Bộ Công an chỉ đạo triển khai thông tư liên tịch số 10/2018/TTLT-BTP-BCA-BQP-BTC-TANDTC-VKSNDTC

18/03/2020
Xem cỡ chữ Đọc bài viết In trang Google

Vừa qua, Bộ Công an đã có văn bản số 481/BCA-V03 ngày 17/02/2020 gửi các đơn vị trực thuộc Bộ và Công an các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương đôn đốc triển khai thực hiện Thông tư liên tịch số 10/2018/TTLT-BTP-BCA-BQP-BTC-TANDTC-VKSNDTC ngày 29/6/2018 quy định về phối hợp thực hiện trợ giúp pháp lý trong hoạt động tố tụng (Thông tư liên tịch số 10/2018/TTLT). Nhiều ý kiến chỉ đạo trong văn bản số 481/BCA-V03 đã đi đúng trọng tâm về công tác phối hợp theo Thông tư liên tịch số 10/2018/TTLT và có giá trị trong việc thúc đẩy công tác phối hợp giữa Công an và Trung tâm trợ giúp pháp lý nhà nước ở các các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương.

Theo đó, để việc phối hợp thực hiện có hiệu quả theo các quy định của Luật Trợ giúp pháp lý năm 2017 và Thông tư liên tịch số 10/2018/TTLT, lãnh đạo Bộ Công an yêu cầu Thủ trưởng Công an các đơn vị, địa phương chỉ đạo, tổ chức triển khai thực hiện các nội dung sau:

          1. Tiếp tục tổ chức quán triệt, phố biến, tuyên truyền nội dung của Luật Trợ giúp pháp lý năm 2017 và Thông tư liên tịch số 10/2018/TTLT đến Thủ trưởng, Phó Thủ trưởng Cơ quan điều tra, Điều tra viên, Cán bộ điều tra các cấp và cán bộ tại các cơ sở giam giữ nhằm nâng cao nhận thức, thống nhất trong tổ chức thực hiện công tác trợ giúp pháp lý trong hoạt động tố tụng.

          2. Tăng cường phối hợp với các tổ chức trợ giúp pháp lý tại địa phương để trao đổi thông tin, cung cấp biểu mẫu; tạo điều kiện thuận lợi cho tổ chức, người thực hiện trợ giúp pháp lý thực hiện hoạt động trợ giúp pháp lý cho các đối tượng được trợ giúp pháp lý theo quy định của pháp luật. Nghiên cứu, xây dựng quy chế phối hợp với Trung tâm trợ giúp pháp lý ở địa phương để có thể bố trí trợ giúp viên pháp lý ứng trực (qua điện thoại) kịp thời thực hiện công tác trợ giúp pháp lý khi có yêu cầu.

          3. Đảm bảo thực hiện đúng các quy định của pháp luật về việc niêm yết, giải thích, thông báo, thông tin về trợ giúp pháp lý, đăng ký bào chữa, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của đương sự, bàn giao văn bản tố tụng, xác nhận thời gian, công việc của người thực hiện trợ giúp pháp lý.

          4. Thường xuyên theo dõi và kiểm tra các cơ quan điều tra, cơ sở giam giữ, trại giam trong việc phối hợp với cơ quan trợ giúp pháp lý để tuyên truyền, phổ biến quyền được trợ giúp pháp lý cho người bị tạm giữ, người bị tạm giam; kiểm tra việc niêm yết Bảng thông tin, Tờ thông tin về người được trợ giúp pháp lý; Hộp tin trợ giúp pháp lý, mẫu đơn yêu cầu trợ giúp pháp lý, tờ gấp pháp luật…

          Trước đó, các Bộ, ngành Quốc phòng[1], Kiểm sát[2], Tòa án[3] đã có văn bản/kế hoạch chỉ đạo các đơn vị, cán bộ trong Bộ, ngành, đặc biệt là cơ quan, người tiến hành tố tụng triển khai công tác phối hợp theo Thông tư liên tịch số 10/2018/TTLT./.

Nguyễn Thị Pha, Cục Trợ giúp pháp lý, Bộ Tư pháp

 

 

[1] Công văn số 9314/BQP-PC ngày 26/8/2019 của Bộ Quốc Phòng;

[2] Kế hoạch số 161/KH-VKSTC ngày 18/9/2019 của Viện kiểm sát nhân dân tối cao;

[3] Công văn số 244/TANDTC-PC ngày 05/11/2019 của Tòa án nhân dân tối cao.

 

Xem thêm »