Trợ giúp pháp lý cho đồng bào dân tộc thiểu số tại tỉnh Điện Biên.

30/08/2016
Xem cỡ chữ Đọc bài viết In trang Google

Vụ việc xảy ra giữa năm 2015 tại xã Mường Phăng, huyện Điện Biên, tỉnh Điện Biên. Giàng Thị Cợ và Cứ A Dế đều sinh ra và lớn lên tại mảnh đất này, về sống chung với nhau và sinh được 04 người con, nhưng cả hai vợ chồng đều nghiện ma túy từ những năm 1990. Nơi đây chủ yếu là đồng bào các dân tộc thiểu số sinh sống, dân trí thấp sự hiểu biết về pháp luật còn rất hạn chế. Vài năm trở lại đây trên địa bàn này đã nổi cộm lên các tệ nạn liên quan đến ma túy ngày càng diễn ra phức tạp.

Ngày 17/12/2015, cơ quan có thẩm quyền đã bắt quả tang vợ chồng Cứ A Dế và Giàng Thị Cợ có hành vi tàng trữ trái phép chất ma túy và khởi tố vụ án, khởi tố bị can. Cả hai vợ chồng đều sinh sống ở vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn và có đơn yêu cầu trợ giúp pháp lý. Sau khi nhận được đơn yêu cầu của đối tượng, Trung tâm trợ giúp pháp lý nhà nước tỉnh Điện Biên đã cử 02 Trợ giúp viên tham gia tố tụng từ giai đoạn điều tra để bào chữa bảo vệ quyền lợi của hai vợ chồng. Quá trình thực hiện trợ giúp pháp lý, các trợ giúp viên pháp lý đều có cảm nhận cả hai vợ chồng đáng thương hơn đáng trách, họ đều là những người con sinh ra trong gia đình người dân tộc Mông nghèo khổ, cuộc sống lớn lên gắn liền với việc ngày ngày lên nương, mãi không thoát được cảnh nghèo đói, lạc hậu. Chính vì những lẽ đó mà các bị cáo đã tìm đến khói thuốc để quên đi cảnh khổ cực của cuộc sống. Một vài lần như vậy các bị cáo nghiện từ khi nào mà không hề hay biết. Bị cáo không được cắp sách tới trường, nhận thức rất hạn chế nên đối với hai bị cáo đơn giản việc nghiện ma túy cũng như là đói cơm, khát nước, là thuốc chữa bệnh; có thuốc thì để dùng dần. Đây cũng là cách hành sử chung của rất nhiều người nghiện ma túy. Đáng trách vì họ đã không vượt qua được cám dỗ của những cơn nghiện để rồi cả hai vợ chồng phải đứng trước vành móng ngựa để lại cho gia đình, xã hội những đứa con thơ dại không nơi nương tựa.

Xuất phát từ việc nhìn nhận vụ việc một cách toàn diện các Trợ giúp viên pháp lý đã tham gia các buổi hỏi cung với bị can, làm việc với người thân của đối tượng, tham gia thu thập tài liệu, chứng cứ cung cấp cho Hội đồng xét xử. Trong quá trình tranh tụng, đại diện Viện kiểm sát buộc tội bị cáo Cứ A Dế 30 đến 36 tháng tù, buộc tội bị cáo Giàng Thị Cợ 24 đến 30 tháng tù. Tuy nhiên, trên cơ sở những tài liệu, chứng cứ do Trợ giúp viên pháp lý cung cấp cùng với lời bào chữa hợp tình, hợp lý của các Trợ giúp viên, Hội đồng xét xử đã xem xét và quyết định tuyên cả hai bị cáo mức án 24 tháng tù.

Qua vụ việc này đã khẳng định được vai trò quan trọng của đội ngũ người thực hiện trợ giúp pháp lý mà nòng cốt là các Trợ giúp viên trong các vụ án tham gia tố tụng để bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho người được trợ giúp pháp lý. Từ đó góp phần đảm bảo sự công bằng, tôn nghiêm của pháp luật đồng thời Trung tâm trợ giúp pháp lý nhà nước tỉnh Điện Biên cũng là địa chỉ tin cậy cho người nghèo, người dân tộc thiểu số sinh sống ở vùng có điều kiện – kinh tế khó khăn, người có công với cách mạng, người khuyết tật và trẻ em không nơi nương tựa.

                                                                                                                                                         Mai Thị Thanh Liêm

                                                                                                       Trung tâm TGPL tỉnh Điện Biên

Xem thêm »