Xử lý vi phạm hành chính trong lĩnh vực trợ giúp pháp lý theo quy định của Nghị định số 82/2020/NĐ-CP

31/07/2020
Xem cỡ chữ Đọc bài viết In trang Google

Ngày 15/7, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 82/2020/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bổ trợ tư pháp; hành chính tư pháp; hôn nhân và gia đình; thi hành án dân sự; phá sản doanh nghiệp, hợp tác xã (Nghị định 82/2020) để thay thế Nghị định số 110/2013/NĐ-CP ngày 24 tháng 9 năm 2013 của Chính phủ quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bổ trợ tư pháp, hành chính tư pháp, hôn nhân và gia đình, thi hành án dân sự, phá sản doanh nghiệp, hợp tác xã và Nghị định số 67/2015/NĐ-CP ngày 14 tháng 5 năm 2015 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 110/2013/NĐ-CP ngày 24 tháng 9 năm 2013 của Chính phủ.

1. Về Các hành vi, hình thức xử phạt, mức xử phạt và biện pháp khắc phục hậu quả trong hoạt động trợ giúp pháp lý
Theo Nghị định 82/2020, Các hành vi, hình thức xử phạt, mức xử phạt và biện pháp khắc phục hậu quả trong hoạt động trợ giúp pháp lý được quy định từ Điều 51 đến Điều 53. Cụ thể:
Thứ nhất, đối với hành vi vi phạm quy định về người được trợ giúp pháp lý
- Hành vi cố ý cung cấp thông tin, tài liệu sai sự thật về vụ việc trợ giúp pháp lý: Cảnh cáo hoặc phạt tiền từ 300.000 đồng đến 500.000 đồng
- Hành vi tẩy xóa, sửa chữa làm sai lệch nội dung giấy tờ, văn bản do cơ quan, tổ chức, người có thẩm quyền cấp để đủ điều kiện là người được trợ giúp pháp lý: Phạt tiền từ 500.000 đồng đến 1.000.000 đồng
- 03 hành vi: (1) Đe dọa, cản trở, can thiệp trái pháp luật vào hoạt động trợ giúp pháp lý; (2) gây rối, làm mất trật tự, vi phạm nghiêm trọng nội quy nơi thực hiện trợ giúp pháp lý;  (3) Xâm phạm sức khỏe, danh dự, nhân phẩm của người thực hiện trợ giúp pháp lý và uy tín của tổ chức thực hiện trợ giúp pháp lý mà chưa đến mức truy cứu trách nhiệm hình sự: Phạt tiền từ 2.000.000 đồng đến 3.000.000 đồng
Bên cạnh bị phạt cảnh cáo, phạt tiền, người có hành vi vi phạm quy định về người được trợ giúp pháp lý còn phải chịu hình phạt bổ sung: Tịch thu tang vật là tài liệu sai sự thật hoặc giấy tờ, văn bản bị tẩy xóa, sửa chữa làm sai lệch nội dung và Biện pháp khắc phục hậu quả Kiến nghị cơ quan, tổ chức, người có thẩm quyền xem xét, xử lý đối với giấy tờ, văn bản bị tẩy xóa, sửa chữa làm sai lệch.
Thứ hai, đối với hành vi vi phạm quy định về người thực hiện trợ giúp pháp lý
- 05 hành vi: (1 )Cho người khác sử dụng thẻ cộng tác viên trợ giúp pháp lý; (2) Sử dụng thẻ cộng tác viên trợ giúp pháp lý của người khác; (3) Không nộp lại thẻ cộng tác viên trợ giúp pháp lý trong trường hợp bị thu hồi thẻ cộng tác viên trợ giúp pháp lý; (4) Không từ chối hoặc tiếp tục thực hiện trợ giúp pháp lý trong trường hợp phải từ chối theo quy định; (5) Không lập hồ sơ, bàn giao hồ sơ vụ việc trợ giúp pháp lý theo quy định thì người vi phạm sẽ bị Cảnh cáo hoặc phạt tiền từ 300.000 đồng đến 500.000 đồng;
- Hành vi tẩy xóa, sửa chữa làm sai lệch nội dung giấy tờ, văn bản do cơ quan, tổ chức, người có thẩm quyền cấp để đủ điều kiện thực hiện trợ giúp pháp lý thì người vi phạm sẽ bị phạt tiền từ 500.000 đồng đến 1.000.000 đồng;
- 06 hành vi: (1) Sử dụng thẻ cộng tác viên trợ giúp pháp lý của người khác để trục lợi; (2) Cho người khác sử dụng thẻ cộng tác viên trợ giúp pháp lý để trục lợi; (3) Lợi dụng danh nghĩa người thực hiện trợ giúp pháp lý để trục lợi, gây mất trật tự, an toàn xã hội, ảnh hưởng xấu đến đạo đức xã hội mà chưa đến mức truy cứu trách nhiệm hình sự; (4) Nhận, đòi hỏi bất kỳ một khoản tiền, lợi ích vật chất hoặc lợi ích khác từ người được trợ giúp pháp lý; sách nhiễu người được trợ giúp pháp lý; (5) Từ chối hoặc không tiếp tục thực hiện trợ giúp pháp lý cho người được trợ giúp pháp lý mà không có căn cứ; (6) Làm sai lệch các tài liệu trong hồ sơ vụ việc trợ giúp pháp lý thì người vị phạm sẽ bị phạt tiền từ 1.000.000 đồng đến 2.000.000 đồng;
- 04 hành vi: (1) Tiết lộ thông tin về vụ việc trợ giúp pháp lý, về người được trợ giúp pháp lý, trừ trường hợp người được trợ giúp pháp lý đồng ý bằng văn bản hoặc pháp luật có quy định khác; (2) Xúi giục, kích động người được trợ giúp pháp lý cung cấp thông tin, tài liệu sai sự thật; khiếu nại, tố cáo, khởi kiện trái pháp luật; (3) Xâm phạm quyền và lợi ích hợp pháp của người được trợ giúp pháp lý; phân biệt đối xử người được trợ giúp pháp lý; (4) Thực hiện trợ giúp pháp lý trong trường hợp không đủ điều kiện thực hiện trợ giúp pháp lý thì người vị phạm sẽ bị phạt tiền từ 2.000.000 đồng đến 3.000.000 đồng;
Ngoài ra, người có hành vi vi phạm quy định về người thực hiện trợ giúp pháp lý còn phải chịu một trong các hình phạt bổ sung: (1) Tước quyền sử dụng thẻ cộng tác viên trợ giúp pháp lý từ 01 tháng đến 03 tháng; (2) Tịch thu tang vật là giấy tờ, văn bản bị tẩy xóa, sửa chữa làm sai lệch nội dung và một trong các biện pháp khắc phục hậu quả: (1) Buộc hủy bỏ tài liệu bị làm sai lệch trong hồ sơ vụ việc; (2)Kiến nghị cơ quan, tổ chức, người có thẩm quyền xem xét xử lý đối với giấy tờ, văn bản đã cấp; (3) Buộc nộp lại số lợi bất hợp pháp có được do vi phạm.
Thứ ba, đối với hành vi vi phạm quy định về tổ chức tham gia trợ giúp pháp lý
- 02 hành vi: (1) Không thực hiện chế độ thống kê, báo cáo, lập, lưu trữ hồ sơ vụ việc trợ giúp pháp lý theo quy định; (2) Không chuyển hồ sơ vụ việc trợ giúp pháp lý chưa hoàn thành đến tổ chức thực hiện trợ giúp pháp lý được Sở Tư pháp giao để tiếp tục thực hiện vụ việc trợ giúp pháp lý hoặc không thông báo chấm dứt thực hiện trợ giúp pháp lý theo quy định thì người vi phạm sẽ bị phạt cảnh cáo hoặc phạt tiền từ 1.000.000 đồng đến 3.000.000 đồng;
- 07 hành vi: (1) Tẩy xóa, sửa chữa làm sai lệch nội dung giấy đăng ký tham gia trợ giúp pháp lý; (2) Từ chối hoặc không tiếp tục thực hiện trợ giúp pháp lý không đúng quy định; (3) Thực hiện trợ giúp pháp lý không đúng nội dung đăng ký; (4) Thực hiện trợ giúp pháp lý trong trường hợp không đủ điều kiện thực hiện trợ giúp pháp lý; (5) Tiết lộ thông tin về vụ việc trợ giúp pháp lý, về người được trợ giúp pháp lý, trừ trường hợp người được trợ giúp pháp lý đồng ý bằng văn bản hoặc pháp luật có quy định khác; (6) Thực hiện trợ giúp pháp lý trong trường hợp phải chấm dứt việc thực hiện trợ giúp pháp lý theo quy định; (7) Mạo danh hoặc lợi dụng hoạt động trợ giúp pháp lý để trục lợi; gây mất trật tự, an toàn xã hội, ảnh hưởng xấu đến đạo đức xã hội mà chưa đến mức truy cứu trách nhiệm hình sự thì người vi phạm sẽ bị phạt tiền từ 3.000.000 đồng đến 5.000.000 đồng.
- Hành vi thành lập tổ chức thực hiện trợ giúp pháp lý không đúng quy định: phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 7.000.000 đồng.
Nếu vi phạm quy định tổ chức tham gia trợ giúp pháp lý thì còn phải chịu một trong các hình phạt bổ sung như: (1) Tước quyền sử dụng giấy đăng ký tham gia trợ giúp pháp lý từ 03 tháng đến 06 tháng; (2) Tịch thu tang vật là giấy đăng ký tham gia trợ giúp pháp lý bị tẩy xóa, sửa chữa làm sai lệch nội dung và một trong các biện pháp khắc phục hậu quả: (1) Kiến nghị cơ quan, tổ chức, người có thẩm quyền xem xét xử lý đối với giấy tờ, văn bản bị tẩy xóa, sửa chữa làm sai lệch nội dung; (2) Buộc nộp lại số lợi bất hợp pháp có được do vi phạm.
Thứ tư, Hành vi làm giả tài liệu hoặc sử dụng tài liệu giả của cơ quan, tổ chức
- Hành vi Sử dụng giấy tờ, văn bản giả để đủ điều kiện là người được trợ giúp pháp lý; người thực hiện trợ giúp pháp lý; tổ chức thực hiện trợ giúp pháp lý: Phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng;
- Hành vi Làm giả giấy tờ, văn bản để đủ điều kiện là người được trợ giúp pháp lý; người thực hiện trợ giúp pháp lý; tổ chức thực hiện trợ giúp pháp lý: Phạt tiền từ 20.000.000 đồng đến 30.000.000 đồng
Một trong các biện pháp khắc phục hậu quả: (1) Buộc thu hồi và hủy bỏ giấy tờ, văn bản, chứng cứ giả theo quy định của pháp luật đối với hành vi vi phạm quy định; (Buộc nộp lại số lợi bất hợp pháp có được do thực hiện hành vi vi phạm; (3)Kiến nghị cơ quan, tổ chức, người có thẩm quyền xem xét, xử lý đối với giấy tờ, văn bản đã cấp do có hành vi vi phạm.
2. Về thẩm quyền lập biên bản vi phạm hành chính
Điều 82 Nghị định 820/2020 quy định: Những người sau đây đang thi hành công vụ, nhiệm vụ có thẩm quyền lập biên bản vi phạm hành chính trong lĩnh vực TGPL:
- Người có thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực TGPL quy định tại các Điều 83, 84, 85, 86 và 87 Nghị định.
- Công chức, viên chức Sở Tư pháp
- Công chức Thanh tra Bộ Tư pháp;
- Viên chức Trung tâm trợ giúp pháp lý lập biên bản vi phạm hành chính đối với các hành vi vi phạm quy định về người được trợ giúp pháp lý; Hành vi làm giả tài liệu hoặc sử dụng tài liệu giả của cơ quan, tổ chức đối với người được trợ giúp pháp lý
3. Về thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính
Theo quy định tại Điều 88 Nghị định 82/2020/NĐ-CP thì Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh; Trưởng đoàn thanh tra chuyên ngành, Chánh Thanh tra của Sở Tư pháp; Trưởng đoàn thanh tra chuyên ngành của Bộ Tư pháp; Chánh Thanh tra Bộ Tư pháp; Có thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực trợ giúp pháp lý.
                                                                                                                                                                                               Trần Nguyên Tú
                                                                                                                                                                              Phó Trưởng phòng, Phòng TC&QLCL

 

Xem thêm »