Tăng cường công tác tố tụng trong hoạt động TGPL trên địa bàn tỉnh Lào Cai

13/03/2017
Xem cỡ chữ Đọc bài viết In trang Google

Thực hiện Kế hoạch công tác năm 2016 đã được Giám đốc Sở Tư pháp phê duyệt tại Quyết định số 132/QĐ-STP ngày 29/12/2015, Trung tâm đã triển khai đồng bộ các hoạt động TGPL tới toàn thể cán bộ Trung tâm và các Chi nhánh, đặc biệt chú trọng tới hoạt động tham gia tố tụng để đại diện, bào chữa cho các đối tượng được hưởng chính sách ưu đãi của Nhà nước đối với dịch vụ TGPL.

 Trong năm qua, 13 Trợ giúp viên pháp lý của Trung tâm và Chi nhánh đã tiếp nhận và thực hiện được 126 yêu cầu về đại diện, bào chữa, chiếm 23,3% trong tổng số vụ việc mà các Trợ giúp viên đã tiếp nhận, trong đó tham gia bào chữa cho 110 trường hợp thuộc lĩnh vực hình sự (69 vụ đã hoàn thành (62,7%) còn 41 vụ đang thực hiện ở giai đoạn điều tra (37,3%); tham gia đại diện cho 14 trường hợp trong lĩnh vực hôn nhân, và 2 trường hợp trong lĩnh vực dân sự (đạt 100%).

Các Trợ giúp viên pháp lý trên địa bàn các Chi nhánh huyện Si Ma Cai, huyện Bát Xát và thành phố Lào Cai cũng đã tiếp nhận và thực hiện 39 vụ (chiếm 31% so với tổng số vụ việc tham gia tố tụng đã tiếp nhận của Trung tâm), giảm 29 vụ (42,6%) so với cùng kỳ năm trước.

Một trong số những hành vi mà các đối tượng thường mắc phải như: trộm cắp tài sản, cố ý gây thương tích, các hành vi về tội mua bán người, giết người hay mua, bán, tàng trữ chất ma túy, các hành vi về vi phạm giao thông đường bộ... hoặc tranh chấp về nuôi con, chia tài sản sau khi ly hôn, tranh chấp bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng hay tranh chấp đất đai... Tất cả những vụ án này đã được các Trợ giúp viên pháp lý tham gia nghiên cứu, đứng ra để đại diện, bào chữa cho các đối tượng yếu thế trong xã hội, phần nào giúp các đối tượng này hiểu thêm về các quy định của pháp luật đối với hành vi của mình.

Chất lượng các vụ việc tham gia tố tụng ngày càng được nâng lên, các Trợ giúp viên pháp lý đã không ngừng học hỏi, trau dồi kinh nghiệm và kỹ năng nghiệp vụ, qua đánh giá, các vụ việc TGPL đã thực hiện đều đạt chất lượng tốt, không có vụ việc nào gây thiệt hại cho đối tượng được trợ giúp và phát sinh trách nhiệm bồi thường.

Trong năm qua, nhiều vụ việc tố tụng đều được các Trợ giúp viên pháp lý tham gia bằng cả tâm tư và lòng nhiệt huyết của mình, một trong những vụ việc điển hình đọng lại trong tâm trí người phạm tội cũng như toàn thể những người tham gia tố tụng hay những người có mặt tại phiên tòa hình sự sơ thẩm một cảm giác nhẹ nhàng, lâng lâng, một niềm vui vô bờ bến mà không hề diễn tả được.

Đó là trường hợp của anh Hà Văn Đon, dân tộc Mường, trú tại thôn Thác Hoa 1, xã Sơn Thịnh, huyện Văn Chấn, tỉnh Yên Bái, do bất đồng quan điểm với Hà Đình Thụy ở tại phường Pom Hán mà không tìm ra phương án giải quyết, cả hai đã giải quyết với nhau bằng những hung khí nguy hiểm, cuối cùng Hà Văn Đon đã dùng dao chống trả và đâm một nhát vào người Hà Đình Thụy, do không được cứu chữa kịp thời, Hà Đình Thụy đã tử vong trên đường đi cấp cứu. Hà Văn Đon đã bị Viện kiểm sát nhân dân tỉnh Lào Cai truy tố về tội "Giết người" theo khoản 2 Điều 93 Bộ luật Hình sự với mức án từ 7 - 8 năm tù giam. Được sự phân công của lãnh đạo Trung tâm, trợ giúp viên pháp lý đã tham gia ngay từ giai đoạn điều tra của vụ án. Thấy được sự thành khẩn khai báo, sự  ăn năn hối cải về hành vi tội lỗi của Hà Văn Đon trong những buổi hỏi cung trực tiếp, qua việc nghiên cứu hồ sơ vụ án và tham gia tại phiên tòa hình sự sơ thẩm, trợ giúp viên đã phân tích và chỉ ra những hành vi còn thiếu sót do nhận thức hạn chế, do không hiểu biết về pháp luật của Hà Văn Đon cũng như sự chủ động tấn công của bị hại Hà Đình Thụy dẫn tới hành động tự vệ bột phát,  không tự chủ của Hà Văn Đon. Từ đó đề nghị HĐXX xem xét, cân nhắc chuyển tội danh cho Hà Văn Đon từ tội "Giết ngưởi" theo Điều 93 với khung hình phạt từ 7 - 8 năm tù giam sang tội "Giết người do vượt quá giới hạn phòng vệ chính đáng"  theo khoản 1 Điều 96 BLHS và buộc Hà Văn Đon chỉ phải chấp hành hình phạt 1 năm 6 tháng tù giam. Tại phiên tòa hình sự sơ thẩm, ý kiến của trợ giúp viên đã được Hội đồng xét xử chấp nhận.

Để góp phần hoàn thành tốt định mức chỉ tiêu các vụ việc tham gia tố tụng, phải kể đến công tác phối hợp chặt chẽ giữa các cơ quan tiến hành tố tụng liên ngành trong hoạt động TGPL như cơ quan Cảnh sát điều tra, Viện kiểm sát và Tòa án nhân dân cấp tỉnh và các huyện Bát Xát, Mường Khương, Bảo Thắng, Sa Pa. Công tác phối hợp liên ngành về lĩnh vực TGPL được duy trì và đi vào nề nếp, vì vậy hơn 95% số vụ việc tham gia tố tụng của trung tâm được thực hiện từ giai đoạn khởi tố, điều tra vụ án, do cơ quan tiến hành tố tụng giới thiệu sang.

Hơn nữa, để có cơ hội tiếp nhận và tham gia bào chữa hay đại diện cho các đối tượng yếu thế trong xã hội, phải kể đến bề dày trong công tác truyền thông của những người Trợ giúp viên pháp lý tại các buổi tư vấn pháp luật lưu động hay tại chính các phiên tòa xét xử lưu động trên địa bàn các thôn, bản nghèo đặc biệt khó khăn, nơi vùng sâu, vùng xa hẻo lánh, nơi mà bà con còn thiếu thốn cả đến cái ăn, cái mặc... một phần lớn nào đó đã biết thực hiện quyền yêu cầu TGPL khi có những vướng mắc về pháp luật, giảm thiểu được nhiều khiếu kiện, nhiều tranh chấp phát sinh trong cuộc sống thường ngày và nhiều mâu thuẫn nhỏ được tháo gỡ kịp thời. Chính vì vậy, nhờ có công tác truyền thông, công tác phối hợp liên ngành giữa các cơ quan tố tụng, sự nỗ lực không ngừng của các Trợ giúp viên pháp lý trong chuyên môn, nghiệp vụ nên số vụ việc tham gia tố tụng trong năm 2016 đã giảm 22 vụ (14,8%) so với cùng kỳ năm trước.

Bên cạnh đó, ngoài sự quan tâm, chỉ đạo sát sao các ngành, các cấp thì công tác tố tụng về TGPL còn gặp không ít những khó khăn, nguồn trợ giúp viên pháp lý hiện tại ở 06 Chi nhánh trên địa bàn các huyện Văn Bàn, Bảo Yên, Sa Pa còn thiếu nhiều, một số phương tiện máy móc làm việc đã cũ, hay hỏng hóc do đã hết khấu hao sử dụng, nguồn kinh phí hỗ trợ cho hoạt động về cơ sở còn hạn hẹp, bị gián đoạn thường xuyên và đặc biệt chưa có chính sách thu hút đối với nguồn nhân lực làm công tác TGPL. Hoạt động TGPL, mang lại sự hiểu biết về pháp luật tới cho bà con dân bản vùng khó khăn, xóa bỏ cái nghèo nàn, lạc hậu, góp phần ổn định trật tự an ninh trên địa bàn, tiến tới một xã hội giàu đẹp, văn minh./.    

                                                                   Nguyễn Hương

                                                (Trung tâm TGPL nhà nước tỉnh Lào Cai)

Xem thêm »