Triển khai thực hiện chính sách trợ giúp pháp lý cho người khuyết tật năm 2016 trên địa bàn tỉnh Tây Ninh

22/07/2016
Xem cỡ chữ Đọc bài viết In trang Google

Để cụ thể hoá các nhiệm vụ, trách nhiệm thực hiện chính sách trợ giúp pháp lý cho người khuyết tật và phù hợp với tình hình thực tế của tỉnh Tây Ninh, ngày 16/6/2016, Ủy ban nhân dân tỉnh Tây Ninh đã ban hành Quyết định số 1517/QĐ-UBND về vịêc ban hành Kế hoạch triển khai thực hiện chính sách trợ giúp pháp lý cho người khuyết tật năm 2016 trên địa bàn tỉnh với các nội dung cụ thể như sau:

Thực hiện trợ giúp pháp lý cho người khuyết tật: Bao gồm các hoạt động: Khảo sát nhu cầu trợ giúp pháp lý của người khuyết tật (theo lĩnh vực pháp luật, theo các dạng tật: khuyết tật nhìn, khuyết tật nghe, nói, khuyết tật vận động...); Thực hiện trợ giúp pháp lý bằng hình thức trợ giúp phù hợp với các dạng tật của người khuyết tật, chú trọng thực hiện việc trợ giúp pháp lý bằng hình thức tham gia tố tụng cho người khuyết tật, bảo đảm 100% người khuyết tật được trợ giúp pháp lý khi có yêu cầu.

 Hơn nữa, để chủ động mang pháp luật đến với người dân và đặc biệt là người khuyết tật, Trung tâm đã tổ chức các đợt trợ giúp pháp lý lưu động đến các cơ cở như Trung tâm Bảo trợ xã hội, Trung tâm Nuôi dạy trẻ khiếm thị tỉnh Tây Ninh, Trường Khuyết tật tỉnh Tây Ninh, Hội Người khuyết tật, Hội Người mù tỉnh Tây Ninh và các xã, phường, thị trấn có nhiều người khuyết tật trên địa bàn tỉnh.

Ngoài ra, để tăng cường năng lực thực hiện trợ giúp pháp lý cho người khuyết tật, Trung tâm đã thực hiện các hoạt động như: Xây dựng kế hoạch, tài liệu tập huấn, bồi dưỡng nghiệp vụ trợ giúp pháp lý cho người khuyết tật đối với Trợ giúp viên pháp lý, cộng tác viên trợ giúp pháp lý và thành viên Ban Chủ nhiệm các câu lạc bộ mà Câu lạc bộ Trợ giúp pháp lý đã được địa phương sáp nhập.

Đẩy mạnh truyền thông về trợ giúp pháp lý cho người khuyết tật: Với mục đích tuyên truyền, quảng bá hoạt động trợ giúp pháp lý đến với đông đảo người dân trong tỉnh trong đó có hoạt động trợ giúp pháp lý cho người khuyết tật, hoạt động truyền thông được đẩy mạnh thực hiện trên các phương tiện thông tin đại chúng (Báo Tây Ninh, Đài Phát thanh và Truyền hình tỉnh Tây Ninh, Đài Truyền thanh các huyện, thành phố …) với nội dung truyền thông phong phú, tập trung vào các vụ việc trợ giúp pháp lý cho người khuyết tật, biên soạn, in ấn, phát hành tờ gấp pháp luật truyền thông về quyền được trợ giúp pháp lý và các quyền, nghĩa vụ khác của người khuyết tật; Lồng ghép việc truyền thông, phổ biến pháp luật và trợ giúp pháp lý cho người khuyết tật với các Chương trình, Đề án khác về người khuyết tật ở địa phương về các lĩnh vực y tế, văn hóa, giáo dục, dạy nghề,...

Đồng thời, để công tác trợ giúp pháp lý được thực hiện có hiệu quả trên địa bàn toàn tỉnh, Ủy ban nhân dân tỉnh phân công trách nhiệm của các Sở ban, ngành có liên quan trong việc tổ chức thực hiện các nhiệm vụ trên, cụ thể:

Sở Tư pháp có trách nhiệm chủ trì phối hợp với Sở Tài chính, Sở Lao động-Thương binh và Xã hội, Sở Thông tin và Truyền thông, các cơ quan có liên quan giúp Ủy ban nhân dân tỉnh trong việc triển khai thực hiện Kế hoạch này.

Sở Lao động - Thương binh và Xã hội có trách nhiệm: Cung cấp số lượng, danh sách người khuyết tật đã được cấp giấy xác nhận khuyết tật trên địa bàn, địa chỉ nơi có nhiều người khuyết tật sinh sống, làm việc cho Trung tâm Trợ giúp pháp lý nhà nước để thực hiện việc khảo sát nhu cầu trợ giúp pháp lý. Trong quá trình thực hiện chức năng nhiệm vụ của mình thường xuyên tuyên truyền phổ biến chính sách trợ giúp pháp lý cho người khuyết tật theo quy định của Luật Người khuyết tật; hướng dẫn Phòng Lao động – Thương binh và Xã hội các huyện, thành phố kịp thời phát hiện và giới thiệu đến Trung tâm Trợ giúp pháp lý nhà nước những người khuyết tật có nhu cầu để được trợ giúp pháp lý.

Sở Tài chính có trách nhiệm: Trên cơ sở dự toán kinh phí của Sở Tư pháp, Sở Tài chính tham mưu Ủy ban nhân dân tỉnh cấp kinh phí để thực hiện chính sách trợ giúp pháp lý cho người khuyết tật tại địa phương.

Sở Thông tin và Truyền thông có trách nhiệm: Định hướng cho các cơ quan có chức năng thông tin truyền thông trên địa bàn tỉnh tăng cường truyền thông về các chính sách của Nhà nước đối với người khuyết tật, trong đó có quyền được trợ giúp pháp lý.

Báo Tây Ninh, Đài Phát thanh và Truyền hình tỉnh Tây Ninh tăng cường việc tuyên truyền, phổ biến chính sách trợ giúp pháp lý của Nhà nước cho người khuyết tật, kịp thời phản ánh với Sở Tư pháp (Trung tâm Trợ giúp pháp lý nhà nước) và các cơ quan chức năng có liên quan những trường hợp người khuyết tật có nhu cầu được trợ giúp pháp lý.

Trong quá trình tổ chức, triển khai thực hiện Kế hoạch này, Sở Tư pháp chủ trì phối hợp Sở Lao động - Thương binh và Xã hội tổ chức sơ kết, đánh giá việc thực hiện chính sách trợ giúp pháp lý cho người khuyết tật trên địa bàn tỉnh, báo cáo Bộ Tư pháp và Ủy ban nhân dân tỉnh theo quy định. 

                                                      Ngọc Linh

Xem thêm »