NHỮNG KẾT QUẢ NỔI BẬT TRONG CÔNG TÁC TRỢ GIÚP PHÁP LÝ TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH NINH BÌNH NĂM 2016

06/12/2016
Xem cỡ chữ Đọc bài viết In trang Google

Trợ giúp pháp lý là một chính sách nhân đạocủa Nhà nước ta vì con người và nhằm bảo vệ các quyền, lợi ích hợp pháp của người được tượng trợ giúp pháp lý (TGPL), trở thành chỗ dựa của người nghèo, nhóm người yếu thế trong xã hội khi có các vướng mắc, tranh chấp pháp lý. Thực hiện Kế hoạch công tác trợ giúp pháp lý (TGPL) năm 2016, Trung tâm TGPL nhà nước tỉnh Ninh Bình (Trung tâm) đã TGPL cho 439 trường hợp (trong đó có 396 trường hợp thuộc diện được TGPL là người nghèo, người có công với cách mạng, người chưa thành niên, người dân tộc thiểu số, người tâm thần, người khuyết tật, người già, và phụ nữ bị bạo hành gia đình) còn lại là người không thuộc diện được TGPL; với 442 vụ việc (hình sự :31, dân sự: 97, hôn nhân gia đình: 63, đất đai: 123, ưu đãi chính sách: 107, hành chính: 6, lĩnh vực pháp luật khác :15); Trung tâm đã tiếp nhận và giải quyết tại trụ sở cho 57 trường hợp (tư vấn pháp luật cho 27 trường hợp, quyết định cử luật sư là cộng tác viên và Trợ giúp viên pháp lý tham gia tố tụng bảo vệ quyền lợi cho 30 trường hợp). Thông qua các hình thức TGPL như: tư vấn, đại diện, bào chữa, hòa giải…công tác TGPL đã góp phần không nhỏ trong việc bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho những người thuộc diện được TGPL.

Tham gia Hội thảo góp ý dự thảo Luật TGPL (sửa đổi) do Cục TGPL – Bộ Tư pháp tổ chức tại tỉnh Ninh Bình; Trung tâm tích cực tham gia đóng góp ý kiến vào các văn bản dự thảo theo yêu cầu của Cục TGPL như: Thông tư liên tịch hướng dẫn phối hợp công tác TGPL trong hoạt động tố tụng thay thế Thông tư liên tịch số 11/2013/TTLT-BTP-BCA-BQP-BTC-VKSNDTC-TANDTC; Thông tư liên tịch quy định mã số, tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp viên chức chuyên ngành TGPL; Quy định tiêu chí vụ việc TGPL có tính chất phức tạp hoặc điển hình và chỉ tiêu vụ việc tham gia tố tụng của Trợ giúp viên pháp lý; Thông tư thay thế Thông tư số 18/2013/TT-BTP ngày 20/11/2013; ban hành Kế hoạch kiểm tra liên ngành công tác phối hợp về TGPL trong hoạt động tố tụng từ ngày 01/01/2013 đến 30/9/2016…

Về hoạt động TGPL tại cơ sở, Trung tâm đã phối hợp với Hội Phụ nữ tỉnh, Hội phụ nữ và Phòng Tư pháp các huyện, thành phố, UBND các xã, phường, thị trấn trong tỉnh tổ chức truyền thông, tư vấn pháp luật cho hội viên Hội phụ nữ và nhân dân tại 28 xã, phường, thị trấn, thực hiện tư vấn pháp luật miễn phí cho 382 trường hợp với 385 vụ việc chủ yếu thuộc các lĩnh vực pháp luật như: dân sự, đất đai, hôn nhân gia đình, ưu đãi chính sách, hành chính và lĩnh vực pháp luật khác.

Công tác phối hợp TGPL trong hoạt động tố tụng là một trong những nhiệm vụ mũi nhọn được Trung tâm chú trọng đẩy mạnh trong năm 2016 và các năm tiếp theo. Thực hiện Thông tư liên tịch số 11/2013/TTLT-BTP-BCA-BQP-BTC-VKSNDTC-TANDTC ngày 04 tháng 7 năm 2013 của Bộ Tư pháp, Bộ Công an, Bộ Quốc phòng, Bộ Tài chính, Viện kiểm sát nhân dân tối cao, Tòa án nhân dân tối cao hướng dẫn thực hiện một số quy định của pháp luật về TGPL trong hoạt động tố tụng và Quyết định số 749/TTg ngày 01/6/2015 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án đổi mới công tác trợ giúp pháp lý giai đoạn 2015 - 2025. Trung tâm đã tham mưu với Hội đồng phối hợp liên ngành về TGPL trong hoạt động tố tụng tỉnh Ninh Bình tổ chức các hội nghị, hội thảo chuyên sâu về các văn bản pháp luật liên quan đến công tác TGPL cho đội ngũ những người tiến hành tố tụng và những người tham gia tố tụng (Điều tra viên, Kiểm sát viên, Thẩm phán, cán bộ quản giáo tại các Trại tạm giam và Nhà tạm giữ, Luật sư Cộng tác viên, Trợ giúp viên pháp lý). Thực hiện tốt việc cung cấp Bảng thông tin TGPL, tờ thông tin về TGPL, danh sách Trợ giúp viên pháp lý, mẫu đơn yêu cầu TGPL, tờ gấp pháp luật cho các cơ quan tiến hành tố tụng, Trại tạm giam Công an tỉnh, Nhà tạm giữ công an các huyện, thành phố; ra quyết định cử Trợ giúp viên pháp lý, Luật sư cộng tác viên tham gia tố tụng bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp cho 30 trường hợp thuộc diện được TGPL (chủ yếu là trẻ em bị xâm hại và người chưa thành niên phạm tội).

Công tác tập huấn, bồi dưỡng nghiệp vụ cũng được Trung tâm rất chú trọng và đẩy mạnh, trong năm 2016, Trung tâm đã tham mưu Sở Tư pháp tổ chức cho Trợ giúp viên pháp lý, Luật sư cộng tác viên và công chức Tư pháp - Hộ tịch xã, phường, thị trấn tham dự Hội nghị trực tuyến do Bộ Tư pháp tổ chức về triển khai thi hành Bộ luật dân sự, Bộ luật Tố tụng dân sự, Luật Tố tụng hành chính; Tổ chức tập huấn về chính sách giảm nghèo và công tác quản lý, đăng ký khai sinh cho trẻ em theo Luật Hộ tịch năm 2014 cho 205 công chức Tư pháp - Hộ tịch xã, phường, thị trấn và Chủ nhiệm Câu lạc bộ TGPL; cử Trợ giúp viên pháp lý, Luật sư cộng tác viên tham dự các lớp tập huấn chuyên sâu các Bộ luật tố tụng năm 2015 và kỹ năng tham gia tố tụng trong các vụ án hình sự do Cục Trợ giúp pháp lý tổ chức.

Về công tác tổ chức, thi đua khen thưởng và các hoạt động khác, Trung tâm đã xây dựng Đề án giải thể Chi nhánh TGPL số 01 có trụ sở đặt tại thành phố Tam Điệp và đề nghị Sở Tư pháp trình UBND tỉnh đã ban hành Quyết định số 772/QĐ-UBND ngày 14/6/2016 về việc giải thể Chi nhánh TGPL số 1 thuộc Trung tâm; Tổ chức đăng ký thi đua năm 2016 và phát động thực hiện các phong trào thi đua “Ngành Tư pháp chung sức góp phần xây dựng nông thôn mới”, phong trào “Dân vận khéo” và thực hiện Quyết định số 140-QĐ/TU của Ban Thường vụ Tỉnh ủy Ninh Bình về việc phân công các cơ quan phụ trách các xã có tính chất đặc thù. Trung tâm đã tổ chức hội nghị tuyên truyền và tư vấn pháp luật tại các xã xây dựng nông thôn mới (xã Ninh Xuân, Ninh Hòa, huyện Hoa Lư) và chú trọng việc tư vấn pháp luật cho người được TGPL tại hội nghị tuyên truyền pháp luật nhằm tuyên truyền, thuyết phục họ thực hiện nghiêm các quy định của pháp luật; rà soát và đề nghị công bố bộ thủ tục hành chính về TGPL thuộc thẩm quyền giải quyết của Sở Tư pháp tỉnh Ninh Bình…

Với kết quả đạt được trong công tác TGPL năm 2016 của Trung tâm TGPL nhà nước tỉnh Ninh Bình, một lần nữa tiếp tục khẳng định hoạt động TGPL đã góp phần nâng cao hiểu biết pháp luật, ý thức chấp hành pháp luật cho nhân dân nói chung đặc biệt là các đối tượng thuộc diện được thụ hưởng dịch vụ TGPL miễn phí nói riêng, hạn chế tình trạng đơn thư khiếu kiện vượt cấp, giữ gìn an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội trên địa bàn tỉnh, đồng thời cũng tạo điều kiện cho những đối tượng được hưởng TGPL miễn phí được tiếp cận với các dịch vụ TGPL miễn phí và các văn bản pháp luật mới, giúp họ trao đổi các vướng mắc thông qua tư vấn pháp luật tại cơ sở và tại trụ sở Trung tâm, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho mình.

Để hoạt động TGPL đạt hiệu quả hơn nữa, trong thời gian tới, Trung tâm TGPL nhà nước tỉnh Ninh Bình xác định tiếp tục đẩy mạnh các hoạt động: tập trung thực hiện các vụ việc TGPL. Phối hợp chặt chẽ với các đoàn thể, quần chúng, các cơ quan tiến hành tố tụng, người tiến hành tố tụng trong việc thực hiện vụ việc bảo đảm 100% người thuộc diện được TGPL được TGPL  (nhất là người dân tộc thiểu số, người nghèo, người có công với cách mạng, trẻ em, phụ nữ bị bạo hành gia đình, người nhiễm HIV); đẩy mạnh việc TGPL bằng hình thức tham gia tố tụng, đại diện ngoài tố tụng trong đó mũi nhọn thực hiện các vụ việc là Trợ giúp viên pháp lý; tăng cường công tác truyền thông về TGPL…./.

                        Th.S Đoàn Thị Ngọc Hải

                       Sở Tư pháp tỉnh Ninh Bình

Xem thêm »