Bạo lực gia đình và nỗi niềm của người làm công tác trợ giúp pháp lý

26/01/2022
Xem cỡ chữ Đọc bài viết In trang Google

Huyện Mường Nhé tỉnh Điện Biên là huyện biên giới cực Tây của Tổ quốc, là vùng có điều kiện kinh tế- xã hội đặc biệt khó khăn nhưng lại là vùng trọng yếu về quốc phòng, an ninh biên giới của đất nước. Thực hiện chức năng nhiệm vụ được giao và chỉ đạo của Cục Trợ giúp pháp lý, Bộ Tư pháp tại Công văn số 4878/BTP-TGPL ngày 23/12/2021 của Bộ Tư pháp về việc trợ giúp pháp lý (TGPL) cho nạn nhân bị bạo lực trên cơ sở giới theo Quyết định số 2232/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ. Chi nhánh TGPL số 05 đặt tại huyện Mường Nhé tỉnh Điện Biên xin chia sẻ vụ việc tư vấn liên quan đến bạo lực gia đình đã thực hiện.

Dưới ánh nắng yếu ớt ngày cuối cùng của năm 2021, một phụ nữ dân tộc Mông bế đứa bé gần hai tuổi, sau lưng địu một bé chừng 3 tháng tuổi và dẫn theo hai đứa trẻ chừng dưới 10 tuổi thập thò trước cửa Chi nhánh với ánh mắt ngại ngùng. Thấy vậy, tôi ra hỏi mấy mẹ con tìm gặp ai và có việc gì cần giúp đỡ, thì người mẹ nước mắt chực trào với bộ áo váy rách rưới, người xanh xao cùng hai đứa trẻ khép nép bên váy mẹ ló mặt nhìn chằm chằm vào tôi. Khi được hỏi thì người phụ nữ một tay lau nước mắt còn tay kia vẫn bế đứa bé và nói là đến cầu xin sự giúp đỡ vì luôn bị chồng chửi mắng, đánh đập và không giúp đỡ phát triển kinh tế gia đình cũng như chăm sóc con cái.
Sau khi mời người phụ nữ ngồi và đưa mấy viên kẹo cho các cháu, tôi hỏi thăm về hoàn cảnh kinh tế gia đình và tình cảm vợ chồng người phụ nữ. Chị giới thiệu tên là Sùng Thị L sinh năm 1980 người bản Nà Pán, xã Mường Nhé, huyện Mường Nhé, chồng chị là anh Hàng A T sinh năm 1975 di cư từ xã Pu Xi, huyện Tuần Giáo, tỉnh Điện Biên về năm 2013. Chị L cho biết anh chị chung sống với nhau từ năm 1995 và đã có với nhau 12 đứa con nhưng anh T ít khi giúp vợ đi làm nương rẫy. Đông con nhưng gia đình không có đất canh tác, hằng năm phải đi mượn đất hộ khác để làm nương rẫy mưu sinh. Anh T không biết chữ, không biết sắp xếp việc nhà, chậm chạp và mỗi khi vợ ý kiến thì chửi mắng và đánh đập vợ con. Sự việc đã được anh em họ hàng hai bên khuyên răn nhiều lần nhưng anh T không những không thay đổi thái độ mà ngày càng hung hăng hơn trước. Do không chịu nổi cuộc sống nghèo khổ, người chồng ưa bạo lực và anh em họ hàng không thể khuyên răn nên  chị L đến với trợ giúp pháp lý để mong được giúp đỡ. Trước mắt tôi là hình ảnh người phụ nữ áo váy rách rưới, khuôn mặt xanh xao cùng hai đứa bé dưới mười tuổi đi chân trần, khoác trên mình những bộ quần áo cũ kỹ, không áo ấm, mặt mũi lem luốc với hai bàn tay tái đỏ vì giá rét và đứa bé chị bế gầy guộc vì suy dinh dưỡng. Cùng là người dân tộc Mông tôi thấu hiểu cảnh ngộ khốn cùng của chị Lvà thương xót các cháu.. Sau đó tôi hỏi nguyện vọng của chị L khi đến với trợ giúp pháp lý muốn được giúp đỡ như thế nào? Thì chị cho biết, mong muốn chồng cùng chị phát triển kinh tế gia đình, không chửi mắng, đánh đập chị và cùng nuôi dạy các con nên người. Đó là ước mơ to lớn của người phụ nữ trước mặt tôi và cũng là mong muốn của Đảng, Nhà nước và các đoàn thể chính trị xã hội vì mục tiêu dân giàu, nước mạnh, xã hội công bằng, dân chủ và văn minh. Để đáp ứng nguyện vọng, mong muốn của chị, tôi căn cứ Luật Hôn nhân và gia đình giải thích quyền và nghĩa vụ của vợ chồng; quyền và nghĩa vụ của cha mẹ đối với con cái và ngược lại; Luật Phòng, chống bạo lực gia đình, giải thích các hành vi bạo lực gia đình là như thế nào và cung cấp thông tin liên quan về cơ quan, người có thẩm quyền thực hiện nhiệm vụ phòng, chống bạo lực gia đình. Theo đó, tôi hướng dẫn khi chồng chị L có các hành vi bạo lực, thì chị có thể thông báo ngay cho trưởng bản, chính quyền địa phương biết và cử người giúp đỡ kịp thời nhằm đảm bảo quyền lợi của chị không bị xâm hại.
Sau buổi tư vấn, chị L cho biết thêm, trước đây chị cũng như người thân không hiểu biết các quy định pháp luật về phòng, chống bạo lực gia đình và mỗi khi chồng chửi mắng hay đánh đập đều chịu đựng hoặc cùng lắm là báo cho anh em họ hàng hai bên giúp đỡ, khuyên bảo. Những lần đầu thì chồng còn vâng dạ khi được khuyên nhủ nhưng về sau thì tỏ thái độ khó chịu và chống đối anh em họ hàng hai bên. Chính vì vậy, họ hàng hai bên mới bảo chị tìm đến với trợ giúp pháp lý để được giúp đỡ. Chi nhánh Trợ giúp pháp lý số 5 xác định chị L là đối tượng được trợ giúp pháp lý miễn phí, đồng thời  hành vi bạo lực gia đình không dễ gì thay đổi một sớm một chiều. Vì vậy, trước lúc chị L ra về, tôi cung cấp số điện thoại của chi nhánh và cá nhân, đồng thời dặn chị khi cần có thể liên hệ bất cứ khi nào để được trợ giúp theo quy định. Tiễn mấy mẹ con ra về, nhìn cảnh người mẹ tay bồng tay bế và dìu dắt nhau ra khỏi cửa dưới ánh nắng yếu ớt ngày cuối năm mà trong lòng tôi không khỏi xót xa và thương cảm cho số phận người phụ nữ sống trong cảnh nghèo khó đến cực cùng lại phải chịu đựng ấm ức bao năm về hành vi bạo lực gia đình của người chồng tay gối má kề.
Với nhiệm vụ được giao tại chi nhánh TGPL số 05, bản thân tôi luôn tâm niệm chung tay cùng hệ thống chính trị của địa phương đẩy lùi nạn bạo lực gia đình để gia đình luôn là tế bào của xã hội, nhà nhà sống an vui và các bé có cuộc sống tuổi thơ yên đẹp, đầy ắp tiếng cười nơi vùng biên Tổ quốc./.
Lý A Chía- Chi nhánh TGPL số 5- Trung tâm TGPL nhà nước tỉnh Điện Biên.

Xem thêm »