VĨNH PHÚC: TĂNG CƯỜNG PHỐI HỢP LIÊN NGÀNH VỀ TRỢ GIÚP PHÁP LÝ TRONG HOẠT ĐỘNG TỐ TỤNG

31/03/2017
Xem cỡ chữ Đọc bài viết In trang Google

Bằng việc cung cấp dịch vụ pháp lý miễn phí, hoạt động TGPL hằng năm đã giúp cho hàng nghìn người nghèo, đối tượng chính sách và các đối tượng yếu thế khác tiếp cận dễ dàng và sử dụng dịch vụ pháp lý miễn phí để bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của mình khi có những hành vi vi phạm pháp luật làm phương hại. Tùy vào vụ việc cụ thể của người được TGPL mà người thực hiện TGPL thực hiện bằng các hình thức như: tư vấn pháp luật, tham gia tố tụng, đại diện ngoài tố tụng và các hình thức trợ giúp khác theo quy định của pháp luật.

Với đặc thù là tỉnh thuộc vùng kinh tế trọng điểm của bắc bộ với hơn một triệu dân, số người nghèo, đối tượng chính sách và người yếu thế trong xã hội chiếm khoảng trên 10% dân số của tỉnh. Những đối tượng này rất cần được TGPL. Mặc dù, không phải tất cả số người nghèo, đối tượng chính sách và người yếu thế trong xã hội đều có nhu cầu sử dụng dịch vụ pháp lý miễn phínhưng thực tế đã cho thấy, không ít những người trong số họ cần đến sự TGPL miễn phí, nhưng họ không biết được những thông tin cần thiết và bằng cách nào để có thể được sử dụng dịch vụ pháp lý miễn phí. Kết quả khảo sát cho thấy, đa số họ thiếu thông tin, kiến thức về các vấn đề liên quan đến pháp luật về TGPL nói chung và TGPL trong hoạt động tố tụng nói riêng vì vậy không ít trường hợp khi phiên tòa mở buổi chiều thì buổi sáng cùng ngày mới tìm đến Trung tâm TGPL hoặc luật sư là cộng tác viên  TGPL để đề nghị được trợ giúp.

Bên cạnh đó một số người thuộc diện được TGPL còn thờ ơ với quyền lợi của mình bởi khi đã tìm đến TGPL nhưng không cung cấp thông tin, tài liệu cho người thực hiện TGPL mà khi phiên tòa sơ thẩm đã kết thúc mới tìm đến với người thực hiện TGPL điều đó gây không ít những khó khăn cho người thực hiện TGPL. Đặc biệt, có người được TGPL tìm đến với Trung tâm TGPL thì thời hiệu kháng cáo, thời hiệu khởi kiện đã hết….. Do vậy gây rất nhiều khó khăn cho người thực hiện TGPL đặc biệt là các vụ việc TGPL trong tố tụng.

Xác định rõ được mục đích, yêu cầu và tầm quan trọng của hoạt động TGPL nhất là TGPL trong hoạt động tố tụng, trong những năm qua Sở Tư pháp tỉnh Vĩnh Phúc đã làm tốt vai trò là cơ quan thường trực của Hội đồng phối hợp liên ngành về TGPL trong hoạt động tố tụng trên địa bàn tỉnh Vĩnh Phúc (gọi tắt là Hội đồng). Hội đồng đã trình Chủ tịch UBND tỉnh kiện toàn Hội đồng và giao nhiệm vụ quán triệt các quy định của pháp luật về TGPL đến các ngành thành viên của Hội đồng để quán triệt đến toàn thể cán bộ, công chức, viên chức và người lao động trong ngành mình đặc biệt là các cơ quan tiến hành tố tụng, người tiến hành tố tụng, Trại tạm giam, Nhà tạm giữtừ đó đã giúp người tiến hành tố tụng nhận thức rõ mục đích, ý nghĩa, vai trò, trách nhiệm và tầm quan trọng của hoạt động TGPL nói chung và TGPL trong hoạt động tố tụng nói riêng.

Với vai trò là cơ quan thường trực của Hội đồng, Sở Tư pháp đã chỉ đạo Trung tâm TGPL nhà nước tỉnh đẩy mạnh công tác truyền thông về TGPL thông qua nhiều hình thức phong phú như: xây dựng và xuất bản tờ gấp pháp luật, sách hỏi đáp pháp luật, tờ thông tin về TGPL…thực hiện các cuộc TGPL lưu động về cơ sở, về các tổ chức, Hội của người khuyết tật. Chỉ riêng năm 2016 đến nay, Trung tâm đã tổ chức được 36 cuộc TGPL lưu động về các thôn, khu dân cư, xã, phường, thị trấn, tổ chức của người khuyết tật với 2.026 người tham dự, tư vấn tại chỗ cho 318 lượt đối tượng có yêu cầu. Tại các buổi TGPL lưu động, Trung tâm TGPL nhà nước tỉnh còn cấp phát miễn phí hàng nghìn tờ gấp pháp luật, sách hỏi đáp pháp luật về TGPL, hỏi đáp pháp luật về người khuyết tật cho người tham dự và bàn giao tờ gấp pháp luật, sách hỏi đáp pháp luật cho địa phương để cấp phát miễn phí cho người dân ở cơ sở. Thực hiện rà soát, đánh giá tình trạng sử dụng Bảng thông tin, hộp tin về TGPL tại các đơn vị được cấp phát và thực hiện cấp phát bổ sung 38 Bảng thông tin, hộp tin TGPL đến các cơ quan tiến hành tố tụng, các tổ chức của người khuyết tật trên địa bàn tỉnh Vĩnh Phúc… ngoài ra các ngành thành viên của hội đồng còn tăng cường công tác truyền thông về TGPL thông qua hội nghị của cơ quan, đơn vị mình, thông qua các cơ quan Đài, Báo, Cổng thông tin điện tử của ngành và bản tin nội bộ ngành, thông qua phiên tòa xét xử lưu động và lồng ghép vào nội dung sinh hoạt của các Câu lạc bộ về pháp luật (Câu lạc bộ TGPL, Câu lạc bộ Nông dân với pháp luật, Câu lạc bộ Thanh niên với pháp luật); lồng ghép với các buổi sinh hoạt cộng đồng, các buổi sinh hoạt của các chi bộ trực thuộc Đảng bộ xã, phường, thị trấn… Do làm tốt công tác truyền thông về TGPL đã giúp cho người được TGPL tiếp cận dễ dàng với hoạt động TGPL và vụ việc thực hiện TGPL bằng hình thức tham gia tố tụng ngày càng tăng.

Để đảm bảo quyền và lợi ích hợp pháp của người được TGPL khi có yêu cầu, Trung tâm TGPL nhà nước tỉnh đã kịp thời cử Trợ giúp viên pháp lý, Luật sư cộng tác viên tham gia tố tụng để bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho người được TGPL là người nghèo, người có công và các đối tượng yếu thế khác. Giám đốc Trung tâm TGPL nhà nước tỉnh đã ban hành 118 Quyết định cử người thực hiện TGPL cho 118 lượt người được TGPL trong các vụ án Dân sự, Hình sự, Hành chính tại các cơ quan tiến hành tố tụng 02 cấp trong tỉnh.

Việc thực hiện TGPL trong hoạt động tố tụng được phối hợp chặt chẽ ngay từ khi phát hiện ra người thuộc diện TGPL các cơ quan tiến hành tố tụng đã kịp thời liên hệ và hướng dẫn người được TGPL liên hệ với Trung tâm TGPL để được TGPL như: Tòa án nhân dân huyện Sông Lô; Tòa án nhân dân huyện Tam Đảo; Công an huyện Tam Đảo; Công an Thành phố Vĩnh Yên… thủ tục cấp Giấy chứng nhận tham gia tố tụng cho Trợ giúp viên, Luật sư cộng tác viên theo quy định. Không có trường hợp nào từ chối, thu hồi Giấy chứng nhận tham gia tố tụng. Các cơ quan tiến hành tố tụng trong tỉnh đã đảm bảo cho người thực hiện TGPL được thực hiện đầy đủ các quyền và nghĩa vụ của người bào chữa, người bảo vệ theo quy định của pháp luật về tố tụng và pháp luật về TGPL; đã xác nhận thời gian người thực hiện TGPL làm việc, tạo điều kiện thuận lợi để người thực hiện TGPL nghiên cứu hồ sơ, sao chụp tài liệu đánh giá chứng cứ một cách khách quan, khoa học và đảm bảo theo quy định của pháp luật; giao các văn bản tố tụng cho người thực hiện TGPL theo quy định. Do tăng cường công tác phối hợp liên ngành về TGPL trong hoạt động tố tụng nên số lượng vụ việc TGPL trong hoạt động tố tụng của năm sau đã tăng nhiều so với năm trước. Chất lượng vụ việc do Trợ giúp viên pháp lý và luật sư cộng tác viên thực hiện tại các cơ quan tiến hành tố tụng được bảo đảm đồng thời đã giúp cho người được TGPL dễ dàng tiếp cận và sử dụng dịch vụ pháp lý miễn phí để bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của mình.

Để hoạt động TGPL thực sự mang lại hiệu quả và trở thành cầu nối giữa chính quyền và nhân dân ở cơ sở, đặc biệt là hoạt động TGPL trong hoạt động tố tụng, cần có sự phối kết hợp chặt chẽ giữa các cơ quan tiến hành tố tụng, Trại tạm giam, Nhà tạm giữ, Trung tâm TGPL nhà nước và các cơ quan, tổ chức liên quan ngay từ khi phát hiện người được TGPL các cơ quan liên quan phải kịp thời hướng dẫn người được TGPL và liên hệ với Trung tâm TGPL để thực hiện TGPL. Nâng cao chất lượng hoạt động truyền thông về TGPL, xác định rõ trách nhiệm của các ngành liên quan, các cơ quan tiến hành tố tụng, người tiến hành tố tụng. Tăng cường năng lực thực hiện TGPL cho người thực hiện TGPL nhằm góp phần giúp các cơ quan tiến hành tố tụng, người tiến hành tố tụng trong các giai đoạn điều tra, truy tố, xét xử vụ án được khách quan, đúng người, đúng tội, đúng pháp luật, hạn chế oan sai, tăng cường pháp chế và mang lại những tác động tích cực trong quá trình thực hiện cải cách tư pháp.

Kim Thanh (Trung tâm TGPL Nhà nước tỉnh Vĩnh Phúc)

Xem thêm »