tiếp nhận đối tượng vào chăm sóc, nuôi dưỡng tại cơ sở bảo trợ xã hội của Chủ tịch ủy ban nhân dân cấp huyện, Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và xã hội;
- Hoặc Giấy chứng nhận thuộc diện hộ cận nghèo kèm theo một trong các loại giấy tờ:
+ Giấy xác nhận của cơ sở khám chữa bệnh cấp huyện;
+ Quyết định cấm người gây bạo lực gia đình tiếp xúc với nạn nhân bạo lực gia đình của Ủy ban nhân dân xã hoặc Tòa án;
+ Quyết định xử lý vi phạm hành chính với người có hành vi bạo lực gia đình của trưởng Công an cấp xã....;
n) Nạn nhân của hành vi mua bán người có khó khăn về tài chính gồm các giấy tờ:
- Chứng minh khó khăn tài chính (một trong các giấy tờ):
+ Giấy chứng nhận hộ cận nghèo;
+ Quyết định hưởng trợ cấp xã hội hàng tháng của Chủ tịch ủy ban nhân dân cấp huyện;
+ Quyết định tiếp nhận đối tượng vào chăm sóc, nuôi dưỡng tại nhà xã hội của Chủ tịch ủy ban cấp xã;
+ Quyết định tiếp nhận đối tượng vào chăm sóc, nuôi dưỡng tại cơ sở bảo trợ xã hội của Chủ tịch ủy ban nhân dân cấp huyện, Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và xã hội.
- Giấy tờ chứng minh nạn nhân (một trong các giấy tờ):
+ Giấy xác nhận của cơ quan Công an cấp huyện.
+ Giấy xác nhận của cơ quan giải cứu theo (Cơ quan Công an, Bộ đội Biên phòng, Cảnh sát biển)
+ Giấy xác nhận của cơ quan điều tra, cơ quan được giao nhiệm vụ tiến hành một số hoạt động điều tra, Viện kiểm sát nhân dân, Tòa án nhân dân.
+ Giấy tờ, tài liệu do cơ quan nước ngoài cấp đã được cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài hoặc Bộ Ngoại giao Việt Nam hợp pháp hóa lãnh sự chứng minh người đó là nạn nhân.
o) Người nhiễm HIV có khó khăn về tài chính gồm các giấy tờ:
- Chứng minh khó khăn tài chính (một trong các giấy tờ):
+ Giấy chứng nhận hộ cận nghèo;
+ Quyết định hưởng trợ cấp xã hội hàng tháng của Chủ tịch ủy ban nhân dân cấp huyện;
+ Quyết định tiếp nhận đối tượng vào chăm sóc, nuôi dưỡng tại nhà xã hội của Chủ tịch ủy ban cấp xã;
+ Quyết định tiếp nhận đối tượng vào chăm sóc, nuôi dưỡng tại cơ sở bảo trợ xã hội của Chủ tịch ủy ban nhân dân cấp huyện, Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và xã hội.
- Giấy tờ chứng minh nhiễm HIV (một trong các giấy tờ):
+ Giấy xét nghiệm kết quả dương tính HIV;
+ Xác nhận của Trung tâm kiểm soát bệnh, tật; cơ sở điều trị ARV;
+ Giấy tờ khác chứng minh người đó là người nhiễm HIV
Ngoài các giấy tờ trên, Thông tư số 08/2017/TT-BTP cũng quy định các loại giấy tờ hợp pháp khác do cơ quan có thẩm quyền cấp xác định được người thuộc diện TGPL theo quy định của pháp luật TGPL cũng được coi là một trong những loại giấy tờ chứng minh thuộc diện TGPL. Bên cạnh đó, để tạo điều kiện thuận lợi cho người được TGPL thực hiện quyền yêu cầu TGPL, Thông tư bổ sung quy định trong trường hợp những người thuộc diện được TGPL bị thất lạc các giấy tờ đã được cấp thì phải có xác nhận của cơ quan có thẩm quyền đã cấp các loại giấy tờ đó. Tuy nhiên, Thông tư số 08/2017/TT-BTP không quy định xác nhận của UBND cấp xã là một trong những loại giấy tờ chứng minh thuộc diện TGPL để bảo đảm chặt chẽ đúng quy định của pháp luật.
3. Quyền và nghĩa vụ của người được TGPL
a) Quyền của người được TGPL
Điều 8 Luật TGPL năm 2017 quy định về quyền của người được TGPL, theo đó người được TGPL có 08 quyền như sau:
Quyền được TGPL mà không phải trả tiền, lợi ích vật chất hoặc lợi ích khác: So với Luật TGPL 2006, đây là quyền mới nhằm làm rõ hơn tính chất miễn phí của dịch vụ này đối với người được TGPL. Theo đó, khi người được TGPL yêu cầu TGPL và được tổ chức thực hiện TGPL thụ lý, giải quyết vụ việc thì họ sẽ không phải trả tiền, lợi ích vật chất hoặc lợi ích khác.
Quyền tự mình hoặc thông qua người thân thích, cơ quan, người có thẩm quyền tiến hành tố tụng hoặc cơ quan, tổ chức, cá nhân khác yêu cầu TGPL: Luật TGPL 2017 đã mở rộng các chủ thể yêu cầu TGPL, không chỉ “tự mình hoặc thông qua người thân thích, người đại diện” mà còn “thông qua cơ quan, người có thẩm quyền tiến hành tố tụng hoặc cơ quan, tổ chức, cá nhân khác yêu cầu TGPL” nhằm tạo thuận lợi cho người được TGPL, nhất là trong trường hợp người được TGPL là người bị buộc tội theo quy định pháp luật tố tụng thì họ có thể thông qua người có thẩm quyền tiến hành tố tụng, tổ chức, cá nhân khác yêu cầu TGPL để bảo đảm quyền được TGPL một cách tối đa nhất.
Quyền được thông tin về quyền được TGPL, trình tự, thủ tục TGPL khi đến tổ chức thực hiện TGPL và các cơ quan nhà nước có liên quan: Đây là quyền mới so với Luật TGPL 2006, giúp người dân biết đến để tiếp cận và sử dụng dịch vụ TGPL khi có nhu cầu TGPL, tạo sự thống nhất với quy định về trách nhiệm của các cơ quan tiến hành tố tụng, người tiến hành tố tụng tại các Luật, Bộ luật Tố tụng. Đồng thời, để thực hiện quyền này trên thực tế, Luật TGPL đã quy định trách nhiệm của các cơ quan có liên quan đến hoạt động tham gia tố tụng như Tòa án nhân dân tối cao, Viện Kiểm sát nhân dân tối cao, Bộ Công an, Bộ Quốc phòng, các cơ quan nhà nước có liên quan trong việc giải thích quyền được TGPL và giới thiệu đến tổ chức thực hiện TGPL.
- Quyền yêu cầu giữ bí mật về nội dung vụ việc TGPL: Đây là quyền được kế thừa từ Luật TGPL 2006. Khi tổ chức thực hiện TGPL đã thụ lý vụ việc TGPL, người được TGPL có quyền yêu cầu tổ chức thực hiện TGPL và người thực hiện TGPL giữ bí mật về nội dung vụ việc TGPL. Tổ chức thực hiện TGPL và người thực hiện TGPL có trách nhiệm giữ bí mật về nội dung vụ việc TGPL. Để bảo đảm thực hiện quyền này của người được TGPL, điểm c khoản 1 Điều 6 Luật TGPL 2017 quy định một trong các hành vi bị nghiêm cấm tổ chức thực hiện TGPL và người thực hiện TGPL là: Tiết lộ thông tin về vụ việc TGPL, về người được TGPL, trừ trường hợp người được TGPL đồng ý bằng băn bản hoặc pháp luật có quy định khác”.
Quyền lựa chọn 01 tổ chức thực hiện TGPL và người thực hiện TGPL tại địa phương trong danh sách được công bố; yêu cầu thay đổi người thực hiện TGPL khi người đó thuộc một trong các trường hợp không được tiếp tục thực hiện TGPL hoặc phải từ chối thực hiện TGPL theo quy định tại khoản 1, khoản 2 Điều 25 Luật TGPL 2017: So với Luật TGPL 2006, Luật TGPL 2017 đã sửa đổi “lựa chọn người thực hiện TGPL” thành “lựa chọn 01 tổ chức thực hiện TGPL và người thực hiện TGPL tại địa phương trong danh sách được công bố” nhằm quy định rõ phạm vi tổ chức và người thực hiện TGPL mà người được TGPL có quyền lựa chọn. Khoản 2 Điều 10 và khoản 2 Điều 17 Luật quy định việc công bố công khai danh sách tổ chức, người thực hiện TGPL để người dân nói chung và người được TGPL nói riêng biết và sử dụng.
Quyền thay đổi, rút yêu cầu TGPL: Quyền này được kế thừa từ Luật TGPL 2006. Trong quá trình thực hiện TGPL, người được TGPL có quyền thay đổi, rút yêu cầu TGPL vào bất cứ thời điểm nào. Nếu thay đổi hoặc rút yêu cầu TGPL, thì người được TGPL làm đơn nêu rõ yêu cầu thay đổi hoặc rút yêu cầu TGPL gửi tổ chức thực hiện TGPL. Khi người được TGPL rút yêu cầu TGPL thì vụ việc TGPL không được tiếp tục thực hiện theo quy định tại điểm c khoản 1 Điều 37 Luật TGPL 2017.
Quyền được bồi thường thiệt hại theo quy định của pháp luật: Quyền này được kế thừa từ Luật TGPL 2006 cho phù hợp với pháp luật dân sự. Để bảo đảm thực hiện quyền này của người được TGPL, điểm c khoản 1 Điều 13 quy định một trong các quyền của tổ chức thực hiện TGPL là “Bồi thường thiệt hại do lỗi của người thuộc tổ chức mình gây ra trong khi thực hiện TGPL”, điểm h khoản 1 Điều 18 quy định một trong những nghĩa vụ của người thực hiện TGPL là “Hoàn trả khoản tiền cho tổ chức thực hiện TGPL đã trả cho người bị thiệt hại do lỗi của mình gây ra khi thực hiện TGPL theo quy định của pháp luật”.
- Quyền khiếu nại, tố cáo về TGPL theo quy định của Luật này và quy định khác của pháp luật có liên quan: Quyền này đã bổ sung cụm từ “theo quy định của Luật này và quy định khác của pháp luật có liên quan” so với Luật TGPL 2006 nhằm làm rõ hơn việc thực hiện quyền này theo quy định của Luật này và quy định khác của pháp luật về khiếu nại, tố cáo. Khoản 1 Điều 45 Luật TGPL 2017 quy định người được TGPL có quyền khiếu nại đối với các hành vi sau của tổ chức thực hiện TGPL, người thực hiện TGPL khi có căn cứ cho rằng hành vi đó là trái pháp luật, xâm phạm quyền, lợi ích hợp pháp của mình: (1) Từ chối thụ lý vụ việc TGPL; (2) Không thực hiện TGPL; (3) Thực hiện TGPL không đúng pháp luật; (4) Thay đổi người thực hiện TGPL không đúng pháp luật. Người đứng đầu tổ chức thực hiện TGPL có trách nhiệm giải quyết khiếu nại đối với các hành vi trên trong thời hạn 03 ngày làm việc kể từ ngày nhận được khiếu nại. Trường hợp người khiếu nại không đồng ý với quyết định giải quyết khiếu nại của người đứng đầu tổ chức thực hiện TGPL hoặc quá thời hạn mà khiếu nại không được giải quyết thì có quyền khiếu nại lên Giám đốc Sở Tư pháp.
b) Nghĩa vụ của người được TGPL
Điều 9 Luật TGPL 2017 quy định về nghĩa vụ của người được TGPL, theo đó người được TGPL có 05 nghĩa vụ như sau:
- Nghĩa vụ cung cấp giấy tờ chứng minh là người được TGPL: Đây là nghĩa vụ được kế thừa từ Luật TGPL 2006 nhằm bảo đảm thực hiện TGPL đúng đối tượng. Khi yêu cầu TGPL, người yêu cầu phải nộp hồ sơ cho tổ chức thực hiện TGPL theo quy định tại khoản 1 Điều 29 Luật TGPL 2017, trong đó có giấy tờ chứng minh là người được TGPL. Trường hợp người yêu cầu chưa thể cung cấp đầy đủ hồ sơ quy định tại khoản 1 Điều 29 Luật TGPL 2017 nhưng cần thực hiện TGPL ngay do vụ việc sắp hết thời hiệu khởi kiện, sắp đến ngày xét xử, cơ quan tiến hành tố tụng chuyển yêu cầu TGPL cho tổ chức thực hiện TGPL hoặc để tránh gây thiệt hại đến quyền và lợi ích hợp pháp của người được TGPL thì người tiếp nhận yêu cầu báo cáo người đứng đầu tổ chức thực hiện TGPL và thụ lý ngay, đồng thời hướng dẫn người yêu cầu TGPL bổ sung các giấy tờ, tài liệu cần thiết.
Nghĩa vụ hợp tác, cung cấp kịp thời, đầy đủ thông tin, tài liệu, chứng cứ có liên quan đến vụ việc TGPL và chịu trách nhiệm về tính chính xác của thông tin, tài liệu, chứng cứ đó: Nghĩa vụ này có sự kế thừa, sửa đổi so với Luật TGPL năm 2006, cụ thể đã bổ sung các cụm từ “hợp tác”, “kịp thời, đầy đủ” và “chứng cứ” để tổ chức thực hiện TGPL biết được các thông tin, tài liệu, chứng cứ liên quan đến vụ việc TGPL một cách đầy đủ, kịp thời trong quá trình thực hiện TGPL. Việc cung cấp kịp thời, đầy đủ thông tin, tài liệu, chứng cứ có thể trình bày trong đơn yêu cầu TGPL hoặc trình bày trực tiếp cho người thực hiện TGPL. Người cung cấp thông tin, tài liệu, chứng cứ có liên quan đến vụ việc TGPL phải chịu trách nhiệm về tính chính xác của thông tin, tài liệu, chứng cứ đó. Trường hợp người được TGPL cố tình cung cấp thông tin, tài liệu sai sự thật về vụ việc TGPL thì vụ việc TGPL không được tiếp tục thực hiện theo quy định tại điểm b khoản 1 Điều 37 Luật TGPL 2017.
Nghĩa vụ tôn trọng tổ chức thực hiện TGPL, người thực hiện TGPL và cơ quan, tổ chức, cá nhân khác có liên quan đến vụ việc TGPL: Về cơ bản nghĩa vụ này  kế thừa từ Luật TGPL năm 2006, có chỉnh sửa “…có liên quan đến việc TGPL” thành “…có liên quan đến vụ việc TGPL”. Trong quá trình thực hiện TGPL, người được TGPL phải tôn trọng tổ chức thực hiện TGPL, người thực hiện TGPL và các cơ quan, tổ chức, cá nhân khác có liên quan đến vụ việc TGPL. Trường hợp người được TGPL xâm phạm danh dự, nhân phẩm của người thực hiện TGPL và uy tín của tổ chức thực hiện TGPL thì vụ việc TGPL không được tiếp tục thực hiện theo quy định tại điểm b khoản 1 Điều 37 Luật TGPL 2017.
Nghĩa vụ không yêu cầu tổ chức thực hiện TGPL khác TGPL cho mình về cùng một vụ việc đang được một tổ chức thực hiện TGPL thụ lý, giải quyết: Về cơ bản nghĩa vụ này kế thừa từ Luật TGPL 2006, có sửa đổi cụm từ “trợ giúp” thành cụm từ “thụ lý, giải quyết” nhằm làm rõ hơn việc người được TGPL cùng một thời điểm không được yêu cầu tổ chức thực hiện TGPL khác thụ lý, giải quyết vụ việc của mình. Ví dụ, người được TGPL đang được Trung tâm TGPL nhà nước tỉnh Bắc Giang trợ thụ lý, giải quyết thì không được yêu cầu tổ chức hành nghề luật sư, tổ chức tư vấn pháp luật đã đăng ký tham gia TGPL với Sở Tư pháp Bắc Giang thụ lý, giải quyết. Trường hợp vụ việc TGPL đang được một tổ chức thực hiện TGPL khác thụ lý, giải quyết mà người được TGPL lại yêu cầu tổ chức thực hiện TGPL khác thụ lý, giải quyết thì sẽ bị tổ chức đó từ chối thụ lý theo quy định tại điểm d khoản 3 Điều 30 Luật TGPL 2017.
Nghĩa vụ chấp hành pháp luật về TGPL và nội quy nơi thực hiện TGPL: Nghĩa vụ này kế thừa từ Luật TGPL 2006. Trong quá trình thực hiện TGPL, người được TGPL có nghĩa vụ chấp hành những quy định của pháp luật về TGPL như làm đơn yêu cầu TGPL, cung cấp giấy tờ chứng minh là người được TGPL… và chấp hành nội quy nơi thực hiện TGPL. Trường hợp người được TGPL vi phạm nghiêm trọng nội quy nơi thực hiện TGPL thì vụ việc TGPL không được tiếp tục thực hiện theo quy định tại điểm b khoản 1 Điều 37 Luật TGPL 2017.
Trên đây là các quy định về người được TGPL đã được Luật TGPL năm 2017 và các văn bản quy định chi tiết ghi nhận. Việc bảo đảm các quy định này được triển khai hiệu quả trên thực tế thuộc trách nhiệm của Nhà nước. Bởi vì, một nguyên tắc cơ bản được hầu hết các nước trên thế giới thừa nhận rằng TGPL là trách nhiệm của Nhà nước, Nhà nước phải có trách nhiệm giúp đỡ những đối tượng yếu thế, dễ bị tổn thương trong trường hợp họ không có đủ khả năng tài chính thuê luật sư khi họ phải đối diện với pháp luật để bảo đảm công lý, công bằng xã hội. Với bản chất của Nhà nước ta là Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa của Nhân dân, do Nhân dân, vì Nhân dân nên càng phải đề cao các nguyên tắc tôn trọng và bảo vệ quyền công dân, quyền con người, vì vậy, TGPL là chức năng xã hội, là trách nhiệm của Nhà nước đối với những đối tượng yếu thế, không có khả năng chi trả thù lao cho dịch vụ pháp lý. Nguyên tắc này đã được Luật TGPL năm 2017 ghi nhận. Do đó, trong thời gian tới, Nhà nước cần phải triển khai đồng bộ nhiều hoạt động như tăng cường truyền thông về TGPL, nâng cao năng lực người thực hiện TGPL, đẩy mạnh sự phối hợp với các cơ quan, tổ chức, đặc biệt là cơ quan tiến hành tố tụng, huy động nhiều tổ chức, cá nhân uy tín, có chất lượng tham gia hoạt động TGPL.v.v.
-CT-
 
 

[1] Ngày 19/11/2015, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 59/2015/QĐ-TTg về việc ban hành chuẩn nghèo tiếp cận đa chiều áp dụng cho giai đoạn 2016 - 2020. Theo đó, các tiêu chí về thu nhập đã được thay đổi như sau: (1) chuẩn nghèo: 700.000 đồng/người/tháng ở khu vực nông thôn và 900.000 đồng/người/tháng ở khu vực thành thị; (2) chuẩn cận nghèo: 1.000.000 đồng/người/tháng ở khu vực nông thôn và 1.300.000 đồng/người/tháng ở khu vực thành thị. Việc đánh giá hộ nghèo dựa trên cách tiếp cận đa chiều, nên hộ nghèo là hộ đáp ứng một trong hai tiêu chí: (i) có thu nhập bình quân đầu người/tháng từ đủ 700.000 đồng trở xuống; hoặc (ii) có thu nhập bình quân đầu người/tháng trên 700.000 đồng đến 1.000.000 đồng và thiếu hụt 03 chỉ số đo lường mức độ thiếu hụt tiếp cận các dịch vụ xã hội cơ bản trở lên.
[2]Ngày 19/12/2014, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 2324/QĐ-TTg ban hành Kế hoạch hành động triển khai thực hiện Nghị quyết số 76/2014/QH13 của Quốc hội về việc đẩy mạnh thực hiện mục tiêu giảm nghèo bền vững đến năm 2020, theo đó giao Bộ Tư pháp chủ trì, phối hợp với các Bộ, ngành có liên quan xây dựng chính sách TGPL chung đối với hộ nghèo, hộ đồng bào dân tộc thiểu số, trong đó có chính sách ưu tiên đối với hộ nghèo trên địa bàn các huyện, xã nghèo; mở rộng đối tượng thụ hưởng là người thuộc hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo.
[3]Khoản 3d, Điều 14 Công ước về các quyền dân sự, chính trị của Liên Hợp quốc năm 1966 mà Việt Nam là một bên tham gia quy định: “Trong quá trình xét xử về một tội hình sự, mọi người đều có quyền được hưởng một cách đầy đủ và hoàn toàn bình đẳng những bảo đảm tối thiểu sau đây: được có mặt trong khi xét xử và được tự bào chữa hoặc thông qua TGPL theo sự lựa chọn của mình; được thông báo về quyền này nếu chưa có sự TGPL; và được nhận sự TGPL theo chỉ định trong trường hợp lợi ích của công lý đòi hỏi và không phải trả tiền cho sự trợ giúp đó nếu không có đủ điều kiện trả”.
 

Xem thêm »