Luật Hôn nhân và gia đình chậm đi vào cuộc sống

02/06/2017
Xem cỡ chữ Đọc bài viết In trang Google

Trong vai Trợ giúp viên pháp lý bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho anh Ating Ngoái (SN 1985), xã A Rooi, huyện Đông Giang, là bị đơn trong vụ kiện xin ly hôn theo yêu cầu của nguyên đơn Briú Vui (SN 1989) người cùng thôn, cùng xã với bị đơn; sau 03 lần tham gia hòa giải tại Tòa án, cuối cùng chúng tôi cũng thuyết phục được họ tự thỏa thuận với nhau để giải quyết mối quan hệ hôn nhân “tay ba” cùng con cái và tài sản.

Mặc dù Tòa án nhân dân huyện Đông Giang đã có quyết định công nhận thuận tình ly hôn giữa anh Ating Ngoái và chị Briú Vui như nhiều vụ án hôn nhân khác mà tôi đã từng tham gia. Tuy nhiên, trong vụ án này có nhiều nội dung cần bàn, không phải ở khía cạnh tố tụng của Tòa án, mà ở một khía cạnh pháp lý khác, đó là vấn đề quản lý Nhà nước về hộ tịch liên quan trong vụ án, về tập quán của người Cơ tu trong quan hệ hôn nhân và làm thế nào để xóa bỏ tập quán lạc hậu trong hôn nhân đang còn diễn ra ở một số vùng dân tộc thiểu số trên địa bàn tỉnh…

Nội dung vụ án

Anh Ating Ngoái và chị Briú Vui kết hôn năm 2007, có đăng ký kết hôn tại UBND xã A Rooi, có hai con chung tên là Ating Chính Đạo Nghi, sinh 2008 và Ating Nhất Thiên Biết, sinh năm 2009. Tuy nhiên, trên Giấy đăng ký kết hôn chỉ có mình anh Ating Ngoái ký, không có chữ ký của chị Briú Vui. Vấn đề này có hai quan điểm khác nhau. Thứ nhất, cho rằng Giấy đăng ký không hợp lệ, nên không thể công nhận vợ chồng hợp pháp; thứ hai, mặc dù thủ tục chưa hợp lệ, nhưng thực tế họ đã tự nguyện kết hôn, có hai con chung, được họ hàng hai bên thừa nhận, nên cần chấp nhận đây là hôn nhân hợp pháp. Thực tế vợ chồng anh Ating Ngoái và chị Briú Vui sống hạnh phúc với nhau từ năm 2007 đến 2012 thì phát sinh mâu thuẫn. Và từ năm 2015 hai người không con sống chung với nhau nữa, nay chị Briú Vui làm đơn xin ly hôn anh Ating Ngoái để lấy chồng khác. Tài sản chung không có nên hai vợ chồng không đề cập.

Hòa giải tại tòa

Kết quả hòa giải, anh Ating Ngoái và chị Briú Vui thống nhất thuận tình ly hôn, 02 con chung anh Ating Ngoái nuôi, chị Bríu Vui có trách nhiệm đóng góp phí tổn nuôi con chung mỗi tháng 500.000 đồng. Tuy nhiên, trong quá trình hòa giải anh Ating Ngoái chỉ đồng ý ly hôn với điều kiện là yêu cầu Tòa buộc chị BríuVui phải bồi thường cho anh 300.000.000 đồng theo tập quán của người Cơ tu, trước khi chị đi lấy chồng khác. Và anh chỉ một mực là: “Mình không biết luật Nhà nước, chỉ biết luật của người Cơ tu quy định là bên nào đi lấy vợ, chồng khác thì phải bồi thường cho bên kia…”. Đây là vấn đề pháp luật hiện hành không quy định. Cuối cùng Thẩm phán  và Trợ giúp viên phải nhờ đến sự tham gia giải thích của Già làng thì Ating Ngoái mới chấp nhận hòa giải theo hướng anh nhận khoản “cấp dưỡng” một lần sau ly hôn với số tiền 10.000.000 đồng của chị Bríu Vui. Đến đây, vụ án mới tạm kết thúc với quyết định công nhận thuận tình ly hôn của Tòa án như đã nói từ đầu.

Những vấn đề cần bàn

Thứ nhất, thủ tục cấp Giấy chứng nhận kết hôn như trường hợp anh Ating Ngoái với chị Bríu Vui nêu trên là vi phạm về thủ tục đăng ký và quản lý hộ tịch. Vì trong trường hợp cụ thể này Giấy chứng nhận kết hôn chỉ có một người chồng ký (trong khi pháp luật về hộ tịch quy định trên Giấy chứng nhận kết hôn phải có “Chữ ký hoặc điểm chỉ của hai bên nam, nữ và xác nhận của cơ quan đăng ký hộ tịch”. Tuy TAND huyện Đông Giang xem xét về mặt thực tế, về nội dung vụ việc và vẫn chấp nhận quan hệ hôn nhân giữa anh Ating Ngoái với chị Bríu Vui là hợp pháp để giải quyết theo thủ tục chung, đảm bảo quyền lợi của các bên, nhất là phụ nữ và trẻ em; nhưng về mặt thủ tục đăng ký kết hôn, cơ quan quản lý hộ tịch nhất thiết phải chấn chỉnh sai sót để đưa công tác này đi vào nề nếp, góp phần tăng cường quản lý nhà nước trên lĩnh vực hộ tịch được tốt hơn.

Thứ hai, danh mục tập quán lạc hậu về hôn nhân bị cấm áp dụng ban hành kèm theo Nghị định 126/2014/NĐ-CP có quy định đối với hành vi đòi lại của cải, phạt vạ khi vợ chồng ly hôn. Tuy nhiên, trong vụ án trên, chị Bríu Vui đã được gia đình nhà chồng đồng ý cho đi lấy chồng khác và yêu cầu chị phải trả lại một con trâu trị giá 28.000.000 đồng và chị Vui đã trả. Ngoài ra, anh Ating Ngoái còn tiếp tục yêu sách đòi chị Bríu Vui bồi thường thêm 300.000.000 đồng theo luật tục của người Cơ tu trước khi đi lấy người khác. Tất nhiên, Tòa án đã không chấp nhận yêu cầu của anh Ating Ngoái và hòa giải theo hướng động viên chị Bríu Vui cấp dưỡng sau khi ly hôn là cách giải quyết hay. Nhưng ở đây lại có vấn đề đặt ra là công tác tuyên truyền giáo dục pháp luật để đưa Luật hôn nhân và gia đình sớm đi vào cuộc sống ở vùng đồng bào dân tộc cần phải được quan tâm nhiều hơn nữa trong thời gian tới.

Thứ ba, Điều 6 Nghị định số 126/2014/NĐ-CP của Chính phủ quy định: “Trong thời hạn ba năm kể từ ngày Nghị định này có hiệu lực (15/02/2015), Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương (sau đây gọi là Ủy ban nhân dân cấp tỉnh) có trách nhiệm xây dựng, trình Hội đồng nhân dân cùng cấp phê duyệt danh mục các tập quán về hôn nhân và gia đình được áp dụng tại địa phương”.

Thiết nghĩ, chủ trương trên của Chính phủ có tác động trực tiếp đến quyền và lợi ích hợp pháp của mọi người dân, đặc biệt là người dân vùng đồng bào dân tộc thiểu số, nên cần được Sở Tư pháp quan tâm xây dựng “đề tài khoa học cấp tỉnh” để nghiên cứu và có cơ sở tham mưu UBND tỉnh trình HĐND tỉnh phê duyệt “danh mục các tập quán về hôn nhân và gia đình được áp dụng tại địa phương”. Như vậy sẽ góp phần nhanh chóng đưa các quy định của pháp luật về hôn nhân và gia đình đi vào cuộc sống; hạn chế đến tối đa các tập quán lạc hậu đang còn diễn ra hằng ngày, hằng giờ trên những vùng đồng bào dân tộc thiểu số, vùng sâu, vùng xa của tỉnh./.

Lê Hằng Vân

Xem thêm »