Một số giải pháp nâng cao chất lượng hoạt động trợ giúp pháp lý cho người dân tộc thiểu số

13/09/2019
Xem cỡ chữ Đọc bài viết In trang Google

Sau hơn 20 năm thực hiện Quyết định số 734/TTg của Thủ tướng Chính phủ, công tác TGPL đã đạt được những kết quả quan trọng do ngày càng được kiện toàn về tổ chức đến tận cơ sở và năng lực được tăng cường. Việc “đi cùng” và giải quyết những vướng mắc pháp luật của người dân, công tác TGPL ở Việt Nam đã khẳng định được vị trí, vai trò của mình trong việc giúp đỡ pháp lý cho đông đảo người nghèo, người có công với cách mạng, đồng bào dân tộc thiểu số và một số đối tượng khác và thực sự bám rễ trong đời sống pháp luật được đông đảo nhân dân đồng tình ủng hộ, tin cậy, làm tăng lòng tin của nhân dân đối với Đảng và Nhà nước, được Đảng và Nhà nước quan tâm ghi nhận.

I. THỰC TRẠNG HOẠT ĐỘNG TRỢ GIÚP PHÁP LÝ CHO ĐỒNG BÀO DÂN TỘC THIỂU SỐ

1. Người dân tộc thiểu số thuộc diện TGPL

Từ khi thành lập hệ thống tổ chức thực hiện trợ giúp pháp lý đến nay, Người dân tộc thiểu số ở vùng vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn luôn được ghi nhận là một trong những người thuộc diện trợ giúp pháp lý. 

Theo quy định của Luật Trợ giúp pháp lý 2017, để được hưởng chính sách trợ giúp pháp lý, người dân tộc phải cư trú tại vùng kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn.

Điểm a khoản 1 Điều 2 Thông tư liên tịch số 01/2012/TTLT-BTP-UBDT ngày 17/01/2012 của Bộ Tư pháp và Ủy ban Dân tộc hướng dẫn thực hiện trợ giúp pháp lý đối với người dân tộc thiểu số quy định người dân tộc thiểu số được hưởng trợ giúp pháp lý gồm: “Người thường xuyên sinh sống (đã đăng ký thường trú, đã đăng ký tạm trú hoặc có xác nhận của Công an xã, phường, thị trấn) ở vùng có điều kiện kinh tế xã hội đặc biệt khó khăn (xã, phường, thị trấn thuộc vùng khó khăn và xã, thôn, bản có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn) theo quy định của pháp luật”. Vì vậy, hiện nay “vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn” trong Thông tư liên tịch này bao gồm các đơn vị hành chính sau đây:

+ Xã, phường, thị trấn thuộc vùng khó khăn: theo Quyết định số 1010/QĐ-TTg ngày 10/8/2018 của Thủ tướng Chính phủ về đơn vị hành chính cấp xã thuộc vùng khó khăn.

+ Xã đặc biệt khó khăn:

++ Xã có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn: là xã khu vực III được quy định tại Quyết định số 582/QĐ-TTg ngày 28/4/2017 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt danh sách thôn đặc biệt khó khăn, xã khu vực III, khu vực II, khu vực I thuộc vùng dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2016 - 2020

++ Các xã đặc biệt khó khăn vùng bãi ngang, ven biển và hải đảo là các xã được quy định tại Quyết định số 131/QĐ-TTg ngày 25/01/2017 của Thủ tướng Chính phủ ngày về việc phê duyệt danh sách các xã đặc biệt khó khăn vùng bãi ngang ven biển và hải đảo giai đoạn 2016 - 2020.

+ Thôn đặc biệt khó khăn: được quy định tại Quyết định số 582/QĐ-TTg ngày 28/4/2017 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt danh sách thôn đặc biệt khó khăn, xã khu vực III, khu vực II, khu vực I thuộc vùng dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2016 - 2020.

- Ngoài ra, người dân tộc thiểu số thuộc một trong các diện sau đây cũng được trợ giúp pháp lý mà không phụ thuộc vào nơi cư trú:

+ Người dân tộc thiểu số là Người có công với cách mạng.

+ Người dân tộc thiểu số là Người thuộc hộ nghèo.

+ Người dân tộc thiểu số là Trẻ em.

+  Người dân tộc thiểu số là Người bị buộc tội từ đủ 16 tuổi đến dưới 18 tuổi.

+ Người dân tộc thiểu số là Người bị buộc tội thuộc hộ cận nghèo.

+ Người dân tộc thiểu số là người thuộc 1 trong 08 diện người thuộc nhóm có khó khăn về tài chính: Cha đẻ, mẹ đẻ, vợ, chồng, con của liệt sĩ và người có công nuôi dưỡng khi liệt sĩ còn nhỏ; Người nhiễm chất độc da cam; Người cao tuổi; Người khuyết tật; Người từ đủ 16 tuổi đến dưới 18 tuổi là bị hại trong vụ án hình sự; Nạn nhân trong vụ việc bạo lực gia đình; Nạn nhân của hành vi mua bán người theo quy định của Luật Phòng, chống mua bán người; Người nhiễm HIV.

2. Kết quả thực hiện TGPL cho người dân tộc thiểu số

2.1. Về truyền thông về trợ giúp pháp lý

Nhằm sớm đưa Luật TGPL năm 2017 đi vào cuộc sống, bảo đảm quyền và lợi ích hợp pháp cho đối tượng thụ hưởng, trong đó có người dân tộc thiểu số, công tác truyền thông về Luật và các văn bản hướng dẫn thi hành đã được Bộ Tư pháp và các địa phương đẩy mạnh bằng nhiều hình thức, phù hợp với điều kiện thực tế của trung ương và địa phương. Bộ Tư pháp đã tổ chức nhiều Hội nghị tập huấn về Luật và các văn bản hướng dẫn thi hành; nhiều phóng sự, bài viết trên các phương tiện thông tin đại chúng, góp phần nâng cao nhận thức của xã hội, của các Bộ, ngành và các địa phương về lĩnh vực TGPL, bảo đảm cho người dân, trong đó có người dân tộc thiểu số được tiếp cận, thụ hưởng dịch vụ TGPL miễn phí của nhà nước.Bên cạnh đó, Bộ Tư pháp đã xây dựng các tờ gấp giới thiệu về Luật TGPL năm 2017. Các nội dung truyền thông (báo hình, báo viết, báo nói, tờ gấp…) đều được chú trọng giới thiệu nội dung mới về người được TGPL là người dân tộc thiểu số cư trú ở vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn.

2.2. Về kết quả thực hiện vụ việc trợ giúp pháp lý

Thực hiện chính sách TGPL theo Luật TGPL cho người yếu thế nói chung và chính sách TGPL cho người dân tộc thiểu số nói riêng, các Trung tâm TGPL nhà nước trên toàn quốc đã có nhiều nỗ lực để cung cấp dịch vụ pháp lý miễn phí bằng các hình thức: tư vấn pháp luật, tham gia tố tụng, đại diện ngoài tố tụng… qua đó giúp đồng bào dân tộc thiểu số giải quyết các vướng mắc pháp luật trong các lĩnh vực pháp luật: hình sự, dân sự, đất đai, hôn nhân - gia đình, hành chính - khiếu nại, tố cáo…Tuy nhiên, Người dân tộc thiểu số phân bố không đều, tập trung nhiều ở các tỉnh miền núi phía bắc. Trong số 12 tỉnh có tỉ lệ người dân tộc chiếm từ 50% dân số trở lên thì bên cạnh Kon Tum (54,9%) thì có đến 11 tỉnh thuộc khu vực miền núi phiá bắc như: Cao Bằng (92,7%), Hà Giang (88,5%), Bắc Kạn (88,3%), Sơn La (84,7%), Lai Châu (84,5%), Lạng Sơn (84,3%), Điện Biên (84,2%), Hoà Bình (75,9%), Lào Cai (66,3%), Tuyên Quang (57,1%), Yên Bái (56,2%). Do vậy, số vụ việc thực hiện trợ giúp pháp lý cho người dân tộc thiểu số tập trung phần lớn tại các địa phương này.

Theo số liệu thống kê, từ năm 1997 đến tháng 6 năm 2019[1], các Trung tâm TGPL nhà nước các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương đã thực hiện TGPLđược 2,232,836 vụ việc cho 2,297,531 lượt người được trợ giúp pháp lý, trong đó có 457,613 người dân tộc thiểu số, chiếm gần 20%. Cụ thể như sau:

Stt Năm Vụ việc TGPL Tổng số người được TGPL Người được TGPL là người dân tộc
1 1997 22,802 22,842  871
2 1998 27,573 28,950 1,648
3 1999 40,793 42,221 1,861
4 2000 73,244 74,953 3,654
5 2001 100,573 101,329 8,674
6 2002 110,543 116,399 18,935
7 2003 142,743 147,219 20,888
8 2004 153,366 166,037 29,457
9 2005 135,233 144,048 23,320
10 2006 175,297 178,473 39,321
11 2007 112,099 110,211 20,001
12 2008 121,554 127,998 29,421
13 2009 101,913 108,298 29,953
14 2010 87,272 94,576 25,351
15 2011 85,816 83,336 14,350
16 2012 100,945 103,378 24,845
17 2013 126,721 130,808 30,862
18 2014 127,140 130,224 34,715
19 2015 141,651 142,660 41,737
20 2016 88,510 90,724 19,000
21 2017 84,825 85,955 18,285
22 2018 55,878 50,547 16,071
23 6/2019 16,345 16,345 4,393
Tổng số 2,232,836 2,297,531 457,613


Thông qua việc thực hiện các vụ việc cụ thể đã giúp đồng bào dân tộc thiểu số bảo vệ được quyền và lợi ích hợp pháp của mình, nâng cao hiểu biết và ý thức pháp luật, trên cơ sở đó để họ ứng xử phù hợp với pháp luật, tôn trọng và chấp hành pháp luật, góp phần bảo đảm công lý, thực hiện công bằng xã hội, giữ gìn trật tự an toàn xã hội, phòng ngừa vi phạm pháp luật. Qua công tác quản lý nhà nước chuyên ngành về chất lượng vụ việc TGPL, cho đến nay chưa có vụ việc nào có khiếu nại, kiến nghị về chất lượng vụ việc và yêu cầu bồi thường thiệt hại.

3. Những rào cản trong việc thực hiện TGPL cho người dân tộc thiểu số

- Đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống tại vùng sâu, vùng xa, đi lại khó khăn nên ít được tiếp cận với các thông tin về TGPL nên nhiều người chưa biết được quyền được TGPL của mình. Điều này đã phần nào ảnh hưởng đến việc triển khai hoạt động, sự tiếp cận của người dân với dịch vụ TGPL miễn phí của Nhà nước.

- Chất lượng nguồn nhân lực làm công tác TGPL phát triển chưa tương xứng với yêu cầu nhiệm vụ công tác TGPL trong tình hình mới; Đội ngũ trợ giúp viên pháp lý phát triển chậm, một số địa phương còn thiếu ổn định, chưa có đủ số lượng trợ giúp viên pháp lý cần thiết; Năng lực tổ chức bộ máy cán bộ để triển khai thực hiện TGPL cho đồng bào dân tộc thiểu số còn hạn chế do số lượng người thực hiện TGPL biết tiếng dân tộc còn ít nên một số trường hợp thực hiện TGPL phải thông qua lực lượng cán bộ tại chỗ phần nào cũng ảnh hưởng đến kết quả TGPL cho người dân do không kiểm soát được việc truyền đạt thông tin pháp luật.

- Cơ chế phối hợp giữa các cơ quan, ban ngành trong quá trình thực hiện chính sách TGPL cho đồng bào dân tộc thiểu số chưa đồng bộ, dẫn đến hiệu quả của việc thực hiện chính sách TGPL chưa cao.

- Công tác kiểm tra, giám sát việc triển khai thực hiện công tác dân tộc về TGPL còn hạn chế, chưa kịp thời để nắm bắt những khó khăn, vướng mắc trong thực tiễn để có những chính sách, giải pháp phù hợp và hiệu quả.

- Chất lượng vụ việc TGPL còn nhiều hạn chế, tập trung nhiều nhất ở 02 hình thức TGPL cơ bản là tư vấn pháp luật và tham gia tố tụng. Ở một số địa phương, có tình trạng người thực hiện TGPL (nhất là Luật sư mới hoặc luật sư già) chưa nghiên cứu kỹ hồ sơ vụ việc, không tham gia đầy đủ vào các hoạt động tố tụng (gặp bị can, bị cáo; thu thập chứng cứ…) hoặc có trường hợp khi ra Tòa thường chỉ đề nghị áp dụng các tình tiết giảm nhẹ nhưng không có lập luận hoặc chứng cứ cụ thể nên thiếu tính thuyết phục, làm ảnh hưởng đến uy tín của tổ chức TGPL cũng như chất lượng vụ việc TGPL và quyền, lợi ích hợp pháp của người được TGPL.

Những rào cản trên xuất phát từ những nguyên nhân sau:

- Nguyên nhân khách quan:

+ Hiệu quả công tác truyền thông còn nhiều hạn chế. Chất lượng, hiệu quả chưa đồng đều. Thời lượng và chất lượng truyền thông trên các phương tiện thông tin đại chúng còn ít, chưa đáp ứng được yêu cầu, đặc điểm của từng nhóm dân cư, cũng như đặc thù của các vùng miền hay từng dân tộc khác nhau. Vì vậy, một bộ phận không nhỏ dân cư, đặc biệt là nhóm người nghèo, người dân tộc thiểu số chưa biết đến TGPL.

+ Do tâm lý truyền thống giải quyết các công việc theo thói quen và phong tục, tập quán. Việt Nam là quốc gia có nhiều dân tộc, mỗi dân tộc đều có những phong tục, tập quán mang đậm sắc thái văn hóa của dân tộc mình. Đây là một rào cản lớn đối với người dân khi có lợi ích bị xâm hại những không được tiếp cận với hoạt động TGPL.

- Nguyên nhân chủ quan:

+ Vẫn còn tình trạng coi việc TGPL là nhiệm vụ của riêng ngành tư pháp nên có nơi Sở Tư pháp, Ban dân tộc tỉnh chưa chủ động trong việc phối hợp để thực hiện TGPL cho đồng bào dân tộc thiểu số hoặc có phối hợp nhưng chưa đồng bộ, dẫn đến hiệu quả của việc thực hiện chính sách TGPL chưa cao.

+ Cơ chế quản lý chất lượng hoạt động TGPL chưa có sự quan tâm đúng mức của các cấp ủy, chính quyền địa phương. Vấn đề chất lượng hoạt động TGPL và việc đánh giá, khẳng định chất lượng hoạt động TGPL thông thường chỉ do các Trung tâm TGPL nhà nước hoặc ngành Tư pháp tiến hành, ít có quan điểm, đánh giá của chủ thể thứ ba. Vì vậy, kết quá đánh giá còn mang tính chủ quan, áp đặt ý chí.

II. MỘT SỐ GIẢI PHÁP CHỦ YẾU ĐỂ NÂNG CAO CHẤT LƯỢNG HOẠT ĐỘNG TRỢ GIÚP PHÁP LÝ CHO NGƯỜI DÂN TỘC THIỂU SỐ

1. Tiếp tục hoàn thiện và triển khai có hiệu quả các văn bản về TGPL

Để triển khai có hiệu quả các văn bản quy phạm pháp luật về TGPL, thời gian tới cần nghiên cứu xây dựng một số văn bản như: Quyết định của Thủ tướng Chính phủ về TGPL cho người nghèo, đồng bào dân tộc thiểu số tại các huyện nghèo, xã nghèo giai đoạn sau năm 2020; Quy tắc nghề nghiệp TGPL; Thông tư thay thế Thông tư số 18/2013/TT-BTP và Thông tư số 05/2017 hướng dẫn cách tính thời gian và thủ tục thanh toán chi phí thực hiện vụ việc TGPL... Bên cạnh đó, cần tổ chức triển khai các văn bản mới ban hành, tăng cường theo dõi, đánh giá tổng kết việc thực hiện các văn bản.

2. Tăng cường công tác thông tin, truyền thông về trợ giúp pháp lý nói chung và quyền được trợ giúp pháp lý của người dân nói riêng

Đa dạng hóa các phương thức truyền thông về TGPL (qua báo, đài phát thanh, truyền hình, internet,...) phù hợp với từng đặc thù địa bàn, trình độ dân trí của người dân, đặc biệt là phù hợp với nhóm người dân tộc thiểu số, chẳng hạn xây dựng video, kịch bản liên quan đến câu chuyện pháp luật; đối với các dân tộc có chữ viết thì biên soạn tài liệu bằng tiếng dân tộc, có sự phối hợp giữa tổ chức thực hiện trợ giúp pháp lý với các cơ quan thông tin, đại chúng.

3. Nâng cao năng lực của đội ngũ người thực hiện trợ giúp pháp lý

- Căn cứ nhu cầu trợ giúp pháp lý, mỗi tỉnh cần xác định rõ số lượng người thực hiện TGPL nhất là Trợ giúp viên pháp lý, Luật sư ký hợp đồng thực hiện TGPL để trên cơ sở đó xây dựng Quy hoạch, tuyển dụng viên chức nhằm tạo nguồn bổ nhiệm Trợ giúp viên pháp lý hoặc đưa ra tiêu chí để ký hợp đồng với các Luật sư; Đồng thời chủ động trong việc bồi dưỡng chuyên môn, nghiệp vụ, kỹ năng thực hiện trợ giúp pháp lý cho đội ngũ này. 

- Đổi mới công tác đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ TGVPL và các viên chức của Trung tâm theo hướng kết hợp giữa tự học, tự nghiên cứu hoàn thiện mình với đào tạo, bồi dưỡng, tập huấn lại, trong đó đặc biệt chú trọng việc tự học tập nâng cao trình độ, cập nhật kiến thức mới và kỹ năng làm việc. Xây dựng kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng nâng cao chất lượng nguồn nhân lực làm công tác TGPL của địa phương hằng năm và dài hạn. Đổi mới nội dung, phương pháp đào tạo theo hướng tập trung vào hoạt động đào tạo, bồi dưỡng nâng cao trình độ chuyên môn nghề nghiệp, kỹ năng TGPL và kỹ năng làm việc với các đối tượng đặc thù và thực hiện TGPL trên từng lĩnh vực cụ thể.

4. Tăng cường phối hợp với cơ quan có liên quan

Tăng cường sự phối hợp giữa các tổ chức trợ giúp pháp lý với các cơ quan có liên quan (cơ quan tố tụng, các cơ quan, ban ngành, đoàn thể, tổ chức chính trị - xã hội, ...) để phát hiện và trợ giúp pháp lý kịp thời người dân tộc thiểu số; Các tổ chức thực hiện trợ giúp pháp lý đã chủ động tiếp cận, xử lý các thông tin liên quan đến người được TGPL là người dân tộc thiểu số trên các phương tiện thông tin đại chúng để kịp thời bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho họ;

Thiết lập mạng lưới tại cơ sở: các thiết chế có thể giúp người dân tiếp cận TGPL: UBND cấp xã; công chức tư pháp, hộ tịch; tổ hòa giải; già làng, trưởng bản, người có uy tín; cán bộ phụ nữ; công an xã; hội nông dân; hợp tác xã...

5. Tăng cường quản lý nhà nước về trợ giúp pháp lý

- Duy trì chế độ kiểm tra định kỳ và đột xuất về tổ chức và hoạt động của Trung tâm và Chi nhánh từ phía các cơ quan quản lý nhà nước để bảo đảm hoạt động TGPL được thực hiện theo đúng quy định của pháp luật, bảo đảm chất lượng hoạt động TGPL, không để xảy ra sai sót hoặc lợi dụng hoạt động TGPL để trục lợi; kịp thời phát hiện, đấu tranh và xử lý kịp thời đối với các hành vi vi phạm pháp luật về TGPL. Làm tốt công tác khen thưởng, tôn vinh, nêu gương người tốt, việc tốt, điển hình hoặc có đóng góp tích cực cho hoạt động TGPL; phê phán, lên án với những hành vi lệch lạc, lợi dụng hoạt động TGPL để trục lợi. Xây dựng cơ chế kiểm tra, giám sát, phản hồi kết quả giải quyết vụ việc đối với những vụ việc có tính chất phức tạp, kéo dài; làm tốt công tác giải quyết khiếu nại, tố cáo, xử lý phản ánh, kiến nghị của công dân liên quan đến tổ chức và hoạt động của Trung tâm, nhất là về chất lượng vụ việc TGPL.

- Tăng cường vai trò giám sát, phản biện của Mặt trận tổ quốc Việt Nam và các tổ chức thành viên của Mặt trận cũng như các cơ quan thông tin, báo chí đối với tổ chức và hoạt động của Trung tâm và Chi nhánh mà trọng tâm là thực hiện pháp luật về TGPL. Kịp thời phát hiện, nêu gương người tốt, việc tốt, những mô hình hay, điển hình cần được nhân rộng. Phê phán, lên án đối với các hành vi sai trái, vi phạm pháp luật để có giải pháp đấu tranh, khắc phục, sửa chữa.

- Tăng cường quản lý chất lượng, thực hiện đánh giá chất lượng vụ việc trợ giúp pháp lý, huy động đội ngũ chuyên gia pháp luật, luật sư,.. có nhiều kinh nghiệm tham gia đánh giá chất lượng vụ việc trợ giúp pháp lý. Đồng thời đề cao cơ chế lấy ý kiến các cơ quan liên quan, nhất là các cơ quan tiến hành tố tụng trong việc đánh giá chất lượng vụ việc trợ giúp pháp lý nhằm từng bước nâng cao chất lượng của hoạt động trợ giúp pháp lý và trách nhiệm của người thực hiện trợ giúp pháp lý./.

Trần Nguyên Tú

Phó trưởng phòng, Phòng Tài chính và quản lý chất lượng

 

 

[1] Số liệu thống kê không đầy đủ, có năm không đủ 63 tỉnh thành.

 

Xem thêm »