Trung tâm Trợ giúp pháp lý Nhà nước tỉnh Phú Thọ tổ chức triển khai có hiệu quả chính sách trợ giúp pháp lý cho người nghèo, xã nghèo, thôn, bản đặc biệt khó khăn giai đoạn 2016-2020 và hỗ trợ vụ việc tham gia tố tụng có tính chất phức tạp và điển hình theo Quyết định số 32/2016/QĐ-TTg ngày 08/8/2016 của Thủ tướng Chính phủ

10/08/2020
Xem cỡ chữ Đọc bài viết In trang Google

Chính sách trợ giúp pháp lý cho người nghèo, xã nghèo, thôn, bản đặc biệt khó khăn giai đoạn 2016-2020 và hỗ trợ vụ việc tham gia tố tụng có tính chất phức tạp và điển hình theo Quyết định số 32/2016/QĐ-TTg ngày 08/8/2016 của Thủ tướng Chính phủ là chủ trương, chính sách lớn của Đảng và Nhà nước ta nhằm bảo đảm quyền con người, quyền công dân theo tinh thần Hiến pháp năm 2013 và là yêu cầu, nhiệm vụ quan trọng trong hoạt động trợ giúp pháp lý nhằm nâng cao nhận thức pháp luật, tăng cường ý thức tôn trọng và chấp hành pháp luật, hỗ trợ bảo đảm quyền và lợi ích hợp pháp cho người được trợ giúp pháp lý, góp phần xóa đói giảm nghèo nhanh và bền vững tại xã nghèo, xã có thôn, bản đặc biệt khó khăn.

Hiện tại, toàn tỉnh có 41 xã nghèo và 239 thôn, bản đặc biệt khó khăn thuộc diện đầu tư theo Chương trình 135 giai đoạn 2017-2020. Số lượng người được trợ giúp pháp lý trên địa bàn tỉnh khoảng 790.000 người (chiếm khoảng 52,3% dân số của tỉnh) với nhu cầu tìm hiểu pháp luật và trợ giúp pháp lý ở các lĩnh vực pháp luật là rất lớn. Trong những năm qua, thực hiện Quyết định số 32/2016/QĐ-TTg ngày 08/8/2016 của Thủ tướng Chính phủ và Kế hoạch số 5976/QĐ-UBND ngày 26/12/2016 về việc triển khai thực hiện Quyết định số 32/2016/QĐ-TTg ngày 08/8/2016 của Thủ tướng Chính phủ trên địa bàn tỉnh Phú Thọ giai đoạn 2016-2020; dưới sự chỉ đạo của Bộ Tư pháp, UBND tỉnh, Sở Tư pháp và Cục Trợ giúp pháp lý, Trung tâm Trợ giúp pháp lý Nhà nước tỉnh Phú Thọ đã triển khai thực hiện đồng bộ, kịp thời, có hiệu quả các nhiệm vụ trợ giúp pháp lý theo Quyết định số 32/2016/QĐ-TTg ngày 08/8/2016 của Thủ tướng Chính phủ.

 
Thực hiện chỉ đạo của Bộ trưởng Bộ Tư pháp, hàng năm, Trung tâm Trợ giúp pháp lý tham mưu, trình Giám đốc Sở Tư pháp ký ban hành Quyết định giao chỉ tiêu vụ việc trợ giúp pháp lý trong hoạt động tố tụng cho các trợ giúp viên pháp lý (Quyết định số 44/QĐ-STP ngày 08/3/2016, Quyết định số 32/QĐ-STP ngày 15/3/2017, Quyết định số 09/QĐ-STP ngày 25/01/2018 và Quyết định số 03/QĐ-STP ngày 11/01/2019) nhằm đẩy mạnh nhiệm vụ trợ giúp pháp lý trong hoạt động tố tụng, chú trọng vào các vụ việc phức tạp, điển hình, được dư luận quan tâm theo các Tiêu chí xác định vụ việc phức tạp, điển hình của Bộ trưởng Bộ Tư pháp. Từ tháng 8 năm 2016 đến nay, tổng số vụ việc tham gia tố tụng để bào chữa/bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho người bị bắt, người bị tạm giữ, bị can, bị cáo, đương sự là người được trợ giúp pháp lý có yêu cầu trong vụ án hình sự, dân sự và hành chính là 1.132 vụ việc, trong đó có 691  vụ việc là phức tạp, điển hình theo Tiêu chí xác định vụ việc phức tạp, điển hình của Bộ Tư pháp (chiếm 61,04% tổng số vụ việc). Đặc biệt, hoạt động tham gia tố tụng của Trợ giúp viên pháp lý được đẩy mạnh (từ tháng 8/2016 đến hết ngày 31/12/2016, trợ giúp viên pháp lý đã thực hiện 64 vụ việc; năm 2017, đã thực hiện 263 vụ việc; năm 2018, đã thực hiện 348 vụ việc; năm 2019, đã thực hiện 404 vụ việc), số vụ việc phức tạp, điển hình ngày càng tăng (năm 2017 có 193 vụ việc có tình chất phức tạp điển hình, năm 2018 có 286 vụ việc phức tạp điển hình, năm 2019 có 212 vụ việc phức tạp điển hình); vụ việc tham gia tố tụng của các Trợ giúp viên pháp lý, Luật sư được thực hiện có chất lượng, đúng quy trình, thủ tục. Nhiều vụ việc tham gia tố tụng trong lĩnh vực hình sự được thực hiện ở cả ba giai đoạn từ điều tra, truy tố đến xét xử sơ thẩm, phúc thẩm đã giúp người được trợ giúp pháp lý đảm bảo đẩy đủ quyền và lợi ích hợp pháp trong các vụ án.
Thông qua hoạt động tham gia tố tụng, nhất là những vụ việc có tính chất phức tạp hoặc điển hình rất nhiều lượt người dân thuộc đối tượng trợ giúp pháp lý đã được bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của mình. Với trên 80% vụ việc được Hội đồng xét xử chấp nhận quan điểm, luận cứ bào chữa/bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của người thực hiện trợ giúp pháp lý, nhiều vụ án người được trợ giúp pháp lý được chuyển đổi tội danh hoặc giảm nhẹ hình phạt đã để lại trong lòng người được trợ giúp pháp lý niềm tin vào hệ thống các cơ quan tư pháp. Kết quả tham gia tố tụng được các cấp, các ngành ghi nhận, đánh giá cao, nhân dân đồng tình ủng hộ đã khẳng định được vai trò, ý nghĩa của chính sách trợ giúp pháp lý đối với đời sống xã hội trong tiến trình xóa đói, giảm nghèo, nâng cao nhận thức pháp luật cho người dân.
Trên cơ sở Kế hoạch số 5976/QĐ-UBND ngày 26/12/2016 về việc triển khai thực hiện Quyết định số 32/2016/QĐ-TTg ngày 08/8/2016 của Thủ tướng Chính phủ trên địa bàn tỉnh Phú Thọ giai đoạn 2016-2020. Hàng năm, Trung tâm Trợ giúp pháp lý Nhà nước đều xây dựng Kế hoạch triển khai công tác truyền thông về trợ giúp pháp lý theo Quyết định số 32/2016/QĐ-TTg (Kế hoạch số 11/KH-TGPL ngày 22/9/2016, Kế hoạch số 01/KH-TGPL ngày 24/02/2017, Kế hoạch số 02/KH-TGPL ngày 09/3/2018 và Kế hoạch số 01/KH-TGPL ngày 03/01/2019) để tổ chức thực hiện cụ thể công tác truyền thông về trợ giúp pháp tại các xã nghèo, xã có thôn, bản đặc biệt khó khăn trên địa bàn tỉnh trong năm, qua đó giúp cho công tác truyền thông về trợ giúp pháp lý ở cơ sở được tổ chức triển khai thực hiện đồng bộ, toàn diện và có hiệu quả. Từ tháng 8/2016 đến nay, Trung tâm Trợ giúp pháp lý Nhà nước đã phối hợp với Phòng Tư pháp các huyện, UBND các xã nghèo, xã có thôn, bản đặc biệt khó khăn thực hiện tốt công tác này trên địa bàn các huyện Đoan Hùng, Tam Nông, Phù Ninh, Thanh Sơn, Tân Sơn, Cẩm Khê, Yên Lập, Thanh Ba, Thanh Thủy và Hạ Hòa. Lắp đặt 577 Bảng thông tin về trợ giúp pháp lý miễn phí, cấp phát trên 67.300 tờ gấp tuyên truyền pháp luật và trên 8.000 mẫu đơn yêu cầu trợ giúp pháp lý, qua đó giúp các đối tượng được trợ giúp pháp lý, nhân dân tại các xã nghèo, thôn, bản đặc biệt khó khăn hiểu rõ hơn các quy định của pháp luật về trợ giúp pháp lý và chủ động tiếp cận khi có nhu cầu trợ giúp pháp lý. Đến nay, 100% trụ sở UBND các xã nghèo, nhà văn hóa các thôn, bản đặc biệt khó khăn trên địa bàn tỉnh đã được lắp đặt Bảng thông tin về trợ giúp pháp lý miễn phí.
Kết hợp với công tác truyền thông và theo nhu cầu thực tế của địa phương, Trung tâm Trợ giúp pháp lý Nhà nước đã phối hợp với  Phòng Tư pháp các huyện Đoan Hùng, Tam Nông, Phù Ninh, Thanh Sơn, Tân Sơn, Cẩm Khê, Yên Lập, Thanh Ba, Thanh Thủy và Hạ Hòa tiến hành khảo sát nhu cầu trợ giúp pháp lý và tổ chức 135 Hội nghị truyền thông về trợ giúp pháp lý kết hợp với tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật tại địa bàn các xã đặc biệt khó khăn, xã có thôn, bản đặc biệt khó khăn với thành phần tham dự gồm đại diện Lãnh đạo Đảng ủy, HĐND và UBND xã, Lãnh đạo các ban, ngành, đoàn thể trong xã, cán bộ Tư pháp - Hộ tịch, Bí thư Chi bộ, Trưởng khu dân cư và người được hưởng TGPL cư trú tại địa phương. Nội dung tuyên truyền, giới thiệu Luật Trợ giúp pháp lý; chức năng, nhiệm vụ, tổ chức hoạt động của Trung tâm; tuyên truyền Luật Hôn nhân và Gia đình; Luật Người khuyết tật; Luật Hộ tịch; Bộ luật Dân sự; Bộ luật Hình sự; Luật Bình đẳng giới; Luật Đất đai; Luật Trẻ em .... và cấp phát miễn phí trên 35.000 tờ gấp pháp luật có nội dung liên quan trực tiếp đến quyền và lợi ích hợp pháp của công dân. Thông qua các Hội nghị truyền thông về trợ giúp pháp lý, Đoàn công tác đã tiếp nhận và trả lời hàng trăm ý kiến của người dân về những vướng mắc pháp luật, góp phần giảm tải những khiếu nại, tối cáo, giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội ngay từ cơ sở. Đồng thời, đưa ra một số kiến nghị với cấp ủy, chính quyền địa phương cơ sở để giải quyết những vướng mắc của nhân dân và tăng cường công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật cho người dân trên địa bàn. Lồng ghép tổ chức 09 hội nghị tuyên truyền về Luật Trợ giúp pháp lý năm 2017 trên địa bàn huyện Thanh Sơn và huyện Tân Sơn.
Trung tâm Trợ giúp pháp lý Nhà nước phối hợp với Đài Phát thanh và Truyền hình tỉnh xây dựng 03 phóng sự chuyên đề về công tác TGPL phát sóng trên Đài phát thanh và Truyền hình tỉnh. Từ năm 2017 đến nay, Trung tâm Trợ giúp pháp lý Nhà nước đã phối hợp với Phòng Tư pháp, Đài Truyền thanh huyện Tân Sơn xây dựng, phát chuyên trang, chuyên mục về trợ giúp pháp lý bằng tiếng Việt, tiếng dân tộc Mường trên sóng Đài Truyền thanh huyện và Đài Truyền thanh 17/17 xã trên địa bàn huyện. Năm 2019, Trung tâm Trợ giúp pháp lý Nhà nước tiếp tục phối hợp với Phòng Tư pháp, Đài Truyền thanh các huyện Thanh Sơn, Yên Lập, Cẩm Khê, Hạ Hòa, Thanh Ba và Đoan Hùng xây dựng, phát chuyên trang, chuyên mục về trợ giúp pháp lý bằng tiếng Việt tại Trạm phát thanh 35 xã đặc biệt khó khăn và 186 thôn, bản đặc biệt khó khăn ở 63 xã trên địa bàn các huyện. Phối hợp với Viễn thông Phú Thọ thiết lập “Đường dây nóng” về trợ giúp pháp lý và thực hiện thông báo công khai trên các phương tiện thông tin đại chúng, Bảng thông tin về trợ giúp pháp lý, tờ gấp pháp luật, duy trì tốt hoạt động của “Đường dây nóng”. Đến nay, đã có tổng số 59 lượt người được tư vấn pháp luật và hướng dẫn trình tự, thủ tục thực hiện trợ giúp pháp lý.
Thực hiện chỉ đạo, kế hoạch công tác của Hội đồng phối hợp liên ngành về trợ giúp pháp lý trong hoạt động tố tụng tỉnh, Sở Tư pháp đã chỉ đạo Trung tâm Trợ giúp pháp lý Nhà nước thực hiện việc niêm yết 59 Bảng thông tin, 59 Hộp tin về trợ giúp pháp lý tại trụ sở các cơ quan tiến hành tố tụng cấp quân sự quân khu, khu vực, cơ quan tiến hành tố tụng cấp tỉnh, cấp huyện và Trại tạm giam Công an tỉnh, Nhà tạm giữ thuộc Công an cấp huyện, đảm bảo 100% các cơ quan tiến hành tố tụng được lắp đặt Bảng thông tin, hộp tin về trợ giúp pháp lý. Thực hiện cấp phát 565 cuốn thông tin về tổ chức thực hiện trợ giúp pháp lý, trên 5.000 mẫu đơn yêu cầu trợ giúp pháp lý và hệ thống các loại sổ sách, biểu mẫu cho các cơ quan tiến hành tố tụng cấp quân sự quân khu, khu vực, cơ quan tiến hành tố tụng cấp tỉnh, cấp huyện  để thực hiện thống nhất, có hiệu quả Luật Trợ giúp pháp lý năm 2017 và Thông tư liên tịch số 10/2018/TTLT-BTP-BCA-BQP-BTC-TANDTC-VKSNDTC.
Năm 2018, thực hiện Kế hoạch số 4792/KH-TGPL ngày 24/10/2017 của UBND tỉnh về triển khai thi hành Luật Trợ giúp pháp lý trên địa bàn tỉnh, Sở Tư pháp đã tổ chức Hội nghị tập huấn chuyên sâu về Luật Trợ giúp pháp lý và các văn bản hướng dẫn thi hành với trên 200 người tham dự. Thông qua Hội nghị, đại diện lãnh đạo và cán bộ, công chức ở các cấp, các ngành trong tỉnh, những người làm công tác trợ giúp pháp lý đã được nắm bắt đầy đủ, kịp thời nội dung cơ bản của pháp luật về Luật Trợ giúp pháp lý, các văn bản hướng dẫn thi hành và Thông tư liên tịch số 10/2018/TTLT-BTP-BCA-BQP-BTC-TANDTC-VKSNDTC ngày 29/6/2018 của Bộ trưởng Bộ Tư pháp, Bộ trưởng Bộ Công an, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng, Bộ trưởng Bộ Tài chính, Chánh án Tòa án nhân dân tối cao, Viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân tối cao quy định về phối hợp thực hiện trợ giúp pháp lý trong hoạt động tố tụng. Hội nghị đã góp phần đưa chính sách trợ giúp pháp lý mới lan tỏa rộng khắp ở các cấp, các ngành từ cấp tỉnh đến cơ sở, nâng cao hiểu biết và tăng cường trách nhiệm phối hợp giữa hệ thống tổ chức thực hiện trợ giúp pháp lý với các cơ quan, đơn vị, địa phương trong tỉnh trong tiến trình đẩy mạnh phát triển hoạt động trợ giúp pháp lý theo hướng chuyên nghiệp và hiện đại hóa.
Từ tháng 8/2016 đến nay, Trung tâm đã tham mưu Giám đốc Sở Tư Sở Tư pháp quyết định cử 03 viên chức của Trung tâm theo học khóa đào tạo nghề luật sư tại Học viên Tư pháp nhằm tạo nguồn bổ nhiệm trợ giúp viên pháp lý . Thường kỳ, Trung tâm cử cử cán bộ, viên chức, luật sư thực hiện trợ giúp pháp lý tham gia đầy đủ các Hội nghị tập huấn, bồi dưỡng kỹ năng, nghiệp vụ trợ giúp pháp lý, các buổi Tọa đàm do Cục Trợ giúp pháp lý thuộc Bộ Tư pháp và các cơ quan, ban ngành tổ chức. Thường xuyên tổ chức sinh hoạt chuyên đề với trên 200 lượt người tham gia để trao đổi, tháo gỡ kịp thời những khó khăn vướng mắc trong hoạt động nghề nghiệp...
Năm 2017, Cục Trợ giúp pháp lý tiến hành kiểm tra công tác trợ giúp pháp lý theo Kế hoạch số 15/KH-CTGPL ngày 04/7/2017 về việc kiểm tra công tác trợ giúp pháp lý trên địa bàn; Năm 2018, Sở Tài chính thực hiện thanh tra tài chính của Trung tâm năm 2016 và năm 2017. Năm 2019, Đoàn thanh tra của Sở Tư pháp tiến thành thanh tra về việc thanh tra việc chấp hành pháp luật về phòng, chống tham nhũng, hoạt động trợ giúp pháp lý tại Trung tâm Trợ giúp pháp lý Nhà nước tỉnh Phú Thọ và Đoàn giám sát của Ban Dân tộc HĐND tỉnh giám sát tình hình, kết quả thực hiện Chính sách trợ giúp pháp lý cho người nghèo, xã nghèo, thôn, bản đặc biệt khó khăn giai đoạn 2016-2020 và hỗ trợ vụ việc tham gia tố tụng có tính chất phức tạp và điển hình theo Quyết định số 32/2016/QĐ-TTg ngày 08/8/2016 của Thủ tướng Chính phủ.
Qua thanh tra, kiểm tra, giám sát đều kết luận không có sai phạm trong công tác chuyên môn, nghiệp vụ, sử dụng, thanh, quyết toán kinh phí, vi phạm pháp luật về phòng chống tham nhũng phải khắc phục, xử lý. Các nhiệm vụ trợ giúp pháp lý theo 32/2016/QĐ-TTg ngày 08/8/2016 của Thủ tướng Chính phủ được triển khai kịp thời, đồng bộ và có hiệu quả.
Đề đạt được những kết quả đó, phải kể đến công tác trợ giúp pháp lý luôn nhận được sự quan tâm, tạo điều kiện của UBND tỉnh, Cục Trợ giúp pháp lý thuộc Bộ Tư pháp. Luật Trợ giúp pháp lý năm 2017 thay thế Luật Trợ giúp pháp lý năm 2006 và các văn bản hướng dẫn thi hành được ban hành kịp thời là căn cứ pháp lý quan trọng để tổ chức thực hiện tốt các hoạt động trợ giúp pháp lý ở địa phương. Đội ngũ người làm công tác trợ giúp pháp lý có năng lực, trình độ, tuân thủ đạo đức nghề nghiệp, luôn nhiệt tình, trách nhiệm với công việc được giao; Công tác tham mưu, đề xuất UBND tỉnh, Sở Tư pháp  ban hành văn bản chỉ đạo thực hiện chính sách trợ giúp pháp lý cho người nghèo, xã nghèo, thôn, bản đặc biệt khó khăn giai đoạn 2016- 2020 và hỗ trợ vụ việc tham gia tố tụng có tính chất phức tạp và điển hình theo Quyết định số 32/2016/QĐ-TTg ngày 08/8/2016 của Thủ tướng Chính phủ được thực hiện kịp thời, có trọng tâm, trọng điểm tạo cơ sở pháp lý vững chắc cho công tác chỉ đạo, điều hành và tổ chức thực hiện theo chức năng, nhiệm vụ; công tác phối hợp về trợ giúp pháp lý được thực hiện đồng bộ, chặt chẽ  đặc biệt là công tác phối hợp về trợ giúp pháp lý trong hoạt động tố tụng giữa Sở Tư pháp, Trung tâm Trợ giúp pháp lý với các cơ quan tiến hành tố tụng cấp tỉnh, cấp huyện và công tác phối hợp giữa Trung tâm Trợ giúp pháp lý Nhà nước với Phòng Tư pháp cấp huyện, chính quyền địa phương xã nghèo, xã có thôn, bản đặc biệt khó khăn trong công tác truyền thông về trợ giúp pháp lý ở cơ sở.
Trong thời gian tới, dù vẫn còn nhiều khó khăn, thách thức, song tập thể Trung tâm Trợ giúp pháp lý nhà nước tỉnh Phú Thọ phát huy những kết quả đã đạt được, luôn chung sức, đồng lòng đoàn kết, phấn đấu thực hiện đầy đủ, chính xác, đạt kết quả mọi yêu cầu, nhiệm vụ đặt ra để đưa mô hình hoạt động trợ giúp pháp lý trong tỉnh thực sự trở thành một địa chỉ tin cậy, quen thuộc dành cho người nghèo và các đối tượng chính sách trên con đường “xóa đói, giảm nghèo về nhận thức pháp luật” vì mục tiêu dân giầu, nước mạnh, xã hội công bằng, dân chủ và văn minh. Tuy nhiên, để làm được điều đó cũng đòi hỏi và rất cần phải có sự quan tâm, ủng hộ, giúp đỡ của mọi cơ quan, tổ chức, cá nhân dành cho hoạt động trợ giúp pháp lý trong giai đoạn hiện nay và các giai đoạn kế tiếp vì “trợ giúp pháp lý không chỉ là trách nhiệm của Nhà nước mà còn là việc làm của toàn xã hội”./.

                                                                                                                                                                                     ĐOÀN HỮU VĂN
                                                                                                                                                                Phó Giám đốc Trung tâm TGPL Nhà nước
 

 

Xem thêm »