Trợ giúp pháp lý Lào Cai: Đẩy mạnh công tác truyền thông

09/08/2018
Xem cỡ chữ Đọc bài viết In trang Google

Thực hiện Kế hoạch số 02/KH-UBND ngày 06/01/2017 của UBND tỉnh Lào Cai về thực hiện chính sách trợ giúp pháp lý cho người nghèo, đồng bào dân tộc thiểu số tại các huyện nghèo, xã nghèo, thôn bản đặc biệt khó khăn giai đoạn 2016 – 2020 và Kế hoạch số 149/KH-TGPL ngày 29/12/2017 của Trung tâm TGPL Nhà nước tỉnh Lào Cai về công tác TGPL năm 2018 đã được Giám đốc Sở Tư pháp phê duyệt.

Trên cơ sở đó các phòng nghiệp vụ, các Chi nhánh TGPL trên địa bàn tổ chức thực hiện đồng bộ nội dung chương trình, các hoạt động TGPL cho người nghèo, đồng bào dân tộc thiểu số như: tư vấn pháp luật; tiếp nhận các yêu cầu về đại diện, bào chữa trong các vụ án hình sự, dân sự, hôn nhân gia đình; đặc biệt chú trọng đến hoạt động truyền thông về cơ sở, qua đó nâng cao trách nhiệm của đội ngũ những người thực hiện trợ giúp pháp lý trong việc đưa chính sách trợ giúp pháp lý miễn phí của Đảng và Nhà nước đến với người dân trên địa bàn tỉnh.

Trong 6 tháng đầu năm, Trung tâm và các Chi nhánh đã tiếp nhận và thực hiện xong 204/282 vụ việc (đạt 72,3%), trong đó tư vấn pháp luật tại trụ sở: 128 vụ (45,4%), còn 78 vụ đại diện, bào chữa (27,7%) đang thực hiện ở giai đoạn điều tra. Hoạt động truyền thông được đẩy mạnh với 36 đợt về địa bàn các xã nghèo, các thôn, bản đặc biệt khó khăn của huyện Sa Pa, Bát Xát, Bắc Hà và Si Ma Cai, ngoài ra còn được duy trì trên các phương tiện thông tin đại chúng, qua các bảng tin, hộp tin TGPL đặt tại nhà văn hóa thôn, bản, UBND các xã, thị trấn, các đồn biên phòng và các cơ quan tiến hành tố tụng trên địa bàn huyện.

Qua các buổi truyền thông, bà con đã được tiếp xúc, được giải thích về các thông tin pháp luật như: Luật TGPL năm 2017, Luật hình sự (sửa đổi bổ sung) năm 2015, Luật dân sự năm 2015, Luật hôn nhân và gia đình, Luật đất đai…cùng với các văn bản hướng dẫn thi hành.

Tại địa bàn xã Sử Pán, huyện Sa Pa, với sự có mặt của lãnh đạo UBND xã, cán bộ tư pháp cùng toàn thể bà con các thôn Vạn Dền Sử 1, Sử 2, thôn Hòa Sử Pán 1 và 2, bà con đã được biết đến thông tin về các đối tượng được TGPL theo Luật TGPL sửa đổi năm 2017, ngoài đối tượng được kế thừa từ Luật TGPL năm 2006 ra thì Luật TGPL năm 2017 còn mở rộng thêm các đối tượng như: Người bị buộc tội từ đủ 16 tuổi đến dưới 18 tuổi; Người bị buộc tội thuộc hộ cận nghèo; đặc biệt là 7 nhóm người có khó khăn về tài chính (cha đẻ, mẹ đẻ, vợ, chồng, con của liệt sĩ và người có công nuôi dưỡng khi liệt sĩ còn nhỏ; Người nhiễm chất độc da cam; Người cao tuổi; Người khuyết tật; Người từ đủ 16 tuổi đến dưới 18 tuổi là bị hại trong vụ án hình sự; Nạn nhân trong vụ việc bạo lực gia đình; Nạn nhân của hành vi mua bán người theo quy định của Luật Phòng, chống mua bán người và Người nhiễm HIV).

Qua đó, các trợ giúp viên pháp lý đã chỉ ra cho bà con hiểu và biết thực hiện quyền yêu cầu TGPL của bản thân mỗi khi có vướng mắc về pháp luật và gửi yêu cầu tới địa chỉ của Trung tâm và các Chi nhánh trên địa bàn.

Trong buổi truyền thông tại địa bàn xã Bản Phùng, huyện Sa Pa, sau khi nghe phổ biến các nội dung thuộc lĩnh vực hình sự, bà con cũng đã hiểu được phần nào về các tội xâm hại đến tính mạng, sức khỏe, nhân phẩm, danh dự của con người như tội: Giết người, Vô ý làm chết người, Cố ý gây thương tích hoặc tổn hại cho sức khỏe của người khác; Tội hiếp dâm, Hiếp dâm người dưới 16 tuổi; Giao cấu hoặc thực hiện hành vi quan hệ tình dục với người từ đủ 13 đến dưới 16 tuổi; Tội mua bán người; Mua bán người dưới 16 tuổi… Các tội xâm phạm sở hữu và các tội phạm về ma túy: Tội trồng cây thuốc phiện, Tội sản xuất, tàng trữ, vận chuyển và mua bán trái phép chất ma túy…

Một tình huống thực tế mà các trợ giúp viên pháp lý đã giải thích, trao đổi và đưa ra cách giải quyết tối ưu cho anh Chảo Kiềm Phẩu (SN 1969), dân tộc Dao, cư trú tại thôn Nậm Si về trường hợp người con trai anh là Chảo Ông Khé (SN 2001) đã tự ý đi làm thuê ở thành phố Hải Phòng với công việc trông coi và phục vụ quán karaokê trong thời gian từ tháng 3/2018 đến hết tháng 6/2018, tuy nhiên quyền lợi của cháu không đảm bảo, cháu muốn trao đổi và thanh lý hợp đồng đã thỏa thuận từ trước nhưng người chủ quản lý không đồng ý, chỉ thanh toán có hai tháng tiền công, còn hai tháng không trả cho cháu. Do thiếu hiểu biết thông tin về pháp luật, cháu Khé cùng một người bạn làm công nữa đã tự ý vào phòng người quản lý lấy trộm số tiền tương ứng với số tiền công mà các cháu đã làm rồi tự ý bỏ về quê, trong trường hợp như vậy, cháu có vi phạm pháp luật không.

Tại đây, các trợ giúp viên pháp lý đã phân tích tình huống và chỉ ra cho bà con được biết về vấn đề thù lao, tiền công lao động đã thỏa thuận, đây là giao dịch dân sự, nếu người chủ quản lý không thực hiện nghĩa vụ trả đủ tiền công lao động thì người lao động sẽ có quyền khởi kiện đến Tòa án; hai là việc lấy trộm tiền của người quản lý, đây là hành vi vi phạm pháp luật được quy định tại điều 173 BLHS năm 2015. Điều luật cho biết “người nào trộm cắp tào sản có giá trị từ hai triệu đồng đến dưới năm mươi triệu đồng thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến 3 năm hoặc phạt tù từ 6 tháng đến 03 năm…”. Không chỉ có anh Chảo Kiềm Phẩu mà còn đông đảo bà con trong thôn Nậm Si, thôn Bản Sái và thôn Bản Pho đều thấu hiểu tường tận những vướng mắc pháp luật có liên quan đến đời sống thường ngày của bà con.

Do phong tục tập quán của đồng bào vùng cao, cùng với thời điểm làm mùa vụ trong năm, khoảng 20h 30’ cùng ngày, đoàn công tác TGPL chúng tôi mới đến được với bà con thôn Cốc Môi xã Na Hối, huyện Bắc Hà. Ngoài các nội dung trên, các trợ giúp viên pháp lý còn trao đổi, phổ biến thêm về các quy định của Luật hôn nhân và gia đình, về độ tuổi kết hôn hay việc đăng ký kết hôn, đặc biệt là vấn đề tảo hôn của đồng bào dân tộc thiểu số, hôn nhân cận huyết thống đối với những người có cùng dòng máu trực hệ và những người có họ trong phạm vi ba đời, chỉ ra các nguyên nhân chủ quan và nguyên nhân khách quan của nạn tảo hôn, đồng thời trao đổi trực tiếp với chính quyền địa phương về thực trạng và những giải pháp đẩy lùi nạn tảo hôn trên địa bàn.

Hầu hết địa bàn các thôn, bản vùng có điều kiện kinh tế xã hội khó khăn đều cách xa trung tâm, giao thông đi lại khó khăn, hơn nữa nguồn kinh phí cấp cho hoạt động truyền thông còn hạn hẹp, các trang thiết bị, phương tiện làm việc còn nhiều hạn chế, tuy nhiên với tinh thần trách nhiệm cao, toàn thể cán bộ, trợ giúp viên trung tâm vẫn luôn nỗ lực hoàn thành tốt nhiệm vụ, đưa ánh sáng pháp luật đến với bà con dân bản vùng xa xôi, hẻo lánh, nâng cao hiểu biết và ý thức chấp hành pháp luật cho bà con nhân dân. Theo Kế hoạch đến cuối năm, Trung tâm tiếp tục thực hiện tốt Luật TGPL năm 2017; xây dựng chương trình và tổ chức tập huấn bồi dưỡng kiến thức pháp luật, kỹ năng TGPL năm 2018 cho những người thực hiện TGPL; kết hợp với phòng Tư pháp các huyện, UBND các xã tổ chức tốt các đợt truyền thông để hoạt động trợ giúp pháp lý được triển khai sâu rộng, phổ biến tới địa bàn các thôn, xã vùng sâu trong tỉnh.

Nguyễn Thị Mai Hương

Trung tâm TGPL Lào Cai

 

Xem thêm »