Quảng Ninh: Tín hiệu tích cực trong những ngày đầu năm mới từ việc tham gia tố tụng của Trợ giúp viên pháp lý

24/02/2017
Xem cỡ chữ Đọc bài viết In trang Google

Vừa qua, Tòa án nhân dân tỉnh Quảng Ninh đã mở phiên tòa xét xử sơ thẩm vụ án “Mua bán trẻ em” đối với bị cáo Cốc Thị H , sinh năm 1997, trú tại xã Phà Đánh, huyện Kỳ Sơn, tỉnh Nghệ An theo quy định tại Điều 120, Bộ luật Hình sự.

Do bị cáo là người dân tộc thiểu số, thường trú tại vùng có điều kiện kinh tế xã hội đặc biệt khó khăn nên cơ quan tiến hành tố tụng đã có thông báo gửi Trung tâm TGPL nhà nước tỉnh Quảng Ninh, yêu cầu cử Trợ giúp viên tham gia tố tụng từ giai đoạn xét xử sơ thẩm. Ngay sau đó, Trung tâm đã cử Trợ giúp viên pháp lý nghiên cứu hồ sơ, tham gia tố tụng để bào chữa cho người được trợ giúp pháp lý.

Theo Cáo trạng của Viện Kiểm sát nhân dân tỉnh Quảng Ninh thì từ ngày 08 đến ngày 10/6/2016 tại huyện Kỳ Sơn, tỉnh Nghệ An, do biết vợ chồng anh Ven Văn L muốn cho con gái mới sinh 19 ngày tuổi, Lương Văn S đã liên lạc với Cốc Thị H để H mang cháu bé sang Trung Quốc bán lấy tiền, thỏa thuận trả vợ chồng L 50.000.000 triệu đồng, S 20.000.000 triệu đồng tiền công môi giới. Từ  ngày 11-12/6/2016, H một mình bế cháu bé đi từ thành phố Vinh, tỉnh Nghệ An ra đến thành phố Móng Cái, tỉnh Quảng ninh. Tại đây, H liên lạc với Đặng Thị Kim Th thỏa thuận cùng nhau mang cháu bé đi bán. Khoảng 7h15 phút ngày 13/6/2016, khi H và Th đang trên đường bế cháu bé đến khu vực bến Vàng Lầy, phường Trần Phú, thành phố Móng Cái vượt bên trái phép sang Trung Quốc để bán cháu bé thì bị Công an thành phố Móng Cái phát hiện bắt quả tang.

Quá trình điều tra, các bị can đều cơ bản khai nhận hành vi phạm tội của mình.

Hành vi nêu trên của các bị cáo đã phạm tội: “Mua bán trẻ em”, được quy định tại điểm e, khoản 2, Điều 120 Bộ Luật Hình sự.

Ngày 05/01/2017, Tòa án nhân dân tỉnh Quảng Ninh tiến hành xét xử Cốc Thị H về tội “Mua bán trẻ em”, điểm e, khoản 2, Điều 120 Bộ Luật Hình sự.

Do đã nghiên cứu kỹ hồ sơ, tài liệu cũng như diễn biến tại phiên tòa sơ thẩm có lợi cho bị cáo nên sau phần tranh luận với đại diện Viện Kiểm sát, Trợ giúp viên pháp lý đã đưa ra những chứng cứ sắc bén, thuyết phục đối với Hội đồng xét xử.

Phiên xét xử khép lại với mức án 07 năm tù giam cho Cốc Thị H, bị cáo không kháng án. Bản thân H cũng từng là nạn nhân bị bán sang bên kia biên giới phía Bắc, đã có con với người chồng ngoại quốc.

Ngoài vụ việc trên, ngày 6/1/2017, Trung tâm TGPL cũng đã cử Trợ giúp viên pháp lý tham gia tố tụng để bào chữa và đạt kết quả tốt cho Lò Văn H, sinh năm 1988, dân tộc Xinh Mun, trú tại bản Pẻng, huyện Mai Sơn, tỉnh Sơn La, bị Viện Kiểm sát nhân dân tỉnh truy tố theo điểm đ, e khoản 2 Điều 119 Bộ Luật Hình sự về tội “Mua bán người” và bị Tòa án nhân dân tỉnh tuyên phạt 9 năm tù giam.

Tuy nhiên, đây là bài học đắt giá không chỉ cho Cốc Thị H,  Lò Văn H mà còn là lời cảnh tỉnh cho tất cả những kẻ hám lợi bất chấp luân thường đạo lý, pháp luật mà mua bán người, đặc biệt là mua bán trẻ em.

Trong suốt quá trình tham gia xét xử, nghiên cứu hồ sơ, tài liệu gặp gỡ bị can, bị cáo để phục vụ quá trình bào chữa tại Tòa án. Trợ giúp viên pháp lý của Trung tâm cũng đã thông tin, truyền thông pháp luật tới bị cáo và người nhà để họ thấy được sự nghiêm khắc của pháp luật đối với các hành vi phạm tội nhưng cũng rất nhân đạo, khoan hồng nếu người phạm tội biết ăn năn hối cải, thành khẩn, biết sửa chữa lỗi lầm để có cơ hội làm lại cuộc đời.

 

Có thể nói, những kết quả tham gia tố tụng và bào chữa, bảo vệ quyền lợi ích hợp pháp cho người đượctrợ giúp pháp lý trên đây là những tín hiệu khả quan, tích cực của công tác trợ giúp pháp lý nói chung và việc tham gia tố tụng đạt chất lượng nói riêng trong những ngày đầu năm mới cũng như thể hiện mục tiêu của Đề án đổi mới công tác trợ giúp pháp lý, trong đó chú trọng số lượng, chất lượng vụ việc tham gia tố tụng trên địa bàn tỉnh đang đi đúng hướng.

 

Trần Cường

Trung tâm Trợ giúp pháp lý nhà nước tỉnh Quảng Ninh

Xem thêm »