TRỢ GIÚP PHÁP LÝ CAO BẰNG – HÀNH TRÌNH CỦA NHỮNG BƯỚC CHÂN KHÔNG MỎI

24/07/2017
Xem cỡ chữ Đọc bài viết In trang Google

Cao Bằng là một tỉnh miền núi, vùng cao, biên giới có 5/12 huyện nghèo,139/199 xã đặc biệt khó khăn, 1430/1598 thôn đặc biệt khó khăn; phần lớn người dân (chiếm hơn 90%) là người dân tộc thiểu số thuộc diện được trợ giúp pháp lý. Kinh tế chủ yếu dựa vào làm nông với kĩ thuật còn thô sơ chưa biết ứng dụng nhiều tiến bộ khoa học vào sản xuất, đường giao thông đi lại khó khăn, thêm vào đó, ở một số vùng đồng bào còn tồn tại nhiều phong tục lạc hậu dẫn đến việc thông thương, giao lưu, trao đổi về mặt xã hội của bà con còn rất nhiều hạn chế.

Xác định đặc thù của một tỉnh miền núi, vùng cao với số lượng người được trợ giúp pháp lý là người dân tộc thiểu số chiếm số lượng lớn, địa bàn sinh sống của những đối tượng trên rất rộng, việc tiếp cận các dịch vụ pháp lý của bà con hết sức khó khăn. nên ngay từ khi thành lập (năm 1998) đến nay, Trung tâm Trợ giúp pháp lý Nhà nước tỉnh Cao Bằng luôn ưu tiên tổ chức các hoạt động trợ giúp pháp lý tại cơ sở, trực tiếp đến với người dân. Trong gần 20 năm, những người làm công tác trợ giúp pháp lý Cao Bằng đã thực hiện 1015 đợt trợ giúp pháp lý lưu động với tổng số 5101 vụ việc trong đó có 106 vụ việc hòa giải thành.  Đó là thành quả của một quá trình Trung tâm hình thành và phát triển và nhiều hơn cả những con số trên là sự yêu mến, biết ơn của người dân và sự tin tưởng chính quyền địa phương dành cho chúng tôi sau mỗi chuyến công tác.

Để đợt công tác đạt hiệu quả, mỗi chuyến đi của chúng tôi luôn được chuẩn bị kĩ lưỡng từ khâu khảo sát nhu cầu trợ giúp pháp lý, xây dựng kế hoạch và thông tin đến cấp ủy, chính quyền cơ sở và người dân. Ngoài ra, chúng tôi còn tìm hiểu kĩ những phong tục văn hóa, tập quán canh tác đặc thù của những người dân vùng cao để sắp xếp thời gian phù hợp. Mặc dù vậy, khi trực tiếp tham gia chuyến công tác, nhiều người trong chúng tôi vẫn không khỏi ngỡ ngàng trước những khó khăn, vất vả của người dân. Để đến được địa điểm tổ chức trợ giúp lưu động, con đường chúng tôi đi đôi khi là những đoạn đường cấp phối đã xuống cấp rất nhiều, gồ ghề những “ ổ voi”, “ ổ gà” , có đôi khi là những đoạn đường đất nhỏ hẹp quanh co cheo leo nơi vách núi không có phương tiện nào có thể di chuyển được ngoài đôi bàn chân.

Đến với người dân vùng cao chúng tôi mới thực sự hiểu, đồng bào ở nơi đây không chỉ đói cơm, thiếu áo mà còn thiếu thốn rất nhiều về thông tin, kiến thức pháp luật nên khi có vướng mắc pháp luật, thậm chí quyền lợi hợp pháp của mình bị xâm phạm nhưng người dân không biết tìm đến đâu để được giải quyết, hoặc đôi khi chỉ vì mâu thuẫn một chút lợi ích mà những thành viên trong gia đình thù hằn lẫn nhau. Những vấn đề này tồn tại âm ỉ trong đời sống, gây mất ổn định xã hội và ảnh hưởng đến tinh thần đoàn kết của cộng đồng dân cư. Những chuyến công tác của chúng tôi đến xóm, xã đã trở thành cơ hội quý giá để các đối tượng trình bày những vấn đề vướng mắc pháp luật của mình. Nhiều người đã phải đi bộ từ sáng sớm vượt qua các con dốc để đến được địa điểm tổ chức lưu động chỉ để được gặp đoàn, được trình bày những vấn đề của mình. Tại các chuyến công tác, các Trợ giúp viên pháp lý của Trung tâm đã tận tình giải đáp, hướng dẫn người dân cách thức để bảo vệ quyền lợi ích hợp pháp của mình. Bên cạnh đó chúng tôi còn là trung gian để giải thích, hòa giải cho các bên tranh chấp. Nhờ những phân tích hợp tình, đúng lý của các Trợ giúp viên pháp lý mà nhiều vụ việc tranh chấp phức tạp, kéo dài đã được hòa giải thành, giải quyết triệt để không để lại những hệ lụy về sau. Có những vụ việc tranh chấp giữa chú cháu, anh em ruột, thậm chí là bố, mẹ và con đã kéo dài rất lâu, tưởng chừng không thể “ hóa giải”, tháo gỡ. Nhưng đoàn công tác đã tìm ra “nút thắt”, bản chất của tranh chấp để phân tích cho các bên về các quy định của pháp luật, về tình cảm giữa các thành viên trong gia đình từ đó gỡ bỏ những vấn đề mâu thuẫn. Sau mỗi vụ việc như vậy, nhiều đối tượng được trợ giúp đã bày tỏ sự biết ơn đối với chúng tôi. Người dân vùng cao thể hiện những tình cảm đó cũng rất mộc mạc, chân thành đôi khi chỉ là cái bắt tay, câu nói “ cảm ơn”, nhưng đôi khi là những lá thư. Trong những lá thư như vậy, nhiều người dân đã bày tỏ việc biết đến hoạt động trợ giúp pháp lý là một may mắn của họ, đã giúp họ hiểu biết hơn về pháp luật và biết coi trọng hơn tình cảm gia đình, làng xóm…. Không chỉ tạo được tình cảm tốt đẹp với người dân, những chuyến công tác của chúng tôi cũng đã tạo được uy tín, sự tin tưởng đối với chính quyền địa phương, giúp họ tháo gỡ những vấn đề nổi cộm tại địa bàn, ổn định tình hình xã hội và tạo được sự đoàn kết trong cộng đồng dân cư. Đối với ủy ban nhân dân các xã trên địa bàn tỉnh, Trung tâm trợ giúp pháp lý Nhà nước là người bạn đồng hành tích cực của chính quyền địa phương, là địa chỉ tin cậy của người dân, giúp nhân dân nâng cao nhận thức, chấp hành tốt chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của nhà nước; góp phần đảm bảo ANTT trên địa bàn.

Cảm nhận được tình cảm của người dân và sự quan tâm phối hợp của chính quyền cơ sở, những vất vả, khó khăn ban đầu trên quãng đường đi của chúng tôi dường như đã được xua tan, giúp chúng tôi tìm thấy ý nghĩa của công việc mà mình đã nguyện gắn bó. Trở về sau mỗi chuyến công tác, đọng lại trong chúng tôi là sự chân thành, mộc mạc, nhiệt tình, hiếu khách của người dân và cả những trăn trở làm sao để nâng cao nhận thức pháp luật của người dân, để giúp họ hiểu hơn về những quy định của pháp luật, chính sách của Nhà nước. Và chúng tôi vẫn sẽ tiếp bước trên con đường ấy với mong mỏi quãng đường đi được của chúng tôi càng dài thì khoảng cách của người dân đến với tiến bộ văn minh sẽ ngày càng được rút ngắn.

Hà Hạnh - TTTGPLNN tỉnh Cao Bằng

Xem thêm »