Đổi mới công tác trợ giúp pháp lý trên địa bàn tỉnh Bắc Kạn

29/09/2020
Xem cỡ chữ Đọc bài viết In trang Google

Bắc Kạn là một tỉnh miền núi vùng cao nằm ở vùng Đông Bắc Bắc bộ, có địa hình tự nhiên không thuận lợi, dân tộc thiểu số chiếm tới 86%, nền kinh tế chậm phát triển, tỷ lệ hộ nghèo cao so với mặt bằng chung của cả nước. Trước yêu cầu phát triển của đất nước, việc đưa pháp luật đến với người nghèo, đối tượng yếu thế, nhất là nhân dân ở vùng sâu, vùng xa đặc biệt khó khăn là một việc làm không dễ. Với mục tiêu đổi mới là thay đổi nhận thức, cách làm trước đây, do đó đòi hỏi phải có sự quyết tâm, đầu tư thời gian mới có thể lan tỏa và thuyết phục tất cả các đối tượng. Được sự quan tâm của Bộ Tư pháp, Ủy ban nhân dân tỉnh Bắc Kạn, công tác Trợ giúp pháp lý đã đạt được những kết quả đáng ghi nhận.

Luật trợ giúp pháp lý ra đời năm 2006, trải qua hơn 10 năm thực thi, để phù hợp với thực tiễn, ngày 01/6/2015, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 749/QĐ-TTg phê duyệt Đề án đổi mới công tác trợ giúp pháp lý giai đoạn 2015-2025 (Đề án). Đề án đã đưa ra các nhiệm vụ, giải pháp để đổi mới tổ chức thực hiện trợ giúp pháp lý (TGPL), nâng cao chất lượng hoạt động TGPL, cải cách mạnh mẽ thủ tục hành chính trong việc tiếp cận dịch vụ TGPL của nhà nước. Thực hiện chủ trương của Chính phủ, ngày 24/8/2020 Bộ Tư pháp đã ban hành Quyết định số 1543/QĐ-BTP về Kế hoạch triển khai Đề án đổi mới công tác TGPL giai đoạn 2015 - 2025. Trên cơ sở đó hàng năm, Ủy ban nhân dân tỉnh Bắc Kạn ban hành kế hoạch chung về thực hiện Chiến lược phát triển TGPL ở Việt Nam đến năm 2020, định hướng đến năm 2030 và Đề án đổi mới công tác TGPL trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2015 -2025, với mục tiêu đổi mới công tác TGPL theo hướng đẩy mạnh xã hội hóa.
Do đặc thù vùng miền, Bắc Kạn là một tỉnh miền núi vùng cao nằm ở vùng Đông Bắc Bắc bộ, có địa hình tự nhiên không thuận lợi, dân tộc thiểu số chiếm tới 86%, nền kinh tế chậm phát triển, tỷ lệ hộ nghèo cao so với mặt bằng chung của cả nước. Trước yêu cầu phát triển của đất nước, việc đưa pháp luật đến với người nghèo, đối tượng yếu thế, nhất là nhân dân ở vùng sâu, vùng xa đặc biệt khó khăn là một việc làm không dễ. Với mục tiêu đổi mới là thay đổi nhận thức, cách làm trước đây, do đó đòi hỏi phải có sự quyết tâm, đầu tư thời gian mới có thể lan tỏa và thuyết phục tất cả các đối tượng. Được sự quan tâm của Bộ Tư pháp, Ủy ban nhân dân tỉnh Bắc Kạn, công tác Trợ giúp pháp lý đã đạt được những kết quả đáng ghi nhận.
 Đổi mới tập trung thực hiện vụ việc trợ giúp pháp lý, trong đó chú trọng các vụ việc tham gia tố tụng bảo đảm các đối tượng thuộc diện TGPL được cung cấp dịch vụ TGPL kịp thời, chất lượng. Không chồng lấn sang thực hiện việc tuyên truyền phổ biến giáo dục pháp luật. Số lượng vụ việc tham gia tố tụng của Trung tâm Trợ giúp pháp lý nhà nước tỉnh Bắc Kạn (Trung tâm) tăng hàng năm từ năm 2015 đến nay. Cụ thể: Năm 2015, tham gia tố tụng 35 vụ việc, tư vấn pháp luật 1.135 vụ việc, tư vấn tại trụ sở là 13 vụ việc. Năm 2016, tham gia tố tụng 89 vụ việc, tư vấn pháp luật 228 vụ việc, tư vấn tại trụ sở là 38 vụ việc, hòa giải 01 vụ việc. Năm 2017, tham gia tố tụng 146 vụ việc, tư vấn pháp luật 259 vụ việc, tư vấn tại trụ sở là 66 vụ việc, đại diện ngoài tố tụng 01 vụ việc. Giai đoạn triển khai Luật Trợ giúp pháp lý (từ 01/01/2018 đến 30/6/2020): Năm 2018, tham gia tố tụng 230 vụ việc, tư vấn pháp luật 100 vụ việc, đại diện ngoài tố tụng 02 vụ việc, tiếp dân tại trụ sở 347 lượt người. Năm 2019, tham gia tố tụng 330 vụ việc, tư vấn pháp luật 50 vụ việc, tiếp dân tại trụ sở 368 lượt người. Năm 2020, tính đến hết tháng 6, tham gia tố tụng 127 vụ việc, tư vấn pháp luật 09 vụ việc, tiếp dân tại trụ sở 185 lượt người. Bộ Tư pháp đã ban hành chỉ tiêu vụ việc tham gia tố tụng cho Trợ giúp viên pháp lý (TGVPL), việc giao chỉ tiêu đã góp phần thực hiện nhiệm vụ trọng tâm của công tác TGPL là tập trung vụ việc tham gia tố tụng. Theo đó các TGVPL sẽ ưu tiên quỹ thời gian tập trung cho thực hiện các vụ việc TGPL. Kết quả,  năm 2016: 86% TGVPL đạt từ mức đạt chỉ tiêu trở lên. Năm 2017: đạt 100%. Năm 2018: đạt 100%.  Năm 2019: 90% Trợ giúp viên pháp lý thực hiện vụ việc tham gia tố tụng từ mức đạt chỉ tiêu tốt, chuẩn theo quy định của Luật Trợ giúp pháp lý năm 2017.
Nhằm nâng cao chất lượng hoạt động TGPL và khuyến khích thực hiện nhiều vụ việc TGPL đã tăng mức bồi dưỡng vụ việc tham gia tố tụng cho người thực hiện TGPL, từ năm 2017 đến nay, theo Quyết định số 32/2016/QĐ-TTg ngày 08/8/2016 của Thủ tướng Chính phủ ban hành chính sách TGPL cho người nghèo, đồng bào dân tộc thiểu số tại các xã nghèo, huyện nghèo, thôn bản đặc biệt khó khăn giai đoạn 2016 - 2020 và hỗ trợ vụ việc có tính chất phức tạp điển hình. Trung tâm đã chủ động tăng chi cho vụ việc TGPL so với giai đoạn trước, qua đó góp phần khuyến khích động viên TGVPL, Luật sư tích cực thực hiện các vụ việc TGPL trong tố tụng.
Tập huấn nâng cao năng lực cho người thực hiện trợ giúp pháp lý
 
Thông tư liên tịch số 10/2018/TTLT-BTP-BCA-BQP-BTC-TANDTC-VKSNDTC ngày 29/6/2018 quy định về việc phối hợp thực hiện trợ giúp pháp lý trong hoạt động tố tụng, theo đó, các cơ quan, người tiến hành tố tụng có trách nhiệm thông báo, thông tin về vụ việc TGPL mà không phụ thuộc vào người được TGPL có yêu cầu hay không (quy định trước kia là người được TGPL phải có yêu cầu mới chuyển gửi vụ việc). Trung tâm và các chi nhánh của Trung tâm TGPL khi nhận được thông báo, thông tin TGPL có trách nhiệm kiểm tra diện người được TGPL, qua đó số lượng vụ việc TGPL tăng lên đáng kể, hạn chế tình trạng bỏ sót người được TGPL. Cùng với đó, Luật TGPL năm 2017 có các điều kiện đảm bảo ngân sách và nguồn lực thực hiện TGPL.
Thực hiện theo kế hoạch đổi mới, muốn nâng cao chất lượng dịch vụ TGPL thì cần phải nâng cao chất lượng cho đội ngũ những người thực hiện TGPL. Năm năm qua, Trung tâm đã tổ chức nhiều lớp tập huấn kỹ năng TGPL trong các lĩnh vực tố tụng hình sự, dân sự, hành chính, kỹ năng TGPL cho người khuyết tật có khó khăn về tài chính cho đội ngũ người thực hiện TGPL, với các nội dung tập huấn thiết thực, bổ ích… Đội ngũ người thực hiện TGPL trên địa bàn tỉnh luôn được quan tâm, tạo điều kiện học tập, nâng cao trình độ chuyên môn nghiệp vụ; đến nay 100% Trợ giúp viên pháp lý của tỉnh đã, đang tham gia lớp đào tạo nghề luật sư. Chất lượng vụ việc TGPL ngày càng tăng lên, thông qua các vụ việc tố tụng các kỹ năng, kinh nghiệm và bản lĩnh của đội ngũ người thực hiện TGPL được nâng lên rõ rệt. Có thể nói, đội ngũ TGVPL đang dần khẳng định được vị trí, vai trò của mình, được các cơ quan tiến hành tố tụng, người được TGPL đánh giá cao. Những kết quả thực tiễn trong thời gian qua đã củng cố thêm định hướng tập trung vào vụ việc TGPL, nhất là trong vụ việc tham gia tố tụng - thời điểm mà người dân cần sự giúp đỡ của nhà nước là hoàn toàn đúng đắn. Bên cạnh đó, Trung tâm đã huy động các nguồn lực xã hội, luật sư có chất lượng tham gia trợ giúp pháp lý. Hiện nay Trung tâm TGPL đã ký hợp đồng với 6 Luật sư TGPL.
Thực hiện quy định của Luật TGPL năm 2017, Trung tâm đã công bố Danh sách người thực hiện TGPL và tổ chức người thực hiện TGPL tại địa phương. In ấn các tờ gấp pháp luật về các hình thức, đối tượng được TGPL cung cấp cho 143 hộp tin tại các địa bàn xã, huyện và các cơ quan tiến hành tố tụng và đăng tải trên cổng thông tin điện tử của Sở Tư pháp và gửi Bộ Tư pháp. Ngoài ra, thực hiện nhiệm vụ theo Đề án, ở địa phương đã không thành lập mới câu lạc bộ TGPL, các câu lạc bộ không hoạt động, hoạt động không hiệu quả thì giải thể. Đến hết năm 2017 trên toàn tỉnh đã giải thể 48/100 Câu lạc bộ TGPL.
Để tăng cường nhận thức về TGPL của người dân, nhất là ở cơ sở, thời gian qua Trung tâm đã triển khai nhiều phương thức truyền thông khác nhau như: truyền thông qua Bảng thông tin TGPL, hộp tin về TGPL, tờ gấp TGPL, chuyên trang, chuyên mục về hoạt động của TGPL hoặc vụ việc điển hình trên đài, báo, truyền hình...trên trang thông tin điện tử của Sở Tư pháp và Cục Trợ giúp pháp lý. Từ năm 2016 đến nay, thực hiện Quyết định số 32/QĐ-TTg, được ngân sách trung ương bổ sung kinh phí tại địa bàn các huyện nghèo, xã nghèo, thôn, bản đặc biệt khó khăn có nhu cầu, thiết lập đường dây nóng để người dân liên hệ. Từ năm 2017 đến nay, Trung tâm TGPL đã tổ chức truyền thông  về cơ sở tại 45 điểm/45 xã với 1.798 lượt người tham dự; phối hợp với các Trung tâm văn hóa, Thể thao và Truyền thông xây dựng và phát 305 chuyên mục về TGPL bằng tiếng việt và tiếng dân tộc thiểu số ( Tày, Dao, Mông) trên Đài truyền thanh xã thuộc 7 huyện; lắp đặt tại UBND xã, phường, thị trấn 118 bảng thông tin TGPL, 120 hộp tin TGPL; in ấn và cấp phát miễn phí 72.000 tờ gấp về TGPL cho các cơ quan tiến hành tố tụng, cơ quan thanh tra, UBND các huyện, thành phố và UBND cấp xã trên địa bàn tỉnh và người dân tham dự trong các buổi truyền thông. Trong bối cảnh nhà nước đang tập trung đẩy mạnh cải cách hành chính, thời gian qua, lĩnh vực TGPL cũng đã thực hiện đơn giản hóa thủ tục hành chính, thường xuyên rà soát, cập nhật, thay đổi các biểu mẫu, giấy tờ nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho các tổ chức cá nhân, đặc biệt là người được TGPL.

 
Trợ giúp viên pháp lý tiếp công dân tại trụ sở Trung tâm
 
Công tác TGPL trên địa bàn tỉnh thời gian qua đã có nhiều đổi mới, tuy nhiên cũng chưa tiếp cận được hết các đối tượng cần trợ giúp trong xã hội. Cùng với đó năng lực, kinh nghiệm của đội ngũ TGPL cũng còn có những hạn chế, nên gặp khó khăn trong quá trình tham gia TGPL, nhất là trợ giúp cho các đối tượng là người dân tộc thiểu số. Việc xã hội hóa công tác TGPL trên địa bàn tỉnh chưa phát triển, chưa thu hút được sự tham gia của các tổ chức hành nghề luật sư, luật sư có uy tín, kinh nghiệm để thực hiện TGPL.
  Có thể thấy, Quyết định số 749/QĐ-TTg ngày 01/6/2015 về thực hiện Đề án đổi mới công tác TGPL đã tạo cơ sở cho việc đổi mới công tác TGPL nhằm mang lại lợi ích cho nhà nước, xã hội và đặc biệt là đối tượng được thụ hưởng dịch vụ TGPL. Việc triển khai thực hiện Đề án ở địa phương đã đạt được những kết quả nhất định, công tác TGPL được nâng lên rõ rệt, từ những kết quả nêu trên có thể khẳng định công tác TGPL thời gian qua là hết sức cần thiết và đã có những thành công. Dịch vụ trợ giúp pháp lý trong những năm qua đã thay đổi, phù hợp với bản chất của dịch vụ TGPL, công tác TGPL đã dần đi vào chiều sâu, thực chất, bảo đảm quyền lợi tốt nhất cho các đối tượng yếu thế trong các vụ án hình sự, dân sự và được người dân tin tưởng.  
Cùng với sự phát triển của xã hội thì nhu cầu TGPL của người dân sẽ tăng lên, vì vậy công tác TGPL trên địa bàn tỉnh rất cần sự quan tâm chỉ đạo của các cấp, các ngành, tạo điều kiện thuận lợi hơn nữa nhằm nâng cao chất lượng hoạt động đáp ứng nhu cầu của người dân.
                                                Hồng Anh - Trung tâm TGPLNN tỉnh Bắc Kạn

 
 
 
 
 
 
 

Xem thêm »