Chính sách giảm nghèo về pháp luật với đồng bào dân tộc thiểu số tỉnh Lào Cai (Giai đoạn 2010 - 2020)

17/09/2020
Xem cỡ chữ Đọc bài viết In trang Google

Chính sách giảm nghèo của Đảng và Nhà nước là một trong những chủ trương lớn, là nhiệm vụ quan trọng hàng đầu trong chiến lược phát triển đất nước hiện nay. Chính sách giảm nghèo được thể hiện tại các Nghị quyết 30a/2008/NQ-CP, Nghị quyết 80/NQ-CP của Chính phủ và Nghị quyết 76/2014/QH13 của Quốc hội, nhằm cải thiện đời sống vật chất và tinh thần cho người nghèo, đồng bào các dân tộc thiểu số, thu hẹp khoảng cách và trình độ phát triển giữa vùng núi và đồng bằng, giữa các dân tộc, những người yếu thế và dễ bị tổn thương trong xã hội về tất cả các lĩnh vực của đời sống xã hội như y tế, giáo dục, hỗ trợ sản xuất, nhà ở, nước sinh hoạt, vệ sinh môi trường, vay vốn tín dụng… và đặc biệt là hoạt động hỗ trợ về mặt pháp lý cũng được trú trọng.

Từ đầu năm 2010 đến nay, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành nhiều Quyết định về chính sách giảm nghèo trong lĩnh vực trợ giúp pháp lý dành cho người nghèo, đồng bào dân tộc thiểu số tại các huyện nghèo, xã nghèo, thôn, bản đặc biệt khó khăn như Quyết định số 52/2010/QĐ-TTg ngày 18/8/2010, Quyết định số 59/2012/QĐ-TTg ngày 24/12/2012 và Quyết định 32/2016/QĐ-TTg ngày 08/8/2016.
Vốn là tỉnh vùng cao biên giới, với 75% là đồng bào các dân tộc thiểu số, bao gồm 27 dân tộc anh em như Mông, Tày, Giáy, Dao, Nùng, Xa Phó, La Chí, Phù Lá, Sán Chay, Hà Nhì,… cùng chung sống trên mảnh đất biên cương đầy nắng và gió, địa hình hiểm trở với ¾ diện tích là đồi núi, giao thông đi lại khó khăn, Lào Cai là một trong những tỉnh được thụ hưởng chính sách giảm nghèo của Đảng và Nhà nước.
Đội ngũ người thực hiện trợ giúp pháp lý

Nắm bắt chủ trương của Chính phủ, UBND tỉnh đã chỉ đạo Sở Tư pháp và đơn vị chuyên môn (Trung tâm Trợ giúp pháp lý) xây dựng Dự thảo Kế hoạch và thực hiện đồng bộ các hoạt động hỗ trợ pháp lý như tư vấn pháp luật, tham gia tố tụng, tổ chức các đợt TGPL lưu động về cơ sở và đẩy mạnh các hoạt động truyền thông nhằm nâng cao nhận thức, hiểu biết pháp luật cho người nghèo, đồng bào dân tộc thiểu số tại các huyện nghèo, các xã nghèo và các thôn bản đặc biệt khó khăn theo các chương trình và Kế hoạch như: Quyết định số 132/QĐ-UBND ngày 24/01/2011 của UBND tỉnh về việc phê duyệt Kế hoạch số 02/KH-STP ngày 14/01/2011 của Sở Tư pháp về triển khai thực hiện Quyết định số 52/2010/QĐ-TTg trong giai đoạn 2011-2020; Kế hoạch số 145/KH-UBND ngày 13/8/2013 của UBND tỉnh về triển khai thực hiện Quyết định số 59/2012/QĐ-TTg giai đoạn 2013-2020; Kế hoạch số 02/KH-UBND ngày 06/01/2017 của UBND tỉnh về thực hiện chính sách trợ giúp pháp giai đoạn 2016- 2020 theo Quyết định số 32/2016/QĐ-TTg ngày 08/8/2016 của Thủ tướng Chính phủ.
Trên cơ sở Kế hoạch đã được phê duyệt, trong thời gian từ năm 2011 đến năm 2013, Trung tâm và các Chi nhánh TGPL trên địa bàn huyện, thành phố đã chủ động phối hợp với phòng Tư pháp, Phòng dân tộc, Hội phụ nữ và đội ngũ Cộng tác viên trên địa bàn tỉnh tổ chức được 330 đợt trợ giúp pháp lý lưu động về địa bàn các xã thuộc 3 huyện nghèo trên địa bàn tỉnh, phổ biến tới 15.180 lượt người là đồng bào dân tộc thiểu số, người nghèo, người có công,… tiếp nhận và tư vấn pháp luật cho 1.501 trường hợp có vướng mắc về pháp luật (chiếm 26,9% tổng số vụ việc tiếp nhận của Trung tâm).
Với các Câu lạc bộ TGPL đã duy trì và tổ chức được 149 buổi buổi sinh hoạt/42 xã, trao đổi thảo luận, tháo gỡ được 152 vụ việc có khó khăn vướng mắc thường gặp ở cơ sở, như hòa giải tranh chấp đất đai, tranh chấp nguồn nước canh tác, các giao dịch dân sự như vay/mượn hàng hóa, các vấn đề về tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống hay một số thủ tục về khai sinh, khai tử...
Về công tác tập huấn, bồi dưỡng kiến thức, kỹ năng nghiệp vụ TGPL: Trung tâm đã tổ chức được 12 lớp tập huấn bồi dưỡng kiến thức pháp luật mới và kỹ năng TGPL tại 3 huyện nghèo cho 564 lượt người là đội ngũ những người thực hiện TGPL, các cộng tác viên và thành viên Câu lạc bộ TGPL. Bao gồm, những nội dụng cơ bản của Bộ Luật lao động; Luật xử lý vi phạm hành chính; Luật Đất đai; Luật Hôn nhân và gia đình; Một số nội dung của Nghị định số 24/2013/NĐ-CP ngày 28/3/2013; Nghị định số 14/2013/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 07/2007/NĐ-CP; Thông tư liên tịch số 01/2012/TTLT-BTP-UBDT của Bộ Tư pháp và Uỷ ban Dân tộc; Quy định của Bộ Tiêu chuẩn đánh giá chất lượng vụ việc trợ giúp pháp lý; Các quy định pháp luật hình sự, dân sự, đất đai, nhà ở, chế độ chính sách; về phối hợp liên ngành về TGPL trong hoạt động tố tụng; Kỹ năng tư vấn pháp luật, TGPL cho người chưa thành niên, cho nạn nhân bạo lực gia đình và tổ chức sinh hoạt Câu lạc bộ trong hoạt động TGPL.
Từ năm 2013 đến năm 2016, thực hiện Quyết định số 59/2012/QĐ-TTg, Trung tâm và các Chi nhánh trên địa bàn tổ chức được 338 đợt về địa bàn 325 xã nghèo, thôn, bản đặc biệt khó khăn, với hơn 14.196 lượt người tham dự, tiếp nhận và tư vấn pháp luật cho 1.702 trường hợp có vướng mắc, tăng 201 vụ (13,4%) so với gian đoạn thực hiện Quyết định 52/2010/QĐ-TTg.
Ngoài ra, Trung tâm TGPL còn tổ chức lắp đặt 394 bảng thông tin và 394 hộp tin về TGPL tại trụ sở UBND cấp xã, nhà văn hóa, nhà sinh hoạt cộng đồng, UBND các xã, thị trấn, các Đồn biên phòng, trại tạm giam, nhà tạm giữ và các cơ quan tiến hành tố tụng trên địa bàn các huyện, thành phố, cung cấp miễn phí mẫu đơn đề nghị TGPL, tờ gấp pháp luật với nhiều nội dung phong phú liên quan đến cuộc sống thường ngày của người dân. Đồng thời xây dựng nội dung chương trình và tổ chức thành công 01 lớp tập huấn kiến thức pháp luật và kỹ năng TGPL cho 85 thành viên là đội ngũ những người thực hiện TGPL và các cộng tác viên trên địa bàn toàn tỉnh.

Với Quyết định số 32/2016/QĐ-TTg, trong thời gian từ năm 2016 đến năm 2020, Trung tâm và các chi nhánh TGPL đã tổ chức được 471 đợt truyền thông về địa bàn các thôn, bản đặc biệt khó khăn, các xã nghèo (tăng 133 đợt so với giai đoạn thực hiện Quyết định 59/2012/QĐ-TTg) với hơn 16.864 lượt người tham dự. Qua các đợt truyền thông, Trung tâm và các Chi nhánh đã tuyên truyền và phổ biến tới người dân các quy định của Luật TGPL 2017, về phạm vi, hình thức, lĩnh vực TGPL và 14 nhóm đối tượng được hưởng dịch vụ TGPL miễn phí; quy định của Luật hình sự về hành vi Mua bán người, mua bán người dưới 16 tuổi; quy định của luật Hôn nhân và gia đình về kết hôn, ly hôn...; các quy định về bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng, về khởi kiện vụ án dân sự theo quy định của Bộ luật hiện hành.
Thực hiện Luật TGPL 2017, Trung tâm đã xây dựng nội dung và lắp đặt 51 bảng thông tin về TGPL, hộp tin TGPL tại trụ sở các cơ quan tiến hành tố tụng, các đồn biên phòng trên địa bàn tỉnh thay thế các bảng thông tin đã cũ, đồng thời tiếp tục duy trì và cung cấp miễn phí mẫu đơn đề nghị TGPL; cấp phát tờ gấp pháp luật với nội dung chủ yếu tập trung vào những vấn đề pháp luật có liên quan trực tiếp đến đời sống thường ngày của người dân.
Về công tác đào tạo: Để phát triển đội ngũ trợ giúp viên pháp lý, theo Kế hoạch, trung tâm đã cử 13 viên chức tham gia khóa đào tạo nghề luật sư do Học viện Tư pháp tổ chức, trong đó chỉ có 02 viên chức làm việc tại 02 huyện nghèo (Bắc Hà và Si Ma Cai) được hỗ trợ học phí (chiếm 15,4%).
 
Phiên tòa xét xử lưu động tại xã Bảo Nhai, huyện Bắc Hà
 
Về tăng cường năng lực cho người thực hiện TGPL, trong thời gian này, Trung tâm đã xây dựng chương trình và tổ chức được 02 lớp tập huấn, bồi dưỡng kiến thức pháp luật cho đội ngũ người thực hiện TGPL và các cộng tác viên trên địa bàn toàn tỉnh với 178 người tham dự, với các nội dung về Luật trợ giúp pháp lý năm 2017; Thông tư 08/2017/TT-BTP ngày 15/11/2017, Thông tư số 12/2018/TT-BTP ngày 28/8/2018 của Bộ Tư pháp; Thông tư liên tịch số 10/2018/TTLT ngày 29/6/2018 về phối hợp thực hiện TGPL trong hoạt động tố tụng; Kỹ năng tư vấn, tiếp xúc với người được trợ giúp pháp lý và hướng dẫn chuẩn bị hồ sơ khởi kiện vụ án dân sự; Thực hành giải quyết một số tình huống cụ thể.
Cho đến thời điểm hiện tại, hơn 85% bà con vùng đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống ở những khu vực xa trung tâm, ở khu vực có điều kiện kinh tế xã hội đặc biệt khó khăn, đã biết thực hiện quyền yêu cầu trợ giúp pháp lý khi có vướng mắc về pháp luật thông qua các đợt truyền thông về cơ sở, qua hệ thống các bảng tin, hộp tin đặt tại địa bàn các nhà văn hóa, nhà sinh hoạt cộng đồng, hay qua mạng lưới của các Chi nhánh Trợ giúp pháp lý trên địa bàn các huyện.
Chính sách giảm nghèo về trợ giúp pháp lý đã mang lại nhận thức và hiểu biết pháp luật cho đông đảo bà con vùng đồng bào dân tộc thiểu số, người nghèo, người yếu thế trong xã hội, tháo gỡ được nhiều vướng mắc về pháp luật xảy ra trong đời sống thường ngày, giúp người dân có ý thức tôn trọng và chấp hành pháp luật, biết bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp chính đáng của bản thân, giảm thiểu được nhiều khiếu kiện, đơn thư vượt cấp, đảm bảo trật tự an toàn xã hội tại địa phương. Mặc dù nguồn kinh phí hỗ trợ cho các hoạt động trong chương trình giảm nghèo đôi khi bị gián đoạn, trang thiết bị và phương tiện hoạt động của Trung tâm còn thiếu, việc xây dựng, phát chuyên trang, chuyên mục bằng tiếng Việt, tiếng dân tộc trên Đài truyền thanh xã còn chưa thực hiện được, tỉ lệ viên chức chưa được hỗ trợ đào tạo nghề Luật sư còn nhiều (84,6%), tuy nhiên Trung tâm TGPL vẫn nỗ lực và triển khai đầy đủ các hoạt động dành cho đồng bào dân tộc thiểu số ở các huyện nghèo, xã nghèo, thôn bản đặc biệt khó khăn theo chương trình kế hoạch đã đặt ra.
Trung tâm TGPL Lào Cai luôn mong muốn các cấp, các ngành và Bộ Tư pháp, Cục Trợ giúp pháp lý tiếp tục quan tâm, có đề xuất với Chính phủ, Quốc hội duy trì thực hiện chính sách TGPL cho người nghèo, đồng bào dân tộc thiểu số tại các huyện nghèo, xã nghèo, thôn, bản đặc biệt khó khăn trong giai đoạn tiếp theo 2020- 2025, góp phần bảo đảm quyền được TGPL của đồng bào dân tộc thiểu số nghèo và những người yếu thế trong xã hội./.
                                                                           Nguyễn Thị Mai Hương
                                                          Trung tâm TGPL nhà  nước tỉnh Lào Cai
                                                                                     

Xem thêm »