TRỢ GIÚP PHÁP LÝ CHO NGƯỜI NGHÈO, ĐỒNG BÀO DÂN TỘC THIỂU SỐ

30/12/2020
Xem cỡ chữ Đọc bài viết In trang Google

Thực hiện Luật Trợ giúp pháp lý và Quyết định số 32/2016/QĐ-TTg ngày 08/8/2016 của Thủ tướng Chính phủ về chính sách trợ giúp pháp lý cho người nghèo, đồng bào dân tộc thiểu số tại các huyện nghèo, xã nghèo, thôn, bản đặc biệt khó khăn giai đoạn 2016-2020, xác định rõ tác dụng và vai trò của công tác trợ giúp pháp lý, trong những năm qua Tỉnh ủy, Ủy ban nhân dân tỉnh Tuyên Quang luôn quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo công tác tư pháp nói chung và công tác trợ giúp pháp lý nói riêng, đây là một trong những nhiệm vụ trọng tâm của công tác tư pháp, nhằm tạo những chuyển biến tích cực trong việc tiếp cận pháp luật cho người dân, góp phần thực hiện công tác giảm nghèo và bảo đảm dân chủ ở cơ sở.

Tỉnh ủy Tuyên Quang đã ban hành Nghị quyết số 46-NQ/TU ngày 20/10/2017 về tăng cường lãnh đạo thực hiện công tác giảm nghèo trên địa bàn tỉnh đến năm 2020, trong đó xác định: "Thực hiện có hiệu quả chính sách trợ giúp pháp lý nhằm nâng cao hiểu biết, ý thức chấp hành pháp luật cho người dân; tạo điều kiện để người nghèo tiếp cận các hoạt động trợ giúp pháp lý, góp phần mở rộng việc thực thi dân chủ ở cơ sở"; Ủy ban nhân dân tỉnh Tuyên Quang đã ban hành Kế hoạch số 29/KH-UBND ngày 03/4/2018 về thực hiện Nghị quyết số 46-NQ/TU ngày 20/10/2017 về tăng cường lãnh đạo thực hiện công tác giảm nghèo trên địa bàn tỉnh đến năm 2020, nêu rõ các nhiệm vụ trọng tâm trong đó có nhiệm vụ thực hiện các chính sách hỗ trợ người nghèo, tiếp cận các dịch vụ xã hội cơ bản: "Thực hiện có hiệu quả chính sách trợ giúp pháp lý cho người nghèo, người dân tộc thiểu số và các đối tượng yếu thế, tạo điều kiện cho người nghèo tiếp cận được chính sách trợ giúp pháp lý có hiệu quả... góp phần nâng cao hiểu biết pháp luật, ý thức tôn trọng và chấp hành pháp luật cho người dân, từ đó có những hành vi ứng xử đúng pháp luật, hạn chế rủi ro trong cuộc sống, sản xuất, kinh doanh do thiếu hiểu biết pháp luật, đồng thời giúp người nghèo, đối tượng yếu thế trong xã hội tiếp cận các dịch vụ pháp lý và được bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp trước pháp luật".
Là một tỉnh có số lượng người được trợ giúp pháp lý tương đối lớn và chủ yếu cư trú ở vùng sâu, vùng xa... bám sát quy định của pháp luật và Kế hoạch của Ủy ban nhân dân tỉnh, Trung tâm Trợ giúp pháp lý nhà nước tỉnh đã chủ động phối hợp với các cấp, các ngành triển khai thực hiện đồng loạt các biện pháp trợ giúp pháp lý cho nhân dân, đặc biệt là người nghèo, đồng bào dân tộc thiểu số tại các xã vùng sâu, vùng xa, vùng có điều kiện kinh tế xã hội đặc biệt khó khăn.
Đối với người nghèo, đồng bào dân tộc thiểu số việc tiếp cận với hoạt động trợ giúp pháp lý của người dân ở cơ sở còn hạn chế; giao thông đi lại không thuận lợi, trình độ nhận thức không đồng đều, đời sống còn nhiều khó khăn..., các thiết chế hỗ trợ, giúp đỡ người dân tiếp cận pháp luật ở cơ sở phát triển chậm, chất lượng không đồng đều, cơ chế phổ biến, thông tin, hỗ trợ giải quyết vướng mắc pháp luật cho người dân tại cơ sở chưa được triển khai đồng bộ, hiệu quả chưa cao. Một số nơi người dân chưa thông thạo chữ và tiếng phổ thông, nhận thức của người dân, nhất là nhận thức pháp luật còn rất hạn chế, tình trạng vi phạm pháp luật do thiếu hiểu biết pháp luật còn xảy ra nhiều trong các lĩnh vực như: Đất đai, lâm nghiệp, hình sự, dân sự, hôn nhân gia đình... người dân thiếu thông tin về pháp luật, nhiều người chưa biết về quyền được trợ giúp pháp lý của mình hoặc còn có tâm lý e ngại khi tiếp cận với trợ giúp pháp lý...

 

                                                                                              Một buổi trợ giúp pháp lý ngoài trụ sở do Trung tâm thực hiện

Để phục vụ tốt hơn cho người dân, Trung tâm đã tăng cường các hoạt động truyền thông, thiết lập đường dây nóng về trợ giúp pháp lý, thông báo rộng rãi đến Ủy ban nhân dân cấp xã, các cơ quan, tổ chức có liên quan và giao người trực tiếp nhận, xử lý thông tin. Trung tâm đã cung cấp 390 bảng thông tin về trợ giúp pháp lý niêm yết tại Ủy ban nhân dân cấp xã, các thôn, bản đặc biệt khó khăn, tại trụ sở cơ quan tiến hành tố tụng hai cấp. Trong giai đoạn 2016-2020, Trung tâm đã thực hiện 2.244 vụ việc cho trên 2.500 người, xử lý 273 thông tin TGPL; thực hiện trên 75 đợt trợ giúp pháp lý tại cơ sở, trực tiếp phổ biến, hướng dẫn pháp luật cho gần 15.000 lượt người, cung cấp trên 90.000 tờ gấp, tài liệu pháp luật cho Nhân dân.
Công tác trợ giúp pháp được đẩy mạnh với nhiều hình thức, trong đó hoạt động tham gia tố tụng của Trợ giúp viên pháp lý đã từng bước nâng cao chất lượng tranh tụng tại phiên tòa và góp phần làm cho các hoạt động tố tụng được công khai, dân chủ, nghiêm minh, đúng pháp luật. Đồng thời, loại hình trợ giúp pháp lý ngoài trụ sở đã và đang phát huy tác dụng tích cực, được cấp ủy, chính quyền địa phương và nhân dân ở cơ sở rất đồng tình ủng hộ; thông qua đó Trung tâm được tiếp xúc và gần gũi với nhân dân, nắm được những yêu cầu, đề nghị, phản ánh của nhân dân và thực hiện có hiệu quả các hoạt động nghiệp vụ tư vấn, giải đáp, hướng dẫn pháp luật trong các vụ việc, tình huống cụ thể và cung cấp các thông tin pháp luật theo chuyên đề nhằm nâng cao hiểu biết và ý thức chấp hành pháp luật cho nhân dân, giúp họ tự bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của mình, đồng thời thực hiện tốt nghĩa vụ công dân, giải toả những mâu thuẫn, vướng mắc pháp luật trong cộng đồng, góp phần thực hiện và phát huy dân chủ, đồng thời tuyên truyền, vận động nhân dân tìm hiểu, học tập và tự giác chấp hành các chủ trương, đường lối của Đảng và pháp luật của Nhà nước.
Ngoài ra, trong quá trình thực hiện nhiệm vụ, Trung tâm đã tích cực quan tâm hỗ trợ, giúp đỡ người nghèo, người có hoàn cảnh khó khăn với tấm lòng thương thân, tương ái, cùng chung tay chia sẻ nhằm phát huy truyền thống đoàn kết quý báu của dân tộc, "lá lành đùm lá rách"...

 



Tặng quà cho các gia đình người dân tộc thiểu số thuộc hộ nghèo
 

Tặng quà cho người có công với cách mạng thuộc hộ nghèo

 
Việc thực hiện các chủ trương chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước về công tác giảm nghèo, công tác dân tộc và vùng đồng bào dân tộc thiểu số trong tình hình hiện nay là một việc rất quan trọng, đòi hỏi phải luôn có sự đổi mới mang tính đột phá, quyết liệt và hiệu quả. Với chức năng, nhiệm vụ "cung cấp dịch vụ pháp lý miễn phí cho người được trợ giúp pháp lý trong vụ việc trợ giúp pháp lý theo quy định của Luật Trợ giúp pháp lý, góp phần bảo đảm quyền con người, quyền công dân trong tiếp cận công lý và bình đẳng trước pháp luật", Trung tâm Trợ giúp pháp lý nhà nước tỉnh Tuyên Quang tiếp tục chủ động phục vụ nhân dân và luôn hướng về cơ sở, nơi có nhiều người nghèo, đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống, cũng là nơi còn nhiều khó khăn, người dân còn hạn chế về kiến thức pháp luật và thiếu các thông tin pháp luật, Trung tâm đã và đang tích cực góp phần bảo đảm quyền công dân trong tiếp cận và bình đẳng trước pháp luật gắn với thực hiện nhiệm vụ chính trị, phát triển kinh tế - xã hội ở địa phương, các chủ trương của Đảng và Nhà nước về thực hiện chính sách giảm nghèo bền vững, phát triển đồng bộ ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số & miền núi, xây dựng nông thôn mới.

                                                                                                  Lâm Phương - Trung tâm Trợ giúp pháp lý nhà nước tỉnh Tuyên Quang
 
 

 

Xem thêm »