Lào Cai: Kết quả 10 năm thực hiện trợ giúp pháp lý cho trẻ em

18/04/2022
Xem cỡ chữ Đọc bài viết In trang Google

Công tác chăm sóc, giáo dục và bảo vệ trẻ em là chính sách trọng tâm của Đảng và Nhà nước ta, đã được Bộ Chính trị Khóa VIII ban hành Chỉ thị số 55-CT/TW ngày 28/6/2000. Để duy trì và phát huy công tác chăm sóc và giáo dục trẻ em, ngày 05/11/2012, Bộ Chính trị (khóa X) đã ban hành Chỉ thị số 20-CT/TW về việc tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác chăm sóc, giáo dục và bảo vệ trẻ em trong tình hình mới (sau đây gọi là Chỉ thị số 20-CT/TW). Trên cơ sở đó, ngày 17/6/2013, Tỉnh ủy Lào Cai cũng đã ban hành Kế hoạch số 60-KH/TU về việc thực hiện Chỉ thị số 20-CT/TW, nhằm tạo điều kiện tốt nhất và từng bước đáp ứng nhu cầu về các quyền của trẻ em.

Đối với lĩnh vực pháp luật, được sự quan tâm, chỉ đạo của các cấp Đảng ủy, Trung tâm trợ giúp pháp lý (TGPL) nhà nước tỉnh Lào Cai (sau đây gọi là Trung tâm) đã bám sát các nội dung của Chỉ thị số 20-CT/TW và Kế hoạch số 60-KH/TU của Tỉnh ủy, triển khai tới toàn thể cán bộ, Đảng viên của đơn vị; tổ chức các hoạt động TGPL trong phạm vi, lĩnh vực được phân công như tham gia tố tụng, đại diện ngoài tố tụng, tư vấn pháp luật tại trụ sở và tổ chức các hoạt động truyền thông phù hợp với tình hình và theo đúng chức năng, nhiệm vụ mà Chỉ thị đã đề ra.
Trong thời gian từ 2012 đến nay, Trung tâm đã tiếp nhận và thực hiện  125 vụ việc cho 125 đối tượng là trẻ em (nam là 68 em; nữ là 57 em)  trong đó: Số trẻ em được bảo vệ là 56 trường hợp (bao gồm các em là bị hại trong vụ án Hiếp dâm và Giao cấu là 27 em; các em là bị hại trong vụ án Mua bán người và Mua bán người dưới 16 tuổi là 29 em ); Số trẻ em là người bị buộc tội được bào chữa trong các vụ án Hiếp dâm, Mua bán trái phép chất ma túy, Cố ý gây thương tích, Cướp tài sản là 69 trường hợp. Hầu hết các vụ việc đều được tiếp nhận tại trụ sở Trung tâm (87 vụ) và trụ sở các Chi nhánh (38 vụ) với hình thức chủ yếu là tham gia tố tụng và đều do các Trợ giúp viên pháp lý đảm nhiệm; Tỉ lệ giải quyết đạt 100% so với yêu cầu tiếp nhận.
 
Bên cạnh đó, Trung tâm và các Chi nhánh TGPL trên địa bàn các huyện đã chủ động phối hợp với phòng Tư pháp, Phòng dân tộc, Hội phụ nữ trên địa bàn tổ chức lồng ghép được 115 đợt (bao gồm 61 đợt TGPL lưu động và 54 đợt truyền thông về TGPL) phổ biến các quy định về quyền và bổn phận của trẻ em tại 115 thôn, bản đặc biệt khó khăn, các xã nghèo trên địa bàn tỉnh.
Qua các đợt TGPL lưu động và truyền thông về TGPL đã thu hút được hơn 3.830 lượt người tham dự, các Trợ giúp viên pháp lý đã tuyên truyền tới người dân các quy định của Luật TGPL năm 2006 và Luật TGPL sửa đổi, bổ sung năm 2017, về đối tượng được TGPL là trẻ em (nạn nhân bị mua bán, bị bạo lực gia đình, bất bình đẳng về giới, là người bị buộc tội, người bị hại trong các vụ án hình sự…); những quy định của Luật trẻ em; quy định của pháp luật Hình sự, pháp luật Dân sự đối với trẻ em; một số vấn đề có liên quan đến chế độ, chính sách hỗ trợ đối với trẻ em; trình tự, thủ tục đề nghị các cơ quan có thẩm quyền giải quyết. Giải thích cho 24 trường hợp là người thân của các em nhỏ có vướng mắc liên quan đến pháp luật về trẻ em. Qua đó, nâng cao được ý thức, hiểu biết pháp luật của đông đảo người dân, các tổ chức, cá nhân về quyền và bổn phận của trẻ em, phần nào giúp các em biết tự bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của mình, hạn chế đến mức thấp nhất tình trạng trẻ em bị ngược đãi, bị bạo lực, bị xâm hại tình dục và tử vong do tai nạn thương tích,… trên địa bàn, góp phần thực hiện tốt việc bảo vệ và chăm sóc trẻ em tại địa phương.

(Ảnh: Bào chữa cho em Phạm Ngọc Minh (áo trắng) - người dưới 16 tuổi bị buộc tội)
(Ảnh: Bào chữa cho em Phạm Ngọc Minh (áo trắng) - người dưới 16 tuổi bị buộc tội)
 
Mặc dù không có nguồn kinh phí dành riêng cho các hoạt động TGPL cho trẻ em trên địa bàn tỉnh, nhưng được sự quan tâm, chỉ đạo của các cấp Đảng ủy, hằng năm, Trung tâm và các Chi nhánh vẫn triển khai thực hiện đầy đủ các hoạt động TGPL dành cho trẻ em ngay từ đầu năm theo chương trình, kế hoạch đã đặt ra, nhằm bảo đảm quyền và lợi ích hợp pháp của trẻ em trong lĩnh vực TGPL giúp cho nhiều gia đình, bản thân trẻ ổn định tâm lý và hòa nhập cộng đồng. Từ đó, có niềm tin vào pháp luật, vào chính sách của Đảng và Nhà nước về quyền trẻ em.
Bên cạnh những kết quả đạt được vẫn còn một số hạn chế như: một số trẻ em có hoàn cảnh khó khăn như trẻ mồ côi cha/mẹ; trẻ khuyết tật; trẻ chưa được đến trường hoặc chưa có điều kiện tiếp xúc với các kênh thông tin về pháp luật nên chưa biết đến dịch vụ TGPL. Do vậy, trong thời gian tới, Trung tâm tiếp tục duy trì và thực hiện tốt việc cung cấp dịch vụ pháp lý miễn phí cho tất cả các đối tượng là trẻ em trên địa bàn tỉnh; Tổ chức các đợt truyền thông TGPL về địa bàn các xã nghèo, thôn, bản đặc biệt khó khăn trên địa bàn tỉnh; Đồng thời ứng dụng công nghệ thông tin để tuyên truyền và nâng cao nhận thức của cộng đồng xã hội trong công tác chăm sóc, bảo vệ và giáo dục trẻ em./.
                                    Nguyễn Thị Mai Hương
                                    Trung tâm TGPL tỉnh Lào Cai
 

Xem thêm »