Cái khó của tư vấn pháp luật

11/03/2022
Xem cỡ chữ Đọc bài viết In trang Google

Trong ba hình thức trợ giúp pháp lý là tham gia tố tụng, đại diện ngoài tố tụng và tư vấn pháp luật, thì tư vấn pháp luật tưởng chừng như đơn giản nhất so với hai hình thức còn lại. Tuy nhiên, tư vấn pháp luật không hề đơn giản như ta nghĩ. Bởi thời gian nghiên cứu ít, thông tin một chiều mang tính chủ quan của người yêu cầu, thiếu tài liệu chứng cứ liên quan và buộc người tư vấn phải đưa ra được phương án tốt nhất cho người được tư vấn lựa chọn. Nhưng khi người tư vấn đưa ra được phương án tốt nhất, thì quá trình truyền đạt nội dung công việc cần làm cho người được tư vấn hiểu là vấn đề then chốt, có tính quyết định đến chất lượng hiệu quả tư vấn. Việc truyền tải thông tin tư vấn gặp nhiều khó khăn như bất đồng ngôn ngữ, phong tục tập quán, nhận thức hạn chế của người được tư vấn, các thuật ngữ pháp lý và đặc biệt là người khiếm thính.v.v.

Tôi ấn tượng hai buổi tư vấn cho ông Giàng Vảng S bản CL, xã Mường Nhé, huyện Mường Nhé về chế độ, chính sách quân nhân phục viên, xuất ngũ, thôi việc theo Quyết định số 62/2011/QĐ-TTg ban hành ngày 09/11/2011 của Thủ  tướng Chính phủ là một minh chứng điển hình.

Một chiều tháng 12 năm 2021, hai vợ chồng Giàng Vảng S tìm đến Chi nhánh Trợ giúp pháp lý số 5 huyện Mường Nhé, ông S cầm chiếc cặp đã bong tróc với thái độ khá bức xúc. Sau vài câu chào hỏi xã giao, ông S nói to từng tiếng rời rạc bằng tiếng phổ thông mà tôi nghe không hiểu nội dung gì. Tôi chăm chú lắng nghe hồi lâu nhưng vẫn không hiểu ông S đang trình bày vấn đề gì và tôi khéo hỏi bằng tiếng Mông xem ông đang trình bày việc gì. Thế nhưng hình như ông S không hiểu tôi nói gì, sau một hồi tôi phát hiện ông S đang chăm chú quan sát miệng tôi và tôi nghi ngờ ông S bị điếc. Để khẳng định nghi ngờ của mình, tôi quay sang hỏi vợ ông S thì vợ bảo chồng bị điếc nặng. Đến đây tôi yêu cầu vợ trình bày thay chồng và vợ ông S nói: “tôi là vợ hai không nắm được sự việc cụ thể mà chỉ biết người đi bộ đội như chồng tôi được nhà nước cho một khoản tiền. Chồng đã làm giấy tờ đề nghị nhưng không nhận được tiền như người khác. Hai vợ chồng đi hỏi nhiều nơi và được Văn phòng một cửa của UBND huyện giới thiệu về đây gặp cán bộ giải quyết”. Nghe đến đây, tôi mới hiểu ông S đang thắc mắc về chế độ chính sách đối với quân nhân phục viên, xuất ngũ. Để có cơ sở xem xét sự việc, tôi yêu cầu vợ chồng ông S cung cấp giấy tờ liên quan quá trình hoạt động trong quân ngũ của ông S và giấy tờ thể hiện việc ông S đã đề nghị cơ quan nhà nước có thẩm quyền xem xét chế độ chính sách. Nghe xong, vợ ghé sát tai chồng hét to và ông S mở chiếc cặp đưa tôi tập hồ sơ. Trong tập hồ sơ có quyết định xuất ngũ ghi ông S nhập ngũ tháng 9/1978, xuất ngũ ngày 01/9/1982 do Phó chủ nhiệm Biên Phòng ký và ông S thuộc Đồn 302 Bộ đội Biên phòng tỉnh Lai Châu. Ngoài ra có một văn bản trả lời của Ban chỉ huy quân sự huyện xác định Đồn 302 Bộ đội Biên phòng tỉnh Lai Châu không có trong danh mục, địa bàn, thời gian, đơn vị trực tiếp tham gia chiến đấu bảo vệ Tổ quốc do Tổng Tham mưu trưởng Quân đội nhân dân Việt Nam ban hành. Vì vậy, ông Giàng Vảng S không thuộc đối tượng được hưởng chế độ, chính sách theo Quyết định số 62/2011/QĐ-TTg. Để kiểm chứng thông tin trong công văn tôi đến làm việc với bộ phận phụ trách chính sách của Ban chỉ huy quân sự huyện Mường Nhé xem danh mục của Tổng Tham mưu trưởng Quân đội nhân dân Việt Nam và muốn nắm bắt toàn bộ quá trình phục vụ trong quân đội của ông S. Sau gần hai tiếng đồng hồ giao tiếp với ông S bằng cách ghi ra các câu hỏi cho ông trả lời và làm việc với bộ phận phụ trách chính sách của Ban chỉ huy quân sự huyện Mường Nhé, tôi đã nắm rõ lịch sử tham gia phục vụ trong quân đội của ông và đi đến kết luận rằng ông S không thuộc đối tượng được thụ hưởng chính sách. Tôi trả lời ông S rằng ông không thuộc đối tượng được thụ hưởng chế độ, chính sách theo Quyết định số 62/2011/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ và công văn trả lời của Ban chỉ huy quân sự huyện hoàn toàn phù hợp với quy định hiện hành. Tuy nhiên, ông S bức xúc cho rằng công văn của Ban chỉ huy quân sự huyện khẳng định tỉnh Lai Châu không có Đồn 302 là sai, lý do ông S khẳng định điều này là do văn bản trả lời có đoạn ghi: “Đồn 302 không có trong danh mục, địa bàn, thời gian, đơn vị trực tiếp tham gia...”. Ông S lập luận rằng “không có, nghĩa là Ban chỉ huy quan sự huyện khẳng định tỉnh Lai Châu không có Đồn 302 là không đúng” cho dù giải thích thế nào ông cũng không chịu. Cuối cùng tôi phải dùng bút bi vẽ những hình tròn minh họa các đơn vị quân đội trực tiếp tham gia các trận chiến bằng mực đỏ và các đơn vị không trực tiếp tham gia chiến đấu vẽ bằng mực đen. Và ghi chú rõ đơn vị vẽ bằng mực đỏ là đơn vị trực tiếp cầm súng tham gia đánh giặc được nhà nước hỗ trợ cho những cán bộ, chiến sĩ thuộc đơn vị này và các đơn vị này được Tổng Tham mưu trưởng Quân đội nhân dân Việt Nam lập thành danh sách gọi là “Danh mục”. Còn các đơn vị vẽ bằng mực đen là các đơn vị làm nhiệm vụ khác không cầm súng ra đánh trận nên Nhà nước không hỗ trợ và Tổng Tham mưu trưởng QĐND Việt Nam không đưa các đơn vị này vào danh sách (Danh mục) được hưởng chế độ theo Quyết định số 62/2011/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ trong đó có đồn 302. Đến đây, ông S cười và gật đầu vui vẻ ra về. Thế nhưng sáng hôm sau ông quay lại cho rằng những người cùng nhập ngũ với ông đều được hỗ trợ tại sao ông lại không được. Và ông đề nghị chi nhánh kiến nghị nhà nước hỗ trợ cho ông một nửa thời gian phục vụ trong quân ngũ theo quyết định số 62. Vậy là hai chúng tôi lại hét to với nhau nhưng không hiểu đối phương đang nói gì và cuối cùng hai chúng tôi ngồi viết cho nhau những dòng chữ nguệch ngoạc cả buổi sáng rồi ông S vui vẻ ra về.

Qua hai buổi tư vấn cho ông S, tôi cho rằng tư vấn pháp luật có chất lượng, hiệu quả phải làm thay đổi được nhận thức của người được tư vấn hành xử thượng tôn pháp luật và tự bảo vệ được quyền, lợi ích hợp pháp chính đáng của mình trong quá trình giải quyết vụ việc và tránh được những rủi ro pháp lý có thể xảy ra. Để làm được điều này, người tư vấn phải có trình độ chuyên môn tốt, nhạy bén, biết tiếng, hiểu phong tục, tập quán của người được tư vấn và hạn chế sử dụng thuật ngữ pháp lý hoặc phải giải nghĩa các thuật ngữ pháp lý có trong tư vấn cho người được tư vấn hiểu. Và người tư vấn phải kiên trì, nhẫn nại trong suốt quá trình tiếp xúc, thu thập xử lý thông tin và cách thức truyền đạt thông tin dễ hiểu, phù hợp trình độ nhận thức, thể chất của người được tư vấn pháp luật./.

Lý A Chía - Chi nhánh TGPL số 5 - Trung tâm TGPL tỉnh Điện Biên.

Xem thêm »