Trợ giúp pháp lý trong tố tụng: Bảo đảm quyền lợi bị can, bị cáo

23/08/2021
Xem cỡ chữ Đọc bài viết In trang Google

Công tác trợ giúp pháp lý trong hoạt động tố tụng thời gian qua được Trung tâm Trợ giúp pháp lý Nhà nước (Sở Tư pháp Bắc Giang) thực hiện hiệu quả. Qua đó góp phần cùng các cơ quan tiến hành tố tụng xét xử đúng người, đúng tội.

Giảm mức án như đề nghị

Cuối tháng 7 vừa qua, TAND huyện Việt Yên mở phiên tòa hình sự sơ thẩm xét xử đối với bị cáo Lò Thị Ngoãn (SN 1989) ở bản Nà Dên, xã Búng Lao, huyện Mường Ẳng (Điện Biên). Ngoãn cư trú tại tổ dân phố Ninh Khánh, thị trấn Nếnh (Việt Yên) phạm tội mua bán trái phép chất ma túy. Tại phiên tòa, đại diện Viện KSND huyện đề nghị mức án từ 30-36 tháng tù. Qua nghiên cứu hồ sơ và gặp gỡ bị cáo, Trợ giúp viên pháp lý (TGVPL) của Trung tâm Trợ giúp pháp lý Nhà nước tỉnh đã nêu ra những tình tiết giảm nhẹ để bào chữa. 

Đơn cử như: Hoàn cảnh gia đình khó khăn, bố chồng đang ốm cần tiền chữa bệnh, hai vợ chồng không có nghề nghiệp ổn định nên bị cáo nảy sinh ý định bán ma túy. Bị cáo bỏ ra 220 nghìn đồng mua 0,221 gam ma túy để bán, tuy nhiên mới bán được một gói nhỏ với giá 100 nghìn đồng thì bị bắt nên chưa được lợi gì từ việc mua bán. Ngoài ra, bị cáo chưa có tiền án, tiền sự, phạm tội lần đầu, không biết chữ nên nhận thức pháp luật còn hạn chế. Với những luận cứ nêu trên, TGVPL đề nghị mức án 24 tháng tù. Qua xem xét, Hội đồng xét xử tuyên án 24 tháng tù đối với bị cáo Ngoãn.

Ở một vụ án khác, mới đây, TAND huyện Lục Nam đưa ra xét xử bị cáo Nguyễn Ngọc Anh (SN 1988) ở thôn Chẽ, xã Trường Sơn với tội danh "Vi phạm quy định về bảo vệ động vật nguy cấp, quý hiếm". Nghiên cứu kỹ hồ sơ và tìm hiểu nguyên nhân, mục đích phạm tội, TGVPL nhận thấy, bị cáo là người yêu thích động vật nên trong quá trình đi nhặt hạt dẻ vô tình nhìn thấy con Culi trong hốc cây nên bắt về nuôi. 
 

Do thiếu nhận thức về động vật nguy cấp, quý hiếm nên bị cáo không biết cần phải báo chính quyền địa phương hay cơ quan chức năng. Ngoài ra, căn cứ vào các tình tiết giảm nhẹ khác như bị cáo có thân nhân tốt, thành khẩn khai báo nên tại phiên xét xử, TGVPL đã đề nghị mức án 12 tháng tù nhưng cho hưởng án treo và được TAND chấp nhận, giảm 5 tháng so với mức đề nghị của Viện KSND huyện.

Đây chỉ là hai trong số hàng chục vụ án mỗi năm mà các TGVPL thực hiện thành công việc bào chữa tại cơ quan tiến hành tố tụng. Từ đầu năm đến nay, Trung tâm Trợ giúp pháp lý Nhà nước tỉnh thụ lý 100 vụ việc (tăng 13 vụ so với cùng kỳ năm 2020), tất cả đều tư vấn, trợ giúp miễn phí.

Tư vấn, trợ giúp miễn phí

Việc tham gia tố tụng của các TGVPL trong quá trình điều tra các vụ án hình sự đã góp phần nâng cao trách nhiệm xử lý tội phạm của cơ quan điều tra các cấp. Từ đó hạn chế đến mức thấp nhất các trường hợp oan, sai, đồng thời bảo đảm tính khách quan trong hoạt động điều tra, xét xử. Nhiều vụ việc, người trợ giúp pháp lý đã phát hiện những tình tiết giảm nhẹ, đánh giá đúng bản chất vụ án và hành vi phạm tội của bị can, bị cáo để đề nghị xử lý đúng người, đúng tội, đúng quy định của pháp luật. 

Từng tham gia làm TGVPL cho nhiều bị cáo, bà Giáp Thị Huế, Trưởng phòng Hình sự - Hành chính (Trung tâm Trợ giúp pháp lý Nhà nước tỉnh) chia sẻ: Qua nghiên cứu hồ sơ, có nhiều trường hợp tôi biết họ có tình tiết giảm nhẹ nên cố gắng dành thời gian gặp gỡ trực tiếp bị cáo để tư vấn, thuyết phục họ hợp tác. Từ đó, nhiều bị cáo được giảm thời gian chấp hành án phạt, có cơ hội sớm được trở lại hòa nhập cộng đồng. 

Được biết, để làm tốt hoạt động này, Trung tâm Trợ giúp pháp lý Nhà nước tỉnh luôn phối hợp chặt chẽ, thường xuyên với các đơn vị liên quan thực hiện tốt việc tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật, tạo điều kiện thuận lợi cho trợ giúp viên gặp gỡ, trao đổi với bị can, bị cáo, người được trợ giúp pháp lý. Bản thân mỗi trợ giúp viên không ngừng trau dồi kiến thức, bản lĩnh tranh tụng. Ông Thân Hồng Giang, Chánh án TAND huyện Lạng Giang chia sẻ: Đơn vị luôn phối hợp tốt với các TGVPL được tham gia trợ giúp vụ án ngay từ khâu đầu tiên điều tra, nghiên cứu hồ sơ, lấy lời khai. Những vụ việc có sự trợ giúp pháp lý đã giúp cho việc phán quyết của cơ quan tố tụng được chặt chẽ hơn.

Hoạt động trợ giúp pháp lý không chỉ góp phần bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho các bị can, bị cáo mà còn nâng cao hiểu biết, ý thức chấp hành pháp luật cho họ. Tuy nhiên, thực tế vẫn còn một số người từ chối hoặc không yêu cầu trợ giúp. Theo ông Trần Thanh Bình, Giám đốc Trung tâm Trợ giúp pháp lý Nhà nước tỉnh, nguyên nhân là do nhận thức của người được trợ giúp còn chưa hiểu rõ các quy định của Luật Trợ giúp pháp lý. Do vậy, để ngày càng nhiều người biết đến hoạt động này thì việc tăng cường thông tin, phổ biến các quy định của pháp luật tới các bị can, bị cáo là rất cần thiết. Trong đó cần chú trọng hướng dẫn, giải thích về quyền được yêu cầu Trợ giúp pháp lý trong quá trình tiến hành tố tụng.
 

Nguồn: http://baobacgiang.com.vn

Xem thêm »