TRỢ GIÚP PHÁP LÝ TỈNH BẾN TRE 20 NĂM ĐỒNG HÀNH CÙNG NGƯỜI DÂN XỨ DỪA

23/08/2017
Xem cỡ chữ Đọc bài viết In trang Google

1. TGPL Bến Tre ra đời đáp ứng sự mong chờ, nguyện vọng của người dân khó khăn

Bến Tre là tỉnh ven biển phía Đông của Đồng bằng Sông Cửu Long (có chiều dài bờ biển 65 km trãi dài qua 3 huyện), với những đặc điểm rất đặc thù: là tỉnh cuối nguồn sông Mê-Kông, đất hẹp, người đông, kinh tế chính là nông nghiệp, trong đó cây dừa là cây nông sản chủ yếu của địa phương. Dân số tỉnh hiện khoảng trên 1,3 triệu người. Bình quân đất đai tính theo đầu người thuộc một trong những tỉnh thấp nhất Nam Bộ và Đồng bằng Sông Cửu Long.[1]

Suốt thời gian dài, Bến Tre là tỉnh cù lao bị cô lập bởi sông nước, hệ thống giao thông nhiều hạn chế, nên điều kiện phát triển kinh tế, xã hội ở Bến Tre còn chậm so với các tỉnh bạn. Do điều kiện cách trở về địa lý và là tỉnh chịu nhiều thiệt hại, mất mát sau chiến tranh, nên đến những năm cuối thế kỷ XX, tỉnh có rất nhiều đối tượng chính sách, người bị khuyết tật do chiến tranh cần được trợ giúp xã hội[2]; thiếu nguồn lực đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng kỹ thuật phục vụ phát triển kinh tế - xã hội, nền kinh tế thuần nông, chuyển dịch cơ cấu kinh tế của tỉnh chậm, nên đời sống nhân dân vùng sâu, vùng xa nhìn chung còn nhiều khó khăn.

Trong hoàn cảnh đó, có thể nhận thấy số lượng người yếu thế, dễ bị tổn thương của người dân xứ dừa cần được trợ giúp là khá lớn. Năm 1998, TGPL Bến Tre ra đời[3] nhằm cung cấp dịch vụ pháp lý miễn phí, chia sẻ những khó khăn, vất vả của người dân, đặc biệt là người thuộc đối tượng TGPL. Suốt 20 năm qua nhận thức của Tư pháp tỉnh nhà nói chung, những người trực tiếp công tác trong lĩnh vực TGPL nói riêng đều thấy rằng thực hiện tốt chính sách TGPL sẽ bảo đảm quyền bình đẳng giữa người dân với người dân, giữa người dân với cơ quan nhà nước mà không có sự phân biệt giàu nghèo, địa vị xã hội, bảo đảm để mọi người dân được sử dụng pháp luật làm công cụ bảo vệ và được pháp luật bảo vệ. 

2. Qua 20 năm đồng hành cùng người dân xứ dừa

Quán triệt tinh thần nhân văn đó, từ khi đi vào hoạt động, Trung tâm TGPL tỉnh Bến Tre đã có những bước phát triển mạnh mẽ, thực hiện hàng nghìn vụ việc TGPL cho hàng nghìn đối tượng được TGPL trên địa bàn tỉnh. Hoạt động TGPL đã thực sự đi vào chiều sâu, có chất lượng, hiệu quả, đáp ứng tốt yêu cầu của các đối tượng được TGPL cũng như công tác quản lý nhà nước về TGPL. Thông qua hình thức tham gia tố tụng, Trung tâm TGPL tỉnh Bến Tre đã trực tiếp góp phần cùng các cơ quan tiến hành tố tụng giải quyết nhiều vụ án hình sự, vụ việc dân sự, hành chính được kịp thời, khách quan, đúng pháp luật. Thông qua phổ biến, giáo dục pháp luật và tư vấn pháp luật TGPL, Trung tâm đã góp phần tích cực vào quá trình tổ chức thực hiện pháp luật, bảo vệ quyền con người, tăng cường dân trí, thực hiện tiến bộ và công bằng xã hội. Thông qua hoạt động TGPL, nhận thức của các cơ quan, tổ chức và người dân được nâng lên, tạo thuận lợi cho người nghèo, đối tượng chính sách và những đối tượng dễ bị tổn thương khác có điều kiện tiếp cận với dịch vụ TGPL miễn phí ngay tại địa bàn; giảm bớt tốn kém và chi phí đi lại.

Về cơ sở vật chất và nguồn nhân lực, Trung tâm TGPL nhà nước tỉnh đã được bố trí trụ sở riêng tại số 15, đường Thủ Khoa Huân, Phường 3, TP Bến Tre. Hiện tại biên chế Trung tâm được giao là 27 người; có 04 Chi nhánh tại 4 huyện xa được đặt vị trí làm việc thuận tiện là Ba Tri, Thạnh Phú, Bình Đại, Chợ Lách; tỉnh có 14 Trợ giúp viên pháp lý (trong đó có 03 thạc sĩ luật).

Về đội ngũ cộng tác viên: tỉnh hiện có 79 cộng tác viên[4]; Luật sư cộng tác viên, tư vấn viên pháp luật của các tổ chức đăng ký tham gia TGPL gồm có 17 Luật sư (chiếm 50% số luật sư của tỉnh) và 09 tư vấn viên pháp luật của Trung tâm Tư vấn pháp luật thuộc Hội Luật gia tỉnh tham gia làm cộng tác viên. Tỉnh có 07 Tổ TGPL đặt tại 07 Phòng Tư pháp huyện, 01 Điểm TGPL cho phụ nữ đặt tại Hội Liên hiệp phụ nữ tỉnh Bến Tre và 46 Câu lạc bộ TGPL.[5]

 Từ khi chính thức đi vào hoạt động đến nay (từ ngày 10/10/1998 đến tháng 3/2017), Trung tâm TGPL nhà nước tỉnh đã thực hiện tổng số là 16.980 vụ việc[6], cho tổng số người được TGPL với gần 17.000 lượt người[7].

 Công tác truyền thông về hoạt động TGPL luôn được chú trọng: đã thực hiện 85 chương trình truyền thông về TGPL phát trên sóng phát thanh - truyền hình tỉnh; Trung tâm đã biên soạn, phát hành trên 200.000 ngàn tờ gấp về TGPL và quyển sổ tay pháp luật nhằm cung cấp kiến thức pháp luật và giới thiệu về quyền, về tổ chức và hoạt động TGPL đến với người dân ở các địa bàn dân cư trong tỉnh. Công tác tập huấn, bồi dưỡng kiến thức pháp luật và kỹ năng nghiệp vụ TGPL cho đội ngũ người thực hiện TGPL được tỉnh chú trọng thực hiện, 20 năm qua đã tổ chức 35 đợt tập huấn cho trên 2.000 lượt người thực hiện TGPL và các đối tượng liên quan trên địa bàn tỉnh.

Nếu như giai đoạn đầu mới thành lập, trong điều kiện còn mới mẻ, hoạt động TGPL ở địa phương còn đặt nặng tính tuyên truyền quản bá, công tác chuyên môn còn dàn trải chưa tập trung vào vụ việc, thì những năm gần đây, nhất là khi Đề án đổi mới về công tác TGPL được triển khai thì hoạt động TGPL Bến Tre cũng như cả nước đã có sự chuyển biến căn bản. Vụ việc TGPL (đặc biệt là vụ việc tố tụng) được xem là trọng tâm, chất lượng vụ việc TGPL ngày càng được quan tâm.

Hội đồng phối hợp liên ngành về TGPL trong hoạt động tố tụng của tỉnh được kiện toàn, thực hiện nghiêm Quy chế phối hợp, kiểm tra với các cơ quan tố tụng, cơ quan thực hiện TGPL: Từng ngành có sự chỉ đạo chặt chẽ và thường xuyên trong ngành mình; đã tạo sự đồng thuận, nhịp nhàng trong phối hợp hoạt động, quyền của người dân về TGPL trong lĩnh vực tố tụng vì thế đã được đảm bảo, tạo sự hài lòng từ phía người dân và cả các cơ quan quản lý nhà nước tại đia phương. Điểm đặc biệt hiện nay của Hội đồng phối hợp liên ngành về TGPL tỉnh Bến Tre là đã ban hành Kế hoạch số 324/KH-HĐPHLN ngày 11/3/2014 của Hội đồng phối hợp liên ngành về công tác TGPL trong lĩnh vực tố tụng tỉnh về việc thực hiện các giải pháp không bỏ lọt đối tượng TGPL trong lĩnh vực tố tụng[8]; đồng thời Hội đồng phối hợp liên ngành về TGPL tỉnh đã chỉ đạo Trung tâm TGPL tỉnh cần có giải pháp nâng cao chất lượng TGPL[9]. Trong lĩnh vực tố tụng hình sự, qua quá trình làm việc với người bị tạm giam, tạm giữ, bị hại, người có quyền lợi và nghĩa vụ liên quan, các cơ quan tố tụng đều bố trí cán bộ hướng dẫn, đảm bảo đối tượng được TGPL khi có yêu cầu đều được hướng dẫn thủ tục về TGPL. Cả 03 giai đoạn tố tụng: (điều tra, truy tố, xét xử) đều rà soát đối tượng rất chặt, thường xuyên phối hợp với Trung tâm TGPL nhà nước để xác định đối tượng được TGPL, ra quyết định cử người thực hiện TGPL kịp thời, quyết tâm không bỏ sót đối tượng cần TGPL. Tại phiên tòa, người thực hiện TGPL khi tham gia bào chữa cho bị cáo hay bảo vệ quyền lợi cho người bị hại được tạo điều kiện nghiên cứu hồ sơ, tài liệu vụ án đầy đủ. Người thực hiện TGPL rèn luyện và tiếp tục nâng cao kỹ năng thu thập, xác minh các tình tiết có liên quan đến vụ việc TGPL, được tiếp xúc với người được TGPL hoặc thân nhân của họ nhằm làm sáng tỏ nội dung của vụ án. Trong lĩnh vực tố tụng dân sự, hôn nhân gia đình, hành chính, phát huy yếu tố cộng tác viên TGPL cấp xã, cơ quan TGPL đã kịp thời nắm thông tin vụ việc qua Công chức Tư pháp - Hộ tịch cấp xã, qua hoạt động của Hội đồng Hòa giải tranh chấp đất đai cấp xã, qua việc cử Trợ giúp viên pháp lý tham gia hình thức hòa giải, thực hiện nghiêm kế hoạch phối hợp với ngành Thanh tra, do đó giải pháp không bỏ sót đối tượng cần TGPL trong lĩnh vực này theo đánh giá là hoàn toàn có thể thực hiện được.

 

3. Chiều hướng phát triển và những khó khăn phải vượt qua

Hoạt động TGPL trong thời gian qua đã đạt được nhiều kết quả tích cực. Tuy nhiên không thể bằng lòng với kết quả đạt được, nhất là trong xu thế hội nhập hiện nay, thể chế, mô hình TGPL còn có sự thay đổi, điều chỉnh để đáp ứng yêu cầu ngày càng cao của xã hội. Trong thời gian tới, hướng phát triển của Trung tâm TGPL nhà nước Bến Tre chú trọng vào các vấn đề sau:

Thứ nhất, công tác TGPL không chạy theo số lượng, mà quan tâm đến chất lượng, tập trung ưu tiên cho việc tham gia tố tụng: Trong TGPL của Tỉnh luôn hướng đến mục tiêu: đảm bảo quyền TGPL cho các đối tượng theo quy định; phấn đấu nâng cao chất lượng các vụ việc được TGPL (nhất là trong lĩnh vực tố tụng). Kỹ năng tư vấn, kỹ năng tham gia tố tụng của người thực hiện TGPL Tỉnh nhà khi tham gia thực hiện TGPL tiếp tục được nâng cao, nhằm nâng uy tín và chất lượng từng vụ việc, qua đó tạo dựng hình ảnh và lòng tin của người dân đối với hoạt động TGPL, nên những hiệu ứng tuyên truyền miệng giữa người dân với nhau, góp phần nâng cao số lượng người dân biết đến các dịch vụ pháp lý do nhà nước cung cấp. Vì vậy bên cạnh việc đào tạo kỹ năng hành nghề luật sư cho các Trợ giúp viên pháp lý chưa được đào tạo kỹ năng nhằm từng bước nâng cao chất lượng của các Trợ giúp viên trong quá trình tham gia tố tụng đối với các vụ án khó khăn, phức tạp, cần có kế hoạch tổ chức bồi dưỡng kỹ năng, nghiệp vụ kiểm tra, đánh giá chất lượng vụ việc TGPL cho đội ngũ người trực tiếp thực hiện việc kiểm tra, đánh giá để thực hiện kiểm tra, đánh giá chất lượng vụ việc TGPL tại Trung tâm. 

Thứ hai, tăng cường công tác phối hợp trong hoạt động TGPL, nhất là sự phối hợp giữa Trung tâm TGPL Tỉnh với các cơ quan tố tụng: Xác định hoạt động TGPL không thể đạt hiệu quả cao nếu không được sự phối hợp tốt của các cơ quan chức năng, nhất là các cơ quan tiến hành tố tụng của tỉnh, do đó Trung tâm TGPL nhà nước tỉnh sẽ tiếp tục phát huy vị trí đầu mối, tích cực duy trì và đẩy mạnh hơn nữa mối quan hệ phối hợp với các cơ quan, ban ngành; kể cả các cơ quan, đoàn thể ở địa phương trong thời gian tới được tốt hơn để nhằm hướng đến các mục tiêu: Hạn chế thấp nhất bỏ sót đối tượng TGPL trong lĩnh vực tố tụng; nâng cao chất lượng TGPL trong tố tụng, tạo được sự quan tâm, hài lòng của người dân, nâng cao dần chất lượng dịch vụ TGPL do nhà nước cung cấp.

Vì vậy dưới góc độ tham mưu cho Sở Tư pháp, Trung tâm TGPL Tỉnh phải xây dựng kế hoạch, chương trình phối hợp, chương trình kiểm tra, giám sát, chế độ báo cáo thống kê giữa ngành Tư pháp với các cơ quan, ngành thường xuyên, kịp thời trong việc triển khai thực hiện công tác TGPL.

- Có cơ chế phối hợp chặt chẽ, thường xuyên, hợp tác nhau giữa cơ quan thực hiện TGPL với cơ quan tiến hành tố tụng.

- Các Chi nhánh của Trung tâm chủ động liên hệ với Ủy ban nhân dân cấp xã trên địa bàn trong công tác truyền thông về TGPL; cần tạo điều kiện và đổi mới truyền thông để chính quyền địa phương chủ động thông tin hỗ trợ, hướng dẫn người thuộc diện được TGPL liên hệ Chi nhánh để được TGPL kịp thời. Hạn chế vụ việc được phát hiện chủ yếu khi người dân liên hệ làm thủ tục khởi kiện tại Tòa án.

- Cần phải nêu cao vai trò giám sát, điều phối hoạt động TGPL của Trung tâm TGPL Tỉnh, nhất là ở những vùng xa trung tâm; đồng thời huy động nguồn lực xã hội  triệt để, hiệu quả cho công tác TGPL; khắc phục tình trạng đội ngũ cộng tác viên tuy đông nhưng việc khai thác và sử dụng chưa hiệu quả.

Thứ ba, đổi mới về quản lý hành chính trong lĩnh vực TGPL: Trung tâm TGPL tổ chức thực hiện tốt, chặt chẽ, đúng quy định các nội dung sau:

- Ứng dụng mạnh mẽ công nghệ thông tin trong hoạt động TGPL, xây dựng được cơ sở phần mềm dữ liệu để quản lý hồ sơ cử Trợ giúp viên, Luật sư - Cộng tác viên tham gia TGPL. Từ đó việc khai thác, sử dụng các hồ sơ nghiệp vụ, số liệu, tra cứu thông tin về TGPL phục vụ công tác quản lý hành chính và tác nghiệp được thuận lợi, dễ dàng hơn.

- Hàng năm Trung tâm TGPL tổ chức đánh giá chất lượng vụ việc TGPL theo Bộ Tiêu chuẩn thường xuyên, đúng theo quy định và bảo đảm thực chất. Tuy nhiên việc đánh giá phải luôn đổi mới, càng phải tập trung sâu vào chuyên môn, đúng thực chất, tránh hình thức. Vì vậy từ đầu năm, Trung tâm TGPL đã đưa vào kế hoạch chỉ tiêu đánh giá hồ sơ của Trợ giúp viên, Luật sư - Cộng tác viên thực hiện.

Với những phương hướng nêu trên, nhất là sau khi Luật TGPL (sửa đổi) và hệ thống các văn bản liên quan được ban hành, tin rằng trên địa bàn tỉnh Bến Tre, dưới sự chỉ đạo và quan tâm của Lãnh đạo Tỉnh, đặc biệt là dưới sự quản lý trực tiếp hiệu quả của Sở Tư pháp, hoạt động TGPL sẽ có bước phát triển mạnh, thật sự đi vào cuộc sống, đáp ứng yêu cầu TGPL cho người dân, nhất là giúp người nghèo, người có công với cách mạng, người già cô đơn, người khuyết tật và một số đối tượng khác được TGPL; thực hiện tốt chính sách nhân đạo, chính sách đền ơn đáp nghĩa của Nhà nước ta; góp phần thực hiện tốt nhiệm vụ chính trị, phát triển kinh tế - xã hội của địa phương, như khoảng thời gian 20 năm qua TGPL đã có mặt và đồng hành với người dân xứ dừa cùng làm “cuộc Đồng Khởi mới”[10]./.

 

 

 

 

 

 

 

[1]Theo số liệu thống kê thì mật độ dân số tỉnh Bến Tre là 535 người/km2. Trong khi mật độ dân số khu vực ĐBSCL là 430 người/km2, cả nước là 278 người/km2.).

[2]. Tỉnh hiện có gần 120.000 người thuộc diện đối tượng người có công, 37.600 hộ thuộc diện hộ nghèo với gần 122.000 người thuộc hộ nghèo, trên 23.000 người thuộc đối tượng người khuyết tật.

[3] Trung tâm TGPL nhà nước tỉnh Bến Tre trực thuộc Sở Tư pháp được thành lập ngày 15/6/1998 theo Quyết định số 912/QĐ-UB của UBND tỉnh Bến Tre.

[4]. Cấp tỉnh có 24 cộng tác viên, cấp huyện có 30 cộng tác viên, cấp xã là 13 cộng tác viên.

[5]. Trong đó có 03 Câu lạc bộ TGPL cho phụ nữ cấp huyện là Mỏ Cày Nam, Châu Thành và Mỏ Cày Bắc; 01 Câu lạc bộ TGPL cho trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt tại thành phố Bến Tre, 14 Câu lạc bộ được thành lập theo sự hỗ trợ của dự án; ngoài ra còn thành lập được 19 Câu lạc bộ TGPL tại các xã nghèo, 09 Câu lạc bộ thành lập theo nhu cầu của địa phương.

[6]. Chiếm tỷ lệ nhiều nhất trong đó hình thức tư vấn là 13.382 trường hợp; tham gia tố tụng 3.440 trường hợp.

[7]. Chiếm tỷ lệ nhiều nhất trong đó đối tượng là: 7.335 người nghèo, 6.100 người có công với cách mạng,…

[8]. Kế hoạch số 324/KH-HĐPHLN ngày 11/3/2014 của Hội đồng phối hợp liên ngành về công tác TGPL trong lĩnh vực tố tụng tỉnh về việc thực hiện các giải pháp không bỏ lọt đối tượng TGPL trong lĩnh vực tố tụng, với mục tiêu phấn đấu đạt 100% đối tượng được TGPL được tiếp cận các dịch vụ pháp lý (trong lĩnh vực tố tụng) khi họ có nhu cầu.

[9]. Ngay từ đầu năm 2015, Trung tâm TGPL tỉnh đã tham mưu Sở Tư pháp ban hành Kế hoạch thực hiện các giải pháp nhằm nâng cao chất lượng hoạt động TGPL trong hoạt động tố tụng.

[10]Chỉ thị 16-CT/TU ngày 07-01-2015 của Tỉnh ủy Bến Tre về phát động phong trào thi đua “Đồng Khởi mới”

Xem thêm »