Bình Thuận: Kiểm tra công tác phối hợp trợ giúp pháp lý trong hoạt động tố tụng năm 2022 tại huyện Hàm Thuận Nam và thành phố Phan Thiết

28/07/2022
Xem cỡ chữ Đọc bài viết In trang Google

Trong 02 ngày 19 và 21/7/2022, Đoàn kiểm tra của Hội đồng Phối hợp liên ngành về trợ giúp pháp lý trong hoạt động tố tụng tỉnh Bình Thuận đã tiến hành kiểm tra công tác phối hợp liên ngành về trợ giúp pháp lý tại các cơ quan tiến hành tố tụng trên địa bàn huyện Hàm Thuận Nam và thành phố Phan Thiết. Thành phần Đoàn kiểm tra gồm có đồng chí Đặng Văn Đào – Phó Giám đốc Sở Tư pháp, Phó Chủ tịch Hội đồng và đại diện lãnh đạo các ngành thành viên của Hội đồng phối hợp liên ngành.

Tại buổi làm việc, Đoàn kiểm tra đã nghe báo cáo và trực tiếp kiểm tra hồ sơ tố tụng, sổ theo dõi tại các đơn vị: Viện kiểm sát, Tòa án nhân dân, Nhà tạm giam, Cơ quan cảnh sát điều tra Công an huyện Hàm Thuận Nam và thành phố Phan Thiết. Kết quả kiểm tra cho thấy, các đơn vị được kiểm tra về cơ bản đã thực hiện đầy đủ các nội dung phối hợp theo Thông tư liên tịch số 10/2018/TTLT-BTP-BCA-BQP-BTC-TANDTC-VKSNDTC quy định về phối hợp thực hiện trợ giúp pháp lý trong hoạt động tố tụng (Thông tư liên tịch số 10/2018). Cụ thể, các đơn vị đã thực hiện nghiêm túc việc quán triệt, triển khai các nội dung phối hợp trong quy định của Thông tư đến toàn thể cán bộ, công chức, người tiến hành tố tụng trong đơn vị; niêm yết công khai Bảng thông tin, Hộp tin về trợ giúp pháp lý tại trụ sở cơ quan, đơn vị; đã hướng dẫn, giải thích quyền được trợ giúp pháp lý cho đối tượng trong các vụ án và thông báo, thông tin cho Trung tâm trợ giúp pháp lý và trong vụ án hình sự, việc giải thích, hướng dẫn nói trên được lập thành biên bản và lưu hồ sơ vụ án theo đúng quy định. Ngoài ra, việc cấp giấy chứng nhận bào chữa cho Luật sư, Trợ giúp viên pháp lý tham gia tố tụng được thực hiện đúng quy định của pháp luật tố tụng; việc thông báo thời gian, địa điểm tiến hành các hoạt động tố tụng và việc giao các văn bản tố tụng cho người thực hiện trợ giúp pháp lý đảm bảo kịp thời, đúng thời gian quy định. Trong quá trình thụ lý giải quyết án, các cơ quan tiến hành tố tụng đã thực hiện nghiêm túc việc giải thích cho người đang bị tạm giữ, tạm giam, bị can, bị cáo và các đương sự khác biết về quyền được trợ giúp pháp lý và hướng dẫn họ tiếp cận các thông tin về trợ giúp pháp lý…
 
Đ/c Đặng Văn Đào, Phó Giám đốc Sở Tư pháp tỉnh Bình Thuận, Phó Trưởng Đoàn kiểm tra phát biểu chỉ đạo tại buổi làm việc.
Đồng chí Đặng Văn Đào , Phó Giám đốc Sở Tư pháp tỉnh Bình Thuận, Phó Trưởng Đoàn kiểm tra phát biểu chỉ đạo tại buổi làm việc.

Bên cạnh những kết quả đã đạt được, Đoàn kiểm tra cũng đã chỉ ra một số tồn tại, hạn chế trong công tác phối hợp như: Công tác phối hợp liên ngành trong hoạt động trợ giúp pháp lý có lúc chưa chặt chẽ, chưa thường xuyên; việc giải thích về quyền được trợ giúp pháp lý cho nguyên đơn, bị đơn trong các vụ án dân sự, hành chính chưa được quan tâm đúng mức; số lượng vụ việc có đối tượng được trợ giúp pháp lý tại các đơn vị còn ít so với tổng số vụ án thụ lý trên địa bàn; việc gắn bảng thông tin về trợ giúp pháp lý và danh sách số điện thoại của Luật sư và Trợ giúp viên pháp lý có thực hiện nhưng trong quá trình quản lý và sử dụng đã có một số bảng hư hỏng, bị thất lạc nhưng chưa thông báo cho Trung tâm Trợ giúp pháp lý để bổ sung kịp thời…
 
Tại các buổi làm việc, trên cơ sở kết quả kiểm tra và các ý kiến trao đổi, thảo luận, Đồng chí Đặng Văn Đào – Phó Giám đốc Sở Tư pháp tỉnh Bình Thuận đã ghi nhận, đánh giá cao những kết quả đã đạt được của các cơ quan tiến hành tố tụng trên địa bàn huyện Hàm Thuận Nam và thành phố Phan Thiết; đồng thời, đề nghị lãnh đạo các đơn vị cần tiếp tục phát huy những ưu điểm, khắc phục những tồn tại, hạn chế mà Đoàn kiểm tra đã chỉ ra; tiếp tục quan tâm, chỉ đạo triển khai thực hiện có hiệu quả Luật Trợ giúp pháp lý năm 2017 và Thông tư liên tịch số 10/2018. Trong đó, cần chú trọng, tăng cường công tác tuyên truyền, giới thiệu pháp luật về trợ giúp pháp lý để nâng cao nhận thức, ý thức trách nhiệm của những người tiến hành tố tụng và các cá nhân có liên trong việc đảm bảo quyền tiếp cận và sử dụng dịch vụ trợ giúp pháp lý của người dân, đồng thời cần tập trung nâng cao hiệu quả việc giải thích về quyền được trợ giúp pháp lý miễn phí cho các bị can, bị cáo, người bị buộc tội, bị hại, đương sự… để người dân hiểu rõ về ý nghĩa, vai trò của trợ giúp pháp lý trong việc bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho người được trợ giúp pháp lý./.
Hoàng Sơn

Xem thêm »