Kết quả lựa chọn, ký hợp đồng với luật sư thực hiện trợ giúp pháp lý trên địa bàn tỉnh Tây Ninh

20/08/2018
Xem cỡ chữ Đọc bài viết In trang Google

Luật sư thực hiện trợ giúp pháp lý là một trong những người thực hiện trợ giúp pháp lý được quy định tại Điều 17 của Luật Trợ giúp pháp lý năm 2017. Căn cứ vào nguồn lực trợ giúp pháp lý tại địa phương, Trung tâm trợ giúp pháp lý nhà nước tỉnh Tây Ninh (viết tắt là Trung tâm) đánh giá khả năng đáp ứng nhu cầu trợ giúp pháp lý của Trung tâm dựa trên kết quả thực hiện vụ việc trợ giúp pháp lý của năm trước, số lượng trợ giúp viên pháp lý, số lượng luật sư đã ký hợp đồng, số lượng vụ án được xét xử của năm trước, tổng số người được trợ giúp pháp lý, biến động của dân số địa phương và các nội dung khác có tác động tới công tác trợ giúp pháp lý tại địa phương để dự kiến số lượng luật sư ký hợp đồng thực hiện trợ giúp pháp lý.

Qua nguồn lực thực hiện trợ giúp pháp lý hiện có và số vụ việc trợ giúp pháp lý đã thực hiện năm 2017 và được sự đồng ý của Sở Tư pháp, Trung tâm thông báo lựa chọn luật sư để ký hợp đồng thực hiện trợ giúp pháp lý, dự kiến lựa chọn 10 luật sư. Giám đốc Trung tâm quyết định thành lập Tổ đánh giá hồ sơ lựa chọn luật sư có 05 thành viên gồm Giám đốc, Phó Giám đốc Trung tâm, 01 Trợ giúp viên pháp lý, 01 chuyên viên và Phó Chủ nhiệm Đoàn Luật sư tỉnh Tây Ninh.

Luật sư phải đảm bảo đủ các điều kiện thì mới được xem xét để ký hợp đồng thực hiện trợ giúp pháp lý, cụ thể là:

a) Không đang trong thời gian thi hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính trong hoạt động hành nghề luật sư;

b) Không bị cấm hành nghề hoặc bị hạn chế hoạt động nghề nghiệp theo quyết định của cơ quan có thẩm quyền;

c) Không đang bị truy cứu trách nhiệm hình sự;

d) Được sự đồng ý bằng văn bản của tổ chức hành nghề luật sư nơi luật sư đang làm việc hoặc cơ quan, tổ chức mà luật sư ký kết hợp đồng lao động.

Tổ chức, cá nhân đã thực hiện hành vi bị nghiêm cấm quy định tại khoản 1 Điều 6 của Luật Trợ giúp pháp lý thì không được lựa chọn, ký kết hợp đồng thực hiện trợ giúp pháp lý trong thời gian ít nhất là 02 năm kể từ ngày có kết luận vi phạm. Cụ thể là:

a) Xâm phạm danh dự, nhân phẩm, quyền và lợi ích hợp pháp của người được trợ giúp pháp lý; phân biệt đối xử người được trợ giúp pháp lý;

b) Nhận, đòi hỏi bất kỳ một khoản tiền, lợi ích vật chất hoặc lợi ích khác từ người được trợ giúp pháp lý; sách nhiễu người được trợ giúp pháp lý;

c) Tiết lộ thông tin về vụ việc trợ giúp pháp lý, về người được trợ giúp pháp lý, trừ trường hợp người được trợ giúp pháp lý đồng ý bằng văn bản hoặc luật có quy định khác;

d) Từ chối hoặc không tiếp tục thực hiện trợ giúp pháp lý, trừ trường hợp quy định tại Luật này và quy định của pháp luật về tố tụng;

đ) Lợi dụng hoạt động trợ giúp pháp lý để trục lợi, xâm phạm quốc phòng, an ninh quốc gia, gây mất trật tự, an toàn xã hội, ảnh hưởng xấu đến đạo đức xã hội;

e) Xúi giục, kích động người được trợ giúp pháp lý cung cấp thông tin, tài liệu sai sự thật, khiếu nại, tố cáo, khởi kiện trái pháp luật.

Trên cơ sở kết quả chấm điểm của Tổ đánh giá hồ sơ lựa chọn luật sư thì có 10 luật sư được lựa chọn để ký kết hợp đồng thực hiện trợ giúp pháp lý gồm: Trần Minh Tuấn, Lê Nguyễn Kim Hoàng, Nguyễn Văn Chất, Trần Thế Hòa Bình, Nguyễn Thị Kim Dung, Đinh Thái Hoàng, Vương Sơn Hải, Nguyễn Hữu Lộc, Phạm Thanh Điền, Trần Thanh Hà.

Trung tâm đã thông báo đến các luật sự được lựa chọn trong thời hạn 10 ngày kể từ ngày thông báo, luật sư được lựa chọn có trách nhiệm ký hợp đồng. Và đến nay các luật sự được lựa chọn cũng đã đến Trung tâm trợ giúp pháp lý để ký kết hợp đồng thực hiện trợ giúp pháp lý theo quy định./.

                                                                                 Ngọc Linh

Xem thêm »