Điện Biên - Tăng cường phối hợp liên ngành về trợ giúp pháp lý trong hoạt động tố tụng

12/07/2021
Xem cỡ chữ Đọc bài viết In trang Google

Nhằm thực hiện có hiệu quả công tác phối hợp liên ngành trong hoạt động tố tụng, tăng cường phối hợp ở giai đoạn điều tra để đảm bảo quyền lợi cho người được trợ giúp pháp lý, ngày 09 tháng 7 năm 2021 Sở Tư pháp và Công an tỉnh đã ký Quy chế phối hợp thực hiện trợ giúp pháp lý trong hoạt động tố tụng trên địa bàn tỉnh Điện Biên.

Ngày 29/6/2018, Bộ trưởng Bộ Tư pháp, Bộ trưởng Bộ Công an, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng, Bộ trưởng Bộ Tài chính và Chánh án Tòa án nhân dân tối cao, Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao ban hành Thông tư liên tịch số 10/2018/TTLT-BTP-BCA-BQP-BTC-TANDTC-VKSNDTC quy định về phối hợp thực hiện trợ giúp pháp lý trong hoạt động tố tụng. Để đảm bảo quyền được trợ giúp pháp lý, trên cơ sở sự thống nhất chung giữa hai ngành, Sở Tư pháp và Công an tỉnh Điện Biên đã ký Quy chế số 862/QCPH-STP-CAT ngày 09/7/2021 phối hợp về trợ giúp pháp lý trong hoạt động tố tụng. Quy chế gồm 03 chương và 10 điều, nội dung Quy chế thể hiện rõ mục tiêu, nhiệm vụ của từng ngành. Trong đó, quy định về phạm vi, đối tượng điều chỉnh, nguyên tắc, hình thức, nội dung phối hợp về thực hiện trợ giúp pháp lý trong hoạt động tố tụng và trách nhiệm của cơ quan, tổ chức liên quan.
Tại Lễ ký kết tổ chức tại Công an tỉnh Điện Biên đã có sự tham dự chúc mừng của đồng chí Chu Xuân Trường - Ban Nội chính Tỉnh ủy, đồng chí Phạm Đình Quế - Giám đốc Sở Tư pháp, đồng chí Tráng A Tủa - Giám đốc Công an tỉnh, cùng sự tham dự của các đồng chí là thành viên của Hội đồng phối hợp liên ngành, đại diện Lãnh đạo các đơn vị, phòng chuyên môn thuộc Sở Tư pháp, đại diện Lãnh đạo Công an và khối điều tra của Công an các huyện, thị, thành trên địa bàn tỉnh. Hai ngành cùng thống nhất nội dung về phối hợp thực hiện Thông tư liên tịch số 10, phối hợp truyền thông về trợ giúp pháp lý, phối hợp tham gia các hoạt động tố tụng. Trong các nội dung cụ thể, Quy chế đã chỉ rõ trách nhiệm, vai trò của từng ngành, nhấn mạnh về việc có sự trao đổi, thông tin thường xuyên để đảm bảo các nội dung được thực hiện xuyên suốt, hiệu quả. Quy chế được ban hành sẽ giúp cho các ngành  thực hiện thống nhất, đồng bộ Thông tư liên tịch số 10 của các cơ quan liên ngành đã ban hành, thúc đẩy các ngành đảm bảo quyền được trợ giúp pháp lý cho các đối tượng thuộc diện trợ giúp pháp lý miễn phí của Nhà nước.
Việc ký kết Quy chế giữa hai ngành tạo điều kiện thuận lợi cho người thực hiện trợ giúp pháp lý và người tiến hành tố tụng thuộc Công an tỉnh chủ động thực hiện chức năng, nhiệm vụ được phân công, bảo đảm triển khai có hiệu quả các quy định về tố tụng trong giải quyết vụ án hình sự, bảo đảm quyền của người được trợ giúp pháp lý trong các vụ án hình sự. Đồng thời, tăng cường khả năng tiếp cận chính sách trợ giúp pháp lý của người bị tố giác, người bị kiến nghị khởi tố, người bị giữ trong trường hợp khẩn cấp, người bị buộc tội, người bị hại và đương sự trong vụ án hình sự là người thuộc diện được trợ giúp pháp lý; nâng cao trách nhiệm của đội ngũ cán bộ, chiến sỹ ngành công an và đội ngũ người thực hiện trợ giúp pháp lý trong công tác phối hợp thực hiện trợ giúp pháp lý, thực hiện thắng lợi nhiệm vụ được giao.
                                                                                              Lê An
Trung tâm TGPL nhà nước tỉnh Điện Biên
 
 
 

Xem thêm »