Trợ giúp pháp lý đồng hành cùng người có công với cách mạng

27/07/2022
Xem cỡ chữ Đọc bài viết In trang Google

Chính sách trợ giúp pháp lý cho người có công với cách mạng là một chính sách đặc biệt thể hiện đạo lý “Uống nước nhớ nguồn” của dân tộc. Nhiều năm qua, cùng với những thành tựu phát triển kinh tế - xã hội của đất nước, đời sống vật chất và tinh thần đối với người có công ngày càng được chăm lo tốt hơn. Nhân Kỷ niệm 75 năm Ngày thương binh liệt sỹ (27/7/1947-27/7/2022), bài viết này điểm lại thực trạng trợ giúp pháp lý cho người có công với cách mạng trong 10 năm qua và giải pháp nâng cao hiệu quả trợ giúp pháp lý cho người có công với cách mạng trong thời gian tới.

- Người có công với cách mạng và quy định pháp luật về trợ giúp pháp lý cho người có công với cách mạng
Hiện nay đã xác nhận được hơn 9,2 triệu người có công, trong đó có 1,2 triệu liệt sỹ, hơn 139.000 Bà mẹ Việt Nam anh hùng, hơn 1.300 anh hùng lực lượng vũ trang, anh hùng lao động, gần 800.000 thương binh, bệnh binh và gần 320.000 người hoạt động kháng chiến và con đẻ của họ bị nhiễm chất độc hoá học, gần 111.000 người hoạt động kháng chiến bị địch bắt tù, đày, gần 1,9 triệu người có công giúp đỡ cách mạng[1]... Đến nay, cả nước có 98,6% hộ gia đình người có công có mức sống bằng hoặc cao hơn mức sống trung bình của nhân dân nơi cư trú; giải quyết dứt điểm, không còn hộ người có công thuộc diện hộ nghèo[2]. Có trên 1,3 triệu người có công được hưởng trợ cấp hằng tháng[3].
Nhiều chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về ưu đãi đối với người có công đã được ban hành; đối tượng hưởng chính sách ưu đãi được mở rộng, các chế độ ưu đãi từng bước được bổ sung, hoàn thiện, thể hiện sự trân trọng, biết ơn, chăm lo của Đảng, Nhà nước và nhân dân ta, trong đó có chính sách trợ giúp pháp lý. Theo đó, khi các nhóm đối tượng được trợ giúp pháp lý có yêu cầu trợ giúp pháp lý (bằng các hình thức: tư vấn, tham gia tố tụng, đại diện ngoài tố tụng), họ sẽ được miễn phí hoàn toàn, không phải trả tiền, lợi ích vật chất hoặc lợi ích khác.
Để phù hợp với Nghị quyết số 15-NQ/TW “Một số vấn đề về chính sách xã hội giai đoạn 2012 - 2020” (trong đó có 02 nhóm chính sách cơ bản là chính sách ưu đãi người có công và chính sách an sinh xã hội), Chỉ thị số 14-CT/TW, ngày 19-7-2017, của Ban Bí thư “Về tiếp tục tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác người có công với cách mạng”, Luật Trợ giúp pháp lý năm 2017 quy định "Người có công với cách mạng", “Cha đẻ, mẹ đẻ, vợ, chồng, con của liệt sĩ và người có công nuôi dưỡng khi liệt sĩ còn nhỏ có khó khăn về tài chính” và “người nhiễm chất độc da cam có khó khăn về tài chính” thuộc diện người được trợ giúp pháp lý.
Về chủ thuyết thì việc thực hiện trợ giúp pháp lý dành cho những người không có khả năng tài chính thuê luật sư, nhưng để phù hợp với chính sách đền ơn đáp nghĩa của Đảng và Nhà nước, từ Luật Trợ giúp pháp lý năm 2006 đến Luật Trợ giúp pháp lý 2017 đều quy định "Người có công với cách mạng" được trợ giúp pháp lý mà không kèm theo điều kiện không có khả năng tài chính.
Bên cạnh đó, Luật Trợ giúp pháp lý 2017 cũng đã bổ sung: “Cha đẻ, mẹ đẻ, vợ, chồng, con của liệt sĩ và người có công nuôi dưỡng khi liệt sĩ còn nhỏ có khó khăn về tài chính” và “người nhiễm chất độc da cam có khó khăn về tài chính” thuộc diện người được trợ giúp pháp lý (Điều 7 Luật Trợ giúp pháp lý). Theo quy định của Nghị định số 144/2017/NĐ-CP ngày 15/12/2017 quy định chi tiết một số điều của Luật Trợ giúp pháp lý thì điều kiện khó khăn về tài chính của người được trợ giúp pháp lý là người thuộc hộ cận nghèo hoặc là người đang hưởng trợ cấp xã hội hàng tháng theo quy định của pháp luật. Như vậy, cha đẻ, mẹ đẻ, vợ, chồng, con của liệt sĩ và người có công nuôi dưỡng khi liệt sĩ còn nhỏ, người nhiễm chất độc da cam thuộc hộ cận nghèo hoặc là người đang hưởng trợ cấp xã hội hàng tháng thì được trợ giúp pháp lý.
Ngoài ra, cha đẻ, mẹ đẻ, vợ, chồng, con của liệt sĩ và người có công nuôi dưỡng khi liệt sĩ còn nhỏ, người nhiễm chất độc da cam thuộc một trong những đối tượng sau cũng được trợ giúp pháp lý:
- Người thuộc hộ nghèo.
- Trẻ em.
- Người dân tộc thiểu số cư trú ở vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn.
- Người bị buộc tội từ đủ 16 tuổi đến dưới 18 tuổi.
- Người bị buộc tội thuộc hộ cận nghèo.
- Người cao tuổi có khó khăn về tài chính.
- Người khuyết tật có khó khăn về tài chính.
- Người từ đủ 16 tuổi đến dưới 18 tuổi là bị hại trong vụ án hình sự có khó khăn về tài chính.
- Nạn nhân trong vụ việc bạo lực gia đình có khó khăn về tài chính.
- Nạn nhân của hành vi mua bán người theo quy định của Luật Phòng, chống mua bán người có khó khăn về tài chính.
- Người nhiễm HIV có khó khăn về tài chính.
Có thể khẳng định, Luật Trợ giúp pháp lý năm 2017 đã luôn quan tâm, đặt người có công với cách mạng là một trong những đối tượng được ưu tiên, góp phần không nhỏ trong việc thực hiện chính sách đền ơn đáp nghĩa của Đảng và nhà nước, kịp thời bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của các đối tượng được trợ giúp pháp lý là người có công với cách mạng.
- Một số kết quả đạt được về trợ giúp pháp lý cho người có công với cách mạng
Về trợ giúp pháp lý cho người có công với cách mạng: Giai đoạn từ năm 2011 đến năm 2017, các Trung tâm trợ giúp pháp lý nhà nước tỉnh/thành phố đã thực hiện được hơn 77.738 vụ việc trợ giúp pháp lý cho người có công với cách mạng, trong đó 87,1% là vụ việc tư vấn, 8,4% là vụ việc tham gia tố tụng, đại diện ngoài tố tụng là 0,8% và các vụ việc với hình thức khác là 3,6%. Giai đoạn từ năm 2018 đến 6 tháng đầu năm 2022, các Trung tâm trợ giúp pháp lý đã thực hiện được hơn 19.982 vụ việc trợ giúp pháp lý cho người có công với cách mạng, trong đó 77,3% là vụ việc tư vấn, 21,4% là vụ việc tham gia tố tụng, 1,3% là vụ việc đại diện ngoài tố tụng.
Về trợ giúp pháp lý cho cha mẹ đẻ, vợ, chồng, con của liệt sĩ và người có công nuôi dưỡng khi liệt sĩ còn nhỏ có khó khăn về tài chính, giai đoạn từ năm 2018 đến 6 tháng đầu năm 2022, các Trung tâm trợ giúp pháp lý nhà nước tỉnh/thành phố đã thực hiện trợ giúp pháp lý cho 1.250 lượt người là cha mẹ đẻ, vợ, chồng, con của liệt sĩ và người có công nuôi dưỡng khi liệt sĩ còn nhỏ có khó khăn về tài chính, trong đó 85,4% là vụ việc tư vấn, 13,9% là vụ việc tham gia tố tụng, 0,7% là vụ việc đại diện ngoài tố tụng.
Về trợ giúp pháp lý cho người nhiễm chất độc màu da cam có khó khăn về tài chính, các Trung tâm trợ giúp pháp lý nhà nước tỉnh/thành phố đã thực hiện trợ giúp pháp lý cho 1.342 lượt người là người nhiễm chất độc màu da cam có khó khăn về tài chinh, trong đó 90,1% là vụ việc tư vấn, 9,8% là vụ việc tham gia tố tụng, 0,1% là vụ việc đại diện ngoài tố tụng.
Có thể thấy rằng, sau khi Luật Trợ giúp pháp lý 2017 được ban hành và định hướng về tập trung thực hiện các vụ tố tụng theo chỉ đạo của Bộ Tư pháp, các Trung tâm trợ giúp pháp lý đã đẩy mạnh hoạt động thực hiện vụ việc trợ giúp pháp lý, nhất là tham gia tố tụng. Tỷ lệ vụ việc tham gia tố tụng cho người có công với cách mạng trong giai đoạn năm 2018 đến 6 tháng đầu năm 2022 tăng lên đáng kể so với giai đoạn 2011-2017 (tăng từ 8,4% lên 21,4%). Đối với nhóm người nhiễm chất độc màu da cam có khó khăn về tài chính và người nhiễm chất độc màu da cam có khó khăn về tài chính, nhu cầu về tư vấn là trọng tâm.
Chất lượng vụ việc trợ giúp pháp lý ngày càng được chú trọng. Nhiều vụ việc được đánh giá là vụ việc thành công, hiệu quả. Nhiều Trợ giúp viên pháp lý, luật sư được cử tham gia bào chữa hoặc đại diện cho nạn nhân tại các phiên tòa đã kịp thời bảo vệ được quyền và lợi ích hợp pháp của người có công với cách mạng, bảo đảm công lý, mang lại thiện cảm và niềm tin vào tổ chức trợ giúp pháp lý nhà nước cũng như đội ngũ người thực hiện trợ giúp pháp lý. Qua những vụ việc cụ thể này, các người dân hiểu và tin tưởng hơn vào chính sách trợ giúp pháp lý nhà nước, vào năng lực của các Trung tâm trợ giúp pháp lý nhà nước, các Trợ giúp viên pháp lý và người thực hiện trợ giúp pháp lý khác.
 Khó khăn, hạn chế ảnh hưởng đến công tác trợ giúp pháp lý cho người có công với cách mạng
- Một số tổ chức thực hiện trợ giúp pháp lý chưa được trang bị đồng bộ cơ sở vật chất, trang thiết bị phù hợp, chưa bố trí đủ kinh phí cho việc bồi dưỡng nâng cao các kỹ năng chuyên sâu về tư vấn, tham gia tố tụng, đại diện ngoài tố tụng cho người thực hiện trợ giúp pháp lý khi tiến hành thực hiện trợ giúp pháp lý cho nhóm đối tượng đặc thù.
- Một số nơi công tác phối hợp giữa Trung tâm trợ giúp pháp lý và cơ quan, tổ chức có liên quan đến người có công còn chưa đầy đủ, chưa kịp thời, nhất là việc chuyển gửi thông báo, thông tin về vụ việc còn hạn chế.
Trong thời gian tới, cần tập trung vào một số giải pháp để nâng cao hoạt động trợ giúp pháp lý cho người có công với cách mạng như sau:
- Tăng cường công tác phối hợp giữa Trung tâm trợ giúp pháp lý nhà nước với các cơ quan, tổ chức có liên quan, đặc biệt là cơ quan tiến hành tố tụng, Hội cựu chiến binh khi phát hiện người có công với cách mạng có nhu cầu trợ giúp pháp lý thì giới thiệu họ đến các tổ chức thực hiện trợ giúp pháp để được trợ giúp pháp lý miễn phí theo quy định của pháp luật về trợ giúp pháp lý.
- Đẩy mạnh hoạt động truyền thông của Trung tâm trợ giúp pháp lý nhà nước về trợ giúp pháp lý, cung cấp số điện thoại đường dây nóng, danh sách địa chỉ, số điện thoại của người thực hiện trợ giúp pháp lý, Trung tâm và Chi nhánh, các tổ chức tham gia trợ giúp pháp lý.
- Tiếp tục nâng cao năng lực của người thực hiện trợ giúp pháp lý, không chỉ về chuyên môn nghiệp vụ, kỹ năng trợ giúp pháp lý mà còn cần hiểu biết về tâm lý và cách thức tiếp cận, trao đổi với người được trợ giúp pháp lý là người có công với cách mạng, cha đẻ, mẹ đẻ, vợ, chồng, con của liệt sĩ, người có công nuôi dưỡng khi liệt sĩ còn nhỏ có khó khăn về tài chính và người nhiễm chất độc da cam có khó khăn về tài chính.
- Ứng dụng mạnh mẽ công nghệ thông tin trong các hoạt động trợ giúp pháp lý, nhất là trong giai đoạn dịch bệnh đang diễn biến ngày càng phức tạp như hiện nay./.

Thanh Hà

Xem thêm »