Quảng Nam: RỪNG VÀ NỖI ĐAU TỪ RỪNG

31/08/2016
Xem cỡ chữ Đọc bài viết In trang Google

Chương trình phát triển kinh tế xã hội các xã đặc biệt khó khăn, vùng dân tộc thiểu số và miền núi (gọi tắt là chương trình 135), là một trong các chương trình xóa đói giảm nghèo được triển khai từ năm 1998 đến năm 2015 theo Quyết định của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt qua các giai đoạn 1997-2006, 2006-2010, 2012-2015. Với chủ trương đó đã nâng cao nhanh đời sống vật chất, tinh thần cho nhân dân. Tuy nhiên, do công tác tuyên truyền, phối hợp của các cơ quan chức năng chưa sâu rộng, nhận thức pháp luật của người dân một số địa phương còn nhiều hạn chế nên đã vướng vào vòng lao lý, dân nghèo kéo theo biết bao hệ lụy.

Nỗi đau từ rừng

Tại Nông Sơn

Vào khoảng tháng 06/2014, Phạm Văn Nhàn (sinh năm 1978, trú thôn Tứ Trung 1, xã Quế Lâm, huyện Nông Sơn, tỉnh Quảng Nam) đến khu vực rừng có tục danh Cán Dù, thuộc khoảnh 1,2, tiểu khu 459, thôn Cẩm La, xã Quế Lâm, huyện Nông Sơn (đây là khu vực rẫy cũ của cha ông Nhàn là ông Phạm Hòa cho ông Nhàn) để trồng keo lá tràm, sau khi trồng hết diện tích đất trống thì ông Nhàn phát rừng xung quanh để mở rộng diện tích trồng keo, ông Nhàn dùng rựa và cưa máy để chặt phá rừng (cây thân gỗ và dây leo cây bụi), sau đó đốt cháy hoàn toàn và trồng keo lá tràm. Đến khoảng tháng 10/2014 thì bị tổ công tác của UBND xã Quế Lâm phát hiện đình chỉ hành vi trên. Ngày 13/3/2015 Hạt kiểm lâm huyện Nông Sơn đến tiến hành đo đạc diện tích và lập biên bản kiểm tra hiện trường rừng do ông Phạm Văn Nhàn chiếm và chặt phá trái phép. Qua kiểm tra xác định diện tích rừng mà ông Phạm Văn Nhàn chiếm là 8.490m2, chặt phá trái phép là 4.480m2; thuộc rừng phục hồi sau khai được quy hoạch cho chức năng đặc dụng theo Quyết định số 2462/2013/QĐ-UBND ngày 08/9/2013 của UBND tỉnh Quảng Nam.

Ngày 11/8/2015, ngày 21/6/2016, TAND huyện Nông Sơn đã xét xử sơ thẩm lưu động tuyên mức án 36 tháng tù, nhưng cho hưởng án treo, thời gian thử thách là 5 năm.

Tại Phước Sơn

Vào khoảng tháng 02/2015 Hồ Văn Lai (sinh năm 1982) đi đặt bẫy tại khu vực khe ông Dinh thuộc thôn 5, xã Phước Hòa, huyện Phước Sơn, thì phát hiện 01 khu rừng có thể phát để làm rẫy. Khi đi Lai có gặp Trần Minh Quân (1991) trú cùng thôn, cũng đi đặt bẫy ở khu vực trên. Quân cũng có ý định sẽ phát khu rừng này để làm rẫy, nên cả hai thống nhất sẽ chia khu rừng này ra thành 02 phần rồi phát.

Sau khi chia ranh giới, đến tháng 5/2015 Lai thuê chị Hồ Thị Dân, anh Huỳnh Ngọc Huy (cùng trú tại thôn 3, Phước Hiệp) đi phát với tiền công là 150.000 đồng/ 01 ngày, Lai chịu tiền ăn trong quá trình phát và gọi thêm chị Lê Thị Ngọc Duyên (trú thôn 3, Phước Hiệp) là chị dâu của Lai đi phát đổi công cho Lai. Lai cùng mọi người làm trại để ở lại, sinh hoạt. Sau khi phát về, Lai lấy cưa tay (cưa mượn của gia đình anh Hồ Văn Đồng trú cùng thôn) một mình đi vào cưa hạ các cây gỗ trong khu rẫy. Lai cưa cây trong thời gian 02 ngày, sau đó rãi hạt keo quanh khu rẫy đã phát rồi về. Khoảng 7 ngày sau Lai mang theo bật lửa vào để đốt rẫy.

Các cơ quan chức năng, qua kiểm tra xác định diện tích rừng tự nhiên do Hồ Văn Lai chặt phá là 7.820 m2, toàn bộ diện tích trên đã phát, đốt và đã gieo hạt keo nảy mầm cao 10-20cm (diện tích trên thuộc quyền của Ban quản lý rừng phòng hộ ĐakMin). Lâm sản thiệt hại là 34 cây gỗ từ nhóm III-VIII có khối lượng 21,816 m3; diện tích rừng đó là rừng phòng hộ, kiểu trạng rừng phục hồi. Giá trị thiệt hại về lâm sản do Lai gây ra là 47.768.000 đ và giá trị thiệt hại về môi trường là 191.072.000 đ.

Ngày 22/6/2016, TAND huyện Phước Sơn đã xét xử sơ thẩm lưu động tuyên mức án 36 tháng tù, nhưng cho hưởng án treo, thời gian thử thách là 5 năm.

Trách nhiệm của các cơ quan chức năng

 Đảng và Nhà nước ta đã có nhiều chủ trương lớn để cải thiện một bước điều kiện sống và sản xuất ở các xã nghèo, xã đặc biệt khó khăn; hạn chế khoảng cách chênh lệch về thu nhập, mức sống giữa thành thị và nông thôn, giữa đồng bằng và miền núi, giữa nhóm hộ giàu và nhóm hộ nghèo.

Trong những năm qua, nhiều người dân nghèo do hoàn cảnh quá khó khăn, không có việc làm, không có đất sản xuất, thiếu nhận thức pháp luật, người dân chỉ làm theo ý thức tự phát từ những rẫy cũ của cha ông đã làm từ những năm trước đây. Nhưng trên thực địa và theo quyết định của UBND tỉnh thì những khoảnh đất trên thuộc vào rừng đặc dụng, rừng phòng hộ mà người dân vi phạm pháp luật không hề biết đến.

Việc tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật, hướng dẫn nhân dân về phát triển và bảo vệ rừng, tạo điều kiện công ăn việc làm, giao đất sản xuất, canh tác còn nhiều hạn chế, tuyên truyền chưa sâu rộng, đồng bộ.

Do nhận thức pháp luật hạn chế, chưa hiểu rõ được tầm quan trọng của việc bảo vệ rừng, không biết rừng nào là rừng phòng hộ, rừng nào là rừng đặc dụng và do thiếu đất sản xuất, thiếu việc làm dẫn đến việc vi phạm pháp luật.

Hầu hết các vụ án trên các bị cáo luôn thể hiện sự ăn năn, hối cải, khai báo thành khẩn, chỉ phạm tội lần đầu, là lao động chính trong gia đình, con còn nhỏ, đông con, trình độ nhận thức hạn chế, đã khắc phục hậu quả, bồi thường một phần thiệt hại cho nhà nước, chính vì vậy Hội đồng xét xử đã xem xét giảm nhẹ hình phạt, tạo điều kiện cho bị cáo có cơ hội hòa nhập với xã hội.

Đó là một hồi chuông cảnh báo về trách nhiệm của các cấp chính quyền, nhất là trách nhiệm của Chủ tịch UBND xã, Ban quản lý rừng và các ngành liên quan trong việc giáo dục, tuyên truyền, quản lý, hướng cho người dân có kế hoạch phát triển kinh tế, sản xuất đúng mục đích, thực sự đem lại ấm no, hạnh phúc trong cuộc sống./.

                                                            Lê Nguyễn

                                                                   Trung tâm Trợ giúp pháp lý Nhà nước tỉnh Quảng Nam

 

Xem thêm »